Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

08/02/2022

Trung Quốc hạn chế xả nước đập

RFA tiếng Việt

Nước mặn xâm nhập sớm tại Đồng bằng sông Cửu Long ra sao ?

Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Đồng bằng sông Cửu Long bị mặn xâm nhập sớm là do các đập thủy điện ở Trung Quốc hạn chế xả nước khiến dòng chảy về khu vực này bị giảm mạnh.

xanuoc1

Ảnh minh họa chụp tại Mỹ Xuyên - Đồng bằng sông Cửu Long trước đây. AFP PHOTO

Viện Thủy lợi cho rằng, lý do Trung Quốc xả nước hạn chế để trữ nước tại các hồ chứa và lợi dụng cột nước cao để phát điện. Đơn cử như tại thủy điện Cảnh Hồng lưu lượng xả về hạ lưu từ ngày 23/1/2022 đến nay chỉ trên dưới 700 m3/giây, tương đương một tổ máy phát điện. Dự báo thời gian tới, các hồ trên lưu vực sẽ còn tiếp tục xả nước hạn chế, do đó dòng chảy còn giảm nhanh.

Còn theo Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ở vùng các cửa sông Cửu Long trong tháng 2, tháng 3 năm 2022, ranh mặn 4 g/l có khả năng xâm nhập sâu từ 50-65 km.

Một người dân giấu tên ở Bến Tre cho biết tình hình thực tế hiện nay :

"Năm nay thì mặn hình như sớm hơn so với dự kiến. Hầu như mình cũng chuẩn bị sẵn tâm lý... đã bị một lần rồi, ai cũng sợ nên cũng chuẩn bị biện pháp sợ mặn xâm nhập... để có nước ngọt sử dụng".

Một người trồng trái cây giấu tên khác ở An Giang thì cho biết, nếu không biết nước nhiễm mặn mà tưới cây thì sẽ bị hư hại :

"Nước mặn mà không theo dõi nước mà tưới thì sẽ bị thiệt hại, trái không lớn, lá bị rụng... Theo dõi báo đài thì tui xuống tắm sông để thử nước bằng miệng, coi nó mặn lợ thế nào ?"

Theo Viện khoa học thủy lợi miền Nam, mặn xuất hiện sớm và kéo dài có thể cũng làm ảnh hưởng đến nguồn nước và sản xuất ở các hệ thống thuỷ lợi ven biển như Gò Công, Bắc Bến Tre, vùng ven biển Trà Vinh... Các tỉnh Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau và Kiên Giang có thể bị ảnh hưởng đến sản xuất cả mặn và ngọt.

RFA hôm 8/2 liên lạc Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long và được ông cho biết :

"Năm nay theo Ủy hội sông Mekong đánh giá thì tổng dòng chảy năm của sông Mekong thì là năm thấp nhất thứ chín trong lịch sử. Nhưng thật ra con số đó không nói gì được nhiều, vì là dòng chảy trong cả năm, mình phải tính dòng chảy trong mùa lũ... và lượng ở trên họ trữ, thì tính đến đầu tháng 12 năm qua thì đập trên đó khá đầy, sẽ làm giảm dòng chảy mùa lũ. Nhưng trong mùa khô thì chắc chắn họ phải xả ra, việc họ xả lúc nào tùy theo lúc họ phát điện. Cho nên dù trước dù sau thì họ cũng phải xả ra với lượng lớn, vì vậy trong năm nay tình hình hạn mặn sẽ không gay gắt như những năm gay gắt vừa qua. Còn lúc này, thì hạn mặn có thể đến trong tuần tới, do thủy triều đưa lên theo con nước rong ngày rằm và ngày 30. Nếu như nước rong lên trùng với nước trên đập không về thì mặn sẽ đẩy vào".

Nhưng theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, việc này sẽ chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn, nước rong sẽ hạ xuống rồi mặn sẽ rút ra, tình hình chung theo ông Thiện sẽ không gay gắt lắm.

Còn Giáo sư Võ Tòng Xuân, một chuyên gia nông nghiệp, Hiệu trưởng trường Đại học Nam Cần Thơ, khi trả lời RFA hôm 8/2, thì cho rằng đây là việc không thể tránh, cần thay thế cây trồng tùy theo đất nhiễm mặn thuộc vùng nào :

"Rõ ràng là do nước trên sông Cửu Long xuống mình ít hơn, các đập trên đó chưa xả, mùa khô họ chuẩn bị sử dụng nước trên đó... Cái này mình phải chịu thôi, mùa khô thì mặn về, mùa mưa thì nước ngập nhiều hơn, mình không thể tránh. Vì mấy ông trên kia có quyền của ổng, không theo cam kết với Hiệp hội sông Mekong. Họ cứ theo việc sử dụng nước ở đó, mình không thể nói gì, chỉ có cách là mình phải chuyển sang nuôi tôm. Ví dụ vùng ven biển thì đâu có ai ngu xuẩn trồng lúc trong mùa này, chỉ trồng trong mùa mưa thôi".

Liệu chuyển đổi nuôi tôm mùa khô và trồng lúa mùa mưa, thay đồi nước mặn, nước lợ với nước ngọt và ngược lại có làm ảnh hưởng, hư hại đất nền ? Liên quan vấn đề này, Giáo sư Võ Tòng Xuân giải thích :

"Nếu đúng kỹ thuật thì không ảnh hưởng, tức là mình cho nước mặn vô khi đất còn ướt, thì mặn chỉ nằm trên mặt đất, chứ không xuống lòng đất. Những người nào để cho đất khô rồ cho nước mặn vô thì đất đó sẽ hư, nhiễm mặn mấy năm trời... Nhưng bây giờ người làm đã biết, có kinh nghiệm rồi. "

Đối với vùng đồng bằng sâu trong đất liền bị mặn xâm nhập, thì theo Giáo sư Võ Tòng Xuân người dân có thể không trồng gì vào mùa khô, vì có thể nước mặn không ở đó lâu. Hoặc nếu vùng mà nhiễm mặn lâu mà nông dân chưa chuyển sang cây ăn trái thì ông Xuân cho biết có thể trồng cây bo bo để sản xuất ra cồn, rượu Rum... hay như bên Trung Quốc thì họ lấy hạt bo bo sản xuất ra rượu Mao Đài rất đắt tiền...

Còn Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho biết, trước đây ông đã đưa ra cảnh báo, nhưng hiện nay thì mọi việc đã rồi, khó có thể thay đổi, ông giải thích :

"Tức là sự trữ nước ở trên làm rối loạn tự nhiên, nước xuống nước về tùy việc xả của phía trên. Nó có ba loại năm, những năm bình thường thì mình có thể kỳ vọng một quy luật mới, gọi là bình thường mới và mùa lũa giảm đi và dòng chảy mùa khô tăng. Còn những năm đặc biệt khô hạn, đã thiếu nước mà các đập ở trên tích nước càng làm tình hình tồi tệ thêm. Còn những năm lũ đặc biệt cao, các đập kia đầy quá phải xả thì gây ra lũ chồng lũ".

Nói chung, theo Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, các đập làm cho hệ thống tự nhiên vận hành theo nhân tạo, hạ lưu phải phụ thuộc vào sự tích trả nước của đập thủy điện. Và việc đắp đập trên sông Mekong vì lợi ích của đầu tư thủy điện, chứ không vì lợi ích của mấy chục triệu dân sống ở hạ lưu. Ông Thiện nói tiếp :

"Ngày xưa khi chúng tôi đánh giá các đập thủy điện có đưa ra cảnh báo, những tác động một khi đã xây rồi sẽ nghiêm trọng và không thể đảo ngược. Bây giờ các đập đã xây thì coi như đặt mình vào thế đã rồi".

Ủy hội sông Mekong - MRC vào năm 2021 đã thông báo mực nước sông Mekong đang ở mức rất thấp, một phần vì hạn chế dòng chảy từ các đập thủy điện của Trung Quốc ở thượng nguồn sông Mekong. MRC kêu gọi Bắc Kinh chia sẻ tất cả các dữ liệu về dòng chảy của sông này.

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 331 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)