Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

25/05/2017

ASEAN-Trung Quốc : Đường đến giải pháp cho Biển Đông còn xa vời

RFI tiếng Việt

Trung Quốc và ASEAN ngày 18/05/2017 đã nhất trí trên một bản dự thảo khung của một bộ Quy Tắc Ứng Xử hầu phòng ngừa xung đột tại Biển Đông. Chi tiết thỏa thuận không được tiết lộ, nhưng nhiều người nhìn thấy đấy là dấu hiệu tiến bộ đối với một văn kiện đã được gợi lên từ 15 năm nay. Câu hỏi đặt ra là liệu dự thảo khung đó có thể dẫn tới một thỏa thuận mang tính ràng buộc chấm dứt tranh chấp hay không ?

bd1

Tàu Trung Quốc đào đắp tại Đá Vành Khăn (Mischief Reef), Trường Sa. Ảnh do một phi cơ trinh sát P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ chụp ngày 21/05/2015.U.S. Navy/Handout via Reuters

Trả lời phỏng vấn của truyền thông Đức Deutsche Welles, Bill Hayton, một chuyên gia nổi tiếng về Châu Á, hoài nghi về khả năng hai bên đạt được một thỏa thuận thực thụ khả dĩ chấp nhận được trong thời gian trước mắt, đàm phán sẽ còn gay go, và điểm tích cực duy nhất theo chuyên gia này việc hai bên thảo luận với nhau sẽ cho phép xây dựng sự tin tưởng, và dù tranh cãi, điều đó vẫn tốt hơn nhiều so với không nói năng gì cả.

Trung Quốc chiêu dụ các láng giềng ?

Về tình hình tại Biển Đông tương đối lặng sóng trong vài năm gần đây sau cơn sốt giàn khoan HD-981, chuyên gia Hayton cho rằng đó chủ yếu vì Bắc Kinh đang tung chiến dịch chiêu dụ các nước Đông Nam Á, và dồn sức vào việc bồi đắp các thực thể mà họ kiểm soát tại vùng Trường Sa.

Ông nhận thấy có một số chuyện diễn ra cùng lúc. Một là Trung Quốc đang mở chiến dịch chiêu dụ Đông Nam Á và cố tránh làm những điều có thể khiến cho các láng giềng tức giận.

Từ gần 3 năm nay tình hình khá yên ắng. Từ khi căng thẳng bùng lên với Việt Nam sau khi Trung Quốc triển khai giàn khoan trong vùng biển tranh chấp, Trung Quốc dường như hành xử tốt hơn nhiều. Chuyên gia này cho rằng Bắc Kinh đã cảm thấy đã thua thiệt nhiều trong vụ đó và từ đấy đã không làm như thế nữa.

Nhưng cùng lúc thì Trung Quốc cho ồ ạt bồi đắp các đảo trong vùng. Có lẽ việc đó đã hút hết nghị lực của Trung Quốc. Khi mà các đảo này xây xong thì có thể thấy Trung Quốc có thái độ hung hăng trở lại.

Một điểm khác cần lưu ý là Trung Quốc cũng có tranh chấp với Nhật Bản và đang dồn nhiều sức lực vào tranh chấp về Senkaku/Điếu Ngư. Trên mặt lịch sử, Trung Quốc chưa bao giờ tiến hành dồn sức vào hai mặt trận cùng một lúc. Thông thường nếu mặt trận này tích cực thì mặt trận kia kém năng động hơn. Và dường như đó là điều đang diễn ra hiện nay.

Vả lại Trung Quốc sẽ tiến hành Đại Hội Đảng trong năm nay, và có thể là giới lãnh đạo Bắc Kinh không muốn gây xáo trộn, làm mất ổn định khu vực trước lúc diễn ra một sự kiện then chốt như thế.

Hơn nữa Trung Quốc đang vận động để nhiều người ủng hộ kế hoạch con đường tơ lụa mới OBOR của ông Tập Cận Bình, đó cũng là lý do khác khiến cho Trung Quốc kềm giữ cho tình hình yên tĩnh vào lúc này.

Trung Quốc đã thực hiện những gì muốn làm ?

Theo quan điểm nhiều người hiện nay, Trung Quốc đã hoàn tất những gì họ muốn hoàn tất ở Biển Đông, cho nên tình hình hiện tại yên ắng hơn một chút.

Đối với chuyên gia Hayton lập luận này có phần đúng : Trung Quốc đã chiếm đóng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa, họ đang xây dựng căn cứ của họ ở đấy.

Họ cũng đang xây dựng đảo nhân tạo ở Biển Đông, nhưng công trình xây cất chưa xong hẳn. Đó sẽ là những căn cứ rất hùng mạnh. Nhiều chuyên gia nghĩ là Trung Quốc cũng muốn xây dựng cơ sở trên bãi Scarborough nữa, và đó là điểm thứ 3 trong tam giác sắt ở Biển Đông.

Trung Quốc có nhiều lý do để muốn xây dựng các đảo này. Một số đảo là do vấn đề lịch sử, lãnh thổ, còn một số khác là nhằm che giấu tàu ngầm nguyên tử ở Biển Đông hay để làm bàn đạp tung lực lượng ra gần eo biển Malacca, ngăn ngừa Mỹ phong tỏa đường tiếp tế của họ trong trường hợp nổ ra chiến tranh.

Dự thảo khung COC không dẫn đến đâu ?

Riêng về sự kiện Trung Quốc và ASEAN vừa thông báo đạt thỏa thuận trên dự thảo khung bộ quy tắc ứng xử (COC) ở Biển Đông, ông Bill Hayton cho rằng từ lúc có dự thảo khung cho đến khi đạt được thỏa thuận thực thụ trên một bộ quy tắc ứng xử, con đường còn rất nhiều chông gai, nhất là khi Trung Quốc vẫn muốn bồi đắp bãi Scarborough thành một cứ điểm quân sự để khống chế Biển Đông.

Do đó ông không nghĩ là bản thân dự thảo khung này sẽ dẫn đến một cái gì sắp tới đây. Nhưng các cuộc thảo luận trên vấn đề này là một phương thức tốt xây dựng sự tin tưởng. Việc mọi người ngồi vào bàn và thảo luận với nhau về những chuyện này là tốt hơn không nói gì cả.

Ông Hayton phân tích lý do khiến ông không nghĩ là các bên sẽ đạt một thỏa thuận.

Một là Trung Quốc vẫn giữ ý muốn xây dựng trên bãi Scarborough. Và họ sẽ không ký bất kỳ một cái gì có thể ngăn chặn không cho họ làm việc này.

Điểm khác nữa là Trung Quốc rất ghét bị một thỏa thuận trói buộc về mặt pháp lý, trong lúc mà ASEAN thì lại muốn điều này. Đối với các nước ASEAN ký một bộ quy tắc ứng xử mà không có "răng" (tức là không có tính ràng buộc) thì không có ý nghĩa gì cả. Họ muốn có một loại công cụ để kiểm soát hành vi của Trung Quốc, Bắc Kinh thì không muốn điều này chút nào.

Một điểm bất đồng thứ ba là Trung Quốc muốn giới hạn việc áp dụng bộ quy tắc ứng xử ở Trường Sa trong lúc những nước như Việt Nam và Philippines muốn đưa Hoàng Sa và bãi Scarborough vào. Hiện chưa thấy hướng giải tỏa bất đồng này là như thế nào.

Chính sách của Mỹ gây bất an

Đối với chuyên gia Hayton, chính sách chưa rõ ràng về Biển Đông của chính quyền Mỹ hiện nay đang khiến cho đồng minh và đối tác của Mỹ trong vùng bất an, nhất là khi có dấu hiệu là ông Donald Trump có khả năng nhẹ tay với Trung Quốc trên hồ sơ Biển Đông để tranh thủ Trung Quốc trên vấn đề Bắc Triều Tiên.

Trước hết ông Hayton nêu lên vấn đề liên quan đến hành trình của chiếc tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson, thoạt đầu được cho là đi về phía bán đảo Triều Tiên nhưng lại không đi đến đó như theo thông báo ban đầu tiên mà chỉ đến khu vực sau đó. Trên nguyên tắc con tàu có con đường ngắn hơn để đến vùng bán đảo Triều Tiên là đi xuyên qua Biển Đông, nhưng Mỹ lại không chọn con đường đó mà lại đi vòng.

Điều đó khiến người ta tự hỏi liệu đó cũng là động thái thiện chí của Mỹ đối với Trung Quốc để Bắc Kinh mạnh tay hơn với Bắc Triều Tiên hay không.

Theo Bill Hayton những gì mà chính quyền Trump đang làm đã tạo ra nhiều cảm giác bất ổn nơi các quốc gia Đông Nam Á. Họ cảm thấy vững tâm hơn với chính sách Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Barack Obama.

Các quốc gia này muốn Mỹ cam kết, dấn thân nhiều hơn, và với ông Obama, họ cũng thấy rõ hơn điều Mỹ chuẩn bị thực hiện. Nhưng bây giờ thì họ không biết cam kết của Mỹ đối với họ như thế nào, ông Trump có gạt qua một bên quyền lợi của họ để chỉ tập trung vào Bắc Triều Tiên hay không. Đó là điều có lẽ hiện đang xẩy ra.

Trong tình hình mơ hồ, bấp bênh đó, những nước trong vùng đang nghĩ đến việc dựa vào các tác nhân khác như Nhật Bản, đang gia tăng những cam kết dấn thân như cung cấp tàu, hỗ trợ tài chính, tập trận chung chẳng hạn.

Việt Nam - Trung Quốc, quan hệ hữu nghị nhưng sẵn sàng đối phó vũ trang

Riêng về Việt Nam, ông Bill Hayton ghi nhận hai hướng hành động song song : xây dựng lại quan hệ với Trung Quốc, nhưng tăng cường võ trang để sẵn sàng đối phó với Bắc Kinh khi cần.

Một điều rõ ràng là Việt Nam đang xây dựng lại mối quan hệ với Trung Quốc. Đã có những cuộc gặp song phương, Việt Nam đang hàn gắn lại quan hệ. Yếu tố hai nước cùng là cộng sản cũng là điều kiện thuận lợi. Mối liên hệ giữa hai đảng thân mật hơn trước nhiều, và cho phép những thảo luận cởi mở hơn là thảo luận giữa hai chính quyền với nhau.

Nhưng Việt Nam đồng thời cũng nâng cấp quân đội, mua một loạt trang thiết bị quân sự kể cả tàu ngầm có thể đe dọa tàu Trung Quốc.

Tóm lại Việt Nam đang làm hai chuyện cùng một lúc : xây dựng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc trong lúc vẫn nâng cao khả năng quân sự, theo hướng xây dựng một khả năng đe dọa quân sự đáng kể đối với Trung Quốc nếu phải đi đến một cuộc đối đầu.

Mai Vân

Quay lại trang chủ
Read 669 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)