Đập thủy điện Trung Quốc, Lào xả nước bất thường, nguy cơ cho Đồng bằng sông Cửu Long
Trong tuần qua, các đập thủy điện Trung Quốc và Lào xả hàng trăm triệu mét khối nước khiến lượng nước sông Mê Kông vượt 66% dòng chảy tự nhiên.
Reuters
Truyền thông nhà nước loan tin trên trong ngày 30/3 dựa theo báo cáo cập nhật của dự án Mekong Dam Monitoring (MDM).
Theo MDM, cụ thể trong tuần qua hai đập thủy điện của Trung Quốc là Tiểu Loan và Nọa Trát Độ cùng với hai đập thủy điện của Lào là Nam Ngum 1 và Nam Ngum 2 đều xả lũ nượt 100 triệu mét khối mỗi đập.
MDM cũng cho biết chín trong số các đập mà MDM theo dõi có mực nước hồ chứa tăng.
MDM đánh giá trong báo cáo rằng việc xả đập đang khiến mực nước sông dâng lên cao hơn mức nước của dòng chảy tự nhiên. Cụ thể, tại Chiang Saen (Thái Lan) có 66% lượng nước vượt mức theo mô hình dòng chảy tự nhiên của Eyes on Earth và tại Viêng Chăn (Lào) lượng nước vượt mức là 28,36%".
MDM cũng đưa ra cảnh báo khi ở nam Lào, hồ chứa nước của đập thủy điện Xe Pian Xenamnoy - nơi xảy ra sự cố vỡ đập năm 2018, nay đang bị rò rỉ nước. Tại đập Saddle cũng bị vỡ vào năm 2018, hiện đã được xây mới nhưng một cửa xả lũ không thể đóng lại do sự cố. Hình ảnh vệ tinh cho thấy cửa xả lũ này đã xả nước từ ngày 25 đến ngày 27/3.
Trong thông báo hôm 19/3, MDM dự báo từ nay đến hết tháng 6, các con đập trên thượng nguồn sông Mekông có thể sẽ xả lượng lớn hơn. Điều này sẽ làm tăng mực nước sông ở hạ lưu một cách bất thường.
Các số liệu của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế (MRC) cũng ghi nhận những kết quả tương tự về mực nước cao bất thường so với trung bình nhiều năm với sự biến động khác nhau tùy từng khu vực. MRC cho biết xu hướng biến động này sẽ còn tiếp tục diễn ra trong tuần tới.
Theo các chuyên gia môi trường, sự bất thường của dòng sông sẽ làm sạt lở gia tăng, hệ sinh thái tự nhiên bị hủy diệt kéo theo ảnh hưởng lâu dài đến kinh tế và sinh kế người dân.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia về sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long nhận định về việc này với truyền thông nhà nước rằng việc xả nước có thể tạm giúp giảm hạn mặn ven biển Đồng bằng sông Cửu Long nhưng hệ quả lâu dài thì khó lường. Ông giải thích thêm : "Tuy mùa khô thì ít hạn mặn, nhưng dòng sông mùa lũ không còn đủ mạnh để tải bùn, cát về. Thiếu bùn cát về mỗi năm, đất đai Đồng bằng sông Cửu Long sẽ bạc màu nhanh chóng, sạt lở bờ sông, bờ biển sẽ gia tăng theo thời gian. Đây mới là mối lo lâu dài".