Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/05/2017

Myanmar và Campuchia bị tố vi phạm nhân quyền

Tổng hợp

Liên Hiệp Quốc lập ủy ban điều tra quân đội Myanmar (RFA, 30/05/2017)

Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc mới thành lập một ủy ban điều tra liên quan đến các cáo buộc về những hành động tàn bạo mà binh sĩ và an ninh Miến Điện đã làm đối với người Hồi Giáo Rohingya trong thời gian vừa qua.

hr1

Bà Yanghee Lee, báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về tình hình nhân quyền ở Myanmar, thăm trại Blud Khali Rohingya ở Cox's Bazar vào ngày 21 tháng 2 năm 2017. AFP photo

Quyết định thành lập ủy ban điều tra được Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc bỏ phiếu từ hồi tháng Ba năm nay, nhưng đến giờ mới thành hình.

Thông cáo của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cho hay ủy ban gồm 3 người, lãnh trách nhiệm phải điều tra khẩn cấp về những hành động binh sĩ và lực lượng an ninh Miến đã làm đối với người Rohingya, đặc biệt là những trường hợp xảy ra ở bang Rakhine, nơi được nói là người Rohingya không chỉ bị bạc đãi, mà còn bị bắt giữ, bắn giết, hãm hiếp, cướp của và đốt nhà, đẩy cả trăm ngàn người Rohingya phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, phần lớn chạy sang Bangladesh xin tá túc.

Thông cáo cũng cho hay 3 thành viên của Ủy Ban sẽ sớm gặp nhau ở Geneve để soạn thảo chương trình hành động, và sẽ đúc kết cuộc điều tra vào tháng Chín năm nay.

Hiện vẫn chưa rõ chính phủ Miến Điện cho chấp thuận cho ủy ban vào đất Miến cũng như đến tận bang Rakhine để thực hiện cuộc điều tra hay không.

Điều này được nói tới vì đầu tháng này khi ghé Brussels, lãnh tụ Miến Điện Aung San Suu Kyi nói rõ chính phủ do bà lãnh đạo không chấp nhận chuyện Liên Hiệp Quốc mở cuộc điều ra, đồng thời còn nói thêm rằng những tin tức Liên Hiệp Quốc có được hoàn toàn không đúng với sự thật.

Từ tháng Mười năm ngoái, tin tức liên quan đến những hành vi tàn bạo mà binh sĩ và lực lượng an ninh đối xử với người Hồi Giáo Rohingya loan truyền khắp nơi.

Dựa theo những tin tức đó, một bản báo cáo do Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc công bố cho rằng có thể binh sĩ và an ninh Miến Điện phải bị xét xử vì phạm tội ác chống nhân loại.

*****************

Ân Xá Quốc Tế : Tư pháp Cam Bốt là công cụ đàn áp (RFI, 30/05/2017)

hr2

Nhà hoạt động Cam Bốt Tep Vanny (G), trong phiên tòa tại Phnom Penh. Ảnh ngày 15/02/2017.TANG CHHIN SOTHY / AFP

Báo cáo của Amnesty International – Ân Xá Quốc Tế ngày 30/05/2017 tố cáo chính quyền Cam Bốt sử dụng hệ thống tư pháp để đàn áp đối lập và những nhà tranh đấu. Tổ chức bảo vệ nhân quyền này lo ngại không khí sợ hãi gia tăng tại Cam Bốt với cuộc bầu cử địa phương Chủ Nhật, 03/06/2017. Đây là một trắc nghiệm quan trọng đối với quyền lực của thủ tướng Hun Sen, tại vị từ 32 năm nay.

Trong dịp công bố bản báo cáo dài 40 trang mang tên "Courts of injustice/Những tòa án bất công", hôm nay 30/05/2017, giám đốc Ân Xá Quốc Tế khu vực Đông Nam Á, bà Champa Patel, khẳng định : "Tại Cam Bốt, các tòa án là công cụ trong tay chính quyền". Ân Xá Quốc Tế nhấn mạnh : chính quyền Cam Bốt đã thao túng tư pháp, lạm dụng các biện pháp hình sự để "dập tắt tiếng nói của những người mà chính quyền không chấp nhận".

27 nhà hoạt động, nhà đối lập hiện đang ngồi tù, hàng trăm người khác đang bị truy tố, và một bộ phận đối lập chính trị có thể bị "bỏ tù bất cứ lúc nào". Giám đốc Ân Xá Quốc Tế Đông Nam Á khuyến cáo chính quyền nên ủng hộ một hệ thống "tư pháp độc lập", thể theo các cam kết quốc tế, thay vì dùng tư pháp để đàn áp những người bất đồng chính kiến.

AFP dẫn ý kiến của các chuyên gia, theo đó, càng gần đến cuộc bầu cử địa phương, chính quyền Phnom Penh càng lo lắng. Ông Sebastian Strango, tác giả một cuốn sách về thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, đưa ra nhận xét : đảng cầm quyền "có nguy cơ mất quyền kiểm soát ở cấp địa phương, lần đầu tiên kể từ khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ năm 1979".

Ngay sau khi bản báo cáo được công bố, đảng của thủ tướng Hun Sen đã lên án giới bảo vệ nhân quyền có thái độ "thù địch" với chính phủ.

Các thủ đoạn của chính quyền

Báo cáo của Ân Xá Quốc Tế chỉ ra nhiều cách thức mà chính quyền dùng để thao túng hệ thống tư pháp không minh bạch của Cam Bốt, như ra lệnh bắt giam các nhà hoạt động với những cáo buộc không có cơ sở, trước khi đem họ ra xét xử trong các phiên tòa bất công.

Một ví dụ tiêu biểu là năm thành viên và cựu thành viên của hiệp hội ADHOC, tổ chức bảo vệ nhân quyền lâu đời nhất tại Cam Bốt, bị tạm giam cách đây một năm trước khi được đưa ra xử. Hay trường hợp của nhà tranh đấu Tep Vanny, người bảo vệ hàng nghìn gia đình tại Phnom Penh chống lại nạn cướp đất trong suốt thập niên vừa qua. Kể từ năm 2013 đến nay, bà Tep Vanny đã bị bắt giữ ít nhất năm lần.

Một thủ đoạn tiêu biểu khác của tư pháp Cam Bốt là mở ra một vụ án, nhưng không tiến hành điều tra hoặc truy tố, trong nhiều năm trời. Mục tiêu của cách làm này là để cho một không khí bất định kéo dài gây mệt mỏi cho các nạn nhân.

Nhìn chung, theo Ân Xá Quốc Tế, không có bất cứ một nhà tranh đấu bảo vệ nhân quyền hay nhà đối lập nào bị đưa ra tòa lại được trắng án, và rất nhiều phán quyết được đưa ra hoàn toàn không dựa vào kết quả điều tra. Chính quyền Phnom Penh chỉ giảm án cho họ sau khi cộng đồng quốc tế gây áp lực.

Trọng Thành

****************

Chính quyền Campuchia bị chỉ trích dùng tòa án đàn áp đối lập (RFA, 30/05/2017)

hr3

Nhà hoạt động về đất đai Campuchia Tep Vanny trong một buổi cầu nguyệ cho nhân quyền tại Campuchia. Stephen Welch photo

Chính phủ Campuchia tăng cường sử dụng toà án để sách nhiễu những nhà hoạt động chính trị và các nhà bảo vệ nhân quyền trước những cuộc bầu cử tại nước này.

Tổ chức theo dõi nhân quyền Ân xá Quốc tế - Amnesty International, cho biết như vừa nêu vào ngày thứ Ba, 30 tháng 5.

Trong một báo cáo có tên "Tòa án Bất công", Ân Xá Quốc tế nêu rõ có ít nhất là 27 người hoạt động nhân quyền và những nhà hoạt động chính trị hiện đang bị bỏ tù và hàng trăm người khác đang phải chịu xét xử trong nỗ lực của chính phủ nhằm mục đích đè bẹp bất cứ những chỉ trích nào từ dư luận.

Quốc gia Đông Nam Á này đã nằm dưới sự cai trị của thủ tướng Hun Sen, một trong những nhà lãnh đạo lâu nhất thế giới, hơn 32 năm.

Tuy nhiên, tại cuộc bầu cử vào năm 2013, đảng cầm quyền của ông Hun Sen bất ngờ bị đảng đối lập là Đảng Cứu Nguy Dân tộc Campuchia (CNRP) giành được gần 1/2 số phiếu với 55/123 ghế tại Quốc hội.

Vào ngày chủ nhật 4 tháng 6 tới đây, hàng triệu cử tri Campuchia đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương ở hơn 1.600 xã.

Quay lại trang chủ
Read 809 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)