Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/06/2022

Điểm báo Pháp - Đông Nam Á muốn điện hạt nhân

RFI tiếng Việt

Đông Nam Á muốn thúc đẩy điện hạt nhân, giới chuyên gia hoài nghi

Sân khấu chính trị Pháp đặc biệt là cách tổng thống Macron xử lý tình trạng liên minh cầm quyền không nắm được đa số tuyệt đối sau cuộc bầu cử Quốc hội dĩ nhiên vẫn là chủ đề được báo chí ra ngày 24/06/2022 theo dõi nhiều nhất. Đối với thính giả Việt Nam, đáng chú ý có lẽ là bài viết trên Le Monde về xu hướng chạy theo năng lượng hạt nhân của nhiều nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam.

dien1

Khói trắng thoát ra từ các tháp giải nhiệt của nhà máy điện hạt nhân là hơi nước. Những tháp này chỉ có ở các nhà máy điện nằm ven sông. © Jaromir Sebek S ebek / M afa F iles / AFP

Trong bài viết "Indonesia, Việt Nam và Philippines bị nguyên tử cám dỗ", Le Monde ghi nhận sự kiện ba nước Đông Nam Á mong muốn thúc đẩy lĩnh vực điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng và giảm sự phụ thuộc của mình vào nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, ý muốn hồi sinh các dự án hạt nhân dân sự của ba nước đã bị giới chuyên gia đón nhận với tâm lý hoài nghi.

Theo tờ báo, khu vực này hiện phải nhập khẩu đến 40% năng lượng, và chủ yếu phụ thuộc vào nguồn dầu hỏa từ Trung Đông và nguồn than từ Úc. Về cơ cấu năng lượng sử dụng, 80% dựa vào nhiên liệu hóa thạch, phần còn lại là năng lượng tái tạo, cụ thể là thủy điện. Trong những điều kiện đó, hạt nhân trở nên hấp dẫn, ngay cả khi nhiều chuyên gia đã hoài nghi về khả năng tất cả những thông báo thúc đẩy điện hạt nhân của ba nước Việt Nam, Indonesia và Philippines sẽ trở thành hiện thực.

Việt Nam : nước Đông Nam Á đầu tiên có nhà máy điện hạt nhân ?

Ở Việt Nam chẳng hạn, cuối tháng 5 vừa qua, bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã tuyên bố trước Quốc hội rằng phát triển năng lượng hạt nhân là "xu hướng tất yếu".

Năm 2016, một dự án xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân của tập đoàn Rosatom của Nga và Tập đoàn Điện Nguyên tử Nhật Bản tại tỉnh Ninh Thuận đã bị bỏ dở do thiếu ngân sách, nhưng bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nhắc lại rằng dự án đã bắt đầu được thực hiện, hiện chỉ bị "đình chỉ" chứ không phải "hủy bỏ", hàm ý rằng các cơ quan chức năng có thể khởi động lại dự án này.

Theo ông Diên : "Chúng ta không thể phát triển thêm các nhà máy nhiệt điện, trong khi tiềm năng thủy điện của đất nước đã bị khai thác hết". Ông còn cho biết thêm rằng Việt Nam đang hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, nên cần một nguồn năng lượng "ổn định".

Đối với Philip Andrews-Speed, nhà nghiên cứu chính tại Viện Nghiên cứu Năng lượng thuộc Đại học Quốc gia Singapore, sự tồn tại của một dự án cũng như tính chất chuyên chế của chế độ cho thấy Việt Nam được xem là quốc gia đầu tiên trong khu vực có được nhà máy điện hạt nhân. 

ASEAN : Hạt nhân là năng lượng sạch

Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2020 đã khuyến nghị dùng năng lượng hạt nhân "như một nguồn năng lượng sạch", để giúp khu vực đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của mình. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, nhu cầu đã tăng 80% kể từ năm 2000 và sẽ tăng thêm 60% vào năm 2040.

Tại Philippines, tân tổng thống Ferdinand Marcos Junior, đắc cử ngày 09/05/2022, đang có kế hoạch mở cửa trở lại nhà máy điện hạt nhân Bataan, nằm cách thủ đô Manila 80 km về phía Tây, hoàn thành vào năm 1984, nhưng chưa bao giờ được đưa vào hoạt động. Còn tại Indonesia, một dự luật mới đã được đưa ra vào đầu tháng 6 để có nhà máy điện hạt nhân đầu tiên vào năm 2045.

"Chúng tôi nhận thấy rằng các vấn đề về biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng đang nằm trong chương trình nghị sự", Philip Andrews-Speed lưu ý. Các công nghệ mới, các biện pháp an toàn được cải thiện cho các nhà máy điện hạt nhân và cuộc chiến ở Ukraine, đã dẫn đến bùng nổ chi phí năng lượng (khí đốt, dầu mỏ), đã đưa năng lượng hạt nhân trở lại vị trí hàng đầu.

Xu hướng chạy theo hạt nhân : "Ngọn lửa rơm"?

Jean-Christophe Simon, thành viên nghiên cứu tại Phòng Thí nghiệm Kinh tế Ứng dụng ở Grenoble, Pháp, nghĩ rằng lựa chọn hạt nhân ở Đông Nam Á sẽ là "một ngọn lửa rơm".

Ngoài những "trở ngại về tài chính và môi trường", chuyên gia về phát triển công nghiệp của các nền kinh tế mới nổi ở Đông Nam Á này cho rằng : "Khi xem xét kỹ hơn, các dự án đang mang lại những thách thức lớn. chẳng hạn như vị trí, bảo trì và độ tin cậy (theo tiêu chuẩn hậu Fukushima), cũng như kiểm soát thời gian vận hành". Thêm vào đó là những lo ngại về nạn tham nhũng và chủ nghĩa bè phái tồn tại ở những quốc gia này. 

Macron lâm vào bế tắc 

Thời sự Pháp là chủ đề được tất cả các tờ báo lớn đưa lên trang nhất vào hôm nay. Không hẹn mà gặp, cả Le Monde lẫn Le Figaro đều nhấn mạnh trong tựa lớn trang nhất của mình khó khăn mà tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang gặp phải trong việc kêu gọi các đảng đối lập hợp tác với liên minh cầm quyền, trong lúc Libération lại chú ý đến số phận nữ thủ tướng Elisabeth Borne.

Nếu Le Monde nhìn thấy là : "Trong hoàn cảnh bế tắc, Macron kêu gọi phe đối lập", thì Le Figaro nói thẳng "Macron bị cô lập sau câu trả lời "không" của các phe đối lập"

Le Monde nhắc lại : "Vì chỉ nắm được đa số tương đối trong Quốc hội, người đứng đầu nhà nước hôm thứ Tư (22/06) đã kêu gọi tinh thần "trách nhiệm" của "tất cả các lực lượng chính trị". Do phải đối mặt với điều mà ông gọi là một "thực tế mới" trong nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, ông Macron đề ra một phương pháp dựa trên "thỏa hiệp" và "đối thoại".

Vấn đề theo tờ báo, là tổng thống và đảng của ông lại không chịu loại trừ việc xem đảng Tập Hợp Dân Tộc là một tác nhân đối thoại hợp pháp, một điều có nguy cơ thể chế hóa phe cực hữu tại Pháp. Bà Marine Le Pen lãnh đạo đảng này xem điều đó là đỉnh cao của hai mươi năm nỗ lực đã qua, và như ghi nhận của Le Monde, 89 dân biểu cực hữu của đảng đứng đầu phe đối lập này, đang cố phô trương một hình ảnh ôn hòa, có sức trấn an. 

Macron bị cô lập

Về phần mình, Le Figaro đã nhấn mạnh đến việc các đảng đối lập, từ liên minh cánh tả Nupes cho đến đảng Những Người Cộng Hòa cánh hữu và đảng Tập Hợp Dân Tộc cực hữu, tất cả đều bác bỏ yêu cầu mà tổng thống Pháp Macron đưa ra muốn họ nhanh chóng cho biết "sẵn sàng đi bao xa" để "xây dựng các thỏa hiệp" và ngăn chặn cuộc khủng hoảng chính trị.

Đối với Le Figaro, ba thành viên chủ chốt trong phe đối lập đã từ chối "khoán trắng" việc nước cho tổng thống và cho rằng chính ông Macron mới là bên phải nhờ vả đến họ và đưa ra những cam kết trước.

Le Figaro không ngần ngại nhận định rằng sau cuộc bầu cử Quốc hội, ông Emmanuel Macron đã bị cô lập và lâm vào thế yếu. Tờ báo cho biết rằng đó cũng là ý kiến 83% người Pháp, được ghi nhận trong một cuộc thăm dò ý kiến do viện Odoxa-Backbone Consulting thực hiện. Theo công trình điều tra dư luận này, cứ 10 người Pháp thì có đến 7 người đổ lỗi cho ông Macron về việc liên minh cầm quyền mất đa số tuyệt đối trong Quốc hội.

Cuộc thăm dò ý kiến này cũng cho thấy là 57% người được hỏi không muốn thấy bà Elisabeth Borne tiếp tục làm thủ tướng Pháp. 

Số phận mỏng manh của nữ thủ tướng Borne

Số phận của đương kim thủ tướng Pháp chính là đề tài quan trọng trong ngày của tờ báo thiên tả Libération. Ngay trang nhất, bên trên một bức hình ghép một tấm ảnh bị làm cho nhòa đi của bà Borne đứng trên sân cỏ của điện Matignon – tức phủ thủ tướng Pháp – tờ báo chạy hàng tựa lớn : "Elisabeth Borne : Bóng ma của điện Matignon".

Theo tờ báo, "được chọn làm thủ tướng nhờ đức tính nghiêm túc và kín đáo, nhưng lại bị cuộc bầu cử Quốc hội đẩy vào tình trạng bấp bênh và hầu như bị làm ngơ trong bài diễn văn hôm thứ Tư của tổng thống Macron, nữ thủ tướng Pháp gặp khó khăn trong việc áp đặt uy quyền của mình, và thấy chiếc ghế của mình khơi dậy lòng thèm muốn".

Pháp tung kế hoạch chống thiếu hụt khí đốt

Khó khăn kinh tế mà nước Pháp phải gánh chịu, chủ yếu trên vấn đề nguồn cung ứng khí đốt đang bị Nga bóp nghẹt đã được nhật báo kinh tế Les Echos nêu bật trong hàng tựa trang nhất : "Khí đốt : Kế hoạch của Pháp nhằm tránh thiếu hụt".

Theo Les Echos, chính quyền Pháp đã yêu cầu các xí nghiệp và cơ quan giảm 10% mức tiêu thụ của mình, đồng thời ra lệnh đổ đầy 100% các kho dự trữ khí đốt ngầm dưới lòng đất từ nay đến 01/09. Hiện các kho này đã đầy khoảng 59%, một mức cao hơn bình thường, nhưng khả năng bơm thêm có nguy cơ bị chậm lại do việc nguồn cung cấp từ Nga cạn dần.

Tuy vậy, theo nhận định của tờ báo, tình hình ở Pháp chưa nghiêm trong đến mức phải kích hoạt lệnh báo động, như điều đã xẩy ra tại Đức và 9 nước Liên Âu khác.

Lý do là Pháp ít lệ thuộc vào khí đốt của Nga hơn, và nhất là có sẵn những cơ sở tiếp nhận khí hóa lỏng và được nối với hệ thống ống dẫn khí tại Tây Ban Nha. 

Pháp chuẩn bị đón 32 triệu khách nghỉ hè

Vào lúc các đồng nghiệp chú ý đến các chủ đề nặng nề, nhật báo công giáo Pháp La Croix hôm nay đã chọn khai thác sâu một đề tài nhẹ nhàng. Trên trang nhất, tờ báo chạy hàng tựa lớn : "Đi hè nghỉ hè bằng mọi giá".  

Theo La Croix, mệt mỏi với hai năm khủng hoảng Covid và nỗi lo lắng về bối cảnh địa chính trị và kinh tế, nhiều người Pháp đã quyết định sẽ đi nghỉ hè. Mùa hè này hứa hẹn sẽ rất đặc biệt, cả về điểm đến lẫn giá cả tăng cao.

Theo giới chuyên môn trong ngành du lịch, số người Pháp đi nghỉ hè năm nay sẽ cao kỷ lục, lên đến 32 triệu, một mức hơn hẳn con số 30 triệu khách, vốn đã cực cao của năm 2019, tức là trước khi bùng nổ đại dịch Covid.

Một dấu hiệu cụ thể : sự gia tăng của lượng vé xe lửa đặt mua trước. Đến giữa tháng 6, công ty đường sắt Pháp SNCF đã bán được 6,5 triệu vé tàu cao tốc TGV cho các đợt chạy trong tháng 7 và tháng 8, tức là nhiều hơn 10% so với giữa tháng 6 năm 2019 (và tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái).

Một dấu hiệu thứ hai : Lượng vé máy bay được đặt cũng tăng vọt, vượt qua mức của năm 2019. Vấn đề đối với các hãng hàng không hiện nay không còn là thiếu khách, mà là thiếu nhân viên, đến mức một số đã phải hủy chuyến bay…

Tại các công ty du lịch cũng vậy, lượng đặt chỗ đã cao hơn 20% so thời kỳ trước khủng hoảng Covid.

Vấn đề là mức cầu gia tăng tất yếu dẫn đến việc giá cả dịch vụ gia tăng, từ nhà hàng, khách sạn, cho đến vận chuyển hay cho thuê xe. Nguyên nhân tăng giá thường được đưa ra là do vấn đề nhiên liệu đã trở nên đắt đỏ hơn.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 474 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)