Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

14/07/2022

Điểm báo Pháp – Mỹ tái chinh phục miền Nam Thái Bình Dương

RFI tiếng Việt

Mỹ thua Trung Quốc trong nỗ lực tái chinh phục miền Nam Thái Bình Dương ?

Ngày 14/07/2022 là lễ Quốc Khánh Pháp, do đó tờ báo nào không nghỉ lễ đều tràn ngập trang bài liên quan đến thời sự Pháp. Về tình hình quốc tế, nổi bật là chuyến công du Trung Đông của tổng thống Mỹ Joe Biden, bên cạnh chủ đề không thể thiếu là cuộc chiến Ukraine. Về châu Á, độc đáo nhất là bài trên Le Monde về một "thất bại" của Mỹ trong việc tái chinh phục các quốc đảo miền nam Thái Bình Dương.

pacific1

Ảnh ghép : Tổng thống Mỹ Joe Biden (và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.  AP - Alex Brandon, Eraldo Peres

Sự kiện khiến tờ báo Pháp đi đến nhận định kể trên là thông báo hôm 11/07 vừa qua của quốc đảo Kiribati, cho biết là họ rút ra khỏi nhóm nước thuộc Diễn Đàn Quần Đảo Thái Bình Dương PIF (Pacific Islands Forum), một quyết định được công bố ngay hôm khai mạc hội nghị lần thứ 51 của PIF tại Suva, thủ đô của quốc đảo Fiji, dự trù kéo dài cho đến hôm nay 14 tháng Bảy. 

Trong bài "Các quốc đảo vùng Thái Bình Dương tập hợp lại dưới sự giám sát của Trung Quốc và Hoa Kỳ", Le Monde giải thích ngay rằng sự kiện Kiribati rời khỏi Diễn Đàn PIF là một vố đau cho Mỹ vì Washington đang muốn dùng tổ chức khu vực bao gồm 18 thành viên này, trong đó các đồng minh thân cận của họ như Úc và New Zealand, để chống lại chủ nghĩa bành trướng của Bắc Kinh. 

Theo Le Monde, quốc đảo Kiribati, dù nhỏ, nhưng có một giá trị chiến lược cao, với khu đặc quyền kinh tế hàng hải khổng lồ giáp giới Hoa Kỳ và các khoản đầu tư không nhỏ của Trung Quốc (Bắc Kinh đã mua lại đường băng duy nhất của quốc đảo này vào năm 2021). 

Trả lời tờ báo Pháp, bà Cleo Paskal, nhà nghiên cứu Canada chuyên về vùng Nam Thái Bình Dương giải thích: "Tổng thống Liên bang Micronesia David Panuelo muốn Diễn Đàn PIF hoạt động vì ông ấy lo ngại Trung Quốc. Việc Kiribati rút đi, sau một quyết định tương tự của Quần đảo Marshall, cho thấy là hai quốc gia này duy trì quan hệ tốt với Bắc Kinh".  

Bà Paskal không ngần ngại khẳng định : "Đây là một thất bại đối với Hoa Kỳ, nước đã xem diễn đàn như là một cánh cửa cho phép Mỹ triển khai chính sách của mình vào khu vực. Đây cũng là một thất bại đối với Úc và New Zealand, hai nước không còn nắm giữ được các thành viên khác trong diễn đàn". 

Về phần Trung Quốc, Le Monde ghi nhận một chiến lược hai mũi giáp công : Một mặt tài trợ cho FIP một cách hậu hĩnh, nhưng một mặt khác thúc đẩy lợi ích của Bắc Kinh thông qua các thỏa thuận song phương. Vào tháng 5, ngoại trưởng giao Trung Quốc Vương Nghị đã ký kết quan hệ đối tác tại 8 quốc đảo trong khu vực, nổi bật nhất là thỏa thuận an ninh với quần đảo Salomon, cho phép các lực lượng võ trang Trung Quốc can thiệp vào quốc gia này, điều đã khiến cho các cường quốc phương Tây lo ngại. 

Theo Le Monde, các bước tiến của Trung Quốc ở vùng Thái Bình Dương đã làm dấy lên lo ngại tại thượng đỉnh NATO ở Madrid vào cuối tháng Sáu vừa qua, và được nêu lên trong bản "Khái Niệm Chiến Lược" mới của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương. 

Vấn đề, theo Le Monde, là NATO không hoàn toàn nhất trí trong nội bộ về cách đối phó với Trung Quốc.  

Hoa Kỳ, vì nghĩ rằng mình có thể bị Trung Quốc lấn lướt về mặt quân sự trên các vùng biển vào năm 2030, nên mong muốn củng cố cả hai mặt trận, đó là Đông Âu và Thái Bình Dương. Một nguồn tin từ Lầu Năm Góc gần đây đã thừa nhận tại Paris rằng : "Nếu Nga tấn công NATO, tôi sẽ khuyên tổng thống (Mỹ) không nên giảm bớt các phương tiện bảo vệ Đài Loan, vì nếu làm như vậy, Trung Quốc sẽ tấn công và chúng ta". Theo nguồn tin này, nếu không bố trí thêm tăng viện tại những vị trí tốt, phương Tây sẽ không thể giảm bớt cú sốc do Bắc Kinh gây ra ở Thái Bình Dương, nơi Trung Quốc sẽ chiếm lĩnh nhiều không gian hơn nữa. 

Về phần nước Pháp, quốc gia cũng có vai trò ở vùng Thái Bình Dương thông qua các vùng lãnh thổ hải ngoại Nouvelle Calédonie, Wallis và Futuna và Polynésie, nhưng từ chối đi theo lập trường cứng rắn ngăn chặn Trung Quốc của Mỹ để duy trì quan hệ hữu hảo hơn với Trung Quốc. Theo Le Monde, khẩu hiệu của Paris tại hội nghị thượng đỉnh Madrid là : NATO phải tập trung vào nhiệm vụ bảo vệ vùng Châu Âu-Đại Tây Dương.  của mình. Một nguồn tin từ bộ tổng tham mưu Quân đội Pháp, hôm 11 tháng 7 vừa qua đã cảnh báo : "Làm nhiều hơn ở Thái Bình Dương tức là làm ít hơn ở những nơi khác", trong lúc về các phương tiện sẵn có không phải là vô hạn. 

Tuy nhiên, theo Le Monde, trên bình diện quân sự, NATO không có bất đồng về mục tiêu chung : "Tránh leo thang và kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc".  

Trên cơ sở đó, Pháp-Mỹ sẽ phối hợp với nhau để làm "phức tạp thêm các tính toán của Trung Quốc". Theo nguồn tin Pháp nói trên : "Quân đội Pháp có khả năng góp phần quan trọng vào phương trình chung". Một ví dụ cụ thể : Các cuộc tập trận hải quân với Úc đã được lên kế hoạch trở lại sau khi hai nước giải quyết ổn thỏa tranh chấp tàu ngầm. 

Như nói ở trên, báo chí Pháp hôm nay đã dành nhiều trang bài cho thời sự Pháp, với nhật báo thiên hữu Le Figaro dành tựa lớn trang nhất cho ngày lễ quốc khánh : "Ngày 14 tháng 7 : Macron phải xóa tan những mối hoài nghi". 

Theo Le Figaro, sự kiện nổi bật nhất trong ngày lễ Quốc Khánh Pháp năm nay là việc tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải sử dụng trở lại một công cụ giao tiếp truyền thống mà ông đã lơ là hẳn trong những năm qua : Đó là trực tiếp trả lời phỏng vấn của báo chí nhân ngày Quốc Khánh trọng đại này. 

Đối với Le Figaro, đây là điều cần thiết trong bối cảnh người dân Pháp đang ngày càng lo lắng trước tình hình đất nước và người đứng đầu Nhà nước cần phải làm rõ cách ông nhận định tình hình hiện nay và những hướng đi mà ông dự trù cho nước Pháp. 

Tờ báo Pháp nhấn mạnh : Hôm nay chỉ là lần thứ hai từ ngày lên làm tổng thống Pháp vào năm 2017 mà ông Macron chấp nhận tham gia cuộc phỏng vấn nhân ngày 14 tháng 7. Trong thời gian qua, tổng thống đã bỏ bê truyền thống này vì cho rằng đây là một phương tiện quá hình thức và "cổ lỗ".  

Thế nhưng, theo Le Figaro, nếu trong nhiệm kỳ đầu tiên ông Macron đã chiếm được đa số trong Quốc hội, thì giờ đây, sau cú tát tai nhân cuộc bầu cử Quốc hội vừa qua, sau việc bổ nhiệm bà Elisabeth Borne làm thủ tướng, với những căng thẳng thường trực và những trục trặc đầu tiên khiến phe đa số gặp khó khăn trong Quốc hội, người Pháp rất muốn biết là tổng thống của họ sẽ hành động ra sao. 

Đối với Le Figaro, bị những phát biểu gần đây của ông kích động, người Pháp rất muốn tổng thống của họ nói chuyện với họ về sức mua, về công ăn việc làm, về năng lượng, ngân sách, về cuộc chiến tranh Ukraine và tất nhiên, về dự luật lương hưu đang gây tranh cãi dữ dội. 

Ngoài bài phỏng vấn rất được chờ đợi, Le Figaro dĩ nhiên cũng quan tâm đến lễ diễn binh truyền thống nhân ngày Quốc Khánh Pháp. Tờ báo đặc biệt nêu bật kết quả một cuộc thăm dò dư luận do viện Odexa thực hiện theo đó Quân đội Pháp là định chế có tỷ lệ được lòng dân kỷ lục, với 87% ý kiến thuận lợi. 

Theo tờ báo : "Đối mặt với những mối nguy hiểm đang gia tăng, người Pháp gắn bó hơn bao giờ hết với quân đội của mình". 

Nhật báo Le Monde cũng dành trang nhất cho thời sự Pháp, nhưng lại nhấn mạnh đến vụ tai tiếng liên quan đến tập đoàn gọi xe Uber có dính líu đến tổng thống Pháp Macron. Tờ báo chạy tựa : "Hồ sơ Uber : Macron thừa nhận (liên can) giả định và phản công". 

Le Monde ghi nhận là khi được hỏi về sự ủng hộ của ông đối với tập đoàn Uber thời ông còn làm việc ở bộ Kinh tế - Tài chính Pháp, người đứng đầu nhà nước đã khẳng định rằng nếu phải làm lại, ông "sẽ làm lại ngay ngày mai và ngày kia". Tổng thống Macron còn nói them : "Tôi rất tự hào về những gì tôi đã làm, về cuộc chiến mà tôi đã tiến hành. Tôi đã đưa các doanh nghiệp vào nước Pháp, tôi cũng đã đưa các doanh nhân vào". 

Le Monde nhắc lại rằng vì làm ăn thua lỗ, lại rất cần tiền mặt, Uber đã phải đa dạng hóa và hiện đang đấu tranh để không cho hàng nghìn tài xế và người giao hàng làm việc được hưởng chế độ làm công ăn lương. 

Điều mà tờ báo nêu bật là trên khắp thế giới, Uber đã có những nỗ lực vận động hành lang phi thường, lôi kéo được hậu thuẫn của những người ủng hộ ở cấp cao trong các chính phủ và những tập đoàn công nghệ khổng lồ. 

Một ví dụ được Le Monde nêu bật là tại Bruxelles, đầu não của Liên Hiệp Châu Âu, Uber đã có thể dựa vào sự giúp đỡ của Ủy Viên Châu Âu người Hà Lan Neelie Kroes, người mà sau đó đã được Uber tuyển dụng. 

Thời sự quốc tế được báo chí Pháp hôm nay chú ý nhiều nhất là chuyến công du Trung Đông của tổng thống Mỹ Joe Biden, với chặng dừng đầy tranh cãi tại Saudi Arabia. Ngay trên trang nhất của mình, nhật báo thiên tả Libération chạy hàng tựa lớn : "Dầu hỏa Saudi Arabia : Joe Biden, dầu thô và kẻ xấu xa".

Libération đặc biệt ghi nhận sự kiện tổng thống Mỹ sẽ gặp thái tử Mohamed ben Salmane tại Saudi Arabia vào thứ Sáu, bất chấp lời hứa ông từng đưa ra là sẽ biến nhân vật này thành một kẻ bị thế giới ruồng bỏ về tội đã sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.  

Theo tờ báo Pháp, những căng thẳng trên thị trường năng lượng toàn cầu trong thời gian gần đây, bắt nguồn từ cuộc chiến tranh Ukraine, đã nâng cao trở lại vai trò của nhân vật lãnh đạo quốc gia sản xuất dầu thô số một hành tinh. 

Libération giải thích : Vào lúc lạm phát ở Hoa Kỳ "đạt một kỷ lục mới vào tháng Bảy", vấn đề đặc biệt đặt ra cho tổng thống Mỹ là phải "hạ giá dầu thô và hạ giá xăng dầu mà đất nước của những chiếc xe SUV khổng lồ của ông phải đối mặt". 

Thế nhưng, theo Libération, cuộc tiếp xúc với thái tử Ben Salmane là một cuộc "đu dây nguy hiểm" đối với Joe Biden vì lẽ ông đã từng gọi Saudi Arabia là "một quốc gia tội đồ" trong chiến dịch tranh cử của mình và đã từng "thề là sẽ không bao giờ chào thái tử Mohamed ben Salman", sau khi các cơ quan tình báo Mỹ đã xác định rằng nhân vật này là người bảo trợ cho vụ ám sát nhà báo Jamal Khashoggi.  

Libération không ngần ngại cho rằng: "Khashoggi : Công lý bị hy sinh trên bàn thờ của chính sách thực dụng", và kết luận một cách mỉa mai : "Vàng đen rất xứng đáng là vật đền bù cho một cú bắt tay không hợp vệ sinh".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 310 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)