Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

03/08/2022

Bắc Kinh gây bão trong ly nước vì Pelosi dám vào Đài Loan

RFI tổng hợp

Đài Loan : Khi chủ tịch Hạ Viện Mỹ vượt "lằn ranh đỏ" của Trung Quốc

Anh Vũ, RFI, 03/08/2022

Trước và ngay sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi, Trung Quốc đã liên tục có những lời đe dọa trả đũa mạnh mẽ nhất. Không khó để hiểu cơn thịnh nộ của Trung Quốc, bởi Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ nước này. Điều gì sẽ xảy ra sau khi bà Nancy Pelosi, 82 tuổi, quan chức cao cấp thứ 3 của chính quyền Mỹ, vượt lằn ranh đỏ mà Trung Quốc tự đặt ra ?  

bao1

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi đến Đài Bắc, Đài Loan, tối thứ Ba 02/08/2022, bất chấp những lời cảnh báo, đe dọa từ Bắc Kinh © The Australian

Sau nhiều ngày để dư luận đoán già đoán non về điểm đến Đài Loan trong chuyến công du Châu Á, cuối cùng, tối 02/08/2022, bà Nancy Pelosi, chủ tịch Hạ Viện Mỹ, đã tới hòn đảo mà Bắc Kinh coi là một tỉnh phản nghịch và hứa sẽ bằng mọi cách để "thống nhất" với đại lục, bằng cả vũ lực nếu cần thiết.

Ngay từ khi chuyến đi của bà Pelosi mới được truyền thông đồn đoán, chưa có xác nhận chính thức nào, chính quyền Trung Quốc đã liên tiếp có những lời đe dọa Mỹ về những "hậu quả" trong quan hệ hai nước. Khi bà Pelosi đang ở thăm Singapore hôm 01/08, Trung Quốc đã tổ chức tập bắn đạn thật ngay lối vào eo biển Đài Loan. Cùng lúc, hệ thống tuyên truyền của Bắc Kinh thi nhau tung thông tin Trung Quốc sẽ ngăn chặn, thậm chí là bắn hạ, nếu chuyên cơ chở đoàn của bà chủ tịch Hạ Viện Mỹ bay vào Đài Loan.

Theo nhiều nhà phân tích được AFP phỏng vấn, đằng sau các diễn văn đe dọa hung hăng, ẩn chứa nỗi lo bất an nào đó của Bắc Kinh. Trung Quốc cảm thấy các sáng kiến của Hoa Kỳ và đồng minh phương Tây để xích lại gần với Đài Loan gần đây sẽ tạo thêm động lực để hòn đảo tự do này tuyên bố độc lập.

Cũng cần phải nhắc lại là từ trước tới nay, Trung Quốc luôn tìm mọi cách chống lại bất kể sáng kiến nào mang lại tính chính đáng cho Đài Loan trên trường quốc tế. Bắc Kinh thường xuyên cản phá hay phản ứng dữ dội trước mọi cuộc tiếp xúc chính thức giữa Đài Loan và các nước khác. Bất kỳ quan hệ chính thức nào với Đài Loan đều bị Bắc Kinh coi là vượt qua "lằn ranh đỏ" do họ đặt ra, coi đó là xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc.

Hồi tháng 11/2021, quan hệ Trung Quốc với Litva đã đổ vỡ, chỉ vì quốc gia vùng Baltic này cho mở văn phòng đại diện Đài Loan, trên thực tế là đại sứ quán, tại thủ đô Vilnius.

Trước tiên, chuyến đi của bà chủ tịch Hạ Viện Mỹ là cuộc đọ sức giữa Bắc Kinh và Washington, vốn đã căng thẳng từ lâu nay. Nhưng theo chuyên gia Robert Dujarric, giám đốc Viện Nghiên cứu Châu Á đương đại, Đại học Tokyo, "Trung Quốc coi chuyến đi này là một sự khiêu khích, nhưng Đài Loan có thể sẽ là nạn nhân" bị Bắc Kinh trả đũa.

Bà Nancy Pelosi vừa đặt chân đến sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc thì Bộ Quốc phòng Trung Quốc lập tức thông báo tiến hành các "hành động quân sự có mục tiêu", với hàng loạt cuộc tập trận hải quân và không quân chưa từng có xung quanh hòn đảo. Những hành động quân sự của Trung Quốc đang gây lo ngại cho Đài Loan, cũng như nhiều nước khác trong khu vực về nguy cơ xảy ra sự cố dẫn đến xung đột.

Theo giới quan sát, không khí căng thẳng này sẽ còn tăng cao và phức tạp trong thời gian tới. Chuyên gia Antoine Bondaz, thuộc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược của Pháp (FRS) nhận định trên nhật báo La Croix : "Sẽ không có chiến tranh, nhưng sẽ liên tục có các khiêu khích quân sự… Hơn nữa, Trung Quốc sẽ gia tăng gấp bội nỗ lực cô lập ngoại giao Đài Loan và đặc biệt sẽ áp dụng các biện pháp trả đũa kinh tế".

Đài Loan cho biết, ngay từ hôm qua (02/08), Bắc Kinh đã ngừng nhập khẩu nhiều loại nông sản và hải sản của Đài Loan.

Còn nhớ hồi 2021, Trung Quốc đã cấm nhập dứa của Đài Loan, mà tất cả đều hiểu đó là vì lý do chính trị. Nhưng chỉ trong vài ngày, Đài Loan đã huy động được tình đoàn kết của nhiều nước, những nước này mua hàng chục nghìn tấn dứa ứ đọng vì lệnh cấm nhập của Trung Quốc.

Lần này, có lẽ Đài Loan cũng sẽ cần đến các đồng minh trên thế giới để tiêu thụ số sản phẩm nông nghiệp bị Trung Quốc cấm. Nếu điều đó xảy ra thì vô hình chung Bắc Kinh đã để quan hệ và tình đoàn kết quốc tế với Đài Loan được mở rộng.

Anh Vũ

************************

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi khẳng định tới thăm Đài loan "vì hòa bình khu vực"

Anh Vũ, RFI, 03/08/2022

Sau Ukraine, cả thế giới đang hướng về Đài Loan với chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Mỹ tối 02/08/2022. Chỉ vài giờ sau khi tới Đài Bắc, bà Nancy Pelosi hôm nay liên tiếp có các cuộc gặp gỡ cấp cao, cùng những tuyên bố về tình đoàn kết "không gì lay chuyển" của Mỹ đối với Đài Loan, khẳng định bà tới Đài Loan là vì "hòa bình khu vực". Bắc Kinh phản ứng dữ dội, thông báo hàng loạt hành động trả đũa về quân sự, chính trị, kinh tế nhắm vào hòn đảo.

bao2

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi và tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, ngày 03/08/2022, tại Đài Bắc, Đài Loan. © Taiwan Presidential Office via AP

Tối qua, 02/08, máy bay quân sự Mỹ chở chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, 82 tuổi, cuối cùng đã hạ cánh xuống Đài Bắc, bắt đầu chuyến thăm Đài Loan. Bà Pelosi là quan chức cao cấp nhất của Mỹ tới thăm Đài Loan kể từ 25 năm qua. Chuyến công du của chủ tịch Hạ Viện Mỹ từ cả tuần qua đã thu hút sự chú ý, gây nhiều đồn đoán và chỉ được xác nhận khi bà Pelosi xuất hiện ở sân bay Tùng Sơn, Đài Bắc.

Hoa Kỳ luôn sát cánh với Đài Loan. Đó là thông điệp được bà Nancy Pelosi nhấn mạnh từ khi đặt chân tới Đài Bắc tối hôm qua. Sáng nay, chủ tịch Ha Viện Mỹ gặp gỡ tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn. Bà Nancy Pelosi tuyên bố với lãnh đạo Đài Loan :

"Cách đây 43 năm, Hoa Kỳ đã hứa luôn luôn ủng hộ Đài Loan. Giờ đây, phái đoàn của chúng tôi đã đến Đài Loan để chứng tỏ rõ ràng rằng chúng tôi sẽ không từ bỏ cam kết với Đài Loan… Chúng tôi đến đây với tư cách là những người bạn. Chúng tôi cảm ơn vai trò tiên phong của các bạn. Trong các chuyến viếng thăm của các đoàn đoàn nghị sĩ Quốc hội Mỹ, chúng tôi có ba mục đích : Thứ nhất là an ninh, an ninh của đất nước chúng ta, an ninh thế giới ; thứ hai là mục tiêu kinh tế để mở mang phồn thịnh nhiều nhất có thể và thứ ba là mục tiêu quản trị (đất nước)".

Trong lịch trình, bà Nancy Pelosi có cuộc gặp với chủ tịch TMSC, tập đoàn đứng đầu thế giới về sản xuất chất bán dẫn. Quan hệ đối tác giữa Hoa Kỳ và Đài Loan trong lĩnh vực chiến lược này cũng là một chủ đề của các cuộc gặp gỡ.

Ngay sau khi bà Pelosi tới Đài Loan, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên án chuyến thăm của bà Pelosi là "vi phạm nghiêm trọng" cam kết của Mỹ đối với Trung Quốc và "làm tổn hại đến hòa bình và ổn định" trong vùng. Ngay tối qua, Bắc Kinh đã cho triệu mời đại sứ Mỹ lên để "phản đối" chuyến đi của chủ tịch Hạ Viện Mỹ và đe dọa chuyến đi sẽ "có hậu quả rất nghiêm trọng" cho quan hệ hai nước.

Anh Vũ

***********************

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Pelosi thăm Đài Bắc : Trung Quốc phản đối, tổ chức tập trận quanh Đài Loan

Ngoài thông báo tập trận, Trung Quốc dồn dập tấn công ngoại giao và kinh tế để đáp trả chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi. Ngày 03/08/2022, khi tiếp nhân vật số 3 của chính quyền Mỹ, tổng thống Thái Anh Văn khẳng định "Đài Loan sẽ không chùn bước trước những mối đe dọa ngày càng tăng".

bao4

Màn hình chiếu cảnh tàu của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) trong một chương trình thời sự buổi tối, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 02/08/2022. Reuters – Tingshu Wang

Về mặt ngoại giao, trong một thông cáo được AFP trích dẫn, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên án thái độ "vô cùng nguy hiểm" của Hoa Kỳ, cáo buộc "Mỹ cố tình sử dụng Đài Loan để kiềm chế Trung Quốc""khuyến khích các hoạt động ly khai "độc lập" của Đài Loan". Đối với chính quyền Bắc Kinh, "những hành động đó như đùa với lửa, vô cùng nguy hiểm".

Hãng tin AFP cho biết thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Tạ Phong (Xie Feng) đã triệu mời đại sứ Mỹ Nicholas Burns lên để phản đối và chỉ trích : "Ý định (của bà Pelosi đến Đài Loan) gây sốc rất mạnh và hậu quả sẽ rất nghiêm trọng". Sáng 03/08, có mặt tại Phnom Penh để dự hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đe dọa "những kẻ xúc phạm Trung Quốc chắc chắn sẽ bị trừng phạt".

Về mặt quân sự, Trung Quốc đáp trả chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Mỹ với 6 cuộc tập trận quanh hòn đảo ngay từ ngày 03/08, trong đó có tập "bắn đạt thật tầm xa" ở eo biển Đài Loan. Theo dữ liệu do Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố, một phần "hoạt động quân sự có mục tiêu" diễn ra cách bờ biển Đài Loan chỉ khoảng 20 km. Riêng trong đêm 02-03/08 đã có 21 chiến đấu cơ Trung Quốc thâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Theo Bộ Quốc phòng Đài Loan, đây là "âm mưu đe dọa các cảng biển và khu đô thị quan trọng của chúng tôi và đơn phương phá hoại hòa bình và ổn định trong vùng".

Cùng lúc với các chiến dịch quân sự của Trung Quốc, nhiều tầu chiến Mỹ cũng hoạt động trong khu vực, trong đó có tầu sân bay USS Ronald Reagan. Đa số các nhà quan sát cho rằng ít có nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột vũ trang Mỹ-Trung. Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ cho biết đã sẵn sàng đối phó với các cuộc biểu dương lực lượng của quân đội Trung Quốc.

Cuối cùng, về mặt thương mại, ngày 03/08, Bộ Thương mại Trung Quốc thông báo ngừng xuất khẩu sang Đài Loan cát tự nhiên, một thành phần quan trọng trong việc sản xuất chất bán dẫn, một trong những lĩnh vực xuất khẩu chủ yếu của Đài Loan. Ngoài ra, Trung Quốc cũng ngừng nhập khẩu một số mặt hàng hoa quả và cá của Đài Loan, với lý do liên tục phát hiện rệp sáp trên vỏ cam quýt, hoặc trái cây có dư lượng thuốc trừ sâu cao, phát hiện virus corona trên bao bì đóng gói cá.

Trước chuyến công du của bà Nancy Pelosi, tin tặc Trung Quốc bị cáo buộc tấn công nhiều trang web của chính phủ Đài Loan, khiến một số trang tạm ngừng hoạt động hôm 02/08, như trang web của văn phòng tổng thống, Bộ Ngoại giao hay cổng thông tin điện tử của chính phủ …

Thu Hằng

*********************

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Pelosi đến Đài Loan : Phản ứng khác nhau của các nước Châu Á

Chi Phương, RFI, 03/08/2022

Chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ gây phản ứng khác nhau từ các nước trong khu vực : một bên thì ủng hộ Trung Quốc, bên kia thì lo ngại, nhưng mong muốn duy trì hòa bình. 

bao3

Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu bên cạnh tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn, phó tổng thống Lại Thanh Đức (William Lai) và giám đốc Viện Mỹ tại Đài Loan (AIT) Sandra Oudkirk, trong cuộc họp tại văn phòng tổng thống Đài Loan, Đài Bắc, ngày 03/08/2022 via Reuters – Taiwan Presidential Office

Vài giờ sau khi máy bay của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi hạ cánh tại Đài Bắc vào tối thứ Ba 02/08/2022, Moskva, một đồng minh thân cận của Bắc Kinh, nhận định đây hiển nhiên là một "hành động khiêu khích", nhằm kềm chế Trung Quốc. Nếu như Hoa Kỳ khẳng định bà Pelosi có quyền thăm Đài Loan, thì Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh Trung Quốc cũng có quyền thi hành "các biện pháp cần thiết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ" liên quan đến Đài Loan.

Bắc Triều Tiên cũng không bỏ lỡ cơ hội này để khẳng định lập trường thân Trung Quốc. Sáng nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao nước này tuyên bố Bình Nhưỡng hoàn toàn ủng hộ lập trường của Bắc Kinh : Đài Loan là phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc. Việc Hoa Kỳ can thiệp vào nội bộ của nước khác là "cội rễ của mối đe dọa đối với hòa bình và an ninh trong khu vực".

Cùng ngày, trên cổng thông tin của của Bộ Ngoại giao Việt Nam, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng  khẳng định "Việt Nam kiên trì thực hiện chính sách một Trung Quốc và mong các bên liên quan kiềm chế, không làm căng thẳng tình hình eo biển Đài Loan".

Về phía Nhật Bản, theo AFP, chánh văn phòng nội các, ông Hirokawu Matsuno hôm nay cho biết Tokyo không bình luận về các chuyến công du quốc tế của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Tokyo bày tỏ quan ngại đặc biệt về các hoạt động quân sự trên biển xung quanh Đài Loan. Hơn nữa, các khu vực tập trận mà Trung Quốc thông báo bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của Nhật.  

Về phần mình, Hàn Quốc kêu gọi đối thoại để duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực. Văn phòng chính phủ đồng thời cho biết Seoul hoan nghênh chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ tại Hàn Quốc từ chiều nay. Hãng tin AFP cho biết, không có nhiều thông tin về chuyến đi của bà Pelosi đến Seoul được tiết lộ. Cho đến nay, cuộc gặp duy nhất được xác nhận là với chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Jin-pyo. Tổng thống Hàn Quốc không tiếp bà Pelosi vì ông đang đi nghỉ hè.

Chi Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Thu Hằng, Chi Phương
Read 415 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)