Nancy Pelosi thành công trong chuyến thăm Đài Loan
Chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ Viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi vẫn là chủ đề chính được các tờ báo Pháp ra hôm 04/08/2022 quan tâm.
Chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi phát biểu tại phủ tổng thống Đài Loan ở Đài Bắc ngày 03/08/2022 via Reuters – Taiwan Presidential Office
Nhật báo kinh tế Les Echos phỏng vấn chuyên gia Châu Á Antoine Bondaz sau chuyến thăm của bà Nancy Pelosi tới Đài Loan. Bà Pelosi đã đề cập đến hai chủ đề chính cũng là những chủ đề mà cựu chủ tịch Hạ Viện Newt Gingrich đề cập trong chuyến thăm Đài Loan của ông vào năm 1997. Thứ nhất là nêu bật sự năng động của nền dân chủ Đài Loan và thứ hai là khẳng định tầm quan trọng của mối quan hệ Đài Loan - Hoa Kỳ. Washington cũng nhấn mạnh đến việc hỗ trợ hòn đảo để duy trì hiện trạng. Đây là điều mà đại đa số người dân Đài Loan mong muốn.
Nếu chúng ta so sánh năm 1997 và năm 2022, các chủ đề tuy giống nhau, nhưng tương quan lực lượng dường như đã thay đổi. Trung Quốc giờ đã mạnh hơn xưa. Bắc Kinh từ lâu vẫn luôn có ý định sáp nhập hòn đảo, và giờ đây, họ có nhiều phương tiện hơn để gây áp lực với Đài Loan.
Bà Pelosi thực sự can đảm khi đối mặt với các mối đe dọa từ Trung Quốc. Ông Bondaz nhận định rằng việc bà Pelosi đến thăm Đài Loan là một thành công đối với hòn đảo, bởi vì mặc dù có vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt là trong lĩnh vực chất bán dẫn, cho tới Đài Loan vẫn bị ghẻ lạnh trong mắt cộng đồng quốc tế. Do vậy, chuyến thăm này của bà Pelosi cho thấy Trung Quốc đã không thành công trong việc cô lập Đài Loan.
Khi được hỏi về các biện pháp trừng phạt kinh tế của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan sẽ ảnh hưởng như thế nào đến hòn đảo, ông Bondaz nhận định rằng chiến lược của Bắc Kinh là áp dụng các biện pháp trừng phạt nhằm gây tác động lên cuộc bầu cử Quốc hội và tổng thống Đài Loan vào năm 2024, để đạt được kết quả có lợi cho mình. Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu nào cho thấy các biện pháp trừng phạt mà Trung Quốc áp dụng trong những năm gần đây gây ảnh hưởng theo hướng mà Bắc Kinh mong muốn, thậm chí còn phản tác dụng. Cũng không có dấu hiệu nào cho thấy hai bên sẽ có một cuộc đụng độ trực tiếp. Trung Quốc cố tình sử dụng chuyến thăm của bà Nancy Pelosi để tạo ra cuộc khủng hoảng lần thứ 4 ở eo biển Đài Loan nhằm thay đổi hiện trạng đối với hòn đảo. Nhưng Bắc Kinh sẽ không tấn công lúc này, bởi tương quan lực lượng đang nghiêng về phía Trung Quốc và họ có thể đợi 5 năm, 10 năm để tiếp tục phát triển quân sự, đồng thời nghe ngóng về tính xác thực của những cam kết của Hoa Kỳ trong việc bảo vệ Đài Loan.
Ông Bondaz nói thêm rằng Châu Âu đang bằng mọi giá muốn tránh một kịch bản giống như Nga đã làm với Ukraine, bởi lục địa già sẽ làm gì nếu Trung Quốc thực sự tấn công Đài Loan ? Châu Âu đã ban hành các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, nhưng sẽ làm gì chống lại Trung Quốc khi họ còn có thể sẽ phụ thuộc nhiều hơn nữa vào Bắc Kinh trong những năm tới ? Do vậy trong hồ sơ Đài Loan, giải pháp duy nhất đối với Châu Âu là tránh để xung đột nổ ra, đồng thời phải tự khẳng định mình có tiếng nói trên chính trường quốc tế, thay vì phụ thuộc vào các cường quốc khác.
Thành công của bà Pelosi
Nhật báo công giáo La Croix thì nhấn mạnh đến thành công của bà Pelosi trong chuyến công du này. Từ xưa đến nay bà vẫn luôn rất cứng rắn với Trung Quốc và muốn khẳng định rằng Bắc Kinh không có tiếng nói trong những quyết định của Hoa Kỳ. Chuyến thăm Đài Bắc của bà rất được chú ý ở Mỹ. Điều đáng ngạc nhiên là đảng Cộng hòa hết sức hoan nghênh chuyến đi này, trong khi đảng Dân chủ có vẻ rụt rè hơn. Việc đảng Cộng hòa công khai ủng hộ bà Pelosi là một sự kiện rất đáng quan tâm, bởi ở Mỹ, hầu như không có chủ đề nào mà hai bên có được sự đồng thuận, ngoại trừ chính sách thù địch với Nga và Trung Quốc. Theo đảng Cộng hòa, chính sách giữ một thái độ khiêm nhường đối với Bắc Kinh và không muốn tạo căng thẳng chỉ là một cách để "làm vừa lòng" Trung Quốc. Chính vì vậy, Mỹ cần phải khẳng định rõ lập trường của mình trước khi Trung Quốc đi quá xa trong hồ sơ Đài Loan. Sẽ có nhiều cơ hội để ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc đối với Đài Loan bằng cách kiên quyết hơn là cố gắng tránh xung đột. Đây chính là những gì bà Nancy Pelosi đã quyết định làm.
Về phần mình, tổng thống Joe Biden không thực sự ủng hộ chuyến đi này. Do đó, đối với bà Pelosi, đây cũng là một cách để khẳng định rằng về mặt Hiến pháp, bà không cần phải nghe lệnh của tổng thống. Với tư cách là người đứng đầu Hạ Viện, bà là người quản lý cơ quan lập pháp còn ông Biden quản lý hành pháp.
Theo La Croix, chúng ta vẫn phải chờ xem phản ứng của Trung Quốc trong những ngày tới và hậu quả địa chính trị của chuyến thăm này. Việc Trung Quốc cảnh báo về việc điều động quân sự trên không phận và hải phận của Đài Loan là một phản ứng rất mạnh mẽ. Trong trường hợp căng thẳng leo thang ở eo biển Đài Loan, bà Pelosi cũng không có trách nhiệm gì, và thủ phạm duy nhất sẽ là Trung Quốc.
Taliban bị suy yếu sau khi thủ lĩnh Al-Qaeda bị tiêu diệt
Nhìn sang Afghanistan, nhật báo Le Monde có bài viết về tổ chức Hồi giáo Taliban có thể bị cô lập trên chính trường quốc tế sau khi Mỹ tiêu diệt lãnh đạo Al-Qaeda Ayman al-Zawahiri. Kể từ sau vụ oanh kích, đã có những tin đồn về sự bất an trong hàng ngũ Taliban. Không có gì ngạc nhiên khi mối quan hệ giữa Al-Qaeda và Taliban vẫn khăng khít. Vào tháng 7, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc được các chuyên gia báo cáo rằng Al-Qaeda lộng hành hơn ở Afghanistan kể từ khi Taliban lên nắm quyền. Cũng theo báo cáo này, các chiến binh Al-Qaeda ước tính có khoảng từ 180 đến 400 người, thuộc một đơn vị chiến đấu của Taliban.
Tuy nhiên, theo Le Monde, các chuyên gia này cho rằng Al-Qaeda không có khả năng thực hiện các cuộc tấn công bên ngoài Afghanistan, do lực lượng này thiếu khả năng hậu cần. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm 2022, Ayman Al-Zawahiri đã không ngừng gửi các thông điệp bằng video và âm thanh, nhắc lại rằng Al-Qaeda có thể cạnh tranh với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) để dẫn đầu phong trào khủng bố toàn cầu.
Đối với Asfandyar Mir, chuyên gia tại Viện Hòa bình Mỹ, cái chết của Ayman Al-Zawahiri là "một bước lùi trong quan hệ giữa Mỹ và Taliban". Còn đối với Taliban, đây thực sự là một vố đau với chế độ. Kể từ khi Kabul rơi vào tay Taliban, Hoa Kỳ và các đồng minh đã ngừng gửi số tiền viện trợ hàng tỷ đô la, vốn đã giữ cho chính phủ trước đó trụ vững. Đổi lại, 7 tỷ đô la tài sản quốc gia của Kabul vẫn đang bị phong tỏa ở Hoa Kỳ và khoảng 2,6 tỷ đô la bị phong tỏa ở Châu Âu, chủ yếu ở Anh Quốc. Trong khi đó, hàng triệu người Afghanistan đang phải hứng chịu một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới, và sự hiện diện của Ayman Al-Zawahiri ở Afghanistan khiến cho cộng đồng thế giới càng khó công nhận Taliban.
Phụ nữ có nhiều tiếng nói hơn trong giới chính trị Pháp
Về thời sự Pháp, trang nhất và xã luận nhật báo thiên tả Libération dành sự quan tâm đến việc phụ nữ ngày càng nắm nhiều vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị nước này. Đối với tờ báo, đây là một thay đổi lớn trong giới chính trị Pháp, khi trong 3 tháng qua, những vị trí quan trọng của đất nước được đảm nhiệm bởi phụ nữ. Pháp giờ đây có nữ thủ tướng, nữ chủ tịch Hạ Viện và hai nữ lãnh đạo hai khối nghị sĩ đối lập chính trong Hạ Viện cũng là phụ nữ.
Và những người phụ nữ này không phải ngẫu nhiên leo lên được những vị trí nói trên. Họ đã phải làm việc chăm chỉ, vật lộn trong một guồng máy chính trị trọng nam khinh nữ để tự khẳng định mình, bất chấp những lời chế nhạo, những nụ cười khinh miệt và thậm chí là sự quấy nhiễu. Phụ nữ trong giới chính trị phải luôn đề cao cảnh giác, khi biết rằng họ có thể bị chế giễu vì bộ trang phục bị cho là quá hở hang hoặc quá sặc sỡ, giọng nói quá cao hoặc quá khàn, trang điểm quá đậm hoặc mắt quầng thâm quá rõ, cười quá to, hoặc khuôn mặt quá lạnh lùng nghiêm túc. Ngày mà một phụ nữ đắc cử tổng thống Pháp sẽ thực sự là một sự kiện lớn.
Trên thực tế, theo Libération, cuộc chiến chống bất bình đẳng giới sẽ chỉ thực sự kết thúc một khi việc phụ nữ lên nắm quyền không còn được xem là một sự kiện lớn, mà chỉ là một sự kiện phổ biến không đáng được nhấn mạnh. Nhưng điều này thực sự vẫn còn rất xa vời, vì mặc dù số bộ trưởng nam và bộ trưởng nữ trong chính phủ bằng nhau, các bộ then chốt vẫn đa phần do nam giới điều hành. Tuy lãnh đạo đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc là một phụ nữ, những đảng viên nam vẫn có vai trò cực kỳ quan trọng trong nội bộ đảng này. Libération tỏ ra thận trọng về vấn đề này khi chứng kiến sự thụt lùi về bình đẳng giới ở nhiều nơi trên thế giới, quyền phá thai bị đe dọa, và điều đó chứng tỏ rằng phụ nữ vẫn phải tiếp tục đấu tranh để bình đẳng giới được tôn trọng.
Romania bồi thường cho nạn nhân diệt chủng Thế Chiến II
Về lĩnh vực nhân đạo, tờ La Croix có bài viết về một thỏa thuận được ký hôm 01/08 giữa Romania và Israel, cho phép khoảng 15.000 người sống sót sau nạn diệt chủng ở Romania hồi Thế Chiến II được nhận một khoản hỗ trợ hàng tháng.
Thủ tướng Israel Yair Lapid đã hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận này, theo đó, những người sống sót sau thảm họa nói trên có nguồn gốc từ Romania sẽ được nhận từ 440 EUR đến 730 EUR, tùy thuộc vào số năm họ sống ở Romania từ năm 1940 đến năm 1945.
La Croix nhắc lại, trước khi chiến tranh nổ ra, Romania có cộng đồng người Do Thái lớn thứ 3 ở Châu Âu, chỉ sau Ba Lan và Liên Xô. Theo một cuộc điều tra dân số hồi năm 1930, lúc đó có khoảng 756.000 người Do Thái sống ở Romania. Sau khi cuộc chiến kết thúc, khoảng một nửa trong số này đã biến mất. Ủy ban các nhà sử học, do Elie Wiesel, giải Nobel Hòa Bình năm 1986, làm chủ tịch, đã ước tính trong báo cáo năm 2004 rằng có khoảng từ 280.000 đến 380.000 nạn nhân Do Thái của nạn diệt chủng ở các vùng lãnh thổ thuộc chế độ độc tài do tướng Ion Antonescu lãnh đạo.
Phan Minh