Chiến hạm Đài Loan và Trung Quốc "vờn nhau" tại eo biển Đài Loan
Trọng Nghĩa, RFI, 07/08/2022
Hôm 07/08/2022, Trung Quốc kết thúc 4 ngày tập trận rầm rộ chưa từng thấy chung quanh Đài Loan. Theo ghi nhận của giới quan sát, bất chấp hành động rõ ràng là thị uy của Trung Quốc, Đài Loan đã tung lực lượng Hải Quân và Không Quân ra để sẵn sàng nghênh chiến. Chiến hạm Đài Loan ngày hôm nay không ngần ngại bám sát đội tàu Trung Quốc tại eo biển Đài Loan.
Một quân nhân Trung Quốc theo dõi chiến hạm Lan Yang của Đài Loan ngày 05/08/2022. Trung Quốc tổ chức tập trận quy mô lớn quanh Đài Loan từ ngày 04-07/08/2022. AP - Lin Jian
Theo hãng tin Anh Reuters, trích dẫn một nguồn thạo tin, chiến hạm hai bên như đã chơi trò "mèo vờn chuột" trên biển vào hôm nay. Khoảng 10 tàu chiến của mỗi bên đã bám sát nhau dọc theo đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, một vùng đệm không chính thức ngăn cách hai bên.
Nguồn tin trên cho biết là khi tàu Trung Quốc tìm cách vượt qua đường trung tuyến như họ đã làm vào hôm qua, phía Đài Loan vẫn ở sát bên để theo dõi và cản phá hành động của Trung Quốc : "Một bên cố gắng vượt qua, còn bên kia cản đường và đẩy đối phương họ vào vị trí bất lợi để và cuối cùng phải quay trở lại phía bên kia lằn ranh". Tuy nhiên, cũng theo nguồn tin trên, cả hai bên đều chứng tỏ khả năng "tự kiềm chế".
Bộ Quốc Phòng Đài Loan vào hôm qua cũng cho biết đã cho chiến đấu cơ cất cánh để cảnh báo 20 máy bay Trung Quốc, trong đó có 14 chiếc đã băng qua đường trung tuyến. Đài Loan cũng đặt tên lửa chống hạm và tên lửa địa đối không Patriot trong tình trạng sẵn sàng ứng phó.
Theo Tân Hoa Xã, các cuộc tập trận của Trung Quốc, tập trung vào sáu địa điểm xung quanh Đài Loan, đã bắt đầu từ ngày 04/08 và kết thúc vào hôm nay, 07/08.
Nhà Trắng Mỹ lên án hành vi leo thang của Trung Quốc
Các cuộc tập trận của Trung Quốc quanh Đài Loan tiếp tục bị Mỹ lên án. Theo hãng Reuters, một phát ngôn Nhà Trắng đã cho rằng các hành động của Bắc Kinh là "một bước leo thang đáng kể trong nỗ lực thay đổi nguyên trạng (về Đài Loan), mang tính khiêu khích, vô trách nhiệm và làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm".
Trọng Nghĩa
************************
Đài Loan : Trung Quốc tập trận đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu
Thu Hằng, RFI, 07/08/2022
Theo dự kiến, cuộc tập trận của Trung Quốc quanh Đài Loan kết thúc ngày 07/08/2022. Trong bốn ngày phô trương sức mạnh đe dọa hòn đảo và để đáp trả chuyến công du Đài Bắc của chủ tịch Hạ Viện Mỹ, Bắc Kinh đã gây rối loạn giao thông và đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu khi "cấm" tầu thuyền lưu thông và khuyến cáo các hãng hàng không tránh khu vực.
Cảng Cao Hùng (Kaohsiung), Đài Loan, ngày 05/08/2022. Reuters - A nn W ang
Cuộc tập trận dài ngày diễn ra tại một trong những tuyến thương mại nhộn nhịp nhất thế giới, đặc biệt là con đường vận chuyển thiết bị điện tử, chất bán dẫn từ các nhà máy ở Đông Á ra thế giới, trong đó Đài Loan là nhà sản xuất chip điện tử lớn nhất.
Trước đó, chính quyền Đài Bắc đã cảnh báo : 18 hành lang bay quốc tế và 7 hải cảng bị ảnh hưởng. Các tầu chở container phải chuyển hướng sang phía đông Đài Loan, mất thêm 3 ngày, theo một số nhà kinh doanh khi trả lời Bloomberg. Vẫn theo hãng tin Mỹ, chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2022, gần một nửa số tầu chở container của thế giới đều đi qua eo biển Đài Loan.
Ngày 07/08, trang NHK của Nhật Bản cho rằng Trung Quốc có khả năng duy trì áp lực đối với Đài Loan kể cả sau khi kết thúc đợt tập trận, trong bối cảnh Bắc Kinh luôn đe dọa dùng vũ lực thống nhất Đài Loan. Một nguy cơ xung đột vũ trang như vậy, nếu xảy ra, sẽ tác động đến nền kinh tế toàn cầu, kinh khủng hơn cả hệ quả từ chiến tranh Ukraine, theo nhà nghiên cứu Jean-Vincent Brisset, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS).
Trả lời RFI ngày 07/08, ông Brisset giải thích :
"Vấn đề ở chỗ liệu số vũ khí mà Đài Loan muốn mua có thể chặn được cuộc đổ bộ lên bờ tây hòn đảo hay không, ở những vị trí hiếm hoi có thể đổ bộ và ngăn Trung Quốc chiếm một hải cảng trong trường hợp xảy ra. Ngoài ra, chiếm một hòn đảo khó tiếp cận là vấn đề vô cùng phức tạp và còn phức tạp hơn trong trường hợp của Đài Loan, được Hoa Kỳ ủng hộ và chắc hẳn một phần cộng đồng quốc tế cũng có ý tưởng đó. Tuy vậy, việc Trung Quốc chiếm hòn đảo có thể sẽ xóa sổ việc sản xuất một số thứ, bao gồm cả chất bán dẫn, và như vậy sẽ giáng một đòn khủng khiếp vào nền kinh tế quốc tế, còn kinh khủng hơn những gì đang diễn ra ở Ukraine".
Thu Hằng