Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/08/2022

Điểm báo Pháp - Đài Loan – Trung Quốc : Đối tác kinh tế khó bỏ nhau

RFI tiếng Việt

Đài Loan – Trung Quốc : Đối tác kinh tế khó bỏ nhau

Nước Nga và cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine, căng thẳng trong vùng eo biển Đài Loan với các cuộc tập trận phô trương mạnh liên tiếp của Bắc Kinh rồi đến Đài Bắc và những hệ lụy cho kinh tế thế giới. Đó là những chủ đề quốc tế đáng chú ý trên các trang báo chính của Pháp ra hôm 12/08/2022.

tqdl1

Trung Quốc thông báo ngưng nhập khẩu hoa quả Đài Loan nhằm trả đũa chuyến thăm Đài Bắc của chủ tịch Hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi, ngày 03/08/2022.  AP - Chiang Ying-ying

Trước tiên đến với khu vực eo biển Đài Loan, nơi từ đầu tháng này một bầu không khí đe dọa chiến tranh bùng lên từ các cuộc tập trận quy mô lớn bao vây đảo Đài Loan của Trung Quốc nhằm đáp trả chuyến thăm Đài Bắc của bà chủ tịch hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi. Bắc Kinh vừa thu quân về thì Đài Bắc triển khai các cuộc diễn tập của mình. Nhật báo Libération cho biết : Sau cuộc tập trận rầm rộ phô trương sức mạnh chưa từng thấy của Trung Quốc kéo dài một tuần, giờ đến lượt Đài Loan bắt đầu diễn tập để bảo vệ "chủ quyền lãnh thổ" và "an ninh quốc gia" với các giả định hòn đảo bị tấn công xâm lược.

Cho đến lúc này, tất cả vẫn chỉ dừng lại ở đe dọa, phô trương sức mạnh. Một cuộc xung đột quân sự dường như khó có thể xảy ra khi các bên giờ đều lệ thuộc chặt chẽ với nhau trên bình diện kinh tế. Trong một bài viết mang tiêu đề : "Giữa hòn đảo và lục địa, một bầu không khí chiến tranh và làm ăn", Libération cho thấy giờ đây nền kinh tế của Hoa Lục và đảo Đài Loan phụ thuộc lẫn nhau với các đầu tư lớn từ hai bên. Đài Loan là một trong những vùng lãnh thổ nhỏ bé hiếm hoi có cán cân thương mại thặng dư so với Trung Quốc.

Theo bài báo, trong chiến lược nhằm kiểm soát đảo, Trung Quốc từ lâu nay vẫn khuyến khích phát triển trao đổi kinh tế với Đài Loan. Bắc Kinh hiểu rất rõ cách "thống nhất tốt nhất" là hội nhập kinh tế hai nước. Các trừng phạt thương mại vừa thông báo hôm 03/08 vừa qua sau chuyến thăm của chủ tịch hạ Viện Mỹ Nancy Pelosi chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn. Theo tờ báo, mặc dù các áp lực về chính trị và quân sự của Bắc Kinh nhằm vào Đài Bắc, các trao đổi kinh tế vẫn phát triển và gắn kết hai bờ eo biển Formosa, đến mức giờ đây Đài Loan và Hoa Lục đã lệ thuộc chặt chẽ với nhau.

Từ lâu nay, Trung Quốc luôn là đối tác thương mại hàng đầu của Đài Loan. Năm 2021, 42% xuất khẩu của Đài Loan đổ sang Trung Quốc và hàng từ Hoa Lục chiếm 22% nhập khẩu của Đài Loan. Trung Quốc phụ thuộc hoàn toàn vào các sản phẩm bán dẫn của Đài Loan, điều này giúp cho hòn đảo luôn có cán cân thương mại tích cực so với Trung Quốc.

Kinh tế của Trung Quốc và Đài Loan gắn kết với nhau bởi các đầu tư của mỗi bên. Đầu tư từ Trung Quốc qua hòn đảo năm 2021 đạt gần 6 tỷ đô la. Về phần mình, Đài Loan từ lâu nay vẫn liên tục đầu tư vào Trung Quốc. Trong khoảng từ 1991 đến 2021, đầu tư của Đài Loan vào Hoa Lục đã lên tới 193,5 tỷ đô la.

Tuy nhiên, từ khi bà Thái Anh Văn lên nắm quyền năm 2016 thì giảm lệ thuộc kinh tế của hòn đảo trước mối đe dọa của người láng giềng lớn là một ưu tiên. Từ đó đến giờ, chính phủ Thái Anh Văn chủ trương đa dạng hóa đối tác kinh tế, tăng cường hợp tác kinh tế với 18 quốc gia nam và đông nam Châu Á. Trong khi Trung Quốc khuyến khích các công ty Đài Loan lập cơ sở tại Hoa Lục thì giờ đây Đài Loan tìm cách can ngăn và khuyến cáo các công ty nên rời khỏi Trung Quốc.

Kinh tế thế giới tê liệt vì thiếu chip điện tử Đài Loan ?

Không chỉ có Trung Quốc mà cả phần còn lại của thế giới cũng lệ thuộc vào sản phẩm bán dẫn của Đài Loan. Trang kinh tế Le Figaro chạy tựa : "Chip điện tử : Thế giới trong tình trạng báo động". Tờ báo đưa ra con số, chỉ riêng Đài Loan sản xuất 60% vi mạch điện tử của cả thế giới. Một cuộc xung đột Trung Quốc và Đài Loan nếu xảy ra chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm vi mạch bán dẫn trầm trọng, có nguy cơ làm tê liệt toàn bộ kinh tế thế giới. Chính vì thế mà những cuộc tập trận vừa rồi của Trung Quốc xung quanh Đài Loan đã làm thế giới không khỏi lo lắng.

Trước thực tế đó, Châu Âu và Hoa Kỳ đang tìm cách bù đắp cho sự thiếu hụt đó mà nguyên nhân do chậm chễ của họ trong lĩnh vực chế tạo bán dẫn. Theo Le Figaro, Châu Âu và Hoa Kỳ vừa mới đưa ra một chương trình đặc biệt thúc đẩy sản xuất vi mạch điện tử mang tên gọi "Chip Act". Mỗi bên đầu tư 50 tỷ đô la, mục đích để giúp các nhà công nghiệp xây mới hoặc mở rộng các nhà máy sản xuất vi mạch trên lãnh thổ của mình. Hiện tại Hoa Kỳ sản xuất 12% vi mạch bán dẫn của thế giới. Con số này của Châu Âu là 10%.

Chiến tranh Ukraine làm thay đổi cơ cấu quyền lực Nga

Nhật báo Le Figaro đến nhìn vào nội tình chế độ Kremlin với tựa lớn trang nhất : "Tại Moskva, phe chủ chiến chiếm đoạt toàn bộ quyền lực".

Trang sự kiện của tờ báo có nhiều bài viết để cho độc giả thấy dưới áp lực của cuộc chiến tranh tại Ukraine kéo dài chưa biết đến bao giờ kết thúc và sức ép của các trừng phạt quốc tế đang đè nặng nên đất nước, chính quyền Nga giờ tập trung chủ yếu vào những nhân vật "cứng rắn" và trung thành với tổng thống Putin.

Le Figaro ghi nhận, cuộc xâm lược Ukraine đã kéo theo sự thay đổi triệt để về quyền lực. Giờ đây tại Nga, duy nhất chỉ có phe "cứng rắn" có tiếng nói. Dấu hiệu điển hình cho xu hướng này là cựu tổng thống Dmitri Medvedev, người trước đây được cho là có quan điểm gần gũi phương Tây, giờ là một tiếng nói chống phương Tây kịch liệt. Ông này liên tục có những phát ngôn hiếu chiến chưa từng thấy như để phụ họa cho đường lối của ông chủ điện Kremlin

Phía sau tổng thống Nga, cơ quan mật vụ FSB tiếp tục mở rộng quyền lực. Làn sóng bắt bớ hàng loạt các giới chức đại học, văn hóa, khoa học và thậm chí cả trong nội bộ cơ quan tình báo này cho thấy rõ FSB đang được tự do hành động để thanh lọc mọi ý kiến trái chiều với chế độ của Putin.

Tờ báo trích dẫn nhận xét của nhà nghiên cứu chuyên về chính quyền Nga, Andrei Pertsev cho biết, mặc dù có sự củng cố quyền lực xung quanh Putin sau cuộc xâm lược, vẫn có hai xu thế đối lập nhau. Một bên là "phe chủ hòa", chủ yếu bao gồm giới tinh hoa về kinh tế, chủ trương thương lượng. Còn bên kia là phe chủ chiến, có những phát ngôn rất hiếu chiến, muốn đẩy nước Nga đi xa hơn nữa tại Ukraine… Những người thuộc nhóm này thường lớn tiếng và họ đã thành công trong việc áp đặt được tiếng nói của mình, buộc những người thuộc nhóm kia im lặng.

Vẫn theo Le Figaro, sự phân hóa nội bộ quyền lực ở Moskva còn ẩn chứa một nguyên do khác liên quan đến khả năng kế tục quyền lực của ông Putin, nhất là khi gần đây có những tin đồn về sức khỏe của tổng thống. Họ tin là sẽ đến lúc, ông Putin chọn người kế tục và thế là họ hối hả cạnh tranh, tố cáo lẫn nhau về những khó khăn vấp phải tại Ukraine.

Khi các nước vùng Baltic chống Nga đến cùng

Trong một góc độ khác liên quan đến nước Nga và cuộc xung đột Ukraine, Les Echos có bài phân tích : "Các nước vùng Baltic ngày càng không khoan nhượng với Nga".

Bài báo ghi nhận, "là những nước rất tích cực chống Nga từ đầu cuộc chiến tranh tại Ukraine, ba nước Baltic Litva, Latvia và Estonia liên tiếp có những hành động chống lại Nga khiến Kremlin không khỏi bực tức".

Theo Les Echos, hôm 11/08, Quốc hội Latvia đã thông qua nghị quyết coi Nga là "quốc gia ủng hộ khủng bố". Đây là một động thái mới nhất trong chính sách khăng khăng chống Nga không khoan nhượng của các nước vùng Baltic.

Tờ báo nhắc lại, ngay khi Nga mở cuộc tấn công vào Ukraine, các nước vùng Baltic đã nhanh chóng có phản ứng. Lên án mạnh mẽ cuộc tấn công, các nước Baltic kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu phải trừng phạt nặng nề nhất đối với Moskva. Các nước này, một mặt tìm cách cắt giảm lệ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng của Nga cũng như xóa bỏ nguồn ảnh hưởng của Kremlin như các kênh truyền hình. Một sự việc mang tính biểu tượng cao là tại Vilnius, có đường dẫn đến đại sứ quán Nga đã được đổi tên thành phố "những người anh hùng Ukraine".

Sáu tháng sau cuộc chiến tại Ukraine, sức huy động chống Nga tại các quốc gia vùng Baltic không hề suy giảm.

Tờ báo đưa ra một loạt dẫn chứng : Một cặp trượt băng nghệ thuật người Litva, sinh ra ở Moskva, chỉ vì tham gia một sự kiện do vợ chồng Dmitri Peskov, phát ngôn viên tổng thống Nga tổ chức sau khi trở về đã bị tước hết mọi danh hiệu, huy chương. Thậm chí tổng thống Litva còn đề nghị tước quốc tịch Litva của hai người này.

Ở một khung cảnh khác, Talin vừa ra thông báo, kể từ ngày 18/08, người Nga có visa vào Liên Hiệp Châu Âu sẽ không được phép cư trú tại Estonia. Cùng với Phần Lan, Estonia đấu tranh để Liên Hiệp Châu Âu cấm hoàn toàn du khách Nga. Trong khi đó Esonia là nước đã nêu ra khả năng rút bỏ mọi tượng đài kỷ niệm thời Liên Xô cũ.

Les Echos đặt câu hỏi, bị chọc giận như vậy, liệu có ngày Nga sẽ lại phát động cuộc xâm lược các nước vùng Baltic ? Chắc hẳn ba nước vùng Baltic này sẽ không khỏi lo lắng mỗi khi có các cuộc tập trận của Nga ở sát biên giới của mình.

Viện trợ cho Ukraine gấp hơn 10 lần Kế hoạch Marshall tái thiết Châu Âu

Nhật báo Les Echos cho biết "các nước phương Tây thông qua nhiều quyết định mới". Theo tờ báo, một hội nghị các đồng minh Bắc và Đông Âu của Ukraine, khai mạc ngày 11/08 tại thủ đô Đan Mạch là dịp để thông báo sự hỗ trợ mới về tài chính và quân sự cho Ukraine. Tổng số 26 nước đã dự hội nghị.

Khai mạc hội nghị, nước Anh thông báo sẽ tiếp tục cung cấp thêm cho Ukraine các dàn phóng hỏa tiễn đa nòng, cơ động có tầm bắn 80 km và 300 triệu euro viện trợ. Đan Mạch cũng thông báo nâng viện trợ tài chính cho Ukraine lên 110 triệu euro cùng cam kết đào tạo quân nhân Ukraine trên lãnh thổ của mình. Đức cũng cam kết tiếp tục cung cấp vũ khí hạng nặng cho Ukraine. Theo tờ báo, trước đây đã có 3 hội nghị tương tự dành để bàn về việc viện trợ khẩn cấp vũ khí cho Ukraine. Hội nghị này chủ yếu bàn về việc hậu thuẫn Kiev lâu dài.

Tham gia hội nghị trực tuyến từ Berlin, thủ tướng Đức Olaf Scholz cho biết, viện trợ cho Ukraine giờ đã lên tới 173 tỷ đô la, vượt con số của Kế hoạch Marshall của Hoa Kỳ dành tái thiết Châu Âu sau Thế chiến thứ 2 giai đoạn từ 1948-1952, khi đó chỉ vào khoảng trên 16 tỷ đô la.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ
Read 302 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)