Sau hai ngày đàm phán, ngày 09/09/2022, tại Los Angeles, Mỹ đã đặt được nền móng cho liên minh với 13 nước Châu Á-Thái Bình Dương trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ -Thái Bình Dương - IPEF. Các nước tham gia đã đưa ra tuyên bố chung cam kết hợp tác trong bốn lĩnh vực : Thương mại (gồm cả kinh tế số), chuỗi cung ứng, năng lượng xanh và chống tham nhũng.
Ảnh minh họa : Một cảng biển bốc dỡ hàng hóa ở Bangkok, Thái Lan, ngày 15/10/2021. AP - Sakchai Lalit
Văn bản mà 14 nước thông qua được coi là "lộ trình cho các cuộc đàm phán tương lai", theo bộ trưởng Thương Mại Mỹ Gina Raimondo. Bà cũng khẳng định thỏa thuận "sẽ tạo nhiều việc làm ở Mỹ cũng như ở các nước khác trong IPEF", trong đó có Việt Nam.
Theo AFP, Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ-Thái Bình Dương được tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng tháng 05/2022 với hy vọng tái lập trụ cột kinh tế trong chiến lược của ông về khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương và cũng nhằm làm đối trọng với sáng kiến Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực - RCEP của Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không tin vào khả năng thực thi của IPEF, vì các điều khoản liên quan đến giảm thuế, hoặc tạo điều kiện thâm nhập thị trường Mỹ đã bị loại khỏi thỏa thuận. Sau khi tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương - TPP, người kế nhiệm là ông Joe Biden cũng không đưa Mỹ trở lại hiệp định, do công luận trong nước vẫn lo ngại về nguy cơ việc làm tại Mỹ bị đe dọa.
Ngược lại, dù vẫn mang tính biểu tượng, sáng kiến dường như được giới doanh nhân Mỹ ủng hộ, vì "nếu Mỹ vắng mặt ở trong vùng, thì đó sẽ là một nguy cơ, do Trung Quốc vẫn hỗ trợ (cho những nước trong vùng) về cơ sở hạ tầng".
Thu Hằng