Bắc Kinh và California hợp tác phát triển công nghệ xanh (RFI, 09/06/2017)
Một tuần sau thông báo rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp ước Paris về Khí hậu, Bộ trưởng Năng Lượng Hoa Kỳ, Rick Perry tuần này đã đến Trung Quốc tham dự Diễn Đàn Các Nguồn Năng Lượng Sạch.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tiếp thống đốc bang California Jerry Brown,Hoa Kỳ, tại Đại Lễ Đường, Bắc Kinh ngày 06/06/2017. Xinhua via REUTERS
Tuy nhiên, theo nhận định của thông tín viên Angelique Forget tại Thượng Hải, Bắc Kinh đã tiếp đón Bộ trưởng Năng Lượng Mỹ một cách lạnh nhạt.
"Đây là một trong những hệ quả ngoại giao đầu tiên của việc rút Hoa Kỳ ra khỏi thỏa thuận về khí hậu : Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã không tiếp Bộ trưởng Năng Lượng Mỹ, đang công du Bắc Kinh. Bất chấp các nghi thức lễ tân, lãnh đạo Trung Quốc ưu tiên nói chuyện trực tiếp với thống đốc bang California, Jerry Brown, cũng đang có mặt tại Bắc Kinh.
Bắc Kinh muốn đưa ra một thông điệp mạnh mẽ : Trung Quốc không còn xem chính quyền Donald Trump như là đối tác Mỹ duy nhất để thảo luận về vấn đề khí hậu. Cuộc nói chuyện giữa chủ tịch Trung Quốc và thống đốc bang California đã được truyền thông Nhà nước Trung Quốc loan tin rộng rãi.
Rất hiếm khi chủ tịch Tập Cận Bình tiếp một thống đốc Mỹ một cách chính thức như thế. Cả hai bên không hề đề cập đến hiệp ước về khí hậu Paris, nhưng đã ký kết một nghị định thư giữa California và Trung Quốc để phát triển những công nghệ xanh…
Khi tiếp chuyện với Jerry Brown, một người ủng hộ môi sinh và có quan điểm chỉ trích Donald Trump, Tập Cận Bình cho thấy, một lần nữa, ông muốn lấp khoảng trống mà tổng thống Mỹ đã để lại và rằng Trung Quốc khẳng định vị thế đi đầu trong cuộc chiến chống hiện tượng hâm nóng khí hậu".
RFI tiếng Việt
*******************
Khí hậu : Bang California và Trung Quốc ký thỏa thuận hợp tác (RFI, 06/06/2017)
Ngày 06/06/2017, đại diện cho bang California, thống đốc Jerry Brown ký kết với chính quyền Bắc Kinh một thỏa thuận về hợp tác phát triển năng lượng sạch nhân chuyến thăm Trung Quốc một tuần nhằm đẩy mạnh các hợp tác trong lĩnh vực khí hậu, sau khi chính quyền Donald Trump tuyên bố rời bỏ hiệp định COP21 Paris.
Thống đống California, J.Brow (T) và Bộ trưởng Khoa Học - Công Nghệ Trung Quốc Vạn Cương (Wan Gang) tại Bắc Kinh ngày 06/06/2017.Reuters
Theo Reuters, trả lời báo giới, lãnh đạo California cho biết bang này và Trung Quốc nhất trí thiết lập quan hệ Đối Tác Công Nghệ Sạch (California-China Clean Technology Partenership), phát triển các công nghệ và nhanh chóng phổ biến ra thị trường, như thu giữ khí thải CO2, cũng như các công nghệ tiên tiến khác nhằm cắt giảm khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính và đặc biệt là xây dựng một thị trường mua bán phát thải carbon.
Đài phát thanh tư nhân Pháp Europe 1 cho biết thêm, trong cuộc họp báo hôm nay, thống đốc California nhấn mạnh đến tính cấp thiết của cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cho rằng hiểm họa này có thể còn "nguy hiểm hơn chủ nghĩa phát xít". Ông Jerry Brown kêu gọi Bắc Kinh xây dựng các tiêu chí mới, siết chặt hơn mức phát thải của các phương tiện vận tải.
Trong chuyến công du Trung Quốc, thống đốc California làm việc tại hai tỉnh Tứ Xuyên (Sichuan) và Giang Tô (Jiangsu), hai khu vực đi đầu trong việc phát triển năng lượng sạch. Tứ Xuyên và Giang Tô cũng là hai tỉnh đầu tiên của Trung Quốc tham gia liên minh quốc tế chống biến đổi khí hậu Under2 Coliation, do California hậu thuẫn. Đây là liên minh quốc tế đầu tiên giữa các vùng trên thế giới trong lĩnh vực này. Liên minh họp hội nghị vào ngày mai tại Bắc Kinh.
Năm 2015, GDP California với gần 2.500 tỉ đô la, đứng đầu nước Mỹ và xếp hạng thứ sáu toàn cầu.
Trung Quốc là nước gây ô nhiễm nhiều nhất, nhưng cũng là quốc gia đi đầu trong việc phát triển năng lượng tái tạo, với khoảng 88 tỉ đô la đầu tư trong năm 2016, chủ yếu trong lĩnh vực điện gió và mặt trời.
Trọng Thành
*********************
Trung Quốc phản pháo đề nghị của Đài Loan (VOA, 06/06/2017)
Đáp đề nghị của nhà lãnh đạo Đài Loan, Thái Anh Văn, muốn giúp Bắc Kinh chuyển tiếp sang dân chủ, Trung Quốc nói "những giá trị và những tư tưởng" do đảng của bà Thái thúc đẩy đã gây nên xáo trộn trên hòn đảo tự trị Đài Loan.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn đến một khách sạn tại Houston, Texas ngày 7/1/2017 trên đường đi thăm các nước Trung Mỹ…
Văn phòng Đài Loan Sự vụ của Trung Quốc nói chỉ những người dân Hoa lục mới có quyền nói đến những vấn đề của Hoa lục, đồng thời khuyến cáo bà Thái nên bỏ thì giờ suy gẫm về "những bất bình sâu rộng" tại Đài Loan và "những lý do khiến cho các mối quan hệ xuyên eo biển Đài Loan bị bế tắc".
Bắc Kinh không tin tưởng bà Thái và Đảng Dân tiến đương quyền vì lập trường truyền thống muốn Đài Loan độc lập. Bắc Kinh nói đảo này là một phần của Trung Quốc và chưa bao giờ từ bỏ sử dụng vũ lực để Đài Loan chịu sự kiểm soát của Trung Quốc.
"Chúng ta ngày càng gần hơn bất cứ thời điểm nào trong lịch sử về mục tiêu vĩ đại hóa nhân dân Trung Quốc", phát ngôn viên Ma Xiaoguang của Văn phòng nói trong một tuyên bố gởi Reuters.
"Nhà cầm quyền Đài Loan không nên làm chệch hướng sự chú ý và né tránh trách nhiệm trong khi làm tăng thêm đối kháng qua eo biển".
Phát biểu hôm 4/6 kỷ niệm 28 năm cuộc đàn áp tàn bạo những cuộc biểu tình đòi dân chủ do sinh viên lãnh đạo tại Quảng trường Thiên An Môn, bà Thái nói cách biệt lớn nhất giữa Đài Loan và Trung Quốc là dân chủ và tự do, chọc tức Bắc Kinh vào lúc quan hệ giữa hai bên xuống đến mức thấp nhất.
Bà Thái nói trên truyền thông xã hội "Nói về dân chủ, một số quốc gia đến sớm, những quốc gia khác đến chậm, nhưng chúng ta tất cả đều đi đến đích".
"Mượn kinh nghiệm Đài Loan, tôi tin Trung Quốc có thể thu ngắn những khó khăn trong việc cải cách dân chủ".
Sau gần 40 năm thiết quân luật do Quốc dân đảng thiết lập tại Đài Loan, đảo này vào cuối những năm 1980 bắt đầu chuyển tiếp sang dân chủ và tổ chức bầu cử Tổng thống trực tiếp kề từ năm 1996.
Trong khi hàng ngàn người tập họp thắp nền cầu nguyện tại Hong Kong hôm 4/6, kỷ niệm Thiên An Môn vẫn còn là điều cấm kỵ tại Hoa lục, nơi những lễ kỷ niệm công cộng bị cấm.