Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

17/10/2022

Điểm báo Pháp - Ukraine và Đài Loan

RFI tiếng Việt

Ukraine và Đài Loan "vận mệnh tương quan"

Với ngân sách quân sự thứ nhì thế giới, Bắc Kinh xây dựng một quân đội viễn chinh, và hy vọng thôn tính Đài Loan. Cách tốt nhất để chận Tập Cận Bình là đè bẹp giấc mộng đế quốc của Vladimir Putin. Đài Loan sụp đổ sẽ dẫn đến việc Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam, Úc nghĩ đến trang bị vũ khí nguyên tử, kỷ nguyên tự kềm chế sẽ kết thúc vào cái ngày Trung Quốc cắm cờ lên Đài Bắc.

taiwanukraine0

Tuần hành ở Đài Bắc (Đài Loan) ngày 13/03/2022 phản đối Nga xâm lăng Ukraine. AP - Chiang Ying-ying

Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc và cuộc chiến tranh ở Ukraine là các đề tài được báo chí Pháp bàn luận nhiều nhất. Le Monde chạy tựa trang nhất "Quyền lực vô biên của Tập Cận Bình ở Trung Quốc", còn với La Croix thì "Người dân Trung Quốc đầy ngờ vực".

Đảng chiến thắng Covid ? Hãy còn là chuyện viễn tưởng

Trong bài xã luận "Sự nhập nhằng của các huyền thoại", nhật báo công giáo nhận thấy lễ khai mạc hoành tráng Đại hội Đảng 20 với 2.300 đại biểu trong đó có cả phi hành gia, vô địch trượt băng… tại Đại sảnh đường Nhân Dân, nhằm chứng tỏ sự "vĩ đại" của Trung Quốc, "vinh quang" của đảng. Chính sách zero Covid gây nhiều bất bình, nhất là giới trẻ biết rằng thực tế không giống như những gì được nói trên ti vi. Khi dân chúng nổi giận, chính quyền tái lập những huyền thoại để trấn an.

La Croix cho rằng "Giấc mơ của chủ tịch bị vấp phải sự khựng lại của nền kinh tế" và "Tại Trung Quốc của Tập Cận Bình, không ai có thể thoát được". Hiện nay mỗi ngày chỉ có 150 chuyến bay quốc tế, còn trước Covid là 2.700 chuyến. Ba năm sau khi đại dịch khởi phát, chỉ có những người đi công việc mới được đến Hoa lục nhưng phải chịu cách ly 10 ngày, di chuyển trong nội địa cũng khó khăn. Từ Tây Tạng tới Hắc Long Giang, từ Tứ Xuyên đến Hà Nam đều phải xét nghiệm PCR mỗi ngày, hoặc mỗi hai, ba ngày. Những khu học xá hay trung tâm thương mại bỗng trở thành nhà tù trong nhiều ngày chỉ vì một ca dương tính… Cuộc sống bỗng trở nên bất an.

Một người dân nói : "Khi xét nghiệm cả tôm, súc vật thậm chí những hòn đá, rõ ràng là không theo logic dịch tễ nào, chúng tôi thấy các nhà lãnh đạo thật điên rồ khi mù quáng tuân lệnh Tập Cận Bình bất chấp những khốn đốn của người dân".  Với vac-xin tự chế không hiệu quả, Bắc Kinh chọn cách kiểm tra ngặt nghèo dù cái giá phải trả ngày càng lớn. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng năm 2022 chỉ là 3,3% thay vì 5,5% ; kinh tế gia trưởng Samy Chaar của ngân hàng Lombard Odier cho rằng trong thập niên tới, tỉ lệ này chỉ khoảng 2 đến 3%. Đã từng khoe khoang "chiến thắng" Covid, vì Đảng không thể lầm lẫn nên có thể kỳ họp Quốc hội tới có thể loan báo giảm nhẹ vì Đảng lại "thắng". Có điều hiện nay, khả năng này hãy còn là chuyện viễn tưởng.

Tập Cận Bình, mối nguy cho Trung Quốc và thế giới

Le Monde cảnh báo "Tập Cận Bình : Mối nguy của toàn trị". Trong mười năm qua, từ lãnh đạo tập thể đã trở thành tình trạng tập trung quyền lực trong tay một người duy nhất, có thể trị vì trọn đời. 

Trung Quốc phải đối mặt với nhiều thách thức – dân số, kinh tế, sinh thái – mà một nhúm người đàn ông tuổi 60, 70 khó thể giải quyết. Nhất là xu hướng chống phương Tây khiến một số quan chức lo ngại dân tộc chủ nghĩa mà ông Tập áp đặt sẽ càng tăng. Sự đối địch với Washington trong khi ở Hoa lục một cá nhân quyết định tất cả gây lo lắng cho người dân Trung Quốc. Mười năm sau khi lên ngôi, Tập Cận Bình đã trở thành mối nguy hiểm cho Trung Quốc và cả phần còn lại của thế giới.

Tương tự, Le Figaro nói về "Mùa thu của các nhà độc tài", từ Vladimir Putin, Erdogan, các giáo chủ Iran cho đến Tập Cận Bình. Bề ngoài có vẻ vững chắc, nhưng các bạo chúa thế kỷ 21 lại bị chính quyền lực tuyệt đối của mình làm hại. Kinh tế Trung Quốc xuống dốc, cuộc xâm lăng Ukraine trở thành thảm họa cho Nga, Iran đối mặt với phong trào nổi dậy của phụ nữ, và Thổ Nhĩ Kỳ khó thể che giấu khủng hoảng.

Việt Nam có thể trở thành đối tác quan trọng hơn của Châu Âu ?

Les Echos dành rất nhiều trang báo cho Đại hội Đảng cộng sản Trung Quốc. Trong bài "Covid, Đài Loan, kinh tế :  Tập Cận Bình duy trì chủ trương cứng rắn", tờ báo nhận thấy ông Tập trong bài diễn văn dài gần hai tiếng đồng hồ (chỉ bằng phân nửa so với cách đây 5 năm), đã nhắc chữ "an toàn" và "an ninh" đến 73 lần (Đại hội lần trước chỉ 55 lần). Ông cũng dập tắt mọi hy vọng giảm nhẹ zero Covid của người dân và các nhà đầu tư, chính sách chống tham nhũng cũng không có gì thay đổi. Tập Cận Bình nhắc lại mục tiêu biến Trung Quốc thành một đất nước "xã hội chủ nghĩa tân tiến" vĩ đại vào năm 2049, "thống nhất" với Đài Loan, và được đại hội vỗ tay kéo dài.

Nhật báo kinh tế cho rằng "Sự hiếu chiến của Trung Quốc đối với bên ngoài càng tăng lên". Ông Tập tin là phương Tây nhất định sẽ suy tàn và Trung Quốc đương nhiên sẽ vươn lên hàng đầu. Với cách nhìn Đại Hán, ngay từ khi mới nắm quyền Tập Cận Bình đã muốn thiết lập một trật tự quốc tế mới phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Từ bành trướng trên Biển Đông đến trừng phạt những nước chống lại mình như Na Uy, Úc, Litva… và nhất là tìm cách nắm những định chế Liên Hiệp Quốc. Bắc Kinh hình thành một nhóm nước nhất là Châu Phi để bỏ phiếu có lợi cho mình.

Theo nhà nghiên cứu Philippe Le Corre, nếu muốn thống trị Châu Á, Trung Quốc cũng sẽ tìm cách lập một nhóm nước lệ thuộc mình. Lào, Thái Lan đang lệ thuộc kinh tế Trung Quốc nhưng cả Đức cũng vậy, nên thường thúc đẩy những chính sách phù hợp với Bắc Kinh. Mục đích không nhằm tạo liên minh mà những nước lệ thuộc – một "chủ nghĩa thực dân mới". Trung Quốc cũng muốn lập các định chế quốc tế song song với Liên Hiệp Quốc, như Ngân hàng Đầu tư Châu Á, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.

Les Echos cho rằng như vậy Châu Âu có thể đóng một vai trò. Trước hết là giới thiệu một dạng thay thế đối với những nước quan trọng như Việt Nam, hiện có 100 triệu dân và không muốn lệ thuộc hoàn toàn vào người láng giềng khổng lồ. Tiếp theo là gây áp lực để Bắc Kinh không dùng vũ lực với Đài Loan. Lâu nay vẫn ảo tưởng, Châu Âu phải mất khá nhiều thời gian để hiểu được chủ nghĩa bá quyền của Trung Quốc, và hôm nay các ngoại trưởng Liên Hiệp Châu Âu họp lại để bàn bạc về chiến lược mới đối với Bắc Kinh.

Ukraine và Đài Loan vận mệnh tương quan

Về hồ sơ Đài Loan, ông Matthew Pottinger, cựu cố vấn của tổng thống Donald Trump khi trả lời Le Figaro đã đánh giá, cách tốt nhất để chận Tập Cận Bình không tấn công Đài Loan, là đè bẹp giấc mộng đế quốc của Vladimir Putin. Theo ông Pottinger, cuộc xâm lăng Ukraine làm gia tăng nguy cơ chiến tranh ở Đài Loan, bởi vì ông Tập tin rằng đây là cơ hội lịch sử chỉ đến có một lần trong thế kỷ. Chắc chắn Bắc Kinh nghiên cứu rất kỹ các bài học kháng chiến của Ukraine và sửa đổi lại một số kế hoạch.

Liệu có đáng khi để xảy ra đại chiến thế giới lần thứ ba chỉ vì một hòn đảo ? Matthew Pottinger nhấn mạnh, Đài Loan sụp đổ sẽ dẫn đến việc Nhật Bản trang bị bom nguyên tử, tiếp theo là Hàn Quốc, và mở ra tranh luận tại Việt Nam cũng như Úc. Kỷ nguyên tự kềm chế về vũ khí hạt nhân mà tổng thống Eisenhower áp đặt được trong thập niên 50, sẽ kết thúc vào cái ngày Trung Quốc cắm cờ lên đất Đài Loan.

Cuộc xâm lăng Ukraine rất giống cuộc chiến Triều Tiên năm 1950, đã đánh thức thế giới phương Tây. Từ những năm 40, những người nhìn xa trông rộng như Churchill biết rằng chiến tranh lạnh sẽ đến, nhưng phải có một cú sốc để các nước dân chủ thấy rằng Liên Xô không còn là đồng minh mà là địch thủ. Ngày nay cường quốc Trung Hoa không muốn tôn trọng những quy luật từ sau 1945, nên cần nhắc nhở rằng phương Tây đã thắng trong chiến tranh lạnh trước đây nhờ các giá trị, tiến bộ công nghệ và hiệu quả kinh tế. Ngày 24/02, khi Vladimir Putin khởi động cuộc chiến với sự ủng hộ của Tập Cận Bình, là hồi chuông đánh thức cho tất cả.

Sai lầm quá khứ trong hai trận đại chiến

Les Echos nhắc nhở câu nói được cho là của triết gia Tây Ban Nha Georges Santayana "Những ai không thể nhớ lại quá khứ, buộc phải lặp lại những sai lầm của họ", như là lời cảnh báo trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine. Phải chăng những người muốn tránh một cuộc đại chiến thế giới lần thứ ba, cần chú ý không để xảy ra những sai lầm đã dẫn đến Đệ nhất và Đệ nhị Thế chiến ?

Đó là không nên có thái độ của "người mộng du" như sử gia Christopher Clark mô tả trong cuốn sách về Đệ nhất Thế chiến, hay "những người Munich" như Churchill đã nói. "Mộng du" năm 2022 có nghĩa là không quan tâm đến lời đe dọa sử dụng vũ khí phi quy ước và mở rộng cuộc chiến của Kremlin. Lặp lại những sai lầm của Munich, là nhường bước trước săng-ta của Nga, mở ra chiếc hộp Pandore cho tất cả những nước sở hữu vũ khí nguyên tử có thể áp đặt luật chơi lên cộng đồng quốc tế.

Không có gì nguy hiểm hơn là nghe theo những tiếng nói muốn ngưng bắn ngay lập tức. Như thế là phản bội thành lũy tốt nhất bảo vệ Châu Âu trước Putin : những người Ukraine đang chiến đấu ngoài tiền tuyến.

Phương Tây cần giúp Ukraine bảo vệ không phận bằng mọi giá

Phương Tây dân chủ cần tâm niệm ba điều : sáng suốt, cứng rắn và nhất là đoàn kết. Vladimir Putin sẽ không bao giờ nâng được tinh thần binh sĩ như Ukraine. Đơn giản là vì nếu người Ukraine ngưng chiến đấu, sẽ là hồi kết cho Ukraine ; còn nếu quân Nga ngưng chiến đấu, chiến tranh và có lẽ cả sự nghiệp của Putin sẽ kết thúc.

Hiện nay ở miền đông và miền nam, các chiến binh Ukraine chỉ mất có 5 ngày để tái chiếm những vùng đất mà Nga phải mất 5 tháng mới giành được. Quân Nga hoàn toàn thất bại, trở nên lộn xộn và mất tinh thần. Ông chủ điện Kremlin không có cách nào khác ngoài việc leo thang, oanh kích rầm rộ và liên tục những mục tiêu dân sự.

Theo Les Echos, trước mắt phương Tây cần giúp bảo vệ vùng trời Ukraine khỏi các hỏa tiễn Nga bằng mọi giá, và nhìn chung nên tăng cường năng lực quân sự cho Kiev trên tất cả các lãnh vực. Đặc biệt là vấn đề đoàn kết. Tác giả bài viết cảm thấy thật kỳ lạ khi trong lúc này Ba Lan lại đòi Đức bồi thường một số tiền khổng lồ vì tội ác Đức quốc xã thời Đệ nhị Thế chiến. Ưu tiên của Warszawa là thanh toán nợ nần quá khứ hay đối mặt với thách thức của hiện tại và tương lai ? Trầm trọng hơn, Hungary của Victor Orban vẫn luôn đùa với lửa. Và đoàn kết không chỉ giữa các quốc gia mà trong từng nước. Những người kêu gọi tổng đình công ở Pháp đang bị tách rời khỏi thực tiễn, không khác gì ông Putin ở Moskva.

Mạnh tay chi tiền, Trung Quốc đã có tất cả vũ khí hiện đại

Trên lãnh vực quân sự, Les Echos báo động "Trung Quốc chi thả ga để hiện đại hóa quân đội". Với ngân sách quân sự thứ nhì thế giới, Bắc Kinh từ 5 năm qua đã rời khỏi tư cách phòng vệ để xây dựng một quân đội có khả năng viễn chinh, với hy vọng thôn tính được Đài Loan. Bắc Kinh vẫn chưa thể nào đuổi kịp Washington, nhưng một số lãnh vực như đạn đạo hay không gian gây lo ngại.

Trung Quốc đã biểu dương lực lượng nhằm trả đũa chuyến thăm của bà Nancy Pelosi hồi tháng Tám, và hiện nay hầu như có đầy đủ các loại vũ khí. Tình trạng này rất đáng lo, nhất là khi Tập Cận Bình hôm qua vừa tái khẳng định muốn chiếm Đài Loan, bằng vũ lực nếu cần thiết.

Trong cuộc diễn binh trước đại dịch Covid năm 2019, Bắc Kinh đã khoe ra ít nhất 36 hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa, trong đó có loại DF41 khổng lồ có thể bắn đến bất kỳ địa điểm nào ở Hoa Kỳ. Năm ngoái, Trung Quốc cho thử hỏa tiễn siêu thanh khiến tập đoàn quốc phòng Raytheon lo sợ Mỹ sẽ bị qua mặt về công nghệ. Tốc độ bắt chước và sự thiếu minh bạch của Bắc Kinh nhất là về vũ khí nguyên tử khiến thế giới lo sợ.

Vẫn còn thua xa Mỹ về năng lực viễn chinh

Với tiêm kích Y-20, phi cơ tiếp liệu YU-20 và dự án oanh tạc cơ chiến lược H-20, không quân Trung Quốc đang xích gần lại các tiêu chí phương Tây. Hải quân hầu như là con số không cách đây 15 năm, nay triển khai trên tất cả các đại dương kể cả Đại Tây Dương. Chỉ trong 4 năm, Bắc Kinh đã xây dựng được lực lượng tương đương Hải quân Pháp, và về số lượng chiến hạm đã vượt qua Hải quân Mỹ ! Mùa hè vừa qua Trung Quốc đã hạ thủy hàng không mẫu hạm thứ ba với những hình ảnh như Hollywood.

Để trở thành đại cường số một vào năm 2049, Bắc Kinh cần phải có quân đội đứng đầu thế giới. Ngân sách quốc phòng nay là 250 tỉ đô la, gấp 3,5 lần Ấn Độ ; riêng về người, Trung Quốc có 2 triệu lính, nếu tính cả công an vũ trang là 2,4 triệu, đứng đầu thế giới. Từ khi lên ngôi, Tập Cận Bình đã cho tăng chi quốc phòng chưa từng thấy, thanh trừng nhiều tướng lãnh và cải cách để siết chặt hàng ngũ ở Quân ủy Trung ương mà ông ta làm chủ tịch. Ông Tập cho mở căn cứ quân sự ở Djibouti, đàn áp Hồng Kông, đe dọa Đài Loan, gây sự ở biên giới Ấn Độ, đào đắp và quân sự hóa các đảo nhân tạo ở Trường Sa và Hoàng Sa...

Tuy vậy nhà phân tích Marc Julienne cho rằng Trung Quốc vẫn còn những khiếm khuyết lớn, nhất là về khả năng viễn chinh. Ông ước tính phải đợi đến 2027 Bắc Kinh mới có đủ lực để tấn công Đài Loan. Nhà chính trị học Barthelemy Courmont (IFRI) nhận định Bắc Kinh hãy còn thua xa Mỹ : 3 tàu sân bay cổ điển so với 12 hàng không mẫu hạm nguyên tử, và chỉ có duy nhất Djibouti còn Washington có cả ngàn căn cứ quân sự. Chưa kể năng lực tác chiến, Giải phóng quân Trung Quốc chưa hề đụng trận từ 40 năm qua. Điều chắc chắn nhất là quân đội ngày càng lệ thuộc vào một con người duy nhất : Tập Cận Bình, và chưa thể biết được ông ta sẽ luôn hiếu chiến, hay chọn một chiến lược linh hoạt hơn để bảo vệ những thành tựu từ toàn cầu hóa của đất nước ông.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 297 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)