Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/11/2022

Bắc Triều Tiên bắn thêm tên lửa nhưng chẳng làm Mỹ-Nhật-Hàn e ngại

RFI tổng hợp

Bắc Triều Tiên khẳng định đã tiến hành chiến dịch quân sự "đáp trả toàn diện" Mỹ - Hàn

Thùy Dương, RFI, 07/11/2022

Sáng 07/11/2022, bộ tổng tham mưu Quân đội Bắc Triều Tiên khẳng định từ ngày 02 đến 05/11 đã thực hiện các hoạt động quân sự đáp trả đợt tập trận chung Vigilant Storm (Bão táp Cảnh giác), được xem là cuộc tập trận chung không quân Mỹ - Hàn lớn chưa từng có. 

tenlua1

Ảnh ghép các đợt phóng tên lửa của Bắc Triều Tiên từ ngày 02 đến 05/11/2022, được Bình Nhưỡng thông báo là nhằm "đáp trả" các hành động quân sự của Mỹ-Hàn. AP

Quân đội Bắc Triều Tiên cũng dọa trong tương lai sẽ có các biện pháp đáp trả toàn diện, áp đảo, không nhân nhượng các đợt tập trận chung Mỹ - Hàn. 

Thông cáo của Bình Nhưỡng được đưa ra hôm nay sau hàng loạt vụ phóng tên lửa hồi tuần trước và trong bối cảnh Mỹ - Hàn kéo dài đợt tập trận chung Vigilant Storm.

Theo Yonhap, bộ tổng tham mưu Quân đội Bắc Triều Tiên đã công bố lịch trình chi tiết các vụ bắn thử tên lửa đạn đạo chiến thuật và các tên lửa hành trình, từ ngày 02 đến 05/11, số lượng và loại tên lửa phóng đi trong từng ngày, cũng như địa điểm phóng tên lửa. 

Bắc Triều Tiên cũng khẳng định các vụ thử nói trên nằm trong khuôn khổ chiến dịch thể hiện năng lực quân sự và tuyên bố "tất cả các động thái thù địch gần đây của Hoa Kỳ và Hàn Quốc là những hành động không thể dung thứ và bỏ qua".

Bình Nhưỡng nhấn mạnh "đang phải đối phó với các cuộc tập trận chuẩn bị cho chiến tranh của kẻ thù chống lại" Bắc Triều Tiên và các biện pháp đối phó tiếp theo sẽ "áp đảo và cứng rắn", "toàn diện hơn và không khoan nhượng". 

Thùy Dương

***********************

Nhật Bản tổ chức lễ duyệt hạm đội quốc tế, Hải quân Hàn Quốc cử tàu tham gia

Trọng Nghĩa, RFI, 06/11/2022

Hải quân Nhật Bản vào hôm 06/11/2022 đã tổ chức một buổi lễ lễ duyệt hạm đội quốc tế tại Vịnh Sagami, tỉnh Kanagawa, với sự tham gia của chiến hạm đến từ 12 nước. Điểm đáng chú ý là Hàn Quốc đã gửi một chiếc tàu đến dự.

tenlua2

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cùng một số quan chức và đại sứ Mỹ Rahm Emanuel tại vịnh Sagami, phía Nam Tokyo, ngày 06/11/2022. AP - 192002+0900

Theo hãng tin Nhật Kyodo, tham gia lễ duyệt hạm đội hôm nay có 18 chiếc tàu đến 12 quốc gia, trong đó có Úc, Canada, Ấn Độ, Mỹ, Anh…, cùng 6 chiến đấu cơ của Pháp và Mỹ.

Đây là lần đầu tiên trong 20 năm nay, Nhật Bản tổ chức lễ duyệt hạm đội quốc tế nhằm kỷ niệm 70 năm thành lập ngày thành lập Hải quân Nhật Bản. Phát biểu khi ông đến thị sát buổi duyệt tàu, thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã tố cáo Bắc Triều Tiên về các vụ phóng tên lửa gần đây, cho biết là Tokyo "không bao giờ có thể chấp nhận việc (Bắc Triều Tiên) phát triển tên lửa và hạt nhân".

Ngoài ra, thủ tướng Nhật cũng khẳng định rằng nước ông không thể chấp nhận việc Nga xâm lược Ukraine, cho rằng : "Những nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, chẳng hạn như cuộc xâm lược Ukraine, không bao giờ được dung thứ ở bất kỳ khu vực nào trên thế giới".

Lãnh đạo Nhật Bản cũng gián tiếp phê phán Trung Quốc khi nói rằng : "Môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản, bao gồm cả Biển Hoa Đông và Biển Đông, đang nhanh chóng trở nên căng thẳng hơn".

Trên cơ sở đó, thủ tướng Nhật Bản cam kết tăng cường năng lực hải quân cũng như quân sự nói chung để đối phó với những thách thức.

Điều được giới quan sát chú ý là lần đầu tiên từ năm 2015 đến nay, Hàn Quốc đã cử tàu của mình đến tham gia lễ duyệt tàu tại Nhật Bản. Theo thông tín viên RFI Célio Fioretti tại Seoul, đối mặt với mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên, Hàn Quốc đang tăng cường quan hệ với đồng minh lâu năm của mình, Hoa Kỳ, nhưng cũng đang cố gắng xích lại gần hơn với Nhật Bản, quốc gia có quan hệ không mấy tốt đẹp với Seoul. 

"Mối đe dọa từ Bắc Triều Tiên có thể hòa giải hai kẻ cựu thù. Hôm nay mồng 6 tháng 11, lần đầu tiên từ bảy năm nay, Soyang, một tàu quân sự của Hàn Quốc, tham gia lễ duyệt hạm đội quốc tế do Nhật Bản tổ chức ngoài khơi Tokyo.

Do lịch sử chung của hai nước, kể từ khi Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc vào đầu thế kỷ trước, hai bên đã duy trì quan hệ rất ít thân thiện cho đến gần đây. Nhưng điều đó có thể thay đổi với nhu cầu ứng phó với căng thẳng gia tăng mà chế độ Bình Nhưỡng gây ra. 

Kể từ mùa hè này, Tokyo và Seoul đã gia tăng các cuộc họp chính thức với mục đích vạch ra một chính sách an ninh chung trong khu vực. Vào tháng 10, hai nước cũng đã tiến hành các cuộc diễn tập quân sự chung. 

Vào thời điểm hiện tại, mối quan hệ xích lại gần nhau có vẻ diễn ra tốt, nhưng một số tranh cãi đã nổi lên. Thật vậy, trong lần duyệt binh này, các thủy thủ Hàn Quốc sẽ phải chào cờ của Hải quân Nhật Bản, tương tự như lá cờ được sử dụng trong thời kỳ Nhật chiếm đóng Triều Tiên. Lá cờ này đã gợi lại những ký ức tồi tệ. 

Dẫu sao thì cả hai chính phủ đều có ý định tiếp tục cải thiện quan hệ. Do đó, Nhật Bản và Hàn Quốc đang xem xét tổ chức hội nghị thượng đỉnh song phương dự kiến vào tháng 11". 

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thùy Dương, Trọng Nghĩa
Read 235 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)