Trung Quốc : Sự điên rồ của quyền lực tuyệt đối
Sau thời kỳ mao-ít khủng khiếp, chủ trương mở cửa đã giúp 600 triệu người ở Hoa lục thoát khỏi đói nghèo. Trung Quốc cất cánh, tìm lại niềm tự hào, thậm chí sự ngạo mạn của đế quốc tự cho là trung tâm thế giới. Nhưng bỗng dưng bầu trời đổ sập. Thế giới sững sờ trước "zéro Covid", đỉnh cao của toàn trị vô nghĩa. "Quyền lực tuyệt đối khiến người ta hoàn toàn điên rồ" - ông Tập đã chứng minh câu nói của sử gia Acton.
Một người dân nhìn qua lỗ hổng hàng rào phong tỏa khu dân cư, sau khi lệnh phong tỏa vì Covid được dỡ bỏ tại Thượng Hải ngày 07/06/2022. Reuters – Aly Song
Ukraine : "Nghĩa địa hỏa tiễn" Kharkiv, bằng chứng tội ác chiến tranh Nga
Về tình hình Ukraine, Le Monde nhận thấy "Tại Kherson, những dấu hiệu khởi đầu cho một cuộc di tản mới của thường dân" : được tái chiếm không có nghĩa là được sống yên ổn, quân Nga liên tục bắn sang từ bên kia sông. Còn tại Kharkiv, "nghĩa địa hỏa tiễn" là bằng chứng cho các cuộc tấn công của Nga.
Đó là một mảnh đất nằm ở ngoại ô Kharkiv, nơi lưu giữ những mảnh đạn từ các trận mưa hỏa tiễn ập xuống thành phố lớn thứ nhì Ukraine kể đầu cuộc xâm lăng hôm 24/02, được canh giữ cẩn thận. Cách đây vài ngày, một video do drone quay được, công chúng mới biết đến "nghĩa địa hỏa tiễn" này. Cũng như hình ảnh một núi vũ khí đăng trên Facebook hôm 04/12 do một cặp vợ chồng nhiếp ảnh gia Ukraine chụp được tại một địa điểm khác.
Tại "nghĩa địa" mà đặc phái viên Le Monde tìm đến, hàng trăm quả đạn các loại được xếp ngay ngắn, một số đã được dán nhãn. Có đến 95% là rốc-kết giá rẻ, từ 50.000 đến 100.000 đô la một quả, được sản xuất từ 1970 đến 1990, tức cuối thời kỳ Liên Xô. Tuy kém chính xác, nhưng đủ để gây sợ hãi cho thường dân. Ngoài ra còn có bom bi, bị quốc tế cấm sử dụng ; và những mảnh vỡ của hỏa tiễn Kalibr trị giá đến 100 triệu đô la. Chính quyền địa phương đã cần mẫn thu gom từ tháng 5, nhằm chứng minh cho tội ác chiến tranh của Nga.
Ba căn cứ quân sự trên đất Nga bị tấn công
Theo Le Figaro, hai vụ tấn công vào Crimea cuối tháng 7 và tháng 10 vào Crimea đã cho Moskva thấy vùng đất đã bị sáp nhập, dù ở xa chiến trường, vẫn không phải là bất khả xâm phạm. Thứ Hai 05/12, các drone còn đánh vào sâu hơn, gây thiệt hại cho hai căn cứ không quân ở miền trung nước Nga. Bộ quốc phòng Nga nói rằng căn cứ Daguilevo thuộc vùng Riazan và căn cứ Engels gần Saratov, lần lượt nằm cách biên giới 500 và 750 kilomet bị drone Ukraine oanh tạc. Theo thông cáo, phòng không Nga đã chặn được, nhưng ở căn cứ Daguilevo do drone rơi trúng xe chở dầu, ba quân nhân thiệt mạng, bốn bị thương, hai phi cơ bị "hư hại nhẹ".
Kiev không phủ nhận cũng không thừa nhận. Mykhailo Podolyak, một cố vấn tổng thống viết trên Twitter : "Nếu quá thường xuyên tung ra một vật thể bay trên không phận nước khác, trước sau gì vật đó cũng hồi cố chủ". Les Echos dẫn nguồn tin Ukraine không chính thức khẳng định hai oanh tạc cơ Tu-95 (được coi như B-52 của Liên Xô) tại căn cứ Engels đã bị phá hủy, một thiệt hại chưa từng thấy cho Moskva. Căn cứ này là nơi xuất phát các phi cơ Nga để oanh kích cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine. Các ảnh vệ tinh của Maxar và Planet Labs cho thấy khoảng vài chục oanh tạc cơ chiến lược và hỏa tiễn hành trình X-55, X-101 tại đây.
Các vụ tấn công này tác động cả về công nghệ lẫn chính trị. Hồi tháng 10, công ty Ukroboronprom loan báo ý định chế tạo loại drone có thể đánh vào sâu 1.000 kilomet trong nội địa Nga. Các phóng viên chiến trường Nga nay than thở, "rõ ràng không còn cơ sở chiến lược nào ở Nga có thể được coi là thật chắc chắn". Hôm thứ Hai, Kremlin công bố một video trong đó Vladimir Putin cầm lái một chiếc Mercedes chạy trên cầu Kerch nổi tiếng để chứng tỏ nơi này đã lại an toàn. Cùng ngày, mặt đất Nga rung chuyển vì bị Ukraine oanh tạc.
Tập Cận Bình ca ngợi đàn áp 1989 trong đám tang Giang Trạch Dân
Liên quan đến Châu Á, Le Monde chú ý đến việc Tập Cận Bình ca ngợi việc đàn áp phong trào dân chủ Thiên An Môn năm 1989 của người tiền nhiệm Giang Trạch Dân. Bài điếu văn thực chất là một diễn văn chính trị đọc trước hàng ngàn cán bộ đảng, tất cả đều mang khẩu trang, Tập Cận Bình vinh danh "nhà lãnh đạo lỗi lạc" đã "kiên quyết chống lại những vụ gây rối chính trị trầm trọng tại đất nước diễn ra vào mùa xuân và mùa hè năm 1989". Tuy Giang Trạch Dân đã đưa Trung Quốc xích gần lại với Hoa Kỳ, ông Tập lại kêu gọi Đảng cộng sản Trung Quốc "tay trong tay với tất cả lực lượng cấp tiến trên thế giới" và "xúc tiến một kiểu quan hệ quốc tế mới".
Trên mạng xã hội, sự kiện ông Giang qua đời khiến nhiều cư dân mạng nhớ lại thời kỳ họ được tha hồ coi manga của Nhật hay những phim như Titanic của phương Tây, và có được một ít tự do. Giang Trạch Dân là người dễ tiếp xúc, chấp nhận chỉ trích, không như ông Tập. Nhưng có người nhắc nhở, ông Giang cũng là người đàn áp Pháp Luân Công và để diễn ra nạn sa thải hàng loạt trong thập niên 90, không nên để cảm tưởng về ông Giang trở nên tích cực chỉ vì ông Tập quá tệ hại. Le Figaro cho rằng "Tập Cận Bình bối rối vì bóng ma Giang Trạch Dân" : dân mạng khen ngợi ông Giang nhưng nhằm chỉ trích Tập đại đế, mà kiểm duyệt không làm gì được.
Trung Quốc : Điên rồ vì quyền lực tuyệt đối !
Cũng về Trung Quốc, trong bài "Một quyền lực tuyệt đối làm người ta trở nên điên rồ", Les Echos giới thiệu tác phẩm "Hồ sơ Trung Quốc" do Pierre-Antoine Donnet chủ biên, phác họa một hệ thống gây tai họa cho chính người dân của mình. Sau thời kỳ mao-ít khủng khiếp, ý hướng tư bản của Đặng Tiểu Bình đã giúp 600 triệu người ở Hoa lục thoát khỏi đói nghèo. Trung Quốc cất cánh, chiếm hàng đầu trong nhiều lãnh vực, các tập đoàn hàng xa xỉ phương Tây trải thảm đỏ gọi mời. Một tỉ người Trung Quốc say mê tiêu thụ và trò chơi trên mạng. Đế quốc tự cho là trung tâm thế giới tìm lại niềm tự hào, bản sắc, thậm chí sự ngạo mạn.
Nhưng bỗng dưng bầu trời đổ sập. Thế giới sững sờ trước "zéro Covid", đỉnh cao của toàn trị vô nghĩa. Ở Tân Cương, bị phong tỏa trong tòa nhà bốc cháy do chập điện, người dân không thể chạy thoát, 10 người đã chết cháy. Tại Trịnh Châu, 200.000 công nhân bị nhốt trong nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn đã nổi giận đập bể các camera giám sát và cửa sổ, lật nhào các xe, phá các ca-bin xét nghiệm PCR, cố thoát khỏi nhà tù này.
Tập Cận Bình đã cho sửa đổi Hiến pháp để có thể trị vì mãn đời, ít nhất là đến 2032. "Quyền lực làm mê đắm, quyền lực tuyệt đối khiến người ta hoàn toàn điên rồ" - nhà sử học kiêm chính trị gia Anh Lord Acton đã nói, và mỗi ngày ông Tập đều chứng minh. Ông ta bỗng chốc ra tay thắng gấp việc dạy thêm, cấm cản cả giáo viên ngoại quốc, trấn áp những ai chống lại.
Trong đại hội đảng 20 được tuyên truyền rầm rộ, Tập đại đế trục xuất thô bạo người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào. Một lời vĩnh biệt đối với thời kỳ ông Hồ và sự mở cửa với thế giới bên ngoài. Theo nhóm biên tập "Hồ sơ Trung Quốc", "bức màn sắt đè quá nặng lên xã hội Trung Hoa", những vết rạn bắt đầu xuất hiện mà những cảnh bạo động ở Trịnh Châu là một trong những bằng chứng.
Hàng ngàn người mất tích, dân chúng bị theo dõi ngày đêm bằng công nghệ
Pierre-Antoine Donnet đặt câu hỏi "Hệ thống nào có quyền làm biến mất những con người mà không cần thông báo cho gia đình họ ?". Hàng ngàn người đã mất tích kể từ 1949, bất kỳ ai dám chỉ trích đảng đều có thể trở thành mục tiêu, dù nghèo hay giàu. Tỉ phú Mã Vân (Jack Ma), nhà sáng lập Alibaba đã có được kinh nghiệm. Nhà tài phiệt Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), chủ tịch tập đoàn bất động sản Hoa Viễn (Huayuan) do dám đả kích việc quản lý Covid của ông Tập, đã không bao giờ còn thấy xuất hiện trước công chúng. "Chế độ này suy nghĩ thay cho chúng ta, trói chặt tự do cá nhân".
Đối đầu với Mùa Xuân Bắc Kinh 1978 và cuộc nổi dậy ở quảng trường Thiên An Môn tháng 6/1989, lo sợ trước Mùa Xuân Ả Rập đầu những năm 2010, chế độ không ngừng siết chặt để bóp chết mọi phản kháng. Việc giám sát bằng kỹ thuật số thật đáng kinh ngạc. Những tội phạm có thể được nhận ra trên đường phố ngay cả khi đã che mặt. Phần mềm nhận diện thậm chí có thể diễn dịch được cảm xúc, để phát giác các trẻ em có vấn đề trong trường học, hay công nhân lười việc. Internet Trung Quốc được bao vây bằng Vạn Lý Hỏa Thành, cô lập với thế giới, không thể truy cập Twitter, Google, Facebook. Khạc nhổ xuống đất hay từ chối xét nghiệm PCR làm giảm điểm tín nhiệm xã hội, con cái không được đi học trường công.
Đại dịch càng làm tăng thêm những sáng kiến giám sát. Drone và camera theo dõi các đường phố, tòa nhà. Tân Cương, vùng đất của người Duy Ngô Nhĩ trở thành phòng thí nghiệm cho các công cụ đàn áp kỹ thuật số. Bên cạnh việc hạn chế sinh sản và hệ thống trại cải tạo, mạng lưới camera ở đây dày đặc nhất nước. Công ty Khoáng Thị (Megvii) đã hợp tác với Hoa Vi (Huawei) để phát triển "Cảnh báo Duy Ngô Nhĩ", tự động hóa ghi nhận 36 loại biểu cảm trên gương mặt. Chỉ còn phòng ngủ là chế độ chưa xâm nhập.
Trung Quốc thiếu phụ nữ, trẻ em và sẽ có quá nhiều người già. Năm 1950, cứ 8 trẻ em thì có một người cao niên, đến 2050 thì 1 trẻ em có đến 2 người cao tuổi, tổng cộng đến 400 triệu người già. Nhưng tự do mới là thứ thiếu thốn nhất ở Trung Quốc.
Hiếm khi chuyên gia dự báo được những cuộc biểu tình chống toàn trị
Cũng liên quan đến những chế độ toàn trị, Le Figaro dẫn bài viết của Die Welt cho biết các chính quyền độc tài đều lo sợ trước các cuộc biểu tình nổ ra bất ngờ của dân chúng và đặt câu hỏi, liệu các chế độ này có thực sự vững chắc ?
Trên một con đường trước chợ Quảng Châu, người dân ném chai lọ, gạch đá vào công an trang bị tận răng. Ở Bắc Kinh, thanh niên giơ cao những tờ giấy trắng phản đối kiểm duyệt, tại Thượng Hải người biểu tình hát vang Quốc tế ca "Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian...". Từ vài tháng qua, các nhà nước độc tài lớn nhất thế giới : Trung Quốc, Iran, Nga phải đối mặt với sự nổi dậy của công dân, nhưng hiếm có chuyên gia nào dự đoán được.
Tại Hoa lục, cho đến tuần trước không ai tin rằng bằng ấy người sẽ xuống đường một cách nhanh chóng như vậy để đòi thay đổi chế độ chính trị. Các nhà quan sát cũng kinh ngạc khi hàng ngàn người dám biểu tình ở Nga để phản đối cuộc chiến tranh với Ukraine. Tại Iran, từ nhiều tháng qua, người dân cả nam lẫn nữ, đủ mọi lứa tuổi và giai tầng xã hội xuống đường chống lại chế độ thần quyền, bất chấp nguy cơ bị án tử và cảnh sát được quyền bắn vào đám đông.
Nhà độc tài bị hạ bệ khi giới tinh hoa không còn ủng hộ
Phải chăng nhu cầu tự quyết của con người không dễ gì bị tiêu diệt như các nhà độc tài vẫn tưởng ? Và điều gì có thể khiến chế độ tan rã ? Barbara Geddes, giáo sư đại học California, một trong những nhà nghiên cứu uy tín nhất thế giới về các thể chế độc tài, nhấn mạnh đến "thời điểm bản lề". Chẳng hạn ở Đông Đức cũ, dân chúng chừng như đã bằng lòng với trật tự được lập ra, rồi bỗng chốc họ xuống đường phản đối. Nhưng chính xác lúc nào một Nhà nước có vẻ vững vàng lại sụp đổ ? Lý do dẫn đến sự đảo lộn bất ngờ, "thời điểm bản lề" vẫn chưa có câu trả lời.
Vị giáo sư 78 tuổi cùng với các đồng nghiệp đã nghiên cứu sự tiến triển của 280 chế độ độc tài từ 1946 đến 2010, xem xét gần 5.000 hồ sơ dữ liệu để tìm ra những yếu tố gây bất ổn. Bà cho biết hiếm khi biểu tình đủ để lật đổ chế độ, nhà độc tài chỉ bị hạ bệ khi mất đi sự ủng hộ của giới tinh hoa, và cũng phải tính đến số lượng. Càng có nhiều người thuộc nhóm quyền lực mở rộng có lợi ích sống còn dựa vào chế độ, thì hệ thống càng vững chắc.
Theo cách nhìn này, chế độ Vladimir Putin có ít cơ hội sống sót nhất, giới tinh hoa cầm quyền là một thiểu số quá nhỏ. Các nhà nước độc đảng như Trung Quốc hay Iran có thể ngự trị lâu dài hơn so với các hệ thống quyền lực được cá nhân hóa. Một yếu tố nữa là trật tự kế vị rõ ràng. Báo cáo thường niên của tổ chức phi chính phủ Freedom House cho biết hiện có đến 38% dân số thế giới sống trong các quốc gia phi tự do, đây là tỉ lệ cao nhất kể từ 1997, và Bắc Kinh là trung tâm của thế giới này.
Hội nghị đa dạng sinh học diễn ra trong bối cảnh khó khăn
Hội nghị COP15 đa dạng sinh học khai mạc hôm nay tại Canada với đại diện của gần 200 quốc gia, là đề tài trang nhất của nhiều tờ báo. Libération kêu gọi cứu vãn những gì cứu được, với La Croix là tái tạo lại thiên nhiên - 1 triệu loài thực vật và động vật (trên tổng số 8 triệu) có nguy cơ biến mất trong những thập niên tới. Le Monde nhấn mạnh cần tránh nạn tuyệt chủng lần thứ sáu, bảo vệ 30% diện tích đất và biển của Trái Đất từ nay đến 2030. Tựa chính của Le Figaro nói về cuộc khủng hoảng hệ thống y tế Châu Âu, Les Echos quan tâm đến đàm phán về lương bổng trong ngành giao thông và năng lượng.
Lẽ ra tổ chức tại Côn Minh, Trung Quốc vào năm 2020 nhưng do Covid, COP15 đã được dời sang Montréal, trễ mất hai năm, tuy nhiên Bắc Kinh vẫn chủ trì hội nghị. Không có tổng thống hay thủ tướng nào tham dự trừ Justin Trudeau, vì Trung Quốc không mời ; lại trong bối cảnh chiến tranh Ukraine, căng thẳng Mỹ-Trung, giá nguyên vật liệu tăng vọt ; có vẻ 22 mục tiêu trong khuôn khổ được vạch ra cho thập niên này khó thể đạt được. Chưa kể quan hệ Canada-Trung Quốc đang u ám vì vụ Mạnh Vãn Châu, và vụ Tập Cận Bình bị ông Trudeau sửa lưng sau khi ông Tập lên mặt "dạy đời". Giám đốc Climate Action Network Canada lo lắng COP15 nếu thất bại sẽ là thảm họa.
Thụy My