Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

12/02/2023

Campuchia theo Trung Quốc, Philippines theo Hoa Kỳ ?

RFI tổng hợp

Thủ tướng Cam Bốt công du Trung Quốc : Hai bên nhất trí chống "thế lực bên ngoài"

Trọng Nghĩa, RFI, 12/02/2023

Nhân chuyến công du Trung Quốc từ ngày 09 đến ngày 11/02/2023, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đã được Bắc Kinh cam kết hậu thuẫn về mọi mặt, từ kinh tế, chính trị, cho đến an ninh. Ngoài các vấn đề hợp tác song phương, hai bên đã nêu bật quyết tâm chống lại mọi can thiệp từ các "thế lực bên ngoài".

chaua1

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay bên lề cuộc họp tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 10/02/2023. Ảnh do Tân Hoa Xã Trung Quốc công bố. AP - Huang Jingwen

Theo ghi nhận của hãng tin Mỹ AP, thủ tướng Hun Sen đã có cuộc tiếp xúc với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10/02 tại Bắc Kinh, trong đó lãnh đạo Trung Quốc khẳng định việc "kiên quyết ủng hộ Cam Bốt trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, thúc đẩy đều đặn các chương trình nghị sự chính trị lớn trong nước cũng như phát triển kinh tế và xã hội, đồng thời kiên quyết phản đối các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Cam Bốt".

Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc là Tân Hoa Xã đã trích lời thủ tướng Hun Sen cho biết Cam Bốt "kiên quyết ủng hộ Trung Quốc trong việc bảo vệ chủ quyền, an ninh và lợi ích phát triển quốc gia" cũng như "kiên quyết phản đối bất kỳ thế lực bên ngoài nào can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến Hồng Kông, Tân Cương và Tây Tạng".

Riêng về Biển Đông, vấn đề vẫn gây tranh chấp giữa Trung Quốc và một số nước trong khối ASEAN mà Cam Bốt là thành viên, hai bên đã dành riêng một trong số 8 điểm của bản Thông cáo chung ngày 11/02 để nhắc lại quan điểm cố hữu của Bắc Kinh theo đó "nhờ nỗ lực chung của các nước ASEAN và Trung Quốc, tình hình Biển Đông nhìn chung ổn định" do đó cần phải tránh các "mưu toan sử dụng vấn đề Biển Đông để phá hoại hòa bình, ổn định và lòng tin trong khu vực".

Theo AP, Cam Bốt là một đối tác ngoại giao quan trọng của Trung Quốc, giúp Bắc Kinh giảm được sự chỉ trích trong ASEAN trên vấn đề Biển Đông.

Cam Bốt cũng bị nghi là sẵn sàng làm đầu cầu cho Trung Quốc thâm nhập vùng Đông Nam Á về mặt quân sự.

Hãng AP nhắc lại : Vào tháng 06,/2022, Trung Quốc và Cam Bốt đã động thổ dự án mở rộng một quân cảng khiến Mỹ và các nước khác lo ngại rằng dự án này có thể cung cấp cho Bắc Kinh một tiền đồn quân sự có tầm quan trọng chiến lược trên Vịnh Thái Lan.

Hun Sen vào năm 2019 được cho là đã trao cho Trung Quốc quyền thiết lập căn cứ quân sự tại Căn cứ Hải quân Ream của Cam Bốt, điều luôn luôn bị ông phủ nhận.

Về phần Trung Quốc, nước này đã giành được một vai trò to lớn trong đời sống chính trị và kinh tế Cam Bốt, với hàng loạt dự án hạ tầng cơ sở, khách sạn và sòng bạc do Trung Quốc tài trợ ở khắp nơi. Hơn 40% trong số 10 tỷ đô la nợ nước ngoài của Cam Bốt là nợ Trung Quốc.

Trọng Nghĩa

**********************

Hai căn cứ Subic và Clark không nằm trong hiệp ước mới với Mỹ

Thu Hằng, RFI, 12/02/2023

Theo Japan Times ngày 11/02/2023, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. khẳng định hiệp ước phòng thủ song phương với bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin ký kết gần đây, không bao gồm hai căn cứ quân sự cũ của Mỹ là Subic và Clark. 

chaua2

Căn cứ Hải Quân cũ của Hoa Kỳ tại Subic Bay (Philippines). @wikimedia

Trả lời các câu hỏi liên quan đến phần mở rộng Thỏa Thuận Thăm Viếng Quân Sự (VFA) trong khuôn khổ Hiệp Ước Phòng Thủ 2014, được ký kết giữa bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Carlito Galvez và đồng nhiệm Mỹ Lloyd Austin, nguyên thủ Philippines khẳng định chưa có kế hoạch cho Mỹ tiếp cận hai căn cứ quân sự cũ của mình là Subic và Clark.

Japan Times nhắc lại, trong thỏa thuận mới vừa được ký kết, Philippines cho phép Hoa Kỳ tiếp cận thêm 4 địa điểm mới, nâng tổng số căn cứ quân sự mở rộng cho Mỹ là 9 khu vực. Tuy nhiên, tổng thống Philippines từ chối tiết lộ chi tiết về những căn cứ mới này. 

Cũng trong cuộc trả lời phỏng vấn, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. xác nhận một đề xuất hợp tác quân sự ba bên Mỹ - Nhật – Philippines đã được thảo luận trong chuyến công du Nhật Bản kéo dài năm ngày vừa qua, bắt đầu từ hôm thứ Tư 08/02, và sẽ tiếp tục nghiên cứu đề nghị này một khi trở về nước. 

Theo ông Marcos, một thỏa thuận ba bên như vậy nên là một phần trong tiến trình thắt chặt quan hệ ba bên trong những tình huống được cho là "rối rắm" và "nguy hiểm", khi viện dẫn đến những bất ổn tại Biển Đông, vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, hay cuộc chiến xâm lược Ukraine do Nga tiến hành. 

Tổng thống Philippines còn nói thêm rằng việc ký kết một Thỏa Thuận Thăm Viếng Quân Sự - VFA với Nhật Bản, một đồng minh của Hoa Kỳ tại Châu Á để Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản có thể tham gia các cuộc tập trận chung ở Philippines "đáng được suy nghĩ kỹ lưỡng". 

Cuối cùng, khi được hỏi về ý định giải quyết tranh chấp lãnh thổ giữa Philippines và Trung Quốc, ông Marcos cho biết Manila cần có một chính sách đối ngoại độc lập "bởi vì Philippines không thể cho phép mình quay trở lại với tình hình thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, buộc các cường quốc vừa và nhỏ, khi ấy phải lựa chọn giữa Liên Xô và Hoa Kỳ".

Theo ông, vai trò trung tâm của khối ASEAN tại Châu Á, sẽ "không cho phép tương lai của khu vực bị quyết định bởi các cường quốc nằm ngoài khu vực".

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Thu Hằng
Read 333 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)