Nga dọ thám khắp Châu Âu, Trung Quốc lập trục chống phương Tây
Các hacker lỗi lạc Ukraine dù không ưa chính quyền, vẫn nhận lời tham gia đội đặc nhiệm trên mạng để bảo vệ cơ sở hạ tầng đất nước. Moskva bị phát hiện đặt ít nhất 180 ăng-ten parabol tại 39 nước Châu Âu để do thám. Trong nước, đối lập Nga bị đàn áp nặng nề. Cuộc chiến Ukraine làm cục diện quốc tế thay đổi hẳn, Trung Quốc gom góp những mảng vỡ của thế giới thành một trục chống lại phương Tây.
Đại sứ quán Nga tại Oslo, ảnh chụp ngày 13/04/2023. Chính phủ Na Uy mới đây đã trục xuất 15 nhân viên ngoại giao Nga bị nghi là gián điệp. Reuters – Victoria Klesty
Bạo lực liên quan đến ma túy bùng nổ, tổng thư ký nghiệp đoàn hàng đầu - CFDT - loan báo rời chức vụ, dân biểu François Ruffin, khuôn mặt nổi bật của đảng Nước Pháp Bất Khuất (LFI) là những đề tài liên quan đến nước Pháp được đưa lên trang nhất hôm nay. Bên cạnh đó là thách thức mới về dân số thế giới, di dân đến đảo Lampedusa nước Ý ngày càng nhiều. Ở các trang trong, chiến tranh Ukraine, đàn áp đối lập tại Nga, xung đột ở Sudan tiếp tục được báo chí Pháp đưa tin.
Tin tặc thành đặc nhiệm chống xâm lăng
Trước hết về Ukraine, tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc còn có đội ngũ chuyên gia mạng tinh nhuệ. Đặc phái viên Le Monde cho biết, ngay cả trước khi cuộc xâm lăng diễn ra, bộ tham mưu phụ trách an ninh mạng của quân đội Ukraine đã mời khoảng 20 khuôn mặt nổi bật trong giới tin tặc đến dự một cuộc họp đặc biệt. Họ nằm trong số những hacker giỏi nhất thế giới, trong đó có khoảng 12 người thuộc loại bất trị, thường được coi là "tội phạm mạng".
Đó là ngày 14/01/2022, và đêm hôm trước tin tặc Nga đã tấn công hàng loạt cơ sở hạ tầng, xâm nhập 70 trang web chính phủ. Vào thời kỳ đó, các hacker Ukraine thường bất đồng sâu sắc với chính quyền. Nhưng điều khó tin là quân đội ngỏ lời mời họ tham gia "đội đặc nhiệm kỹ thuật số", và khó tin hơn nữa là hầu hết các khách mời đều chấp nhận. Sáu tuần sau, ngày 24/02/2022 quân Nga tràn sang Ukraine.
May mắn bất ngờ giúp mạng điện Ukraine tồn tại
Công ty điện lực quốc gia Ukrenergo là một trong những mục tiêu chính của 350 vụ tấn công mạng từ Nga vào những tuần trước và sau cuộc xâm lăng, nhưng từ 14 tháng qua tất cả đều thất bại. Ukrenergo chuẩn bị đối phó từ rất sớm, và lại gặp hên chưa từng thấy. Xưa nay kết nối với mạng điện Nga, công ty dự kiến chuyển sang lưới điện Châu Âu vào năm 2023. "Hoàn toàn tình cờ", việc kết nối thử được bắt đầu vào đêm 23/02/2022, dự kiến kéo dài ba ngày. Nhưng ngay sáng sớm hôm sau, chiến tranh đã nổ ra !
Tại Kiev, ê-kíp của Kyivstar, công ty điện thoại hàng đầu Ukraine, suốt ba tháng trời mỗi lần quân Nga chuyển mạng tại những vùng bị chiếm, họ đều kích hoạt trở lại, cho đến khi quân chiếm đóng cắt hẳn. Bị tách rời khỏi thế giới, nhiều người dân vùng tạm chiếm ngỡ rằng Kiev đã thất thủ. Trong đợt phản công ở Izyum, những người dân dưới hầm trú ẩn suốt nhiều ngày biết rằng thành phố được giải phóng khi mạng Ukraine bất ngờ bật sáng trở lại trên điện thoại.
Cho đến nay, Ukraine đã bị tấn công tin học 4.500 lần, nhưng đa số đều bị hóa giải. Nga tung toàn lực vào từ đầu cuộc xâm lăng, nhưng không ngờ bị chống trả dữ dội đến thế. Mùa xuân này, thời gian như ngưng đọng trong khi chờ đợi cuộc phản công mới. Một hacker tên Tim Karpinsky, ngày nay là sĩ quan trong đội quân kỹ thuật số tinh nhuệ, cho biết nhiệm vụ của anh là nhận diện các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng để trả đũa.
Ăng-ten dọ thám của Moskva dày đặc tại 39 nước Châu Âu
Cũng liên quan đến Nga, Le Monde nói về cuộc điều tra mang tên "Espiomats" của 9 cơ quan truyền thông Bắc Âu và Đông Âu vừa được công bố hôm thứ Ba 18/04. Theo đó, các đại sứ quán Nga ở Châu Âu được trang bị ít nhất 182 ăng-ten parabol, nằm trong một mạng lưới gián điệp khổng lồ.
Với một loạt hình ảnh vệ tinh, ảnh chụp và các thông tin từ drone thu thập được xung quanh các đại sứ quán Nga ở 39 nước trong và ngoài Liên Hiệp Châu Âu (EU), các nhà báo nhận thấy Bruxelles, nơi có trụ sở NATO và nhiều định chế Châu Âu, bị theo dõi nhiều nhất. Tòa đại sứ Nga đặt tại Uccle, phía nam thủ đô nước Bỉ rộng đến 46.000 mét vuông, được bao bọc bởi 900 mét hàng rào, có đến 17 ăng-ten parabol. Các đại sứ quán Nga ở Bulgaria, Cộng hòa Czech, Serbia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Cyprus mỗi nơi có hơn một chục.
Đáng ngạc nhiên là tại Berlin chỉ có 8 chiếc và Paris có 3, nhưng có lẽ cũng như tại Warszawa, chúng đặt ở nơi khác. Báo mạng Frontstory của Ba Lan tiết lộ có những ăng-ten loại này được bố trí phía trên khu nhà ở của các nhà ngoại giao và nhân viên sứ quán. Và tại một số thủ đô, các cấu trúc trông giống như nhà kho chứa đồ lặt vặt xuất hiện trên nóc các tòa nhà sứ quán. Các báo cho rằng những gì phát hiện được chỉ là "phần nổi của tảng băng".
Một phần ba ngoại giao đoàn Nga ở Bruxelles là gián điệp ?
Những ăng-ten parabol giúp các nhà ngoại giao trao đổi những thông tin mật và "nhạy cảm", cũng có thể thu được các cuộc đàm thoại qua vệ tinh. Nóc của các đại sứ quán Nga cũng lắp đặt các ăng-ten tần số cao (HF), rất cao (VHF) và siêu cao (UHF), thường được các quân đội, cảnh sát, không quân, hải quân sử dụng. Việc tòa đại sứ các nước lớn sử dụng kỹ thuật tình báo thì ai cũng biết, nhưng tầm cỡ như Nga gây sững sờ, nhất là chính quyền Bỉ. Hơn nữa năm 2022 Bỉ phát hiện khoảng 30 tàu của Nga, trong đó có một tàu ngầm và một tàu phá mìn, đang thu thập thông tin ở ngoài khơi. Các ống dẫn khí đốt đặt ngầm dưới biển, cáp truyền dữ liệu và hệ thống điện gió là mục tiêu.
Được De Tijd chất vấn, bộ trưởng tư pháp Bỉ cho biết "rất khó kiểm soát". Các hiệp ước quốc tế bảo vệ việc liên lạc của các đại sứ quán, các nhà ngoại giao được hưởng quyền đặc miễn, thế nên Moskva lợi dụng để mở rộng mạng lưới. Từ khi Nga xâm lược Ukraine, chính quyền Bỉ quyết định ra tay : vào tháng 3/2022 đã trục xuất 21 nhà ngoại giao bị nghi ngờ là nhân viên SVR (tình báo Nga) và GRU (tình báo quân đội). Cơ quan phản gián Bỉ ước tính trong phái đoàn ngoại giao Nga 220 người, có 70 đến 80 là điệp viên.
Lòng can đảm từ những "kẻ thù của nhân dân"
Về tình trạng đàn áp đối lập tại Nga, Le Monde so sánh "Sự can đảm của nhà đối lập Vladimir Kara-Mourza với sự tàn bạo của Vladimir Putin". "Tội ác" của Kara-Mourza là gì ? Đó là ba bài diễn văn phản đối chiến tranh với Ukraine. Là phó chủ tịch quỹ Nước Nga mở cửa do cựu tài phiệt Mikhail Khodorkovski thành lập, Vladimir Kara-Mourza phải trả cái giá quá đắt chỉ vì công khai phản chiến. Dù đang sống ở nước ngoài với vợ và ba con, ông đã can đảm quay về Moskva ngay sau cuộc xâm lăng, vì theo ông, đó là cách duy nhất để được lắng nghe.
Từng bị đầu độc suýt chết hai lần, trước tòa, Kara-Mourza bình thản nói : "Sẽ đến một ngày bóng tối đang bao trùm lên đất nước sẽ bị xóa tan, trắng ra trắng, đen ra đen". Bản án chưa từng thấy lên đến 25 năm tù khổ sai, và những bản án phi lý khác, như bỏ tù một người cha chỉ vì con gái nhỏ vẽ tranh về các nạn nhân Ukraine, phản ánh những khó khăn của chế độ trong cuộc chiến được gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt".
La Croix cho biết vẫn còn những người "ngoan cường đấu tranh cho tự do ngôn luận". Dù bị đe dọa, một số khuôn mặt quyết định ở lại để đấu tranh trong lòng nước Nga, vì "Nếu ra đi, ai sẽ làm công việc của chúng tôi ?". Chẳng hạn nhà báo Alexei Venediktov và nhà chính trị học Andrei Kolesnikov, cả hai bị cho vào danh sách đen các "nhân viên nước ngoài". Cũng như những "kẻ thù của nhân dân" thời Liên Xô cũ, nhãn này được dán bên cạnh tên họ trong tất cả các thông tin công khai kể cả trên internet, và bị cấm tham gia các cuộc hội họp. Tất cả các chi tiêu đều phải chứng minh kể cả một tách cà phê, phải có sổ ghi chép các biên nhận.
Đối lập Nga bị đàn áp, thiếu đoàn kết
Le Figaro phân tích "những điểm mạnh và điểm yếu của đối lập Nga". Theo Olga Prokopieva, hiệp hội Nước Nga Tự Do, các phong trào phản chiến vẫn âm thầm bỏ truyền đơn vào các hộp thư nhà dân, viết thư cho các dân biểu. "Tại Nga, như vậy là đã rất dũng cảm". Ở Moskva, những khẩu hiệu "Phản đối chiến tranh" đôi khi xuất hiện trên đường phố vào lúc tờ mờ sáng. Nhưng chính khách lưu vong Lev Ponomarev khẳng định hiện nay không ai dám tham gia phe đối lập, vì một dấu hiệu chống đối nào cũng bị bóp chết trong vòng hai phút. Sự phản kháng lặng lẽ này cần có một cú hích nào đó.
Cựu dân biểu Guennadi Goudkov nhận định : "Khi giới tinh hoa sẵn sàng cho sự thay đổi, người dân có thể xuống đường", như vậy cần phải chuẩn bị ngay từ bây giờ. Nhưng các nhà đối lập Nga không thấy ở phương Tây những suy nghĩ về giai đoạn hậu Putin. Thậm chí còn nghe rằng tổng thống Emmanuel Macron sẵn sàng thương lượng với Vladimir Putin về các quy tắc trong tương lai.
Ông Goudkov cho rằng, để có được 1 triệu người Nga biểu tình, đối lập phải đồng thuận với nhau, được các nhà ly khai lưu vong ủng hộ, và được phương Tây bảo đảm an toàn. Nhưng khả năng này còn rất xa vời, dù đã có những trung tâm như ở Vilnius, Warszawa. Phe đối lập trong nước và lưu vong đều tin rằng chiến tranh không kết thúc với việc Nga bại trận, mà với sự ra đi của Vladimir Putin. Tuy nhiên các tổ chức và cá nhân chống chiến tranh Ukraine và chống Putin đã bị yếu đi vì bị đàn áp và do thiếu đoàn kết.
Hậu zero Covid, Bắc Kinh thành trung tâm
Nhìn sang Châu Á, Le Monde nhận thấy thời kỳ họp qua video đã kết thúc. Không gì bằng tiếp xúc trực tiếp, và các chính khách bắt đầu lên đường trong thế giới hậu Covid. Nhưng hướng đi đã thay đổi : Bắc Kinh nay là trung tâm. Từ khi mở cửa trở lại sau ba năm zero Covid, lãnh đạo các nước tấp nập đến, như để bù đắp lại thời gian đã mất.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, tổng thống Pháp Emmanuel Macron, thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva... chưa kể nhiều cuộc tiếp xúc song phương bên lề G20 ở Bali tháng 11/2022. Ở Châu Âu, thủ tướng Đức Olaf Scholz là người đầu tiên đến Trung Quốc khi vừa bỏ phong tỏa, tiếp đến là chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen, tổng thống Tây Ban Nha Andrzej Duda...
Hầu như tất cả đều có mặt, trừ người Mỹ. Chuyến đi của ngoại trưởng Antony Blinken đã bị hủy bỏ vì vụ khinh khí cầu gián điệp Trung Quốc. Và trong khi ông Blinken tham dự hội nghị G7, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đến Brasilia với quần jean và giày thể thao, để chứng tỏ sự thoải mái trong quan hệ. Tại Viện Rio Branco, Lavrov so sánh "tuyên truyền" của Châu Âu với Goebbels của Hitler. Cùng ngày, tân bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) dành chuyến công du đầu tiên cho Moskva. Kremlin quảng bá ầm ĩ để cho thế giới biết tình hữu nghị Nga-Trung "mạnh mẽ hơn cả thời chiến tranh lạnh".
Trung Quốc nối những mảnh vỡ của thế giới để chống lại các nền dân chủ
Ba năm qua, bị rúng động bởi đại dịch và cuộc xâm lăng Ukraine, thế giới đã thay đổi. Trước tiên là sự phân chia thành nhiều mảng. Hành động của Lula là một ví dụ : cắt đứt với truyền thống thăm Hoa Kỳ đầu tiên, vừa lên ngôi ông đã đến Trung Quốc, gởi cố vấn đi gặp Putin, muốn vực dậy nhóm BRICS... Việc Lula cáo buộc phương Tây khuyến khích chiến tranh Ukraine đã gây phẫn nộ cho cả Washington và Bruxelles. Lula nhiệm kỳ III khác với Lula I và II, nhưng năm 2023 không phải là 2003 hay 2010.
Một xu hướng nữa là Mỹ phải tập trung vào Châu Âu do cuộc xâm lăng Ukraine, và đối thủ chính Trung Quốc, bỏ trống những trận địa khác như Trung Đông chẳng hạn ; Bắc Kinh bèn nhảy ngay vào. Chiến tranh Ukraine đẩy nhanh sự chuyển đổi thế giới. Để đối phó với Trung Quốc, Ấn Độ tham gia Bộ Tứ nhưng không rời khỏi nhóm BRICS. Do phương Tây trừng phạt Nga, ý tưởng thay đồng đô la bằng nhân dân tệ được Lula và đồng nhiệm Malaysia, Bangladesh ủng hộ.
Về căn bản, đối mặt với khối phương Tây đang siết chặt đoàn kết trước cuộc tấn công của Nga, là một trục khác : Trung Quốc tìm cách kết nối những mảnh nhỏ của thế giới đang rạn vỡ đế chống lại các nước dân chủ.
Thụy My