Thái Lan lại đứng trước nguy cơ khủng hoảng chính trị
Thanh Hà, RFI, 20/07/2023
Có nơi nào trên thế giới mà một đảng về đầu trong cuộc bầu cử lập pháp, chiếm được nhiều ghế nhất ở Quốc hội, nhưng lại không được quyền lập chính phủ liên minh và có nguy cơ phải đứng trong hàng ngũ đối lập ? Đó là trường hợp đang diễn ra tại Thái Lan. Hai tháng sau bầu cử Quốc hội, Thái Lan vẫn chưa có thủ tướng mới. Cho đến tận chiều ngày 20/07/2023, danh sách các ứng viên thay thế tướng Prayut Chan O Cha vẫn là một ẩn số.
Những người ủng hộ Đảng Move Forward Party biểu tình tại Bangkok, Thái Lan, ngày 19/07/2023. AP - Wason Wanichakorn
Ứng viên duy nhất cho tới nay, Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng cấp tiến Move Forward –Tiến Bước, vừa bị truất quyền ra tranh chức thủ tướng, bị đình chỉ tư cách nghị viên, bị điều tra trong nhiều vụ "xung đột lợi ích". Lập tức cả ngàn người ủng hộ chính khách trẻ tuổi này đã xuống đường, tập hợp trước tượng đài Dân Chủ ở thủ đô Bangkok, để phản đối những đòn mà họ cho là nhằm triệt hạ một cách "vô hạn định" một chính đảng đáng gờm, một mối "đe dọa" đối với thế lực của giới tướng lĩnh đang cầm quyền.
Trên đài RFI, nhà chính trị học Eugénie Merieau, giảng dạy tại đại học Paris 1 Panthéon-Sorbonne, nêu bật những bất cập về thể thức chỉ định lãnh đạo chính phủ tại Thái Lan : Với 152 trên tổng số 500 ghế tại Quốc hội, đảng Move Forward có số ghế cao nhất, nhưng bản thân ông Pita cũng như đảng cấp tiến này lại không hội đủ số phiếu cần thiết tại Quốc hội Lưỡng Viện để thành lập một chính phủ liên minh. Pita Limjaroenrat không thể vượt qua được "rào cản" ở Thượng Viện, nơi mà đa số trong tay quân đội. Về phía hoàng gia, tới nay nhà vua vẫn chưa lên tiếng, nhưng lập trường của quốc vương Thái Lan là đứng về phe quân đội. Trong hoàn cảnh đó, làm thế nào ông Pita và Move Forward, với chủ trương "cải tổ quân đội" và cải tổ chế độ quân chủ Thái Lan, có thể chiếm được số phiếu của bên Thượng Viện ?
Điểm thứ nhì chuyên gia Pháp này ghi nhận là sự "lệch pha" giữa nguyện vọng của đa số cử tri Thái Lan với hoàng gia. Đảng Move Forward đã về đầu trong cuộc bỏ phiếu hôm 14/05 nhờ chủ trương đòi cải tổ "quân đội", vốn vẫn lạm dụng tội "khi quân" để bịt miệng mọi tiếng nói đối lập. Bản thân Pita Limjaroenrat cũng như đảng của ông không đòi dẹp bỏ chế độ quân chủ Thái Lan, nhưng muốn "đem lại một làn gió mới" và thu hẹp khả năng can thiệp của hoàng gia vào một số hoạt động kinh tế. Đảng này chỉ đòi cải tổ để mô hình chính trị đó phù hợp hơn với tình hình đất nước hiện tại.
Nhà vua Vajiralongkorn-Rama X hiện nay không được dân Thái kính nể như vua cha, bởi ông bị coi là kém đức độ. Giờ đây, khi cử tri dồn phiếu cho hai đảng Move Forward và Pheu Thai để giành lại chính quyền trong tay quân đội, hoàng gia Thái lại ngầm ủng hộ các tướng lĩnh cầm quyền. Đó rất có thể là "giọt nước làm tràn ly". Chuyên gia về Đông Nam Á của Viện Quan hệ Quốc Tế Pháp, bà Sophie Boisseau du Rocher, nói đến một tình huống "nóng bỏng", vì có nguy cơ là thành phần cử tri ủng hộ Pita sẽ không khoanh tay để "những lá phiếu của họ bị tịch thu".
Cuối cùng, như nhà chính trị học Eugénie Merieau đã báo trước, liên minh giữa đảng Move Forward của Pita với đảng Pheu Thai trong tay gia đình nhà tỷ phú Thaksin có nguy cơ tan rã. Với 141 ghế ở Quốc hội, đảng này đã về nhì trong cuộc bầu cử hôm 14/05/2023. Pheu Thái đã lập tức tuyên bố liên kết với phe của ông Pita với mục đích trở lại cầm quyền. Nhưng một khi đã tắt ngấm hy vọng Move Forward thành lập nội các, đảng Pheu Thai đã trở cờ và "không loại trừ khả năng đi tìm những đồng minh khác".
Từ sau cuộc bầu cử, Pita Limjaroenrat đã thành lập một liên minh chính trị bao gồm 8 đảng, trong đó có Pheu Thai, đảng về nhì. Từ nay đến cuộc biểu quyết lần hai vào tuần tới tại Quốc hội Lưỡng Viện, trên nguyên tắc là vào ngày 27/07, liên minh này phải tìm ra đồng thuận về một ứng cử viên thủ tướng.
Nhưng theo một nhà quan sát được AFP trích dẫn, nội việc đảng cấp tiến của ông Pita vẫn đứng trong liên minh đó cũng đủ để Thượng Viện lại dùng quyền phủ quyết. Điều này khiến liên minh giữa 8 đảng ở Quốc hội có nguy cơ "tan rã," đồng thời đảng Pheu Thai sẽ liên kết với các đối tác có lập trường "thân thiện hơn với bên quân đội". Do vậy có thể là Move Forward sẽ phải từ bỏ liên minh tám đảng nói trên. Trong mọi trường hợp, đảng này lâm vào thế cô lập hơn bao giờ hết, như một nhà phân tích Thái Lan đang sống lưu vong Pavin Chachavalpongpun ghi nhận. Chuyên gia này thậm chí cho rằng Pita Limjaroenrat cũng như đảng của ông, dù đã dẫn đầu cuộc bỏ phiếu hồi tháng 5/2023 , đang bị Pheu Thai của gia đình Thaksin "hy sinh" để đổi lấy quyền trở lại lãnh đạo Thái Lan và qua đó có thể làm đàm phán để "xóa tội" cho cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra, từng bị xử vắng mặt vì tội tham nhũng.
Chính những mối liên kết vì lợi ích riêng của các đảng đang hủy hoại hình ảnh của một nước Thái Lan dân chủ. Trong lúc các đảng tranh giành quyền lực, người dân và doanh nhân nước này lo ngại bất ổn chính trị làm tổn hại đến nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch. Mọi người còn nhớ năm 2020, tiền thân của Move Forward là đảng Future Forward đã bị tập đoàn quân sự Thái Lan giải thể. Quyết định đó đã dẫn đến các cuộc xuống đường, làm tê liệt thủ đô Bangkok, để đòi "dân chủ và minh bạch" trong đời sống xã hội và chính trị cho Thái Lan. Lần này, quân đội và hoàng gia Thái Lan khó có thể tiếp tục làm ngơ khi mà đảng cấp tiến của Pita Limjaroenrat đã trở thành chính đảng "mạnh nhất".
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 20/07/2023
****************************
Quốc hội Thái Lan sẽ lại bầu tân thủ tướng và Move Forward nói vẫn ủng hộ Pita Limjaroenrat
BBC, 20/072023
Quốc hội Thái Lan sẽ mở cuộc bầu chọn tân thủ tướng lần nữa vào tuần tới, sau các diễn biến kịch tính khiến lãnh đạo trẻ của Đảng Move Forward bị loại khỏi nghị trường.
Những người ủng hộ đảng Move Forward bên ngoài QH Thái Lan ở Bangkok hôm 14/07
Không chỉ bị tước quyền tái ứng cử vào chức thủ tướng, ông Pita Limjaroenrat, 42 tuổi, còn có nguy cơ bị tù nếu tòaán tiếp tục kết luận quy tội cho ông.
Nhưng đảng này vẫn kiên trì muốn ủng hộ ông làm thủ tướng, bất chấp các cản trở.
Trong ngày 19/07, sau khi Nghị viện Thái Lan bỏ phiếu lần hai, sau lần một hôm 14/07, ngăn không cho ông Pita đứng ra lập chính phủ, hàng trăm người ủng hộ ông Pita đã biểu tình ở Bangkok, bày tỏ sự thất vọng.
Dự kiến ngày 29/07, lưỡng viện Quốc hội sẽ lại nhóm họp để chọn ra người lập nội các.
Tin mới nhất cho hay đảng Move Forward nói họ sẽ lại ủy nhiệm
Ông Pita ra lãnh trách nhiệm lập chính phủ, bất chấp cản trở tuần này từ Tòa Hiến pháp và Thượng viện.
Tờ Bangkok Post hôm 20/07 trích lãnh đạo đảng về nhì, Pheu Thái nói họ sẽ xem xét việc ủng hộ ông Pita một lần nữa.
Loại Pita làm giới trẻ thất vọng
Bà Paetongtarn Shinawatra là con gái cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra hiện phải sống lưu vong
Hàng triệu người trẻ Thái Lan cảm thấy bị tước đi quyền chọn lãnh đạo cho thế hệ của họ sau khi ông Pita bị "treo quyền dân biểu" tuần này, theo một số bình luận.
Các hãng thông tấn quốc tế đánh giá rằng dù đảng của ông thắng cử, nỗ lực của Pita Limjaroenrat cố gắng lập liên minh cầm quyền, thực sự đã bị Hiến pháp 2017 do quân đội soạn ra ngăn cản "từ trong trứng nước".
Theo hiến pháp này, các nhân vật thuộc phe bảo hoàng, do quân đội bổ nhiệm vào Thượng viện, có vai trò trọng yếu trong thủ tục bầu chọn thủ tướng từ các dân biểu trong Hạ viện.
Bản thân ông Pita không chỉ bị loại khỏi Quốc hội sau khi tòaHiến pháp coi ông "vi phạm luật bầu cử vì có cổ phiếu trong một công ty truyền thông", ông có thể bị xử tù nếu tòatiếp tục nhắm vào ông.
"Điều đã rõ là hệ thống này không cho phép sự ủng hộ của cử tri biến thành quyền lãnh đạo đất nước", ông đăng lời bình luận trên Instagram.
Còn ông Jacob Ricks, Giáo sư chính trị học tại Đại học Singapore Management University thì nói với Reuters :
"Hiến pháp 2017 được soạn để bảo vệ quyền lợi các nhóm bảo thủ trong chính trị Thái, và nay chúng ta thấy Hiến pháp này được đưa vào hành động ra sao. Số phận của ông Pita đã được định đoạt trước cả cuộc bầu cử".
Tuy thế, ông Pita tin rằng sau cuộc đầu phiếu 14/05, Thái Lan "đã thay đổi và nhân dân đã thắng được một nửa".
Pita Limjaroenrat 'vẫn muốn làm thủ tướng' sau hai lần thất bại
Pheu Thái hay quân đội chia bài ?
Trước cuộc bỏ phiếu trong Quốc hội về chức thủ tướng vào ngày 19/07 vừa qua, có tên tuổi hai ứng viên đảng Pheu Thái, bà Paetongtarn Shinawatra (con gái cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra) và ông Srettha Thavisin, một triệu phú, được nêu ra.
Ông Chaikasem Nitisiri, 74 tuổi, chiến lược gia của Pheu Thái, cũng có tên trong danh sách ứng viên thủ tướng tiềm năng của đảng này.
Cho đến ngày 20/07, Pheu Thái nói họ chờ xem quan điểm của Move Forward cuối tuần này ra sao trước cuộc bỏ phiếu chọn thủ tướng vào thứ Năm tuần tới.
Tất nhiên, phương án nào của hai đảng này cũng phải được Thượng viện do phe bảo thủ nắm, ủng hộ thì mới thành.
Phương án thứ ba, không nhiều cơ hội, là Thái Lan sẽ có chính phủ thiểu số lập bởi lãnh đạo đảng Bhumjaithai, ông Anutin Charnvirakul hoặc một nhân vật thuộc phe do quân đội bảo trợ, theo tờ Bangkok Post.
Tuy vậy, tờ báo này cho rằng khả năng đó khó thành hiện thực vì phe dân chủ, cấp tiến sẽ hợp sức chống lại.
Thái Lan cần sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài và ổn định chính trị là điều kiện tiên quyết cho niềm tin này.
Nguồn : BBC, 20/07/2023
***********************
Chính trị Thái Lan : Thủ tướng mãn nhiệm kêu gọi hòa dịu
Thanh Hà, RFI, 20/07/2023
Cả ngàn người dân Thái Lan đã phẫn nộ tập hợp tại thủ đô Bangkok đêm qua, 19/07/2023, phản đối việc Quốc hội bác tư cách ứng viên thủ tướng của Pita Limjaroenrat, lãnh đạo đảng Tiến Bước (Move Forward), đảng về đầu trong cuộc bầu cử hồi tháng 5/2023. Thủ tướng mãn nhiệm Paryut Chan O Cha, đã phải lên tiếng kêu gọi hòa dịu.
Những người ủng hộ đảng Tiến Bước (Move Forward) tập trung tại khu Tượng đài Dân Chủ trong một cuộc biểu tình ở Bangkok, Thái Lan, ngày 19/07/2023. AP - Wason Wanichakorn
Theo lời phát ngôn viên của phủ thủ tướng Thái Lan được Reuters trích dẫn, tướng Chan O Cha "thông cảm" nỗi bức xúc của những cử tri ủng hộ đảng Tiến Bước của ông Pita, song thủ tướng mãn nhiệm kêu gọi mọi người "cùng nhau xây dựng một quốc gia dân chủ dưới sự dẫn dắt của hoàng gia". Trưa nay, phó chủ tịch Quốc hội Thái Lan Pichet Chuamuangphan thông báo Quốc hội lưỡng viện sẽ họp lại vào tuần tới để bầu tân thủ tướng, thay thế ông Paryut Chan O Cha.
Giới quan sát dự báo có nhiều khả năng đảng Pheu Thai (Vì nước Thái), về nhì trong cuộc bầu cử tháng 5, sẽ đề cử doanh nhân Srettha Thavisin, 60 tuổi, ra tranh ghế thủ tướng. Đảng Pheu Thai, trong tay gia đình cựu thủ tướng Thaksin, như vậy sẽ phá vỡ liên minh với đảng Tiến Bước của ông Pita.
Từ thủ đô Bangkok thông tín viên RFI Carol Isoux tường trình :
Họ tưởng đâu mộng đã thành. Sau cuộc bầu cử Quốc hội hôm 14 tháng 5, đảng cấp tiến Move Forward, được thành phần thanh niên ở thành thị ủng hộ, đã giành nhiều ghế nhất tại Quốc hội. Cuộc bỏ phiếu vừa qua được đánh giá là mang tính lịch sử. Thế rồi đảng này đã liên kết với Pheu Thái, đảng đối lập truyền thống chống quân đội và được thành phần cử tri ở nông thôn ủng hộ.
Thế nhưng các thượng nghị sĩ, do tập đoàn quân sự cầm quyền chỉ định, đã không tha thứ cho đảng Move Forward về chủ trương đòi cải tổ quân đội và cải tổ chế độ quân chủ, những vấn đề vốn được coi là bản sắc ở Thái Lan.
Sau khi Pita Limjaroenrat mất tư cách ứng cử viên thủ tướng, đảng Pheu Thai, về nhì trong cuộc tuyển cử vừa qua, chẳng những tính đến chuyện đề cử một ứng viên ra tranh chức thủ tướng, mà thậm chí thành lập một liên minh mới không có đảng cấp tiến của Pita. Cho dù về đầu trong cuộc bầu cử vừa qua, nhưng do thay đổi liên minh ở Quốc hội, Move Forward có thể trở thành một đảng đối lập.
Thanh Hà
***********************
Thái Lan : ứng cử viên thủ tướng không lùi bước dù bị ngáng đường
Reuters, VOA, 18/07/2023
Ứng viên Thủ tướng Thái Lan hôm 18/7 nói rằng ông sẵn sàng điều chỉnh tốc độ chương trình cải cách đầy tham vọng của đảng Tiến Lên của ông nếu ông trở thành thủ tướng, nhưng tuyên bố sẽ không lùi bước trong kế hoạch sửa đổi luật khi quân.
Ông Pita Limjaroenrat bị phe bảo thủ chặn đường làm thủ tướng Thái Lan
Trong một cuộc phỏng vấn với Reuters vào đêm trước nỗ lực giành ghế thủ tướng lần thứ hai, ông Pita Limjaroenrat, người đã đưa đảng của mình giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng Năm, mô tả nỗ lực của giới quân sự nhằm ngáng đường ông là ‘cứ một trò làm hoài’ và nói rằng Thái Lan đã bước vào kỷ nguyên mới với người dân mong muốn thay đổi.
Ông Pita, 42 tuổi, sẽ bước vào cuộc biểu quyết lần thứ hai tại Quốc hội để bầu thủ tướng, sau khi không thể giành được đủ số phiếu ủng hộ cần thiết là hơn một nửa số nghị sỹ hồi tuần trước do Thượng viện do quân đội chỉ định với lập trường bảo thủ nhất quyết chặn đường ông.
"Ai cũng nghĩ nó sẽ xảy ra, cùng một sự việc, ở cùng một nơi. Cứ một trò làm hoài. Nhưng tâm lý của thời đại đã thay đổi", ông nói.
"Cho dù ngày mai có xảy ra chuyện gì đi nữa, xã hội đã có những bước tiến. Người dân đòi hỏi điều gì đó mới, cái gì đó mới mẻ".
Đảng Tiến lên đã giành được sự ủng hộ của đông đảo giới trẻ cho chương trình cải cách chống định chế vốn sẽ làm gián đoạn chính quyền quân đội và là người chiến thắng bất ngờ trong cuộc bầu cử ngày 14/5, đè bẹp các đối thủ bảo thủ trong chiến thắng được coi là sự bác bỏ vang dội đối với chính quyền do quân đội bảo hoàng lãnh đạo hay hậu thuẫn trong gần một thập kỷ qua.
Nhưng nó bị bó buộc bởi hệ thống bầu cử do quân đội định hình mà ở đó Thượng viện, vốn thường bỏ phiếu theo quân đội và các đảng phái bảo thủ đầy uy quyền, có thể ngăn chặn các đảng chiến thắng thành lập chính phủ trên thực tế.
Ông Pita chỉ nhận được 13 phiếu trong tổng số 249 thượng nghị sĩ vào tuần trước. Hôm 18/7, ông kêu gọi các nghị sỹ đừng bỏ phiếu về ông, mà hãy bỏ phiếu cho các nguyên tắc của nền dân chủ.
"Sẽ rất lạ lùng phi lý khi một đảng chiến thắng với cách biệt bốn triệu phiếu, cách biệt 10%, lại trở thành lãnh đạo đối lập và thậm chí còn không có chân trong chính phủ liên minh", ông nói.
"Chúng ta không thể nào giải thích với thế giới".
Ông Pita sẽ phải đối mặt nhiều trở ngại hơn vào ngày 19/7, khi một số thượng nghị sĩ sẽ cố gắng ngăn ông ra ứng cử trong một cuộc bỏ phiếu khác, với lập luận rằng không nên đề cử một ứng viên hai lần.
Trong cùng ngày, Tòa án Hiến pháp sẽ xem xét đơn khiếu nại về vấn đề ông sở hữu cổ phần vốn được coi là vi phạm các quy tắc bầu cử để tìm cách loại bỏ ông.
"Phán quyết của tòa, các quy tắc của quốc hội và cả các thượng nghị sĩ – đó là ba đến bốn trở ngại xảy ra trùng hợp trong một ngày", ông nói.
Chương trình nghị sự của Đảng Tiến lên gây tranh cãi. Nó đụng tới các vấn đề và định chế vốn lâu nay được coi là không thể đụng tới, bao gồm độc quyền kinh doanh, chấm dứt nghĩa vụ quân sự và không cho phép tham gia chính trị.
Mục tiêu táo bạo nhất là thay đổi điều 112 của Bộ luật hình sự, mà theo đó hàng trăm người đã bị buộc tội xúc phạm chế độ quân chủ với mức án tù lên tới 15 năm.
Quân đội Thái trong hàng chục năm đã viện dẫn nhiệm vụ bảo vệ chế độ quân chủ để biện minh cho sự can thiệp vào chính trị. Ông Pita nói rằng ‘tâm lý của thời đại’ có nghĩa là quân đội không còn có thể độc quyền trong mối quan hệ với chế độ quân chủ.
(Reuters)