Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/07/2023

Pháp không chịu mất phần ở vùng nam Thái Bình Dương

RFI tổng hợp

Ấn Độ-Thái Bình Dương : Pháp muốn phát huy con đường "thứ ba" giữa Mỹ và Trung Quốc

Trọng Nghĩa, RFI, 24/07/2023

Sau chặng ngừng ở Nouvelle-Calédonie, lãnh thổ hải ngoại thuộc Pháp, tổng thống Emmanuel Macron sẽ tiếp tục chuyến công du của ông tại miền nam Thái Bình Dương qua hai đảo quốc Vanuatu và Papua New Guinea, trong hai ngày 27-28/07/2003. Theo giới phân tích, đây là dấu hiệu cho thấy vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương đang trở thành một ưu tiên ngoại giao của Paris, muốn tăng cường ảnh hưởng trong khu vực, làm một chỗ dựa tốt cho những nước không muốn bị lôi cuốn vào cuộc cạnh tranh Mỹ -Trung

pacific1

Bản đồ về tình hình an ninh tại Ấn Độ Thái Bình Dương do bộ Quân Lực Pháp đăng tải. © franceintheu

Phải nói là đối với nước Pháp, hai chặng Vanuatu và Papua-New Guinea mang tính chất "lịch sử", vì hai nước chưa từng đón tiếp bất kỳ một tổng thống Pháp nào. Vào năm 1966, tổng thống de Gaulle đã từng ghé Vanuatu, nhưng khi ấy lãnh thổ này chưa được độc lập mà vẫn là thuộc địa của Pháp-Anh có tên là New Hebrides.

Theo giới quan sát, tại Vanuatu và Papua-New Guinea, hai quần đảo nằm ở phía bắc nước Úc, tổng thống Macron sẽ nỗ lực quảng bá cho chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương của Paris nhằm tăng cường trở lại sự hiện diện của Pháp trong khu vực.

Đối với ông Macron, phát huy vai trò của Pháp tại vùng này dường như đã trở thành một "ưu tiên ngoại giao", mà những biểu hiện gần đây nhất là việc nước Pháp đã trải thảm đỏ đón thượng khách là thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhân dịp lễ Quốc Khánh 14/07 vừa qua, hay trước đó là việc tăng cường hợp tác quốc phòng với Indonesia, một nước lớn ở vùng Đông Nam Á.

Cuộc tranh giành ảnh hưởng tại Ấn Độ - Thái Bình Dương

Mối quan tâm của Pháp đối với vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng dễ hiểu, vì khu vực này là trung tâm đầu não của thương mại thế giới, là nơi diễn ra cuộc chiến căng thẳng để giành ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Về phía Trung Quốc, Bắc Kinh ngày càng quyết đoán tại Biển Đông, không ngần ngại lấn lướt các nước láng giềng như Việt Nam hay Philippines, đồng thời cố gắng dệt mạng lưới ngoại giao trong khu vực qua các thỏa thuận thương mại và an ninh với Quần Đảo Solomon, Fiji và Vanuatu.

Về phần mình, Washington cũng đang phản công bằng cách tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực, phát huy hàng loạt các liên minh như Aukus (kết hợp với Anh và Úc), Quad (với Úc, Nhật và Ấn), hay tăng cường liên kết với các đồng minh truyền thống là Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như gia tăng hỗ trợ Đài Loan.

Cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng gay gắt đã khiến rất nhiều nước trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng lớn bất an, vì vừa phải dựa vào Bắc Kinh về kinh tế và thương mại, vừa phải dựa vào Washingon về an ninh và quốc phòng.

Đối mặt với tình trạng đó, theo một cố vấn của Điện Elysée, Pháp muốn cung cấp cho các nước trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương "một giải pháp thay thế", một con đường "thứ ba", như tổng thống Macron từng đề cập đến vào tháng Tư vừa qua khi ông kêu gọi Châu Âu không nên "theo đuôi" Washington.

Đối với giới phân tích, ý tưởng của Paris có thể là rất hay, vì dẫu sao Pháp là quốc gia Châu Âu hiếm họi có mặt ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương nhờ các lãnh thổ hải ngoại (Nouvelle-Calédonie, Wallis-and-Futuna, Polynésie thuộc Pháp, Réunion...).

Tuy nhiên, câu hỏi chủ yếu đặt ra là liệu Paris có đủ nguồn lực để thực hiện chiến lược của mình hay không. Một báo cáo của Thượng Viện Pháp vào đầu năm 2023 đã chỉ ra rằng các phương tiện tài chính không "đạt đến đỉnh cao của những tham vọng được thể hiện", đặc biệt là trong các vấn đề quân sự.

Trọng Nghĩa

Nguồn : RFI, 24/07/2023

*************************

Tổng thống Pháp đến Nouvelle-Calédonie, bắt đầu chuyến công du Nam Thái Bình Dương

Trọng Nghĩa, RFI, 24/07/2023

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đến Nouvelle-Calédonie, lãnh thổ hải ngoại của Pháp tại tây nam Thái Bình Dương vào hôm nay, 24/07/2023, bắt đầu một chuyến công du 5 ngày sẽ đưa ông đến Vanuatu và Papua New Guinea, hai đảo quốc nhỏ trong khu vực.

pacific2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (giữa) cùng bộ trưởng Nội Vụ Gerald Darmanin (trái), bộ trưởng Hải Ngoại (phải) đến sân bay quốc tế La Tontouta ở Nouméa, ngày 24/07/2023. AFP – Ludovic Marin

Phát biểu vào chiều nay ngay sau khi đặt chân xuống phi trường quốc tế Nouméa, thủ phủ vùng Nouvelle-Calédonie, tổng thống Pháp đã phác họa ba trọng tâm trong chuyến đi của ông : "Tập hợp", "khôi phục niềm tin chung" và "mở cửa ra quốc tế".

Nhắc lại chuyến thăm Nouvelle Calédonie đầu tiên của ông cách nay hơn 5 năm, chính xác là vào tháng 5 năm 2018, tổng thống Macron khẳng định là Paris đã tuân thủ các cam kết đối với người dân tại vùng lãnh thổ hải ngoại này, cụ thể là cho phép Nouvelle-Calédonie tổ chức 3 cuộc trưng cầu dân ý về quyền tự quyết.

Theo tổng thống Pháp, trên cơ sở ý hướng mà người dân Nouvelle-Calédonie đã thể hiện thông qua các cuộc trưng cầu dân ý – tức là tiếp tục ở lại với nước Pháp – chính quyền trung ương trong năm qua đã nỗ lực chuẩn bị và chuyến thăm lần này là dịp để ông mở ra một "trang mới" cho vùng Nouvelle-Calédonie, cả về định chế lẫn các dự án phát triển tương lai.

Đối với tổng thống Macron, bài toán khó về vùng Nouvelle Calédonie vẫn là xu thế đòi độc lập ngày càng mạnh của người dân, cho dù là cả ba cuộc trưng cầu dân ý vào những năm 2018, 2020 và 2021 đều bác bỏ khả năng vùng này độc lập. Kết quả của cuộc bỏ phiếu vào tháng 12 năm 2021 với chiến thắng áp đảo của câu trả lời "không" (96,50% số phiếu) đã gây tranh cãi dữ dội, vì trưng cầu dân ý đã bị phong trào chủ trương Nouvelle-Calédonie độc lập tẩy chay.

Theo chương trình dự kiến, quy chế tương lai của vùng Nouvelle-Calédonie sẽ được tổng thống Macron đề cập đến trong cuộc gặp vào ngày thứ Tư 26/07 với tất cả các lực lượng chính trị tại lãnh thổ hải ngoại này. Riêng buổi làm việc ngày mai 25/07 sẽ được dành cho hồ sơ môi trường, cụ thể là vấn đề bờ biển bị xói mòn.

Theo đặc phái viên RFI tại Nouméa, cao vọng của tổng thống Macron là biến Nouvelle-Calédonie thành trung tâm phát huy ảnh hưởng quốc tế và lợi ích chiến lược của Pháp ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa
Read 290 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)