Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/07/2023

Cam Bốt : Cha truyền con nối là chuyện bình thường ?

RFI tổng hợp - BBC tiếng Việt

Cam Bốt : Một nền dân chủ "cha truyền con nối"

Chi Phương, RFI, 24/07/2023

Một kết quả không làm nhiều người bất ngờ : Đảng của Hun Sen tiếp tục giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội hôm 23/07/2023. Hun Sen đã loại bỏ tất cả các đối thủ lớn nhờ vào bộ máy tư pháp của ông và chuẩn bị "nhường ngôi" cho con trai Hun Manet, duy trì vị trí lãnh đạo Cam Bốt của gia tộc họ Hun từ 38 năm qua. 

cambot1

Ảnh ghép thủ tướng Cam Bốt Hun Sen và con trai cả Hun Manet. Reuters – Cindy Liu

Đảng Nhân Dân Cam Bốt của thủ tướng Hun Sen đã tuyên bố chiến thắng áp đảo, giành được gần như toàn bộ 125 ghế tại Quốc hội trong cuộc bầu cử hôm Chủ nhật. Theo Reuters, khoảng 20 đảng đã tham gia tranh cử, nhưng đa số chỉ là những đảng nhỏ, như những con đom đóm, xuất hiện rồi biến mất ngay sau đó. 

Đảng Nhân Dân Cam Bốt (CPP) lần đầu lên nắm quyền vào năm 1979, theo le Figaro,  sau khi một nhóm những người chống Khmer Đỏ, bao gồm cả Hun Sen, trở về Phnôm Penh cùng với quân đội Việt Nam, lật đổ chế độ diệt chủng. Sau khi nắm giữ chức ngoại trưởng, Hun Sen được bổ nhiệm làm thủ tướng lần đầu vào năm 1985 lúc chỉ mới 33 tuổi, và trở thành một trong những người đứng đầu chính phủ lâu nhất thế giới, bất chấp những hành động vi phạm các nguyên tắc dân chủ được thiết lập bởi hiệp định hòa bình Paris năm 1991. 

Sau 38 năm thống trị đất nước 16 triệu dân, Hun Sen hiện được cho là sức khỏe suy yếu, chuẩn bị rời khỏi vị trí lãnh đạo. Thế nhưng, triều đại của họ Hun vẫn tiếp diễn, bởi vì con trai cả Hun Manet đã được định sẵn là người kế vị. Vào cuối năm 2021, Đảng Nhân Dân Cam Bốt do Hun Sen lãnh đạo đã chỉ định Hun Manet là "ứng cử viên tương lai của đảng cho chức vụ thủ tướng". Mặc dù Hun Sen đã từng nói rằng Hun Manet sẽ không đảm nhận vị trí tối cao cho đến trước năm 2029 hoặc 2023. Tuy nhiên, nhiều dấu hiện gần đây cho thấy Cam Bốt đang thúc đẩy Hun Manet tiến đến vị trí quyền lực.

Theo AP, vào giữa tháng 03/2023, Hun Sen đã hàm ý sẽ từ chức và thành lập một chính phủ mới. Một tháng sau đó, vào tháng Tư, Hun Manet đã được thăng chức đại tướng,  được thăng quân hàm ở mức cao nhất, được bổ nhiệm làm phó tư lệnh Quân đội Hoàng gia Cam Bốt. Hun Manet cũng nhiều lần xuất hiện trước công chúng, gặp gỡ các nguyên thủ hoặc thành viên chính phủ của các nước trong khu vực. Trong hai năm qua, ông đã gặp ít nhất với 10 lãnh đạo như cựu chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hay thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. 

Cuộc đàn áp các phe đối lập 

Trên thực tế, thắng lợi của Đảng Nhân Dân Cam Bốt hôm Chủ nhật được cho là nhờ vào công cuộc "dọn đường", đàn áp phe đối lập của Hun Sen từ nhiều năm qua. Đảng Ánh Nến, đối thủ đáng gờm duy nhất của đảng Nhân dân Cam Bốt trong cuộc bầu cử cuối tuần qua, đã bị loại vào tháng 05/2023, vì lỗi kỹ thuật trong khâu đăng ký. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) coi lỗi này trên thực tế là có "động cơ chính trị".

Trước khi cuộc bỏ phiếu diễn ra, nhiều người ủng hộ phe đối lập đã bị bắt, bị cáo buộc về tội khuyến khích phá hỏng các lá phiếu để phản đối cuộc bầu cử này. Các nhà cung cấp dịch vụ Internet cũng được lệnh chặn truy cập vào các trang web của một số trang tin tức độc lập. Theo trang Deutsch Welle (DW), từ đầu năm 2023, chính quyền Cam Bốt đã đóng cửa nhiều tờ báo độc lập, bỏ tù nhiều nhà hoạt động chính trị, đồng thời tiến hành nhiều cuộc kiểm tra lòng trung thành. Hơn 6000 thành viên của các đảng đối lập đã rời khỏi Cam Bốt, do sợ hãi hoặc do muốn được sống yên thân.

Đây là lần thứ hai liên tiếp đảng của Hun Sen giành chiến thắng áp đảo tại Quốc hội vì đã "dọn đường", đàn áp các phe đối lập trước đó. Theo nhận xét của NPR (Nation Public Raddio của Hoa Kỳ), Hun Sen là một chính trị gia khôn ngoan, nhưng đôi khi tàn nhẫn, khi dùng quyền lực như một nhà độc tài trong một khuôn khổ một nền dân chủ trên danh nghĩa. Trong cuộc bầu cử năm 2013, đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt đã giành được 44 % phiếu bầu, sít sao với đảng của Hun Sen, giành được 48 %. Trước nguy cơ ghế thủ tướng bị lung lay, Hun Sen sau đó đã truy bức các lãnh đạo của đảng đối lập thông qua hệ thống tư pháp của ông. Đảng Cứu Nguy Dân Tộc đã bị giải thể vào cuối năm 2017, bị cáo buộc có âm mưu đảo chính do Mỹ hậu thuẫn. Chủ tịch đảng Kem Sokha bị bỏ tù, nhiều nhà đối lập phải sống lưu vong. 

Hun Manet kế vị, bảo vệ "vương triều họ Hun" 

Theo Le Figaro, đối với nhà độc tài 70 tuổi, sức khỏe đã suy yếu, đưa con trai vào vị trí lãnh đạo của chính phủ là cách tốt nhất để bảo vệ sức ảnh hưởng từ các liên minh kinh tế - chính trị mà Hun Sen đã tạo dựng, cũng như bảo vệ khối tài sản của ông ước tính lên đến 200 triệu đôla. Astrid Norén-Nilsson, chuyên gia về Cam Bốt tại Đại học Lund, Thụy Điển, cho rằng : " Sự kế vị này sẽ không làm mất ổn định các nguyên tắc cơ bản của chế độ hiện nay, một chế độ dựa vào lòng trung thành của các cá nhân với gia tộc Hun". 

Nhật báo thiên hữu của Pháp khẳng định, trong bối cảnh chuyển giao quyền lực nhạy cảm, chế độ không thể chấp nhận bất cứ rủi ro chính trị nào. Con trai cả của Hun Sen sẽ phải tìm ra điểm cân bằng giữa một bên là theo đuổi mô hình do cha mình lập ra và bên kia là đáp ứng nhu cầu cấp thiết về hiện đại mà lớp trẻ đang mong chờ. Mặc dù sự phát triển đạt được từ 20 năm qua đã giúp Cam Bốt giám đáng kể tỷ lệ đói nghèo, Hun Manet sẽ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức : hạ tầng giao thông thiếu trầm trọng cũng như nạn tham nhũng ăn mòn đất nước từ bên trong. 

Chuyên gia Astrid cho rằng "Hun Manet sẽ phải thuyết phục người Cam Bốt một là chấp nhận cảnh cha truyền con nối, hai là hành động". Hiện tại, Hun Manet tìm cách trấn an, trong bài phát biểu, ông ca ngợi "hòa bình", ổn định", hay "sự phát triển" của Cam Bốt, những câu thần chú của đảng cầm quyền, và di sản chính trị của cha ông, đã chấm dứt cuộc nội chiến cách nay hơn bốn chục năm.

Theo DW, có khả năng vào tháng 8, Hun Sen sẽ cải tổ bộ máy lãnh đạo, thay thế bằng các quan chức trẻ hơn. Một số chuyên gia cho rằng, cuộc chuyển giao quyền lực cha truyền con nối giữa Hun Sen và Hun Manet có thể sẽ diễn ra cùng lúc.

Cấp bộ trưởng cũng "cha truyền con nối" 

Trong chính phủ mới, phần lớn đều có bằng tiến sĩ hoặc thạc sĩ, chủ yếu là con cái hoặc người thân của các bộ trưởng,các lãnh đạo trong đảng cầm quyền. Theo Figaro, những tháng vừa qua, những "cậu ấm cô chiêu" của nhiều bộ trưởng đã được bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng. Vào tháng 4/2023, hai con trai của bộ trưởng Kế hoạch hóa đô thị và du lịch Phara Mongkol và Thong Rathasak đã được bổ nhiệm làm quốc vụ khanh tại bộ mà cha họ lãnh đạo. Con gái của Thống đốc Ngân Hàng Quốc Gia Cam Bốt Chea Serey cũng được bổ nhiệm làm phó thống đốc. Các vị trí quan trọng khác như bộ trưởng Quốc Phòng và Nội Vụ có thể sẽ được thay thế bằng con trai của các lãnh đạo hiện nay.

Trong cuộc chuyển giao quyền lực đầu tiên kể từ khi chế độ Khmer Đỏ kết thúc, chuyên gia Astrid Norén-Nilsson cho rằng thế hệ lãnh đạo mới này sẽ tìm cách "bảo vệ di sản của cha mẹ mình", hơn là "tỏ ra cởi mở với xã hội dân sự".

Chi Phương

**********************************

Bầu Quốc hội Cam Bốt : Đảng cầm quyền tuyên bố chiến thắng, Mỹ chỉ trích "không công bằng"

Trọng Thành, RFI, 24/07/2023

Một ngày sau cuộc bầu cử Quốc hội, Đảng Nhân Dân Cam Bốt (CPP) của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen hôm nay, 24/07/2023, tuyên bố giành được 120 ghế trên tổng số 125 ghế dân biểu. Cuộc bầu cử Quốc hội Cam Bốt, với khoảng "84% cử tri đi bầu", bị giới bảo vệ nhân quyền lên án là "dàn dựng", bị Hoa Kỳ chỉ trích là "không công bằng".

cambot7

Thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, chủ tịch Đảng Nhân Dân Cam Bốt (CPP) và phu nhân Bun Rany (trái), sau khi bỏ phiếu ở Takhmua, tỉnh Kandal, Cam Bốt, ngày 23/07/2023. AP - Heng Sinith

Người phát ngôn đảng CPP Sok Eysan gọi thắng lợi trong cuộc bầu cử hôm qua là "vang dội". Đảng của ông Hun Sen, cầm quyền từ gần 40 năm nay, giành được gần như toàn bộ số ghế, 5 ghế dân biểu còn lại thuộc về đảng FUNCIPEC, một đảng thân chính quyền.

Hãng tin Anh Reuters hôm nay dẫn lại thông báo của bộ ngoại giao Hoa Kỳ, chỉ trích một cuộc bầu cử "không tự do, không công bằng". Bà Eva Kusuma Sundari, dân biểu Indonesia, thành viên sáng lập nhóm các Nghị viên ASEAN vì Nhân quyền (ASEAN Parliamentarians for Human Rights - APHR) kêu gọi "cộng đồng quốc tế không rơi vào chiếc bẫy hợp thức hóa màn kịch" của chế độ Hun Sen.

Theo giới quan sát, kết quả cuộc bầu cử Quốc hội Cam Bốt gần như đã được biết trước, trong bối cảnh toàn bộ các đảng phái đối lập tại Cam Bốt hoàn toàn bị gạt ra ngoài. Tối hôm qua vào lúc kết quả sơ bộ được thông báo, từ Phnom Penh, thông tín viên RFI Juliette Buchez cho biết thêm về một số thủ đoạn siết chặt kiểm soát bầu cử của chính quyền Hun Sen :

"Tại Phnom Penh và trên toàn quốc, kết quả được thông báo không gây ngạc nhiên. Vào thời điểm này, đảng của thủ tướng Hun Sen, cai trị đất nước với bàn tay sắt gần 4 thập niên, nhận được hơn 80% phiếu bầu. Nếu như một vài ghế dân biểu có thể thuộc về một đảng khác, thì điều này chắc chắn không đủ để chống lại một đa số áp đảo như vậy. 

Kết quả đã được biết trước, cho dù chính quyền Cam Bốt cố gắng duy trì vẻ ngoài của một chế độ đa nguyên chính trị trong cuộc bầu cử Quốc hội. Các đảng đối lập có uy tín, đã hoặc bị tư pháp giải thể, hoặc bị ủy ban bầu cử bác bỏ tư cách ứng cử, hoàn toàn vắng bóng từ năm 2018.

Tỉ lệ cử tri vắng mặt cũng bị đảng cầm quyền thao túng. Hồi tháng trước, nhà cầm quyền đã sửa đổi luật bầu cử khiến cho việc không bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn. Tỉ lệ cử tri bỏ phiếu lên đến 84%, theo các kết quả sơ bộ.

Hiện tại, còn hai "ẩn số". Trước hết là số phiếu trắng. Trong lúc một số cử tri đưa lên mạng xã hội hình ảnh các lá phiếu bị gạch chéo, thủ tướng Hun Sen tối hôm nay kêu gọi những người này khai báo với các ủy ban bầu cử địa phương để tránh bị truy tố. Ẩn số thứ hai là danh tính của tân thủ tướng Cam Bốt. Con trai ông Hun Sen, vừa đắc cử tại Phnom Penh, có đủ điều kiện để được bổ nhiệm vào ghế thủ tướng. Trước cuộc bỏ phiếu, đã có liên tiếp các dấu hiệu theo hướng này".

Trọng Thành

***************************

Bầu cử Quốc hội Cam Bốt : Kết quả được báo trước

Thanh Hà, RFI, 23/07/2023

9,7 triệu cử tri Cam Bốt hôm nay 23/07/2023 được kêu gọi bầu lại 125 đại biểu Quốc hội cho một nhiệm kỳ 5 năm. Tất cả các đảng đối lập đã bị loại khỏi cuộc đua. Đảng Nhân Dân Cam Bốt trong tay thủ tướng Hun Sen tuyên bố "thắng lợi". Sau 38 năm điều hành đất nước, ông Hun Sen, 70 tuổi, về mặt chính thức sẽ lùi vào hậu trường nhường quyền lại cho người con trai cả là Hun Manet, 45 tuổi. 

cambot8

Tướng Hun Manet, con trai của thủ tướng Cam Bốt Hun Sen, giơ ngón tay dính mực sau khi bỏ phiếu bầu Quốc hội, tại Phnom Penh, ngày 23/07/2023. Reuters - CINDY LIU

Theo hãng tin Pháp AFP các phòng phiếu tại Cam Bốt đóng cửa vào 3 giờ chiều, giờ địa phương và kết quả chính thức sẽ được công bố vài giờ sau đó. Ủy ban bầu cử Cam Bốt cho biết vào lúc 1 giờ chiều, đã có 74 % tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu. Tỷ lệ này thấp hơn so với cuộc bầu cử lần trước năm 2018.

Thông tín viên RFI Juliette Buchez từ thủ đô Phnom Penh ghi nhận, ba ngày trước bầu cử ông Hun Sen đã báo trước, trên nguyên tắc, chỉ vài tuần nữa, trưởng nam của ông sẽ trở thành thủ tướng Cam Bốt :

"Đây là một cuộc bầu cử không hứa hẹn điều gì bất ngờ. Tất cả đều cho thấy đảng Nhân dân Cam Bốt của ông Hun Sen áp đảo trong cuộc tuyển cử lần này, không một tiếng nói đối lập nào đủ sức thuyết phục. Dù vậy câu hỏi thực thụ đang dấy lên từ nhiều tuần nay liên quan đến nhân vật sắp trở thành thủ tướng sau cuộc bầu cử lần này.

Đảng cầm quyền chắc chắn sẽ giành thắng lợi, nhưng một thay đổi lớn về mặt chính trị có thể xuất phát từ trong nội bộ Đảng cầm quyền, tự tin vào chiến thắng. Ông Hun Sen đã liên tục đứng đầu chính phủ gần bốn thập niên, thế nhưng sáng nay tại Phnom Penh, nhiều phóng viên chọn theo dõi con trai trưởng của thủ tướng mãn nhiệm là Hun Manet khi ông đến phòng phiếu. Viên tướng bốn sao của Quân Đội Hoàng Gia Cam Bốt này lần đầu tiên ra tranh cử đại biểu Quốc hội để có đủ tư cách trở thành thủ tướng.

Các cộng sự lâu đời của ông Hun Sen từ nhiều năm nay đã không che dấu là họ đang chuẩn bị cho một sự chuyển giao quyền lực theo kiểu ‘cha chuyền con nối’ tại xứ Chùa Tháp. Tuy chưa có bất kỳ một thông báo chính thức nào, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy kịch bản ấy đang gần kề.

Thứ Sáu vừa qua, trước cuộc bỏ phiếu, chính ông Hun Sen đã nêu lên khả năng này. Trả lời một phương tiện truyền thông Trung Quốc, thủ tướng Cam Bốt tuyên bố con trai ông, nếu như các điều kiện được hội đủ, có thể trở thành thủ tướng chỉ trong từ ba đến bốn tuần lễ nữa mà thôi. Mọi dự đoán đang rộ lên nhưng sẽ chẳng tác động gì đến một cuộc bầu cử mà kết quả đã được báo trước, trong bối cảnh các quyền tự do chính trị đã bị bóp nghẹt".

Thanh Hà

***********************

Bầu cử Campuchia : Bóng ma nội chiến, diễn ngôn hòa bình và Đại tướng Hun Manet

Bùi Thư, BBC, 23/07/2023

Từ 7 giờ sáng ngày 23/7, các điểm bỏ phiếu trên khắp Vương quốc Campuchia đã mở cửa đón cử tri. Cuộc bầu cử lần này được đánh giá là bước chuyển tiếp để ông Hun Sen dần trao lại quyền lực cho con trai – Đại tướng Hun Manet.

cambot2

Đại tướng Hun Manet đi bỏ phiếu tại trường tiểu học Toul Kork nằm cách trung tâm thủ đô Phnom Penh chừng 15 phút đi xe

Trường tiểu học Toul Kork nằm cách trung tâm thủ đô Phnom Penh chừng 15 phút đi xe là địa điểm mà Đại tướng Hun Manet chọn để bỏ phiếu.

Đại tướng 45 tuổi - con trai Thủ tướng Hun Sen, người đã lãnh đạo Campuchia gần bốn thập niên qua – đang từng bước tiếp quản chiếc ghế quyền lực từ người cha nổi tiếng của mình.

"Thủ tướng Hun Sen sẽ đi bỏ phiếu ở thành phố Takhmao, khoảng 30-40 phút đi xe từ trung tâm. Nhưng mọi sự chú ý giờ đang dồn vào ông Hun Manet", Len Leng, một người hướng dẫn địa phương, nói với BBC News tiếng Việt.

Đúng như dự đoán, Trường tiểu học Toul Kork có rất đông cử tri, quan chức, cán bộ nhà nước và những nhà quan sát bầu cử trong và ngoài nước. Nhiều người, bao gồm cả cử tri và quan chức, khá sẵn sàng trả lời truyền thông, không hề sự e ngại trước những câu hỏi của báo giới. Nhiều quan chức trả lời báo giới khá mạch lạc và tự tin bằng tiếng Anh.

Ngày tổng tuyển cử là một ngày rất trọng đại tại Campuchia, đối với cả chính quyền lẫn người dân. Trước và trong ngày bầu cử, hàng quán, cửa hiệu không được bán thức uống có cồn. Hôm trước ngày bầu cử được gọi là "đêm trắng", khi mà người dân phải kiêng khem rượu bia và tránh ra đường. Họ bị cấm tụ tập bàn về chính trị hay vận động bỏ phiếu. Họ được khuyên ở nhà để "cân nhắc cẩn trọng" cho quyết định của mình.

"Người dân có một ngày nghỉ trước ngày bầu cử để trở về nơi thường trú thực hiện việc bỏ phiếu. Sau hôm bầu cử, họ sẽ có thêm một ngày nghỉ nữa để trở lại nơi làm", anh Chan Sokmeng, một giảng viên đại học tại Phnom Penh, chia sẻ với BBC News tiếng Việt. "Chính vì vậy, trước, trong và sau ngày bầu cử, Phnom Penh luôn vắng hơn thường lệ".

Quan sát viên quốc tế được tài trợ

Buổi sáng 23/7, tại ngôi trường nơi Đại tướng Hun Manet đến bỏ phiếu, không khí rất sôi nổi. Dù là nơi sắp đón nhân vật quan trọng nhưng không khí khá thoáng, không hề có cảnh súng ống, kiểm soát an ninh hay kiểm tra thẻ tác nghiệp. Phóng viên trong nước và quốc tế thoải mái tác nghiệp, có thể tiếp cận hầu như bất cứ ai để phỏng vấn.

Bên trong khuôn viên trường tiểu học, phóng viên BBC News tiếng Việt gặp một số người nước ngoài đeo thẻ "quan sát viên quốc tế". Họ đến từ nhiều nước khác nhau như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc ; cũng có vài người đến từ Châu Phi.

Ông Hwang Jong-won, 42 tuổi, người Hàn Quốc nói với BBC News tiếng Việt rằng ông cảm thấy cuộc bầu cử tại Campuchia này khá tự do. Cảm nhận của ông là nó cũng gần như ở Hàn Quốc, "dù có khác biệt đôi chút trong cách thức tiến hành".

Theo thẻ đeo của ông Jong-won thì ông thuộc "Diễn đàn Liên minh Xã hội dân sự". Đây là một tổ chức thân cận với chính quyền Campuchia, là cầu nối giữa chính phủ và các tổ chức địa phương.

Tuy nhiên, khi được hỏi, ông Jong-won thừa nhận ông không làm việc cho Diễn đàn Liên minh Xã hội dân sự Campuchia. Ở Hàn Quốc, ông cũng không thuộc một tổ chức dân sự xã hội nào. Ông quan sát bầu cử với tư cách cá nhân theo lời mời của chính phủ Campuchia.

Ông Jong-won xác nhận với BBC News tiếng Việt rằng toàn bộ chuyến đi từ Hàn Quốc đến Campuchia bao gồm chi phí ăn ở, vé máy bay và khách sạn đều được đài thọ toàn phần. Ông Jong-won nhấn mạnh mình "không nhận tiền" để làm việc này mà là được mời.

Trước câu hỏi của BBC News tiếng Việt về việc vì sao nhận được lời mời đặc biệt này, ông Jong-won ban đầu nói tự ông đăng ký trên website của Ủy ban Bầu cử Quốc gia, nhưng lúc sau nói rằng ông được một hiệp hội Campuchia có trụ sở tại Hàn Quốc chọn mà không phải thông qua phỏng vấn.

Ủy ban bầu cử quốc gia thông báo rằng dù phương Tây lên án nhưng cơ quan này ghi nhận có hơn 300 quan sát viên quốc tế từ 65 nước khác nhau.

Giới chỉ trích đã gọi cuộc tổng tuyển cử hôm nay của Campuchia là một cuộc bầu cử giả hiệu. Mỹ, Nhật Bản và một số tổ chức quốc tế nói họ không cử quan sát viên chính thức tới cuộc bầu cử 23/7 này vì "không tự do và công bằng".

AP đưa tin rằng chỉ có các viên chức chính thức từ Nga, Trung Quốc và Guinea-Bissau cắt cử đại diện đến để giám sát cuộc bầu cử.

Có mặt tại điểm bầu cử Toul Kork, ông Khieu Kanharith, Bộ trưởng Thông tin, nói với BBC News tiếng Việt rằng cuộc bầu cử đang diễn ra tốt đẹp và suôn sẻ, người dân đều rất sẵn lòng đi bỏ phiếu.

"Việc đảng đối lập Ánh Nến bị loại không phải lỗi của chính phủ. Họ không đáp ứng yêu cầu về mặt giấy tờ của Ủy ban Bầu cử Quốc gia. Họ cố tình không tham gia tranh cử và muốn phá hoại tính chính danh của cuộc bầu cử", ông Kanharith nói.

Người đứng đầu Bộ Thông tin cũng nói thêm rằng, không kể Ánh Nến, có 17 đảng phái khác tham gia tranh cử nên Campuchia vẫn giữ được sự đa nguyên, đa đảng.

Có thể thấy hầu hết các đảng còn lại này đều quá non trẻ để có thể xem là những đối thủ thật sự của đảng cầm quyền – Đảng Nhân Dân Campuchia (CPP).

Năm 2022, trong cuộc bỏ phiếu cấp địa phương, đảng Ánh Nến giành được 22% số phiếu bầu - và giới phân tích nhận định ông Hun Sen xem đảng này là một mối đe dọa tiềm tàng đến quyền lực của mình.

Đến tháng 5 vừa rồi, đảng Ánh Nến đã bị loại tư cách tranh cử.

Giờ đây, Thủ tướng Hun Sen đã tương đối thành công trong việc "dọn đường" để đảng của ông có được chiến thắng áp đảo trong kỳ bầu cử này.

Ông Kimsour Phirith, người phát ngôn của đảng Ánh Nến, nói với BBC News tiếng Việt hôm 20/7 rằng đây là cuộc bầu cử phi dân chủ khi gạt bỏ tâm tư của hơn 1,6 triệu người ủng hộ cho đảng ông. Ý ông muốn nói đến 1,6 triệu phiếu bầu mà Ánh Nến nhận được trong cuộc bầu cử cấp xã phường hồi năm ngoái.

cambot3

Những người ủng hộ Tiếng nói Dân chủ (VOD) giương cao biểu ngữ trước văn phòng VOD ở Phnom Penh vào ngày 13 tháng 2 năm 2023, sau khi Thủ tướng Campuchia cho biết VOD sẽ bị thu hồi giấy phép hoạt động

BBC chất vấn Bộ trưởng Thông tin của Campuchia về việc giải thể đài Tiếng nói Dân chủ (VOD) cũng như việc các trang như RFA, Cambodia Daily Khmer và Komnotara bị chặn ngay trước thềm bầu cử.

Ông Kanharith phủ nhận việc đàn áp báo chí, nói rằng VOD đã vi phạm nguyên tắc khi đưa tin không trung thực về Đại tướng Hun Manet nhưng không chịu cải chính. Ông cũng nói đài RFA và các trang tin tức khác không hề bị chặn.

Tuy nhiên, phóng viên BBC vẫn không thể truy cập vào các trang này tại Campuchia ngay sau phát biểu của ngài bộ trưởng.

Việc đóng cửa Cambodia Daily và RFA lần lượt vào năm 2017 và 2018 cùng với việc Phnom Penh Post thay đổi chủ sở hữu và chuyển dần sang ủng hộ chính phủ đã khiến cho Campuchia mất đi một số tiếng nói độc lập quan trọng.

Ông Ith Sotheouth, Giám đốc truyền thông của Trung tâm Truyền thông Độc lập Campuchia – cơ quan lập ra VOD, nói với BBC News tiếng Việt hôm 20/7 rằng trong một xã hội dân chủ, người dân cần được thông tin đầy đủ từ nhiều nguồn khả tín khác nhau, gồm cả những tiếng nói đối lập, đặc biệt trong bối cảnh bầu cử.

Bà Astrid Noren-Nilson, giảng viên cấp cao tại Đại học Lund, Thụy Điển, đã có hai lần quan sát bầu cử tại Campuchia, nói với BBC News tiếng Việt rằng đây là lần thứ hai Campuchia có một cuộc tổng tuyển cử vắng bóng đảng đối lập thực thụ.

Điều thú vị, theo bà Nilson, là chính phủ của ông Hun Sen đã thành công trong việc bình thường hóa chuyện bầu cử mà không có đảng cạnh tranh thực sự.

"Đợt tổng tuyển cử trước người dân có phần sốc khi gần hai thập kỷ của sự tranh đua giữa các đảng đi đến hồi kết, nhưng lần này có vẻ là không", bà Nilson nói.

Play video, "Thủ tướng Hun Sen đã nhiều lần tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực cho con trai cả của mình",

'Bổn cũ soạn lại' ?

Một điểm nổi bật trong các chiến dịch vận động của đảng CPP là các biểu ngữ, băng-rôn, lời kêu gọi về một đất nước hòa bình.

Ngày 21/7, trong đợt vận động cuối cùng cho CPP, Đại tướng Hun Manet phát biểu rằng việc bầu cho đảng ông không chỉ là giúp ích cho người dân, mà còn để ngăn chặn những thủ đoạn xấu xa đối với hòa bình của đất nước.

Thủ tướng Hun Sen liên tục lặp lại thông điệp "Cảm ơn Hòa bình". Câu nói này đã trở thành khẩu hiệu của đảng cầm quyền.

Thông điệp "hòa bình" được giăng khắp các trụ sở hành chính ở thủ đô Phnom Penh như một lời hứa làm an lòng người dân ở đất nước vốn vẫn còn bị ám ảnh bởi cuộc diệt chủng Khmer Đỏ.

"Cảm ơn Hòa bình hàm ý bày tỏ lòng biết ơn đối với ông Hun Sen và đảng Nhân dân Campuchia. Như cách ông ấy liên tục nhấn mạnh hòa bình là vô giá trong quá khứ, hiện tại hay tương lai, những ai muốn phá hủy nó là kẻ khủng bố", một nhà báo phân tích với BBC.

Một cử tri giấu tên nói với BBC News tiếng Việt rằng diễn ngôn về công trạng của đảng CPP hoặc cá nhân Thủ tướng Hun Sen trong việc đem lại hòa bình cho đất nước là "bổn cũ soạn lại" mỗi lần bầu cử toàn quốc.

"Thế hệ cha mẹ tôi đúng là họ đã tin tưởng và bầu cho CPP vì công trạng diệt trừ Khmer Đỏ và mang lại hòa bình. Nhưng lịch sử nội chiến đó để lại một vết thương lâu dài với những nghi kỵ lẫn nhau trong lòng đất nước và tôi không thấy lãnh đạo nào muốn hòa giải. Họ thậm chí lợi dụng điều đó cho chiến dịch tranh cử của mình", người này nói.

Cô cũng giải thích thêm, CPP luôn ngầm phát đi thông điệp rằng nếu các đảng đối lập khác nắm quyền thì Campuchia sẽ rơi vào tình trạng "nồi da xáo thịt".

Các đảng đối lập như Đảng Cứu nguy dân tộc (CNRP) hay sau này là đảng Ánh Nến thì thường sử dụng lá bài chủ nghĩa dân tộc, cáo buộc chính phủ ông Hun Sen nhượng đất cho Việt Nam và hứa hẹn rằng sẽ lấy lại phần lãnh thổ đã bị mất vào tay Việt Nam như đảo Phú Quốc (Koh Tral trong tiếng Khmer).

Hun Manet giữa đám đông

Vào giữa buổi sáng, địa điểm bầu cử tại Trường tiểu học Toul Kork chợt trở nên náo loạn khi ông Hun Manet xuất hiện. Một rừng máy quay phim, chụp ảnh vây lấy ông, và cùng với đó là một rừng người đang tìm cách chen lấn để tiếp cận ông.

Ông Hun Manet – viên đại tướng 45 tuổi, con trai của Thủ tướng Hun Sen, người được chờ đợi sẽ thừa kế vai trò quyền lực của cha mình - là một người đàn ông tầm thước, trông có vẻ khá thân thiện, thỉnh thoảng dừng lại chụp hình "selfie" với những người đang cố chen lấn xung quanh. Tuy nhiên, ông luôn khước từ mọi đề nghị phỏng vấn từ báo chí.

Cho nên, tất cả những gì mà cánh phóng viên có thể khai thác được vào buổi sáng ngày 23/7 chỉ là một người đàn ông tươi cười, đi giữa những vệ sĩ đang cố đẩy lùi đám đông dân chúng và phóng viên, tiến vào phòng, thực hiện việc bỏ phiếu và giơ ngón tay còn dính mực điểm chỉ để chụp hình sau khi hoàn tất việc bỏ phiếu.

Xong đâu đấy các vệ sĩ lại vất vả dẹp đường để ông đi tới chỗ chiếc xe Toyota Land Cruiser màu xanh của mình và rời đi trong ánh nắng mai chói chang.

Chân dung vị lãnh đạo tiềm năng vì thế vẫn còn rất bí ẩn đối với mọi người, như một bình luận mới đây của nhà quan sát Virak Ou với BBC News tiếng Việt.

"Tôi chưa thấy được niềm đam mê thực sự hay tầm nhìn của ông Hun Manet. Diễn ngôn của ông ấy phần lớn là lặp lại cha mình trong các cuộc vận động chính trị. Có thể đó là màn trình diễn làm hài lòng các vị bô lão, nhưng chúng ta thấy Hun Manet chưa sẵn sàng cất lên tiếng nói của chính mình", ông Virak Ou nói.

Dù bị giới quan sát đánh giá là một nhà lãnh đạo được đỡ đầu, chưa qua thử thách, Đại tướng Hun Manet vẫn nhận được sự cuồng nhiệt từ đám đông, chính là nhờ ảnh hưởng từ người cha Hun Sen. Cảnh tượng ở trường Toul Kork là một minh họa sống động cho điều đó.

Người dẫn chương trình nổi tiếng Chea Vibol, 44 tuổi, nói rằng đối với ông thì Thủ tướng Hun Sen là người hùng đã mang đến hòa bình và ổn định cho đất nước. Vì ngưỡng mộ ông Hun Sen mà ông Vibol dành tình cảm cho con trai ông là Hun Manet, đó là một logic tình cảm dễ hiểu của nhiều người.

Ông Tann Borin, 61 tuổi, là người đã chiến đấu chống Khmer Đỏ vào năm 1995 ở biên giới Campuchia - Thái Lan. Ông nói rằng lá phiếu của mình là dành cho các nhà lãnh đạo tiếp tục theo đuổi hòa bình cho đất nước.

Còn đối với Oung Kim Y, 21 tuổi, đây là lần đầu tiên cô bỏ phiếu trong một cuộc tổng tuyển cử. Cô tin rằng lá phiếu của mình là quan trọng trong một nền dân chủ.

"Tôi nghĩ điều quan trọng là phải hoàn thành vai trò của một công dân vì chúng tôi đang sống ở một đất nước dân chủ. Công dân có thể chọn đảng mình yêu thích để ủng hộ. Tôi hy vọng tất cả người dân sẽ đến thực hiện quyền bầu cử của mình hôm nay để phát triển đất nước và thể hiện hệ thống dân chủ", cô chia sẻ.

Bùi Thư

Nguồn : BBC, 23/07/2023

***********************

Thủ tướng Hun Sen có thể chuyển quyền cho con trai trong vài tuần tới

BBC, 23/07/2023

Thủ tướng Hun Sen đã nhiều lần tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực cho con trai cả của mình, Đại tướng Hun Manet, Phó tổng tư lệnh kiêm Tư lệnh Lục quân Quân đội Hoàng gia Campuchia.

Nếu điều này là sự thật thì cuộc tổng tuyển cử năm 2023 sẽ chứng kiến bước ngoặt lớn đối với Campuchia, sau gần 40 năm cầm quyền của ông Hun Sen.

cambot4

Thủ tướng Hun Sen đã nhiều lần tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực cho con trai cả của mình

Ngày 22/7 - một ngày trước cuộc tổng tuyển cử 23/7, người Campuchia gọi là "ngày trắng" vì mọi hoạt động chậm lại, hàng quán nhiều nơi đóng cửa và đặc biệt người dân không được uống bia rượu cũng như không được bàn về chính trị.

"Nếu ngày 21/7 sôi động, náo nhiệt bao nhiêu thì ngày 22/7 sẽ im ắng bấy nhiêu. Người dân thường dành thời gian ở nhà bình tâm trước cuộc bỏ phiếu trọng đại", Sokmeng, một cử tri nói với BBC News tiếng Việt.

Với sự vắng bóng của đảng đối lập sừng sỏ như Đảng Ánh nến (Candlelight party), đảng cầm quyền của Thủ tướng Hun Sen được dự đoán sẽ thắng trọn 125 ghế trong Quốc hội - như kết quả bầu cử năm 2018.

Tuy nhiên, ngay trước thềm ngày trọng đại, ông Hun Sen lần đầu đưa ra tín hiệu khá rõ ràng trong cuộc phỏng vấn độc quyền với đài nhà nước Trung Quốc rằng sau ngày 23/7, con trai cả của ông là Đại tướng Hun Manet sẽ có thể là thủ tướng kế nhiệm.

Câu hỏi đặt ra là quá trình này sẽ diễn ra khi nào và được thực hiện ra sao ? Những thách thức gì đang chực chờ nhà lãnh đạo mới ?

Tường thuật của phóng viên Bùi Thư, BBC News tiếng Việt, từ thủ đô Phnom Penh, Campuchia.

Nguồn : BBC, 23/07/2023

***********************

Campuchia : Cuộc chuyển quyền 'trong nhà' từ ông Hun Sen sang Hun Manet sẽ ra sao ?

Bùi Thư, BBC, 21/07/2023

Chỉ mới 5-6 giờ sáng, dòng người trong màu áo xanh của đảng Nhân dân Campuchia (CPP) đã lấp đầy mọi nẻo đường ở thủ đô Phnom Penh, đặc biệt tại quảng trường gần khu sòng bài nổi tiếng NagaWorld.

cambot5

Thủ tướng Hun Sen đã nhiều lần tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực cho con trai cả của mình - Đại tướng Hun Manet. Câu hỏi đặt ra là quá trình này sẽ diễn ra khi nào và được thực hiện ra sao ?

Ngày 21/7 là ngày cuối cùng để các đảng vận động tranh cử. Đảng CPP tuyên bố có tới 30.000 người tham gia tuần hành vận động.

Trong khi đó, các đảng khác như FUNCIPEC chỉ có 2.500 người và đảng Đoàn kết Dân tộc Khmer chỉ có 1.200 người, theo thông cáo của tòa thị chính Phnom Penh.

"Hun Sen ! Hun Manet !"

cambot6

Sự xuất hiện của Đại tướng Hun Manet - người được đảng CPP chọn làm ứng cử viên thủ tướng - làm bầu không khí càng thêm vỡ òa

Tới khoảng 8 giờ hơn, trời bắt đầu đổ mưa như xối nước xuống quảng trường nhưng điều đó không ngăn được những người ủng hộ đảng CPP. Dòng người liên tục túa ra mọi ngả.

"Chúng tôi xin nghỉ làm để đi vận động, chúng tôi ủng hộ đảng Nhân dân Campuchia, ủng hộ ông Hun Sen", một thành viên đảng CPP nói với BBC News tiếng Việt.

Một thanh niên cầm loa đứng trên chiếc xe bán tải được trang hoàng với cờ và hoa của đảng CPP hô vang :

- "Chúng ta sẽ làm gì vào ngày 23/7 ?"

- "Chúng ta đi bầu cử !"

- "Chúng ta bầu cho ai ?"

- "Chúng ta bầu cho CPP ! Số 18 chiến thắng ! Chiến thắng !" đám đông đáp lời.

18 là số của đảng CPP trên phiếu Bầu cử Quốc gia.

Tên của Thủ tướng Hun Sen được dòng người xướng lên liên hồi. 

Sự xuất hiện của Đại tướng Hun Manet - người được đảng CPP chọn làm ứng cử viên thủ tướng - làm bầu không khí càng thêm vỡ òa.

Đến khi ông cất tiếng, đám đông từ già đến trẻ đều im lặng lắng nghe bài diễn văn của vị lãnh đạo tiềm năng trong tương lai. Ông Hun Manet phát biểu về việc giữ vững nền hòa bình của đất nước bị ám ảnh bởi bóng ma nội chiến. Những vấn đề khác mà ông nhắc đến như xây dựng cơ sở hạ tầng, thúc đẩy kinh tế, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo... đều không có gì mới so với những gì cha của ông từng tuyên bố.

Sau khi Hun Manet kết thúc bài diễn văn, tiếng nhạc cùng với điệp khúc "Hun Sen ! Hun Manet !" quyện vào nhau vang vọng, kèm theo hy vọng le lói trong lòng cử tri về một đất nước sẽ sớm chuyển mình.

Tuy nhiên, theo Hiến pháp Campuchia, ông sẽ phải giải ngũ mới được bước vào chính trường. Ông là người Campuchia đầu tiên học ở Học viện quân sự Mỹ West Point. Ông cũng có bằng thạc sĩ kinh tế Đại học New York và bằng tiến sĩ kinh tế tại Đại học Bristol. 

Nền tảng học vấn từ Mỹ và Anh của ông mang lại niềm hy vọng cho các cử tri trẻ, họ tin rằng sẽ có một "làn gió mới" thổi vào nền chính trị vốn đã bị ông Hun Sen và những người thân cận khuynh loát suốt gần bốn thập niên qua.

"Tôi nghĩ không ai thích hợp hơn ông Hun Manet để trở thành người lãnh đạo mới. Ông ấy có học thức và yêu người dân, có sức quyến rũ của một vị thuyền trưởng. Tôi hy vọng ông ấy sẽ lèo lái Campuchia phát triển hơn nữa trong tương lai", cô Leaksmee, 36 tuổi, nói với BBC và chia sẻ thêm rằng, cô đã đứng đợi để được gặp ông Hun Manet từ 6 giờ 30 sáng. 

Leaksmee không phải là thiểu số. Lou Kimhouy, 29 tuổi, dán mặt có biểu trưng của đảng CPP, đội chiếc mũ và bận áo vận động của đảng CPP. Cô nói với BBC một cách đầy tâm huyết về tình cảm dành cho Thủ tướng Hun Sen và niềm tin vào ông Hun Manet :

"Tôi rất biết ơn ngài thủ tướng, ông ấy đem cho tôi vận may. Tôi vừa hạ sinh đứa con đầu lòng và nhiều người đã lo về sự tính mạng của tôi nhưng tôi nằm mơ thấy ngài Hun Sen, nhờ đó ngài đã mang đến cho tôi may mắn. Đất nước nhờ có ông mà kinh tế không ngừng đi lên và phát triển về nhiều mặt. Dù có đảng đối lập hay không thì CPP vẫn sẽ thắng cử vì họ luôn đặt người dân làm ưu tiên", Kimhouy nói. 

Kevin, 27 tuổi, cũng có mặt trong đoàn diễu hành nói với BBC rằng các phe nhóm đối lập luôn tạo ra những dư luận xấu làm tổn hại danh tiếng của Campuchia trên trường quốc tế : "Tôi nhận thức được về hạn chế của chính phủ trong vấn đề tham nhũng, nhân quyền và khoảng cách giàu nghèo. Nhưng thay vì cố gắng giành ghế ở quốc hội để thay đổi chính sách, các phe đối lập chỉ tập trung vào chỉ trích và khiến Campuchia bị quốc tế lên án".

Sokmeng, 24 tuổi, nói với BBC rằng cuộc tổng tuyển cử năm nay sẽ là "một sự kiện lịch sử" vì có chuyển động trong lòng Campuchia, nhất là khi nhiều cử tri trẻ lần đầu bỏ phiếu : "Người trẻ sẽ quyết định tương lai sẽ thế nào. Riêng tôi quan tâm hơn vào chính sách của từng đảng có lợi ích cho tương lai của mình hay không, hơn là vào một đảng hay cá nhân nào. 

"Tôi nghĩ CPP sẽ thắng đậm nhưng cũng mong những đảng khác sẽ giành được ghế trong quốc hội để có đa dạng tiếng nói khi quyết định về số phận của đất nước. Tôi mong đợi ông Hun Manet sẽ đưa ra những chính sách kịp thời, giải quyết được những nhu cầu của người dân như về chất lượng giáo dục, đảm bảo công ăn việc làm, kinh tế và hệ thống y tế", Sokmeng nói với BBC.

Tuy nhiên, không phải ai cũng có niềm lạc quan rằng ông Hun Manet sẽ mang đến đổi mới cho đất nước 17 triệu dân này. Các nhà quan sát chia sẻ với BBC News tiếng Việt rằng ông Hun Manet sẽ phải một mình gánh chịu sức nặng của kỳ vọng và đối mặt với những thách thức còn tồn đọng, kèm theo đó là cái bóng quá lớn của cha mình.

Nhà lãnh đạo chưa được 'thử lửa'

Thủ tướng cầm quyền lâu năm nhất Đông Nam Á Hun Sen trong mắt người dân Campuchia dường như là một người hùng khi ông giữ được nền hòa bình lâu dài cho đất nước và giúp nền kinh tế phát triển đều đặn.

Tuy nhiên, ông Hun Sen cũng bị chỉ trích về việc đàn áp xã hội dân sự, báo chí, các tiếng nói đối lập. Theo nhiều đánh giá từ các tổ chức độc lập, dưới thời cai trị của ông và đảng CPP, tham nhũng tràn lan và khoảng cách giàu nghèo không ngừng tăng. Vào năm 2019, 1% nhóm đứng đầu Campuchia chiếm 16,3% thu nhập của đất nước. Campuchia đứng 150/180 về chỉ số CPI và là quốc gia đứng thứ hai Đông Nam Á về tham nhũng, chỉ sau Myanmar.

Trao đổi với BBC News tiếng Việt, nhà quan sát Virak Ou, người sáng lập tổ chức nghiên cứu Forum Future, nhận định ông Hun Sen sẽ vẫn nắm giữ quyền lực vào thời gian đầu nhiệm kỳ thủ tướng của ông Hun Manet. Theo ông Virak Ou, hiện công chúng có nhiều kỳ vọng, thậm chí đối nghịch nhau dành cho nhà lãnh đạo mới : Một mặt họ muốn Hun Manet sẽ quyết đoán như cha mình, mặt khác họ trông chờ những đổi mới thực sự.

Dù muốn dù không, theo ông Virak, sự chuyển giao quyền lực là điều không tránh khỏi vì có những người đã nắm quyền quá lâu và đã quá già cỗi - và đó là thực tế của cuộc tổng tuyển cử năm nay. 

"Sự trỗi dậy của Hun Manet đòi hỏi rất nhiều thỏa hiệp và nhượng bộ vì Campuchia được điều hành bằng hệ thống thân hữu và đỡ đầu. Và điều gì sẽ xảy ra với hệ thống đỡ đầu đã ăn sâu vào hệ nền trị này khi có một thế hệ lãnh đạo mới ? Vấn đề là, không thể duy trì mãi cơ chế đỡ đầu này và phải bổ nhiệm thêm người mới - những người này sẽ mong muốn có phần trong miếng bánh chính trị", ông Virak phân tích.

Giới quan sát nhận định rằng nội các mới của Campuchia đa phần sẽ là những gương mặt kế nhiệm cha mẹ mình. Nhưng vấn đề nan giải đặt ra là ở thế hệ mới này, giữa họ sẽ không thể có được động lực, sự trung thành và tình đồng chí đồng đội như đời cha ông. 

"Nội các mới không phải của một Hun Manet mà là do ông Hun Sen cùng giới tinh hoa và lãnh đạo cấp cao dàn xếp và Hun Manet buộc phải lèo lái. Ông ấy sẽ phải từng bước xây dựng lòng trung thành trong nội các này", ông Virak nêu nhận định.

Chưa kể, với sự cầm quyền gần bốn thập kỷ của Hun Sen, trong mắt người dân Campuchia dường như chỉ có một Hun Sen là thủ tướng và không có ai khác ngoài Hun Sen. Như vậy, bài toán đặt ra cho Hun Manet là ông sẽ phải vượt thoát được cái bóng của cha mình. 

"Tôi chưa thấy được niềm đam mê thực sự hay tầm nhìn của ông Hun Manet. Diễn ngôn của ông ấy phần lớn là lặp lại cha mình trong các cuộc vận động chính trị. Có thể đó là màn trình diễn làm hài lòng các vị bô lão, nhưng chúng ta thấy Hun Manet chưa sẵn sàng cất lên tiếng nói của chính mình. Ngay trước khi lên làm thủ tướng, ông ấy sẽ phải nghĩ đến di sản của riêng mình", ông Virak nói.

Một vấn đề nữa được mà nhà sáng lập Future Forum nhấn mạnh là ông Hun Manet chưa được "thử lửa" nhiều, thậm chí ông ấy chưa giành được ghế nào thông qua bầu cử, dù ở cấp phường xã hay bất kỳ cấp độ nào. 

"Nhờ cha mình và nhờ vào nền tảng học vấn mà ông Hun Manet được bổ nhiệm vào quân đội, đó không phải là vị trí nhờ cạnh tranh mà có, và rồi ông ấy thăng tiến trong quân đội. Đương nhiên ông ấy có đủ trình độ nhưng vẫn chưa được thử thách nhiều. 

"Giống như bạn dạy võ mà chỉ nói lý thuyết chứ không đưa môn sinh lên võ đài, họ sẽ bị hạ đo ván ngay hiệp đầu cho mà xem", ông Virak kết luận.

Bùi Thư

Nguồn : BBC, 21/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Chi Phương, Trọng Thành, Thanh Hà, Bùi Thư, RFI, BBC
Read 244 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)