Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/07/2023

Trung Quốc đang là ưu tư hàng đầu của Hoa Kỳ và Liên Âu

RFI tổng hợp

Bộ trưởng kinh tế Pháp khẳng định ý muốn "tiếp cận" Trung Quốc tốt hơn

Trọng Nghĩa, RFI, 30/07/2023

Nhân chuyến công du Trung Quốc, bộ trưởng kinh tế và tài chính Pháp Bruno Le Maire đã tiếp xúc với giới lãnh đạo kinh tế Trung Quốc tại Bắc Kinh. Phát biểu vào hôm nay, 30/07/2023, ông Le Maire khẳng định rằng Pháp không hề muốn "tách rời" khỏi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, mà chỉ muốn tiếp cận tốt hơn với thị trường Trung Quốc và có mối quan hệ thương mại "cân bằng" hơn.

tq1

Bộ trưởng kinh tế tài chính Pháp Bruno Le Maire (ở giữa bên trái) và phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong họp báo chung sau cuộc Đối thoại kinh tế và tài chính cấp cao Trung Quốc-Pháp lần thứ 9 được tổ chức tại Bắc Kinh, ngày 29/07/2023. AP - Ng Han Guan

Trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, một hôm sau cuộc đàm phán thương mại mà ông gọi là "mang tính xây dựng" với phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (He Lifeng) bộ trưởng kinh tế Pháp xác định: "Chúng tôi không muốn đối mặt với một số rào cản pháp lý hoặc một số rào cản khác khi tiếp cận thị trường Trung Quốc… Đó tất nhiên là cốt lõi trong các cuộc thảo luận của chúng tôi. Chúng tôi muốn tiếp cận tốt hơn và cân bằng hơn với thị trường Trung Quốc".

Theo hãng tin Anh Reuters, bộ trưởng Pháp đã nhắc lại rằng Pháp không hề muốn "tách rời" khỏi nền kinh tế Trung Quốc, một quan điểm chung của Liên Hiệp Châu Âu.

Các quan chức Châu Âu đã nhiều lần nói rằng họ không muốn "tách rời" hay "đoạn tuyệt" với kinh tế Trung Quốc – từ tiếng Anh là "decoupling", mà chỉ muốn "giảm thiểu rủi ro" (tiếng Anh là "derisking") trước cái mà Nhóm G7 gọi là hành vi "ép buộc kinh tế" của Trung Quốc.

Theo ông Le Maire : "Giảm thiểu rủi ro không có nghĩa là Trung Quốc là một rủi ro. Điều đó có nghĩa là chúng tôi muốn độc lập hơn và chúng tôi không muốn đối mặt với bất kỳ rủi ro nào trong chuỗi cung ứng của mình nếu có một cuộc khủng hoảng mới, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng Covid với sự sụp đổ hoàn toàn của một số chuỗi giá trị".

Theo ghi nhận của Reuters, trong cuộc họp hôm qua, phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong cho biết là Bắc Kinh hy vọng Paris có thể giúp hạ nhiệt trong quan hệ EU-Trung Quốc, đồng thời khẳng định sẵn sàng tăng cường hợp tác với Pháp trong một số lĩnh vực.

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ ba của Pháp, nhưng các công ty Pháp ngày càng lo ngại rằng họ có thể bị cuốn vào cuộc cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Washington và Bắc Kinh, hai siêu cường kinh tế của thế giới.

Khi được hỏi về lo ngại của một số nhà sản xuất ô tô Châu Âu rằng xe điện (EV) giá rẻ của Trung Quốc có thể tràn ngập thị trường Châu Âu, ông Le Maire cho biết Pháp có kế hoạch riêng và đang hợp tác với Châu Âu để tập trung tốt hơn các khoản trợ giá cho xe điện tại Pháp và Châu Âu nhằm tăng khả năng cạnh tranh.

Bộ trưởng Pháp đồng thời khuyến khích giới đầu tư Trung Quốc : "Chúng tôi sẵn sàng đón nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc vào ngành công nghiệp ô tô ở Pháp và Châu Âu". Đối với ông, sẽ là "một điều rất tốt" khi các công ty Trung Quốc đầu tư và phát triển ở Châu Âu.

Trọng Nghĩa

**************************

Hoa Kỳ săn lùng các phần mềm độc hại Trung Quốc cài vào hạ tầng an ninh Mỹ

Thanh Hà, RFI, 30/07/2023

Theo nhật báo Mỹ The New York Times ngày 29/07/2023, các quan chức Hoa Kỳ đang truy lùng các phần mềm độc hại của Trung Quốc, tức là các mã độc bị tình nghi là đã được cài trong các hạ tầng an ninh quan trọng, âm mưu làm gián đoạn các hoạt động liên lạc, và tiếp ứng quân sự của Hoa Kỳ trong trường hợp xung đột xảy ra, ví dụ như trong trường hợp Trung Quốc tấn công Đài Loan.

tq2

Hoa Kỳ tình nghi Trung Quốc đã cài mã độc vào các hạ tầng cơ sở của Mỹ để sẵn sàng khởi động nếu xảy ra xung đột. AP - Michel Spingler

Từ New York, thông tín viên RFI Loubna Anaki tường trình :

"Cuộc săn lùng đã diễn ra từ nhiều tháng qua. Quân đội, tình báo, an ninh quốc gia, tất cả các cơ quan đều đang tìm kiếm phần mềm gián điệp.

Theo The New York Times, ban đầu, các báo cáo chỉ ra có lỗ hổng thông tin, bắt đầu được loan truyền từ tháng Năm vừa qua, nhưng trên thực tế, tình trạng này đã kéo dài hơn một năm. Nhật báo Mỹ trích dẫn các nguồn tin từ quân đội, chỉ ra rằng lỗ hổng này đáng lo ngại hơn nhiều so với ước tính ban đầu.

Chương trình độc hại có thể được đặt ở bên trong một mạng lưới chiến lược, quản lý hạ tầng của quân đội Hoa Kỳ. Một khi được kích hoạt, nhất là trong trường hợp xung đột, chương trình này có thể làm rối loạn mạng lưới điện, nước uống và nhất là mạng lưới liên lạc. Điều này có thể làm gián đoạn các hoạt động của quân đội và chuyển hướng sự chú ý của Hoa Kỳ. The New York Times nhận định rằng như vậy thì chẳng khác nào "một quả bom nổ chậm".

Hiện tại, Washington vẫn chưa rõ quy mô của lỗ hổng thông tin (do mã độc của Trung Quốc), nhưng bảo đảm rằng không ảnh hưởng đến hệ thống bảo mật. Đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc tấn công mạng. Vụ việc này diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa hai nước đã khá căng thẳng".

Thanh Hà

*************************

Đức lo ngại nguy cơ sinh viên Trung Quốc cũng có thể làm gián điệp

Thu Hằng, RFI, 30/07/2023

Sinh viên Trung Quốc được cấp học bổng của chính phủ và theo học tại các trường đại học Đức cũng có thể làm gián điệp khoa học. Bộ trưởng giáo dục Đức đã kêu gọi đề cao cảnh giác khi trả lời phỏng vấn tập đoàn báo chí Mediengruppe Bayern ngày 29/07/2023.

tq3

Bộ trưởng Giáo dục Stark-Watzinger cảnh báo rằng Trung Quốc đang ngày càng trở thành một đối thủ trong lĩnh vực khoa học - và coi các tổ chức nghiên cứu phải có trách nhiệm. Hiệp hội đại học phản ứng thận trọng.

Bà Bettina Stark-Watzinger lưu ý rằng "Trung Quốc ngày càng trở thành đối thủ cạnh tranh và đối thủ hệ thống về khoa học và nghiên cứu". Trong bối cảnh này, bộ trưởng giáo dục Đức hoan nghênh quyết định của Đại học Friedrich-Alexander (FAU) ở Erlangen, vùng Bayern.

Từ ngày 01/06/2023, đại học thường xuyên hợp tác với ngành công nghiệp Đức trong lĩnh vực nghiên cứu không nhận du học sinh Trung Quốc được cấp học bổng của Hội đồng Học bổng Trung Quốc (China Scholarship Council, CSC).

Về quyết định của đại học FAU, bộ trưởng Giáo Dục Đức cho rằng đại học này "nhận thấy tự do ngôn luận và tự do về khoa học được khắc trong luật cơ bản của Đức không thể được các sinh viên có học bổng của chính phủ Trung Quốc thực hiện đầy đủ do những điều kiện cấp học bổng và do nguy cơ gián điệp khoa học gia tăng". Do đó, bà khuyến khích các cơ sở khác "xem xét lại những điều kiện hợp tác với Hội đồng Học bổng Trung Quốc".

Theo nghiên cứu được đài phát thanh Deutsche Welle và tổ chức diều tra Correctiv mới công bố, và được AFP trích dẫn, những sinh viên được cấp học bổng của chính phủ Trung Quốc phải ký cam kết trung thành với Nhà nước. Những người không tuân thủ những quy định này sẽ chịu hậu quả theo pháp luật.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Nghĩa, Thanh Hà, Thu Hằng
Read 296 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)