Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

09/09/2023

Chủ đích của Thượng đỉnh G20 2023 tại New Delhi là gì ?

RFI tổng hợp

Khai mạc thượng đỉnh G20, trong bối cảnh "thế giới khủng hoảng lòng tin"

Anh Vũ, RFI, 09/09/2023

Ngày 09/09/2023, tại New Delhi, G20 khai mạc kỳ họp thượng đỉnh hàng năm, với sự tham dự của ba chục nguyên thủ quốc gia, lãnh đạo chính phủ và nhiều tổ chức quốc tế. Chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Nga vắng mặt. Nhóm nước quy tụ 19 nền kinh tế phát triển và mới nổi lên cùng Liên Hiệp Châu Âu có hai ngày làm việc để cố gắng tìm kiếm sự đồng thuận trên nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, từ ứng phó với biến đổi khí hậu, gánh nợ cho các nước nghèo, thương mại cho đến chiến tranh tại Ukraina.

g20-1

Các đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh G20 ở New Delhi, Ấn Độ, ngày 9/9/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo ghi nhận của thông tín viên RFI tại New Delhi, sau khi đón tiếp các quan khách tại trung tâm hội nghị tại thủ đô vừa được khánh thành dành cho sự kiện, thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã đọc diễn văn khai mạc hội nghị. Với tư cách chủ tịch luân phiên G20, thủ tướng Narendra Modi muốn chứng tỏ với thế giới rằng Ấn Độ, nước đông dân nhất và là nền kinh tế đứng thứ 5 thế giới, có thể là nơi tập hợp sự đồng thuận của các quốc gia trong một thế giới đang trải qua một "cuộc khủng hoảng lòng tin", như ông tuyên bố.

Thủ tướng Ấn Độ nhấn mạnh : "Chiến tranh đã làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hụt lòng tin này. Nếu chúng ta có thể đánh bại Covid, chúng ta cũng có thể vượt qua cuộc khủng hoảng lòng tin lẫn nhau ".

"Một trái đất, một gia đình, một tương lai" là khẩu hiệu được Ấn Độ rất tâm đắc đề ra cho thượng đỉnh lần này, trong khi mà thực tế, chưa bao giờ sự chia rẽ trong nhóm các nước G20 lại lớn như bây giờ. Biểu hiện rõ nét là sự vắng mặt của nguyên thủ hai nước lớn Nga và Trung Quốc.

Các nước không chỉ chia rẽ trên vấn đề chiến tranh tại Ukraina mà còn cả trong các chủ đề thảo luận ngay trong sáng nay đó là các cam kết về khí hậu. Ấn Độ, quốc gia tiêu biểu cho chủ nghĩa đa phương, cùng với Nga, Trung Quốc và Saudi Arabia đang cản trở các mục tiêu do phương Tây đề xuất, cụ thể là từ nay đến năm 2035 giảm 60% lượng khí thải. Mục tiêu tăng gấp ba năng lực của năng lượng tái tạo cũng là một chủ để bất đồng.

Dự kiến, kết thúc hội nghị ngày 10/09, các nhà lãnh đạo G20 sẽ ra một Tuyên bố chung, tập hợp các thỏa hiệp đồng thuận của khối. Bên lề thượng đỉnh G20 tại New Delhi, còn có nhiều cuộc họp song phương của các nhà lãnh đạo các nước.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, hôm nay đã đến Ấn Độ dự thượng đỉnh G20. Nguyên thủ Pháp đến trễ hơn không có mặt tại phiên khai mạc vì tối hôm qua ông có chương trình dự lễ khai mạc Cúp thế giới bóng bầu dục, tổ chức tại Pháp.

Theo tin mới nhất, hãng tin Anh Reuters ghi nhận trong bản thông cáo chung, G20 tránh nêu đích danh Nga nhưng lên án các hành vi "sử dụng vũ lực tại Ukraina để chiếm lĩnh lãnh thổ" . 

Anh Vũ

**************************

Mỹ đề xuất một dự án cạnh tranh với Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc ?

Thanh Hà, RFI, 09/09/2023

Mỹ thúc đẩy dự án "hành lang" giao thông nói liền Ấn Độ với Châu Âu, Trung Đông. Saudi Arabia đóng vai trò hàng đầu. Theo thông cáo của Nhà Trắng đây không đơn thuần là một thỏa thuận xây dựng các tuyến giao thông giữa các châu lục.

g20-2

G20, hội nghị bàn tròn chung quanh thủ tướng Ấn Độ về một dự án để cạnh tranh với Con Đường Tơ Lụa Trung Quốc. Ảnh ngày 09/09/2023. AP - Evelyn Hockstein

Thỏa thuận về nguyên tắc đã được ký kết tại New Delhi, bên lề thượng đỉnh G20 chiều ngày 09/09/2023 giữa Ấn Độ, Mỹ, Saudi Arabia, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Liên Âu, Pháp, Đức và Ý. 

Trong một cuộc họp bàn tròn, tổng thống Biden nói đến một sự kiện "thực sự quan trọng và mang tính lịch sử". Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu bà Ursula von der Leyen xem đây "không chỉ là một thỏa thuận về các tuyến đường xe lửa hay liên quan đến các dự án xây dựng hệ thống cáp quang". "Hành lang" này là một "đầu cầu về công nghệ xanh, về công nghê kỹ thuật số giữa các châu lục và các nền văn minh".

Trong thông cáo, phủ tổng thống Mỹ nhấn mạnh Washington muốn khởi động một "kỷ nguyên mới, các châu lục phải được kết nối với nhau qua ngả đường sắt, và đường biển". Mục tiêu đề ra nhằm tạo nên những "mắt xích thương mại để khuyến khích phát triển và xuất khẩu năng lượng sạch". Hoa Kỳ muốn đẩy mạnh tiến trình hội nhập của Trung Đông với thế giới.

Theo chuyên gia về Nam Á thuộc viện nghiên cứu Wilson Center tại Washington, Michael Kugelman, được AFP trích dẫn, kế hoạch thiết lập "hành lang giao thông" giữa Ấn Độ với Trung Đông và Châu Âu không hơn không kém là một công cụ để làm "đối trọng với dự án Một Vành Đai, Một Con Đường" của Trung Quốc.

Một nhà ngoại giao Pháp không vòng vo cho rằng sáng kiến của chính quyền Biden nhằm "cạnh tranh với Con Đường Tơ Lụa" của Bắc Kinh và thông báo được các bên đưa ra tại New Delhi hôm nay mới chỉ là "điểm khởi đầu của cả một chiến lược dài hơi". Về phía Pháp, Paris muốn lôi kéo cả Ai Cập vào dự án này.

Thanh Hà

**************************

Cuộc gặp Biden - Modi : Lãnh đạo Mỹ - Ấn ngợi ca "quan hệ đối tác vững chắc và lâu bền"

Thùy Dương, RFI, 09/09/2023

Đến New Delhi hôm 08/09/2023, tổng thống Mỹ Biden đã có cuộc họp kín với thủ tướng Modi tại phủ thủ tướng Ấn Độ, một hôm trước khi thượng đỉnh G20 được khai mạc.

g20-3

Tổng thống Mỹ, Joe Biden (trái) họp riêng với thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi trước khi G20 chính thức khai mạc tại New Delhi. Ảnh ngày 08/09/2023. AP - Evan Vucci

Theo AFP, sau cuộc họp, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn đã ngợi ca "quan hệ đối tác vững chắc và lâu bền" giữa hai nước. Tổng thống Mỹ Biden cũng khẳng định ủng hộ Ấn Độ trở thành thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.

Từ New Delhi, thông tín viên Sébastien Farcis cho biết thêm chi tiết về nội dung cuộc họp của hai nhà lãnh đạo :

"Vắng mặt lãnh đạo số 1 của Trung Quốc, thủ tướng Ấn Độ đã khẳng định giữ khoảng cách với Bắc Kinh về công nghệ, đồng thời nhắc lại ông ủng hộ chương trình Rip and Replace của Hoa Kỳ, vốn cấm các công ty Mỹ sử dụng công nghệ Trung Quốc về mạng di động 5G, một biện pháp từng được Ấn Độ áp dụngkhi công nghệ này được tung ra.

Tiếp theo, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Ấn đã đề cập đến việc triển khai hai nhóm làm việc chung để nghiên cứu và phát triển công nghệ 5 và 6G mới, được gọi là Open RAN, cho phép giảm lệ thuộc vào thiết bị của các nhà sản xuất trong ngành viễn thông. Sau đó, họ thảo luận về sự phát triển của ngành công nghiệp chất bán dẫn ở Ấn Độ, trong bối cảnh hai công ty Mỹ đã thông báo đầu tư hơn một tỷ euro để mở các nhà máy và trung tâm nghiên cứu ở Ấn Độ.

Cuối cùng, tổng thống Mỹ Joe Biden đã chúc mừng thủ tướng Narendra Modi về chuyến hạ cánh thành công của robot Ấn Độ lên mặt trăng hồi tháng trước, đồng thời khẳng định NASA mong muốn hợp tác với Cơ quan Không gian của Ấn Độ về một chương trình chung đưa phi hành gia lên không trung".

Trong thông cáo ngày 08/09/2023, Nhà Trắng cho biết đã đạt được một thỏa thuận với New Delhi để giải quyết xung đột thương mại song phương gần đây nhất liên quan đến việc Ấn Độ nhập khẩu nông phẩm của Mỹ.

Thùy Dương

************************

Liên Hiệp Châu Phi, thành viên mới của G20

Anh Vũ, RFI, 09/09/2023

Tại thượng đỉnh G20 lần này, có một chủ để đồng thuận giữa Ấn Độ, Trung Quốc và Hoa Kỳ, đó là việc kết nạp Liên Hiêp Châu Phi làm thành viên thường trực. Quyết định coi như được thông qua khi trong diễn văn khai mạc, thủ tướng Narendra Modi mời chủ tịch luân phiên của Liên Hiệp Châu Phi ngồi vào ghế của thành viên thường trực G20. Mở rộng G20 cho Liên Hiệp Châu Phi được đánh giá là một thắng lợi ngoại giao quan trọng của thủ tướng Modi.

g20-4

Chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Phi Assoumani (trái) chính thức được mời vào ghế các thành viên thường trực G20. Ảnh ngày 09/09/2023 tại New Delhi via Reuters - Pool

Đặc phái viên của RFI Dominique Baillard có mặt tại hội nghị cho biết thêm thông tin :

Thủ tướng Narendra Modi ôm tổng thống Azali Assoumani là một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất trong phiên khai mạc. Tổng thống quần đảo Comores ngay lập tức tới ngồi vào bàn chính thức của G20 trong tiếng vỗ tay của những người đồng cấp. Việc Châu Phi gia nhập một trong những định chế lãnh đạo thế giới là một thành công không thể chối cãi đối với Ấn Độ nước chủ tịch luân phiên G20.

Một vùng rộng lớn ở nam bán cầu được chấp nhận trong một tổ chức do những nước giàu nhất hành tinh lãnh đạo. Tất nhiên đây cũng là thời khắc lịch sử đối với Châu Phi. Từ trước đến nay, mới chỉ duy nhất Nam Phi là thành viên thường trực của câu lạc bộ, có thể chuyển tải các đề nghị của năm chục quốc gia châu lục này. Liên Hiệp Châu Phi từ giờ sẽ có thể tham gia xây dựng các cam kết của G20 trên các vấn đề mà họ quan tâm hàng đấu, như xử lý nợ, tiếp cận nguồn tài chính cho phát triển bền vững. Nhưng đó cũng là một thách thức. Liên Hiệp Châu Phi sẽ phải làm việc với nhau nhiều hơn ở thượng tầng để có thế trình bày và cổ vũ cho quan điểm của mình trong khối các quốc gia mà trong tương lại sẽ là G20+1.

Anh Vũ

*************************

Tổng thống Mỹ Biden đề ra những ưu tiên trước thượng đỉnh G20

Minh Anh, RFI, 08/09/2023

Thượng đỉnh G20, nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu (gồm 19 quốc gia và Liên Hiệp Châu Âu) sẽ khai mạc tại Ấn Độ ngày mai, 09/09/2023. Tổng thống Nga Vladimir Putin không dự thượng đỉnh và cũng không có bài phát biểu trực tuyến như năm ngoái. Còn Trung Quốc thông báo thủ tướng Lý Cường sẽ thay mặt chủ tịch Tập Cận Bình đến New Delhi.

g20-5

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden tại Auburn, bang Maine, Hoa Kỳ, ngày 28/07/2023. © AFP / Brendan Smialowski

Thông báo này của Bắc Kinh khiến tổng thống Mỹ Joe Biden thất vọng. Dù vậy, trước khi lên đường đến Ấn Độ, nguyên thủ Mỹ cho biết một số ưu tiên của Mỹ trong kỳ họp này.

Từ New York, thông tín viên đài RFI, Guillaume Naudin tường thuật :

"Điều trước tiên mà tổng thống Mỹ thể hiện trước khi đi dự G20 là nỗi thất vọng. Ông thất vọng vì không thể gặp trực tiếp nhân vật số một Trung Quốc Tập Cận Bình, sẽ không đến dự cuộc họp. Như vậy, sẽ không có một cuộc gặp giống như năm ngoái ở Bali và như vậy, bớt đi một cơ hội để cố gắng làm giảm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Việc tổng thống Vladimir Putin vắng mặt 2 năm liên tiếp, đối với ông Biden, là một cơ hội để trình bày mô hình của ông trước các nước dự thượng đỉnh. Các cố vấn của ông giải thích rằng tổng thống tin tưởng vào cơ chế của G20, dù rằng nhiều tác nhân quan trọng đang xa lánh nhóm này và hiện giờ thì không chắc là thượng đỉnh sẽ ra được một thông cáo chung.

Tổng thống Mỹ muốn tán dương Bidenomics, tức là chính sách kinh tế của ông và nhấn mạnh đến phương pháp đầu tư của ông vào cơ sở hạ tầng và tập trung vào các thách thức về khí hậu và công nghệ. Chính vì vậy mà Hoa Kỳ ủng hộ cải tổ Ngân hàng Thế giới (World Bank – WB) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) để tạo thuận lợi cho các nền kinh tế đang trỗi dậy.

Điều này sẽ được bắt đầu từ nước chủ nhà Ấn Độ. Một cuộc hội đàm giữa tổng thống Mỹ và thủ tướng Narendra Modi dự trù diễn ra trước thượng đỉnh. Nhà Trắng cũng vui mừng chào đón Liên Hiệp Châu Phi lần đầu tiên trở thành thành viên chính thức của nhóm".

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Thanh Hà, Thùy Dương, Minh Anh
Read 384 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)