Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

18/09/2023

Điểm báo Pháp - Nội bộ Trung Quốc đang rối rắm ?

RFI tiếng Việt

Bộ trưởng quốc phòng biến mất : Nội bộ Trung Quốc đang rối rắm ?

Báo chí Pháp hôm 18/09/2023 đề cập đến "Sự mất tích kỳ lạ của Lý Thượng Phúc, bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc". Le Monde đặt câu hỏi : Điều gì đã diễn ra trên thượng tầng quyền lực Bắc Kinh ?

noibo1

Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) tại Diễn đàn Quân sự Quốc tế 2023, Công viên Ái Quốc gần Moskva (Nga) ngày 15/08/2023. AP - Alexander Zemlianichenko

Hai bộ trưởng quan trọng lần lượt biến khỏi chính trường Trung Quốc

Hai tháng sau khi ngoại trưởng Tần Cương biến mất trên chính trường, đến lượt tướng Lý Thượng Phúc (Li Shangfu) không còn xuất hiện trước công chúng kể từ ngày 29/08. Chính quyền im lặng, nhưng điều bất thường là đại sứ Mỹ ở Nhật Bản, Rahm Emanuel, đã đổ dầu vào lửa. Trên danh khoản X (Twitter) chính thức của đại sứ quán hôm 14/09, cựu chánh văn phòng Nhà Trắng thời Obama nhận xét không ai thấy ông Lý Thượng Phúc từ ba tuần qua. "Ông ta đã không đến Việt Nam, và nay vắng mặt trong cuộc hẹn với chỉ huy thủy quân lục chiến Singapore, phải chăng đang bị quản thúc ?"

Lẽ ra Lý Thượng Phúc sang tham gia một sự kiện với các đồng nhiệm Việt Nam trong hai ngày 7 và 8 tháng Chín, nhưng theo Hà Nội, Trung Quốc đã hủy vì "lý do sức khỏe" của ông Lý. Ông cũng không hiện diện tại Hắc Long Giang hôm 08/09 khi Tập Cận Bình kêu gọi quân đội "duy trì cao độ đoàn kết, an ninh và ổn định", bên cạnh là tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương. Financial Times dẫn lời các viên chức Mỹ khẳng định tướng Lý đang bị điều tra và ngưng chức.

Năm nay 65 tuổi, Lý Thượng Phúc không chỉ là bộ trưởng mà còn là một trong năm ủy viên Quốc vụ viện. Cho đến nay chỉ có ba quan chức nắm một lúc cả hai chức trách như vậy. Đó cũng là trường hợp của Tần Cương (Qin Gang), bộ trưởng ngoại giao đã biến mất từ 28/06 và nay được người tiền nhiệm Vương Nghị thay thế, không rõ do tham nhũng hay một vụ liên quan đến an ninh quốc gia. Dù Tần Cương trước đó là đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, Washington chừng như quan tâm đến vụ Lý Thượng Phúc hơn. Hơn nữa quân đội Trung Quốc, một trong những định chế tham nhũng nhất, đang có nhiều lời đồn đãi.

Chỉ huy Quân chủng Hỏa tiễn và tàu ngầm nguyên tử mất tích ?

Từ cuối tháng Sáu, có tin tướng Lý Ngọc Siêu (Li Yuchao), tư lệnh Quân chủng Hỏa tiễn dính tai tiếng về vũ khí và con trai đang du học ở Mỹ vướng vào một vụ gián điệp. Người ta cũng nói rằng một trong những chỉ huy của Quân chủng đã tự sát. Hôm 31/07, Tập Cận Bình bổ nhiệm Vương Hậu Bân (Wang Houning), tư lệnh phó hải quân thay thế Lý Ngọc Siêu, và Từ Tây Thịnh (Xu Xisheng), phó chính ủy Chiến khu Nam bộ lên làm chính ủy Quân chủng Hỏa tiễn. Bộ trưởng Lý Thượng Phúc không có mặt trong buổi lễ.

Từ ngày 22/08 một tin đồn khác lan truyền tại Đài Loan và trên mạng xã hội : một tàu ngầm trang bị động cơ nguyên tử của Trung Quốc bị mất tích tại eo biển Đài Loan cùng với 100 thành viên thủy thủ đoàn. Trang web Liberty Times Net tiết lộ tin này, nhưng ngay hôm sau bộ quốc phòng Đài Loan bác bỏ và ngày 31/08 đến lượt bộ quốc phòng Trung Quốc chính thức bác tin "một tàu ngầm nguyên tử type 093 bị tai nạn nghiêm trọng". 

Một chi tiết khả nghi nữa là Tập Cận Bình dự hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Nam Phi từ 21 đến 23/08, nhưng hôm 22/08 bộ trưởng Thương mại Trung Quốc bỗng thay ông Tập đọc diễn văn, một điều hoàn toàn bất thường. Cuối cùng, trong hội nghị ngày 28 và 29/08 tại Bắc Kinh về chất lượng thiết bị quân đội, người chủ trì là tướng Trương Hựu Hiệp (Zhang Youxia), phó chủ tịch Quân ủy Trung ương khẳng định cần phải cải thiện chất lượng thiết bị, có thái độ trách nhiệm đối với "mạng sống của sĩ quan và binh lính" - một điều hiếm thấy.

Khi số phận hơn 1 tỉ người chỉ do một cá nhân quyết định

Le Monde nhận định, những sự kiện trên đây cho thấy nội bộ Bắc Kinh đang lủng củng. Cộng vào đó, loan báo hôm 15/09 rằng Vương Nghị sẽ không đại diện Trung Quốc trong cuộc họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc diễn ra từ ngày 19/09, thay bằng phó chủ tịch nước Hàn Chính (Han Zheng) vốn chỉ đóng vai trò tượng trưng, càng tăng thêm bí ẩn về cách vận hành của quyền lực Bắc Kinh, vào lúc bắt đầu nhiệm kỳ thứ ba của Tập Cận Bình.

Les Echos cho rằng tuy chiếc ghế của ông Tập vẫn vững, nhưng tranh luận sẽ lại dấy lên ở nước ngoài lẫn một phần giới tinh hoa Trung Quốc, về chất lượng của mô hình quản lý chỉ xoay quanh một cá nhân duy nhất. Hứa hẹn ổn định chính trị, "phục hưng" đất nước, nhưng Tập Cận Bình lại phải cách chức hai bộ trưởng quan trọng, chưa đầy sáu tháng sau khi được chính ông ta bổ nhiệm. Đồng thời còn phải xử lý tình trạng kinh tế trì trệ mà nhà độc tài ở Bắc Kinh không lường trước được.

Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan, Bắc Kinh dọa "kiên quyết trả đũa"

Trong khi đó "Bắc Kinh trừng phạt hai tập đoàn vũ khí Mỹ" vừa ký hợp đồng với Đài Loan là Lockheed Martin và Northrop Grumman, nhưng phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh (Mao Ning) không cho biết chi tiết cụ thể. Quyết định này hoàn toàn mang tính tượng trưng vì sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu đã cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz nhận xét, tuyên bố của Bắc Kinh một phần nhằm đối nội.

Le Monde nhắc lại, những năm gần đây, chính quyền Biden liên tục bán vũ khí cho Đài Bắc, và hồi tháng 7 còn tận dụng vũ khí trong kho để nhanh chóng trang bị cho Đài Loan trong nhiều lãnh vực. Đến tháng 8, lần đầu tiên Hoa Kỳ thông qua việc chuyển nhượng 80 triệu đô la vũ khí trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ quân sự mà cho tới nay chỉ có những Nhà nước có chủ quyền được Washington công nhận mới được thụ hưởng. Thứ Sáu tuần trước, Mao Ninh tiếp tục kêu gọi Mỹ ngưng trang bị cho Đài Loan "nếu không sẽ phải đối phó với sự trả đũa kiên quyết và mạnh mẽ của Trung Quốc".

Trước đó một hôm, ít nhất 68 chiến đấu cơ và 10 chiến hạm Trung Quốc đã tiến gần đến đảo quốc, còn chỉ riêng trong hôm nay trên 100 phi cơ, 9 tàu chiến. Những vụ dương oai diễu võ như vậy gần đây trở thành thông lệ, cho dù đang có cuộc khủng hoảng tại bộ quốc phòng Trung Quốc. Đài Loan đang trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống và Quốc hội dự kiến tổ chức vào tháng Giêng sang năm. Các ứng cử viên nhân dịp này thường đi thăm Hoa Kỳ, gây giận dữ cho Bắc Kinh.

Ý : Di dân ập vào Lampedusa, đông gấp đôi dân trên đảo

Vấn đề nhập cư là mối quan tâm hàng đầu của các nhật báo Pháp hôm nay. Le Figaro chạy tựa "Châu Âu bất lực trước tình trạng di dân tràn ngập", La Croix đưa tít "Lampedusa, khẩn cấp ở Châu Âu", dẫn lời thủ tướng Ý Giorgia Meloni "Tương lai Châu Âu đặt cược tại đây". Không chỉ là lời kêu gọi giúp đỡ, mà còn là tiếng chuông cảnh báo, trong lúc còn vài tháng nữa là đến kỳ bầu cử Châu Âu và cực hữu đang có ưu thế.

Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố : "Nhập cư bất hợp pháp là một thách thức cho Châu Âu, cần một giải pháp của Châu Âu". Đối với Roma rõ ràng là khẩn cấp ở Lampedusa. Chỉ trong vài ngày, hòn đảo nhỏ bé phải đón nhận đến 11.000 di dân, gấp đôi số cư dân trên đảo. Trung tâm tạm cư có sức chứa 400 người nhanh chóng quá tải, chính quyền vội vã chuyển bớt sang Sicile và lục địa.

Từ đầu năm nay, 126.000 người đã cập bến duyên hải nước Ý, gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái, hầu hết từ Bắc Phi. Bà Meloni đã vận động được Liên Hiệp Châu Âu (EU) ký kết với Tunisia hồi tháng 7 nhằm chận bớt làn sóng di dân, đổi lấy viện trợ tài chánh. Nhưng hàng ngàn người nhập cư vừa đặt chân lên đảo Lampedusa lại khởi hành chính từ… Tunisia.

Làn sóng nhập cư làm Châu Âu choáng váng

Châu Âu đưa ra kế hoạch 10 điểm, vừa cứng rắn với những kẻ môi giới, vừa tạo điều kiện cho những người đủ điều kiện xin tị nạn. Bên cạnh đó là chuyển những di dân đến Lampedusa sang những nước Châu Âu khác, tuy nhiên khó thể được lắng nghe. Từ nhiều tháng qua, EU cũng thảo luận một hiệp ước về tị nạn và di dân nhằm hài hòa chính sách ở châu lục, nhưng Hungary và Ba Lan phủ quyết, hiện thời mỗi nước "thân ai nấy lo".

Le Figaro cho rằng truyện dài đáng buồn này mỗi mùa hè lại diễn ra kể từ 10 năm qua. Cuộc khủng hoảng Lampedusa không hề bất ngờ : chiến tranh, nghèo đói, biến đổi khí hậu, bùng nổ dân số tại những nước dễ tổn thương… Trước sự bất lực vì chia rẽ của Châu Âu, các nước láng giềng phía nam dùng vấn đề di dân như vũ khí địa chính trị, mà Libya của Muammar Kadhafi là điển hình, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ của Recep Tayyip Erdogan. Tunisia làm "săng-ta" với Châu Âu để kiếm tiền, xoa dịu bớt phản kháng xã hội. Bây giờ là lúc để EU thông qua một thỏa thuận chung về di dân.

Vai trò Liên Hiệp Quốc sa sút, lãnh đạo 4 nước Hội đồng Bảo an vắng mặt

Nhìn toàn cảnh quốc tế, Les Echos nhận định "Đại hội đồngLiên Hiệp Quốc : Mỗi người một diễn đàn". Hội nghị sẽ diễn ra ngày mai tại New York, ngoài nước chủ nhà Hoa Kỳ, không có nguyên thủ của thành viên nào khác trong Hội đồng Bảo an tham dự.

Ngoại trừ Vladimir Putin có "lý do chính đáng" vì là tội phạm chiến tranh có thể bị bắt, Tập Cận Bình chỉ tập trung cho BRICS là nhóm do Bắc Kinh khống chế, thủ tướng Anh và tổng thống Pháp cũng vắng mặt. Theo The Guardian, ông Rishi Sunak muốn tránh tình thế không được tổng thư ký Antonio Guterres mời dự tuần lễ khí hậu vì Anh quốc chậm chạp trong việc chống hiện tượng hâm nóng Trái Đất. Còn ông Emmanuel Macron bận rộn với chuyến thăm Pháp của Đức giáo hoàng Francis và vua Anh Charles III.

Paris nhấn mạnh là không bắt buộc có sự hiện diện của nguyên thủ, và đoàn đại biểu Pháp có ngoại trưởng Catherine Colonna dẫn đầu. Tuy nhiên sự vắng mặt của hai trong số ba nhà lãnh đạo các quốc gia dân chủ quan trọng trong Hội đồng Bảo an cho thấy định chế đã mất uy tín do bất lực trong việc giải quyết khủng hoảng. Michel Duclos, cựu đại sứ nhận định Hội đồng Bảo an đã bị Nga và Trung Quốc phá hoại trong nhiều năm, ngày càng đứng ngoài lề, còn Pháp và Anh có vẻ không muốn đóng góp.

Nguyên thủ nào hăng hái đi họp Đại hội đồng nhất ?

Tổng thống Pháp nói rằng môi trường địa chính trị đã xuống cấp thô bạo và sâu sắc, với cuộc xâm lăng Ukraine, vũ khí nguyên tử quay lại, bất ổn ở Châu Phi và cuộc chiến thông tin. "Tất cả dẫn đến nguy cơ chia rẽ thế giới, trật tự dựa trên luật pháp và ý tưởng dân chủ bị yếu đi". Theo ông Duclos, không dự phiên họp Đại hội đồng, nơi các quốc gia đều bình đẳng, là một sai lầm. "Không nhân cơ hội này để lên tiếng với tất cả các nước là điều đáng tiếc".

Hơn nữa, bên cạnh chiến tranh ở Ukraine, còn có mối nguy an ninh trên Biển Đông, tại Châu Phi hay vùng Kavkaz. Báo cáo mới nhất của Unicef cho biết 330 triệu trẻ em đang trong tình trạng cực kỳ nghèo khổ, Chương trình Lương thực Thế giới loan báo 24 triệu người có nguy cơ thiếu ăn trầm trọng.

Nhưng những tháng gần đây, những cuộc tiếp xúc của các nhà lãnh đạo đều dựa trên lợi ích của nước mình. Tập Cận Bình thành công trong việc mở rộng BRICS nhưng lần đầu tiên tẩy chay G20 do Ấn Độ chủ trì. Pháp chú tâm vào hai hội nghị từ sáng kiến của mình là Diễn đàn Paris vì Hòa bình vào tháng 11 và Thượng đỉnh Paris vì một hiệp ước tài chánh quốc tế mới vào tháng 6, về khí hậu và chống nghèo đói. Tuy vậy có một nguyên thủ quyết tâm không bỏ lỡ việc gặp gỡ các đồng nhiệm trong tuần này tại New York : Volodymyr Zelensky, tổng thống Ukraine.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 193 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)