Mỹ tố Trung Quốc thao túng truyền thông toàn cầu
Reuters, VOA, 29/09/2023
Quốc đang thao túng các phương tiện truyền thông toàn cầu thông qua kiểm duyệt, thu thập dữ liệu và âm thầm mua các hãng tin nước ngoài, Hoa Kỳ tố cáo ngày 28/9 và cảnh báo xu hướng này có thể dẫn đến "sự thu hẹp mạnh mẽ" quyền tự do ngôn luận toàn cầu.
Một trang phúc trình của Trung tâm Tương tác Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ. Trung tâm nói Bắc Kinh thu hút giới tinh hoa chính trị và các nhà báo nước ngoài để thao túng các phương tiện truyền thông toàn cầu.Trung
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết trong một báo cáo rằng Bắc Kinh đã chi hàng tỷ đô la hàng năm cho các nỗ lực thao túng thông tin, bao gồm cả việc mua cổ phần của các phương tiện truyền thông nước ngoài thông qua "các phương tiện công cộng và phi công cộng", tài trợ cho những người có ảnh hưởng trực tuyến và thủ đắc các thỏa thuận phân phối mà qua đó quảng bá nội dung cho chính phủ Trung Quốc.
Tòa đại sứ Trung Quốc tại Washington không hồi đáp yêu cầu bình luận. Vào tháng 7 năm nay, Bắc Kinh phản ứng với thông cáo của NATO cáo buộc nước này thực hiện các chính sách cưỡng ép và truyền bá thông tin sai lệch khi nói rằng thông cáo của NATO coi thường sự thật cơ bản, cố tình làm mất uy tín của Trung Quốc và bóp méo chính sách của nước này.
Phúc trình của Mỹ được đưa ra trong bối cảnh đang có tranh cãi về những nỗ lực của Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm mở rộng phạm vi ảnh hưởng toàn cầu của các phương tiện truyền thông do chính phủ nước này kiểm soát, đặc biệt là khi cạnh tranh địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington ngày càng gia tăng. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã tìm cách chống lại những hình ảnh tiêu cực về Trung Quốc mà họ cảm thấy đang được truyền thông thế giới lan truyền.
Trích dẫn các báo cáo công khai và "thông tin chính phủ mới thu được", Trung tâm Tương tác Toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Bắc Kinh đã tạo ra hệ sinh thái thông tin của riêng mình bằng cách thu hút giới tinh hoa chính trị nước ngoài và các nhà báo nước ngoài. Trung Quốc cũng đã đầu tư vào mạng vệ tinh và dịch vụ truyền hình kỹ thuật số ở các khu vực đang phát triển nào ưu tiên nội dung truyền thông do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn.
Trung tâm này cho biết việc thu thập dữ liệu của Trung Quốc ở nước ngoài "đã cho phép Bắc Kinh tinh chỉnh việc kiểm duyệt toàn cầu bằng cách nhắm mục tiêu vào các cá nhân và tổ chức cụ thể".
Phúc trình nói : "Nếu cứ để như vậy, những nỗ lực của Bắc Kinh có thể dẫn đến .... sự thu hẹp mạnh mẽ quyền tự do ngôn luận toàn cầu".
Theo phúc trình, bất chấp nguồn lực chưa từng có dành cho chiến dịch này, Bắc Kinh đã gặp phải "những thất bại lớn" khi nhắm mục tiêu vào các nước dân chủ vì bị truyền thông địa phương và xã hội dân sự đẩy lùi.
********************
Hải Côn : Đài Loan ra mắt tàu ngầm tự sản xuất nhằm đối phó với Trung Quốc
Tessa Wong, BBC, 28/9/2023
Đài Loan vừa ra mắt mẫu tàu ngầm tự sản xuất đầu tiên trong bối cảnh đang tăng cường khả năng phòng thủ trước một cuộc tấn công có thể xảy ra của Trung Quốc.
Đài Loan ra mắt tàu ngầm tự sản xuất đầu tiên tại thành phố cảng Cao Hùng
Tổng thống Thái Anh Văn đã chủ trì trong lễ khai trương tại thành phố cảng Cao Hùng hôm thứ Năm 28/9.
Các quan chức Mỹ đã cảnh báo rằng Trung Quốc có thể có đủ khả năng về mặt quân sự để tiến hành một cuộc xâm lược Đài Loan trong vòng vài năm tới.
Đài Loan là một hòn đảo tự trị mà Trung Quốc coi là một tỉnh nổi loạn và thề sẽ giành lại một ngày nào đó.
Hầu hết các nhà quan sát tin rằng Trung Quốc sẽ không tấn công hòn đảo này ngay lập tức và Bắc Kinh cho biết họ đang tìm kiếm sự "thống nhất" hòa bình với Đài Loan.
Nhưng đồng thời họ cũng cảnh báo Đài Loan không nên chính thức tuyên bố độc lập và có bất kỳ sự hỗ trợ nào từ nước ngoài. Trung Quốc ngày càng tìm cách gây áp lực lên hòn đảo bằng các cuộc tập trận quân sự ở eo biển Đài Loan, trong đó một số cuộc được tiến hành ngay trong tháng này.
Theo các quan chức quân sự, sau khi hạ thủy, chiếc tàu ngầm chạy bằng diesel-điện trị giá 1,54 tỷ USD của Đài Loan sẽ trải qua một số cuộc thử nghiệm và sẽ được giao cho hải quân vào cuối năm 2024.
Nó được đặt tên là Hải Côn, theo tên một loài cá khổng lồ cũng có thể bay trong thần thoại, xuất hiện trong văn học cổ điển Trung Quốc.
Một chiếc tàu ngầm khác hiện đang được sản xuất. Đài Loan đặt mục tiêu cuối cùng sẽ vận hành một hạm đội gồm 10 tàu ngầm - trong đó có hai chiếc cũ do Hà Lan sản xuất - và trang bị tên lửa cho các tàu này.
Người đứng đầu chương trình tàu ngầm nội địa, Đô đốc Hoàng Thúc Quang, tuần trước nói với báo giới rằng mục tiêu của hòn đảo là chống lại mọi nỗ lực từ Trung Quốc nhằm bao vây Đài Loan để xâm lược hoặc áp đặt phong tỏa hải quân.
Việc này cũng sẽ câu giờ cho đến khi lực lượng Mỹ và Nhật Bản đến hỗ trợ phòng thủ cho Đài Loan, ông nói thêm.
Việc chế tạo tàu ngầm của riêng mình từ lâu đã là ưu tiên hàng đầu của các nhà lãnh đạo Đài Loan, nhưng chương trình này đã được đẩy nhanh dưới thời bà Thái Anh Văn, người đã tăng chi tiêu quân sự lên gần gấp đôi ngân sách trong nhiệm kỳ của mình.
Trung Quốc vẫn chưa có phản hồi chính thức. Nhưng trong một bài viết hồi đầu tuần này, tờ Thời báo Hoàn Cầu của nhà nước cho biết Đài Loan đang "mơ mộng" và kế hoạch này "chỉ là ảo tưởng".
Bài viết cũng tuyên bố quân đội Trung Quốc "đã xây dựng một mạng lưới chống tàu ngầm đa chiều trên khắp hòn đảo".
Các nhà quan sát đồng ý rằng các tàu ngầm mới có thể giúp tăng cường khả năng phòng thủ của Đài Loan.
Hạm đội 10 tàu ngầm của Đài Loan sẽ kém xa so với hạm đội của Trung Quốc, được cho là hiện có hơn 60 chiếc bao gồm cả tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân và nhiều chiếc khác đang được triển khai.
Nhưng hòn đảo này từ lâu đã theo đuổi chiến lược 'chiến tranh bất cân xứng', nhằm mục đích xây dựng một lực lượng phòng thủ linh hoạt hơn để đối mặt với kẻ thù lớn hơn và có nguồn lực tốt.
Các tàu ngầm này có thể "hỗ trợ lực lượng hải quân tương đối nhỏ của Đài Loan chủ động chống lại hải quân hùng mạnh của Trung Quốc" bằng cách tiến hành "chiến tranh kiểu du kích với khả năng tàng hình, sát thương và bất ngờ", theo William Chung, nhà nghiên cứu quân sự của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia ở Đài Loan.
Ông cho biết đặc biệt, các tàu ngầm có thể giúp bảo vệ các eo biển và kênh nối liền với vùng gọi là "chuỗi đảo thứ nhất", một mạng lưới các đảo bao gồm Đài Loan, Philippines và Nhật Bản được coi là mặt trận có thể xảy ra của bất kỳ cuộc xung đột nào với Trung Quốc.
Tác chiến chống tàu ngầm vẫn là "điểm yếu nhất của hải quân Trung Quốc và đây là cơ hội để Đài Loan khai thác", nhà nghiên cứu nói thêm.
Nhưng "trọng tâm" của bất kỳ cuộc xung đột hải quân Trung Quốc-Đài Loan nào có khả năng sẽ không diễn ra ở vùng nước sâu ngoài khơi bờ biển phía đông của hòn đảo, nơi các tàu ngầm sẽ hoạt động hiệu quả nhất, theo Drew Thompson, nhà nghiên cứu cấp cao thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Singapore và cựu quan chức Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.
Thay vào đó, mặt trận chính của cuộc chiến sẽ là vùng nước nông hơn ở bờ biển phía tây đối diện với Trung Quốc đại lục.
"Tàu ngầm không được tối ưu hóa cho vai trò chống xâm lược… việc tăng cường khả năng làm phức tạp các hoạt động quân sự của Trung Quốc sẽ có tác động, nhưng đó không phải là tác động mang tính quyết định", ông nói.
Hiệu quả của các tàu ngầm phần lớn sẽ phụ thuộc vào cách Đài Loan lựa chọn triển khai chúng ra sao.
Ngoài vai trò răn đe, tàu ngầm còn có thể được sử dụng để phục kích tàu Trung Quốc ; thực hiện các hoạt động rải mìn tại các cảng của Trung Quốc ; làm gián đoạn nguồn cung cấp dầu hàng hải ; và phá hủy các cơ sở quan trọng trên bờ biển Trung Quốc, theo Chieh Chung, nhà nghiên cứu quốc phòng của Tổ chức Chính sách Quốc gia Đài Loan.
Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là Đài Loan đã thiết kế và chế tạo được tàu ngầm của riêng mình lần đầu tiên.
Hải Côn sử dụng hệ thống chiến đấu của công ty quốc phòng Mỹ Lockheed Martin và sẽ mang theo tên lửa do Mỹ sản xuất. Theo thông tin từ Reuters, mặc dù điều này có thể không có gì đáng ngạc nhiên vì Mỹ là đồng minh chính của Đài Loan, nhưng ít nhất sáu quốc gia khác, trong đó có Anh, đã hỗ trợ Đài Loan cung cấp linh kiện, công nghệ và nhân lực.
Đô đốc Hoàng Thúc Quang nói với Nikkei Asia rằng ông đã đích thân tiếp cận các liên hệ quân sự ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ để được giúp đỡ nhưng không nêu rõ quốc gia nào cuối cùng đã đồng ý.
Ông Thompson lưu ý rằng việc một số quốc gia và công ty "không ngại cung cấp các bộ phận cho chương trình phòng thủ ở Đài Loan... cho thấy một sự thay đổi về địa chính trị đáng kể".
Còn theo nhà nghiên cứu Chieh, đó là dấu hiệu cho thấy một số thành viên trong cộng đồng quốc tế cảm thấy "nghi ngờ và không hài lòng" với Bắc Kinh và "có thể khiến Trung Quốc cảm thấy bất an".
Lễ hạ thủy diễn ra một ngày sau khi Bắc Kinh xác nhận họ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự trong tháng này để "kiên quyết chống lại sự kiêu ngạo của lực lượng ly khai độc lập Đài Loan".
Trong những tuần gần đây, Trung Quốc một lần nữa tăng cường hiện diện tàu chiến ở eo biển Đài Loan và các máy bay quân sự xâm nhập vào không phận xung quanh hòn đảo.
Các quan chức quân sự và tình báo Mỹ đã đưa ra nhiều mốc thời gian khác nhau về khả năng Trung Quốc có thể xâm lược.
Một thời điểm được đưa ra gần đây là năm 2027 – khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được cho là đã yêu cầu quân đội của mình có đủ khả năng hoạt động để tiến hành một cuộc xâm lược vào năm đó.
Nhưng giám đốc CIA William Burns cũng cho biết điều đó không nhất thiết có nghĩa là ông Tập sẽ quyết định xâm lược vào thời điểm đó vì ông được cho là có nghi ngờ về việc liệu Trung Quốc có thành công hay không.
Tessa Wong
Nguồn : BBC, 28/09/2023
***********************
Đài Loan phô trương tàu ngầm "tự chế tạo" đầu tiên
Trọng Nghĩa, RFI, 28/09/2023
Đài Loan hôm nay 28/09/2023 đã cho ra mắt chiếc tàu ngầm tự sản xuất đầu tiên, trong bối cảnh chính quyền Đài Bắc đang nỗ lực tăng cường sức mạnh quân sự nhằm đối phó với Trung Quốc, vốn không che giấu ý định thôn tính hòn đảo.
Một nhóm lính hải quân đứng cạnh chiếc tàu ngầm đầu tiên do Đài Loan sản xuất, được trưng bày tại Cao Hùng, miền nam Đài Loan, hôm 28/09/2023. AP - ChiangYing-ying
Chiếc tàu ngầm mang tên là Hải Côn (Haikun), ký hiệu SS-711, đã được ra mắt trong một buổi lễ tại thành phố cảng Cao Hùng, miền nam Đài Loan.
Phát biểu trong buổi lễ, tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn tuyên bố : "Lịch sử sẽ luôn ghi nhớ ngày này". Bà nhắc lại : "Trong một thời gian dài, việc Đài Loan tự chế tạo được tàu ngầm bị coi là một ‘nhiệm vụ bất khả thi’. Nhưng ngày nay, một chiếc tàu ngầm do chính người Đài Loan thiết kế và chế tạo đã xuất hiện trước mắt mọi người. Chúng ta đã làm được điều đó".
Trị giá 1,5 tỷ đô la, chiếc tàu ngầm chạy bằng động cơ diesel dài 80 mét và nặng từ 2.500 đến 3.000 tấn khi di chuyển, đã bắt đầu được chế tạo vào năm 2020, với các thiết bị và vũ khí do tập đoàn Mỹ Lockheed Martin sản xuất.
Hải Côn sẽ trải qua quá trình thử nghiệm trên biển và theo tổng thống Đài Loan sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025. Tuy nhiên, một số chuyên gia quốc phòng cho rằng việc đó có thể mất nhiều thời gian hơn.
Hải Quân Đài Loan hiện có hai tàu ngầm đang hoạt động thuộc lớp Swordfish mua của Hà Lan vào những năm 1980. Đến năm 2001, Mỹ đã đồng ý cung cấp 8 chiếc tàu ngầm quy ước cho Đài Bắc, nhưng thương vụ này chưa bao được thực hiện.
Khi lên nắm quyền vào năm 2016, tổng thống Thái Anh Văn đã khởi động chương trình tự chế tạo tàu ngầm với mục tiêu trang bị cho Đài Loan 8 chiếc.
Về mặt số lượng, đội tàu ngầm của Đài Loan chẳng là bao so với Trung Quốc. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc có khoảng 60 tàu ngầm, 6 trong số đó chạy bằng năng lượng hạt nhân và được trang bị tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, theo một chuyên gia thuộc Viện quốc phòng và An Ninh Đài Loan, mặc dù Đài Loan đang ở thế bất lợi rõ ràng về mặt số lượng, việc triển khai tàu ngầm tại hai vị trí chiến lược – Eo biển Bashi và Eo biển Miyako – sẽ đủ để gây khó khăn cho Trung Quốc.
Ben Lewis, một nhà phân tích độc lập tại Hoa Kỳ chuyên nghiên cứu về hoạt động của quân đội Trung Quốc quanh Đài Loan, cho rằng tàu ngầm Đài Loan sẽ tạo ra nguy cơ cho Trung Quốc trong việc tấn công đổ bộ và vận chuyển quân.
Ngay từ thứ Hai 25/09, Hoàn Cầu Thời Báo Trung Quốc đã khẳng định kế hoạch của Đài Loan triển khai tàu ngầm nhằm ngăn chặn quân đội Trung Quốc chỉ là một "giấc mơ" hão huyền.
Trọng Nghĩa