Vào tháng Giêng năm 2024, cử tri Đài Loan được mời gọi bầu chọn tổng thống và cơ quan lập pháp mới. Việc Bắc Kinh tăng cường các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan trong suốt năm nay làm dấy lên lời đồn thổi khả năng Trung Quốc chiếm đánh Đài Loan từ đây đến năm 2027. Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát cho rằng, về mặt tâm lý, cuộc chiến "xâm chiếm" Đài Loan của Trung Quốc đang diễn ra tốt đẹp.
Đài Loan sẽ bầu tân tổng thống vào tháng 1/2024-hình bốn ứng viên tổng thống khác nhau. Từ trái sang phải : Lại Thanh Đức, Hầu Hữu Nghĩa, Quách Đài Minh và Kha Văn Triết
Ba điều thay đổi cốt lõi
Chuyên gia về chính sách đối ngoại Christian Le Miere1 trước hết nhận định : Cuộc bầu cử 2024 là cột mốc quan trọng cho 75 năm quan hệ Trung – Đài và đây sẽ là tiền đề cho bốn năm sắp tới.
Thứ nhất, kỳ bầu cử này sẽ chứng kiến sự kết thúc thời kỳ điều hành của chính phủ tổng thống Thái An Văn, nữ tổng thống đầu tiên của hòn đảo, người đã gần như chấm dứt chính sách gắn kết, nối lại quan hệ xuyên eo biển của người tiền nhiệm Mã Anh Cửu.
Thứ hai, trong suốt 8 năm cầm quyền của đảng Dân Tiến, đảng của bà Thái Anh Văn, người ta ghi nhận có một sự thay đổi lớn trong văn hóa và cảm nhận của người dân Đài Loan đối với Trung Quốc. Các cuộc khảo sát thường xuyên về bản sắc và ưu tiên chính trị của người dân Đài Loan cho thấy có một xu hướng ủng hộ độc lập và tự nhận là người Đài Loan nhiều hơn là người Trung Quốc2, tăng từ 55% (2018) lên đến 65% trong năm 2023, và sự ủng hộ đối với việc duy trì nguyên trạng nhưng hướng tới độc lập – trong số sáu lựa chọn – tăng từ 13% lên hơn 25%.
Nhiều các đánh giá, điều này một phần là do chính sách của chính quyền Bắc Kinh. Các cuộc biểu tình lớn chống luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông đã khẳng định rằng khẩu hiệu "một quốc gia, hai chế độ" đã mất ý nghĩa trong mắt cử tri Đài Loan, khi tỏ ra lo ngại rằng các cuộc biểu tình đó là một lời kêu gọi chính đáng cho quyền bầu cử và đại diện của dân.
Thứ ba là có một sự thay đổi rõ nét về những căng thẳng quân sự trong khu vực. Từ thời chính quyền Donald Trump, Hoa Kỳ đã áp dụng chính sách kết hợp mang tính đối đầu hơn với Trung Quốc bao gồm cả việc can dự và hỗ trợ nhiều hơn cho Đài Loan cũng như là đã phá vỡ nhiều quy tắc bất thành văn như có các cuộc thăm viếng thường xuyên hơn của các chính trị gia cao cấp, sĩ quan quân đội và tầu hải quân Mỹ đến eo biển Đài Loan… Chính sách này còn được chính quyền Biden đẩy xa hơn khi lần đầu tiên đồng ý cho sử dụng nguồn quỹ Tài trợ Quân sự Nước ngoài (Foreign Military Financing – FMF) vào tháng 11/2023 để trang bị vũ khí cho Đài Loan.
Ngoài ra, Hoa Kỳ nỗ lực tái bố trí lực lượng sang Thái Bình Dương, xây dựng các mối quan hệ chiến lược chặt chẽ hơn với các đồng minh và đối tác trong khu vực như liên minh tầu ngầm AUKUS và Bộ Tứ - QUAD, cải thiện tư thế răn đe cũng như lực lượng sẵn sàng phản ứng nhanh trước khả năng xảy ra bất kỳ điều gì với Trung Quốc.
Đe dọa quân sự của Bắc Kinh
Những động thái này của Mỹ trong khu vực đã khiến Bắc Kinh giận dữ và đã có những phản ứng mạnh mẽ, đặc biệt là sau chuyến thăm của chủ tịch Hạ Viện lúc đó là bà Nancy Pelosi đến Đài Loan vào tháng 8/2022. Trung Quốc đáp trả bằng những cuộc tập trận hải – không quân quy mô lớn chưa từng có, thao dợt bao vây Đài Loan.
Kể từ đó, Trung Quốc về cơ bản loại bỏ đường phân chia không chính thức trước đây giữa Đài Loan và Hoa Lục, với việc máy bay quân sự thường xuyên băng qua đường trung tuyến ở eo biển, khiến đường phân chia ranh giới ảo này gần như trở nên dư thừa. Theo thông tín viên đài RFI, Adrien Simorre tại Đài Bắc, chỉ riêng trong tháng Chín, quân đội Đài Loan ghi nhận có đến 225 cuộc xâm nhập quanh không phận hòn đảo.
"Trên thực tế kể từ năm 2022, số vụ máy bay Trung Quốc xâm nhập không phận tiếp tục tăng lên. Theo tôi, có hai diễn biến chính : Thứ nhất là về tần suất. Với tư cách là một nhà báo ở Đài Loan, mỗi ngày chúng tôi đều nhận được thông cáo của bộ Quốc Phòng cùng với bản đồ đường đi của chiến đấu cơ Trung Quốc quanh Đài Loan. Số lượng các vụ xâm nhập trung bình cũng tăng lên, trung bình mỗi ngày có 5 vụ xâm nhập của máy bay Trung Quốc kể từ đầu năm.
Điểm khác biệt thứ hai là quỹ đạo và loại máy bay Trung Quốc điều đến cửa không phận Đài Loan. Người ta nhận thấy máy bay Trung Quốc thường xuyên vượt quá đường trung tuyến, đường ranh giới ảo phân cách giữa một bên là đảo Đài Loan và bên kia là các bờ biển Trung Quốc, hoặc thậm chí đi qua hẳn phía đông của đảo Đài Loan.
Xin nói rõ là Đài Loan nằm ở phía đông bờ biển Trung Quốc, và cho đến lúc này máy bay Trung Quốc chỉ hoạt động ở phía tây đảo Đài Loan, và giờ thì họ thực sự bay qua cả phía đông Đài Loan đôi khi với một quỹ đạo theo kiểu bao vây".
Chiếm Đài Loan : Viễn cảnh còn xa ?
Trong bối cảnh này, cuộc bầu cử sẽ được tổ chức, với một cuộc đua gay gắt giữa ba ứng viên : Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) của đảng Dân Tiến (DPP) – đảng chính trị của bà Thái Anh Văn, hiện đang dẫn đầu các thăm dò ; Hầu Hữu Nghi của Quốc Dân Đảng (KMT) và Triệu Thiểu Khang (Jaw Shaw Kong) thuộc đảng Nhân dân Đài Loan (NPP).
Phe đối lập vốn dĩ nhấn mạnh đến sự tiết chế trong các chính sách chống Trung Quốc, kêu gọi người dân chọn lựa giữa "chiến tranh và hòa bình", một khẩu hiệu đã được đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng lại trong các luận điệu tuyên truyền. Trong khi đó, đảng Dân Tiến của bà Thái Anh Văn đặt các cử tri trước thách thức "dân chủ và chuyên chế". Phe đối lập cho rằng thắng lợi của DPP còn đồng nghĩa với việc căng thẳng tiếp tục gia tăng.
Nhưng giới chuyên gia dường như có chung một nhận xét, ít có khả năng Trung Quốc tiến hành thành công xâm chiếm Đài Loan. Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Đài Loan Cố Lập Hùng (Wellington Koo) hồi tháng 11/2023 tỏ ra nghi ngờ Trung Quốc có thể phát triển khả năng đổ bộ vào năm 2027 theo như cảnh báo từ đô đốc Philip Davidson, cựu chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ.
Bắc Kinh rõ ràng mong muốn một thắng lợi của Quốc Dân Đảng, nhưng có lẽ rút kinh nghiệm từ những sai lầm trong những năm 1995 – 1996, khi các vụ thử tên lửa hiếu chiến ở eo biển Đài Loan trước cuộc bầu cử đã làm gia tăng sự ủng hộ của cử tri cho chính phủ đảng Dân Tiến đầu tiên trên đảo. Thế nên, trong tháng 11 vừa qua, Bắc Kinh đã bắt đầu giảm các hoạt động quân sự.
Nếu nhìn từ góc độ này, việc xâm chiếm Đài Loan có vẻ đầy rủi ro. Thế nhưng, tướng Charles Brown, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ gần đây từng nghĩ rằng Tập Cận Bình không thực sự muốn đánh chiếm Đài Loan bằng vũ lực. Bắc Kinh có khả năng "sử dụng những cách khác để làm điều này".
Chiến lược của Trung Quốc
Hai nhà nghiên cứu Thiếu Ngọc Nguyên (Shaoyu Yuan) và Quân Tương (Jun Xiang) 3, trên trang mạng The Diplomat (02/12/2023) khẳng định Trung Quốc có thể dựa vào nhiều biện pháp phi quân sự, nhẹ nhàng hơn để tác động đến số phận hòn đảo, khi dần tìm cách tước đi quyền tự trị của Đài Loan khi phân tích ba chiến lược tiềm năng của Trung Quốc.
Điểm thứ nhất là tiến hành chiến tranh tâm lý nhằm thao túng công luận, tác động đến sự lựa chọn của cử tri trong cuộc bầu cử sắp tới. Tiếp đến là cưỡng ép kinh tế gây khó khăn cho Đài Loan tiếp cận các nền thị trường hoặc nguyên liệu thô quan trọng, buộc hòn đảo trả giá đắt về mặt kinh tế cho sự kháng cự và phải có những nhượng bộ chính trị. Và sau cùng là cô lập ngoại giao, gây khó khăn cho Đài Bắc trong việc đàm phán các thỏa thuận quốc tế, tham gia các diễn đàn toàn cầu hay đảm bảo quan hệ đối tác chiến lược, đồng thời gây áp lực buộc Đài Loan phải cân nhắc thống nhất với Hoa Lục theo điều khoản có lợi cho Bắc Kinh.
Về điểm này, thông tín viên đài RFI tại Đài Bắc Adrien Simorre nhắc lại một số vụ việc :
"Từ góc độ kinh tế, Trung Quốc đã cấm nhập khẩu một số sản phẩm nông nghiệp của Đài Loan trong những năm gần đây và tại một số vùng nông nghiệp của Đài Loan, gần như 100% sản lượng, chẳng hạn như một số loại trái cây được xuất sang sang thị trường Trung Quốc. Vì vậy, đây là một đòn giáng rất đau, gây khó khăn cho nông dân.
Ngoài ra, còn có chiến tranh tâm lý hoặc thông tin với việc đưa tin giả, các cuộc tấn công mạng, ví dụ như màn hình của một nhà ga ở Đài Loan hồi năm 2022 đã bị tấn công để phát sóng tuyên truyền của Trung Quốc. Hoặc như tại một hòn đảo nằm gần Trung Quốc hơn, dây cáp điện đã bị cắt và do đó người dân không có điện trong vài ngày và Đài Loan nghi ngờ Trung Quốc đứng sau hành động phá hoại này.
Ở cấp độ địa chính trị, Trung Quốc tiến hành gây áp lực to lớn nhằm cô lập Đài Loan. Ngay khi cờ Đài Loan xuất hiện trong một sự kiện quốc tế, Bắc Kinh yêu cầu ban tổ chức xóa bỏ hoàn toàn tất cả các biểu tượng của Đài Loan. Những điều này khiến một số người Đài Loan nói rằng chiến tranh trên thực tế đã bắt đầu từ đâu đó, ngay cả khi tất nhiên hiện tại không có xung đột ở cấp độ quân sự".
Dù vậy, nhiều nhà phân tích nhận định, bất kể là Quốc Dân Đảng hay đảng Dân Tiến giành thắng lợi thì vẫn sẽ có căng thẳng đáng kể trong khu vực và giữa đôi bờ eo biển. Thông tín viên đài RFI ở Đài Bắc giải thích tiếp :
"Trên thực tế, nhiều nhà quan sát thắc mắc giả như đảng đối lập thắng cử lần này thì có thực sự giúp giảm bớt căng thẳng hay không, bởi vì trên thực tế, dù đảng này ủng hộ việc nối lại quan hệ nhưng vẫn phản đối việc sáp nhập với Hoa lục, và đây rõ ràng là mục tiêu của Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình nhắc lại rằng "chúng ta không được để lại gánh nặng cho thế hệ sau" nên trên thực tế, ngay cả khi đảng này chủ trương nối lại quan hệ với Bắc Kinh thì vẫn ủng hộ việc tăng cường phòng thủ Đài Loan và mối quan hệ tốt đẹp với Hoa Kỳ. Thực ra, tôi nghĩ rằng, ở Đài Loan nói chung, sau sự kiện Ukraine, thực sự không ai dám nói chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không ra tay".
Hơn nữa, theo quan điểm của ông Christian Le Miere, Mỹ vẫn kiên quyết tăng cường khả năng phòng thủ cho Đài Loan và phát triển khả năng răn đe tổng hợp toàn diện trên khắp vùng Đông Á. Điều nghịch lý là người dân Đài Loan có thể không muốn xung đột nhưng họ ngày càng rời xa với khả năng thống nhất hòa bình, ít nhất là trong cuộc bầu cử lần này.
Do vậy, theo vị chuyên gia về chính sách đối ngoại người Anh này, bóng ma của một cuộc xâm lược quân sự vẫn sẽ còn. Bắc Kinh có thể đánh giá một chiến dịch chiếm đánh là không khả thi nhưng có thể dễ dàng gia tăng áp lực thông qua các biện pháp quân sự khác. Ngoài việc tăng cường các hoạt động tấn công vùng xám như tường thuật ở trên, thì Trung Quốc vẫn có thể tranh chấp đổ bộ lên các đảo ngoài khơi của Đài Loan trong vùng eo biển và ở Biển Đông, một chiến dịch như thế sẽ ít tốn kém hơn và có nhiều khả năng dẫn đến thành công hơn cho Trung Quốc.
Tóm lại, theo nhiều nhà phân tích, cuộc đấu tranh của người dân Đài Loan không chỉ giới hạn trên chiến trường, mà đó còn là một cuộc chiến cân não, trên thị trường và trong các phòng họp.
(The Straits Times, The Diplomat)
Minh Anh
Nguồn : RFI, 14/12/2023
Ghi chú :
1. Christian Le Miere, cố vấn chính sách đối ngoại, đồng thời là nhà sáng lập và chủ tịch Arcipel, một công ty tư vấn chiến lược có trụ sở tại Luân Đôn – Báo mạng The Straits Times ngày 09/12/2023
2. Kết quả cuộc thăm dò do trường đại học Quốc gia Chengchi (NCCU), Đài Loan, thực hiện – Trang mạng The Diplomat ngày 01/12/2023.
3. Thiếu Ngọc Nguyên (Shaoyu Yuan) và Quân Tương (Jun Xiang), là nhà nghiên cứu và giáo sư thuộc Khoa Các Vấn đề Toàn cầu, trường đại học Rutgers, bang New Jersey tại Mỹ.