Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

23/12/2023

Điểm tuần báo Pháp - Ấn Độ, cường quốc thứ ba tương lai ?

RFI tiếng Việt

Ấn Độ, cường quốc thứ ba tương lai ?

Le Point trong số kép cho hai tuần cuối năm, đưa ra dự phóng "Ấn Độ, đế chế tương lai". Từ chinh phục không gian, kinh tế tăng trưởng mạnh, chủ nghĩa dân tộc được củng cố, rồi tham vọng quân sự… với ngần ấy yếu tố, liệu Ấn Độ có sẽ thay Trung Quốc với tư cách là siêu cường Châu Á hay không ?

ando1

Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi duyệt hàng quân danh dự nhân ngày Độc Lập tại New Delhi, 15/08/2023. AP - Manish Swarup

Một điều chắc chắn, thế kỷ XXI sẽ là thế kỷ Châu Á. Nhưng đó là thế kỷ của Trung Quốc, như nhiều người dự đoán, hay đúng hơn là của Ấn Độ ? Ván cờ chưa ngã ngũ, bởi vì cuộc cược lớn hiện nay không đơn giản chỉ là sự trì trệ của Trung Quốc, đang bị trói trong vòng xích chuyên chế, gây tổn hại cho môi trường đầu tư kinh doanh. Mà đúng hơn là sự trỗi dậy của Ấn Độ, một nền văn minh cổ xưa, và cũng giống như đế chế Trung Hoa, từng một thời huy hoàng, để rồi sau đó bị xóa mờ kể từ thế kỷ XVIII trước cuộc cách mạng công nghiệp Châu Âu.

Có nhiều lý do để tin rằng Ấn Độ có khả năng vươn lên thành một cường quốc thứ ba trên thế giới. Quốc gia Nam Á này không chỉ là một nền dân chủ lớn nhất thế giới, nơi ra đời của đạo Phật, xứ sở của yoga và ayurveda, Ấn Độ có một quyền lực mềm to lớn từ sự thịnh hành của xu hướng ăn chay, điện ảnh Bollywood, cho đến cả một cộng đồng người Ấn rộng lớn : 28 triệu người trên thế khắp thế giới, trong đó có nhiều người là lãnh đạo của Microsoft, Google hay IBM.

Ấn Độ, nền kinh tế thứ ba năm 2030 ?

Thế nên, đối với thủ tướng Narendra Modi, thời khắc phục thù đã điểm. Việc Anh Quốc – một cựu cường quốc thực dân – hiện do thủ tướng Rishi Sunak, một người theo đạo Hindu, có nguồn gốc di dân Ấn Độ đến từ Đông Phi là một tín hiệu mạnh mẽ. Narendra Modi đã ấn định mục tiêu : Từ đây đến năm 2030, đưa Ấn Độ vượt qua mặt Nhật Bản và Đức, để trở thành nền kinh tế thứ ba toàn cầu, chỉ đứng sau Mỹ và Trung Quốc. Khi ông lên cầm quyền năm 2014, Ấn Độ xếp hạng thứ 10.

Để có thể thực hiện mục tiêu này, thủ tướng Modi có trong tay ba lá chủ bài : Thứ nhất là cường quốc hàng đầu về dân số. Năm nay, Ấn Độ đã qua mặt Trung Quốc để giành vị trí quốc gia đông dân nhất thế giới khi đạt mức 1,43 tỷ người. Thứ hai là bản sắc Hindu.Thủ tướng Ấn Độ "vuốt ve" ý tưởng đặt lại tên nước là "Bharat", tên gọi cũ từ tiếng Phạn, thay cho "India", quá gợi nhắc đến thời kỳ thuộc địa Anh. Và cuối cùng là một thiện chí mạnh mẽ. Một thăm dò do Hội đồng Đối ngoại Châu Âu (ECFR) công bố hồi mùa thu cho thấy, 86% số người Ấn Độ được hỏi tỏ ra lạc quan cho triển vọng của đất nước, và tin rằng "thời của Ấn Độ đã đến" như khẩu hiệu tranh cử của ông Narendra Modi năm 2019.

Trong cuộc chinh phục vị thế cường quốc thứ ba thế giới, Ấn Độ sẽ khai thác tối đa những căng thẳng địa chính trị. Chiến tranh Ukraine, đọ sức Mỹ - Trung sẽ cho phép thủ tướng Ấn khẳng định vị thế như là một cường quốc đối trọng mang tính quyết định trong thế cân bằng lực lượng toàn cầu.

Nếu như Ấn Độ ngày càng tỏ ra lo lắng thế mạnh của Trung Quốc và xích lại gần hơn Mỹ, Úc và Nhật Bản khi lướt theo chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương chống Trung Quốc, thì quốc gia Nam Á này vẫn bám chặt với chính sách tự chủ chiến lược của mình, qua việc chia sẻ với Bắc Kinh và Moskva mục tiêu tái cân bằng trật tự thế giới vẫn do phương Tây thống trị. Điều này thể hiện rõ trong lập trường của New Dehli về chiến sự tại Ukraine và cuộc xung đột ở dải Gaza.

Dù vậy, bài viết trên Le Point cũng nêu ra một số điểm yếu có thể cản trở đà tiến của Ấn Độ : Chủ nghĩa dân túy đang làm lung lay tính chất dân chủ của đất nước. Bất chấp những tiến bộ đạt được, cơ cấu xã hội theo đẳng cấp, thế thống trị của phái nam, một bộ máy chính quyền quan liêu ngột ngạt và cơ sở hạ tầng cũ kỹ vẫn là những điểm bất lợi lớn.

Nền sản xuất của Ấn Độ vẫn còn thấp hơn Trung Quốc đến ba lần. Chi tiêu quân sự thấp hơn đến bốn lần so với nước láng  giềng. Trong bảng tổng sắp chỉ số phát triển con người do Liên Hiệp Quốc thiết lập, Ấn Độ xếp hạng thứ 132. Cũng theo bảng xếp hạng này, Ấn Độ có lẽ sẽ giầu thêm 27% nếu như phụ nữ được tham gia thị trường lao động !

Quần đảo Maldives, bị giằng xé giữa Ấn Độ và Trung Quốc

Cũng liên quan đến Ấn Độ và Trung Quốc, L’Express có bài nói về quần đảo Maldives. Nằm giữa giao lộ chiến lược ở Ấn Độ Dương, quần đảo Nam Á, chỉ có 400 ngàn dân, với gần 1200 đảo nhỏ và những bãi biển cát trắng nước xanh như ngọc lại là sàn đấu tranh giành ảnh hưởng gay gắt giữa hai ông khổng lồ Châu Á.

Mọi chuyện bắt đầu từ việc tân tổng thống Maldives, Mohamed Muizzu, thân Trung Quốc, hồi cuối tháng 11/2023, yêu cầu Ấn Độ rút quân. Đối với Bắc Kinh, quần đảo Maldives nằm trên trục lưu thông hàng hải quan trọng cho cả thương mại và quân sự, hướng sang Châu Phi, Hồng Hải và Châu Âu.

Maldives không chỉ là một mắt xích trong chiến lược "chuỗi ngọc" mà Bắc Kinh đã gầy dựng được nhiều cơ sở cảng biển ở Chittagong (Bangladesh), Hambantota (Sri Lanka), Gwadar (Pakistan) và Kyaukphyu (Miến Điện), mà vào năm 2013, đồng minh truyền thống của New Delhi còn tham gia vào dự án "Những con đường tơ lụa mới" của Bắc Kinh, ký kết nhiều thỏa thuận tự do mậu dịch, xây dựng cơ sở hạ tầng…

Về phía Ấn Độ, ngoài sự hiện diện quân sự đáng kể như cho bố trí các radar, trực thăng và máy bay quân sự, được dùng cho các chiến dịch giám sát các vùng lãnh hải, để cạnh tranh với Trung Quốc, chính quyền New Delhi đã tài trợ 1,4 tỷ đô la để xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng. Ấn Độ còn giúp đào tạo binh sĩ và công chức nhà nước cho Maldives.

Trên thực tế, Maldives, điểm đến du lịch rất được ưa thích này còn là một phần trong chiến lược chống Trung Quốc của Mỹ và Ấn Độ. Năm 2020, Washington đã ký một thỏa thuận quốc phòng với Malé do vị trí gần gũi của quần đảo với căn cứ quân sự Diego Garcia của Mỹ, nằm trên một đảo ở Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, L’Express, dẫn nhận định từ một chuyên gia an ninh tại New Delhi cho rằng tân tổng thống Maldives khó thể bỏ qua Ấn Độ, bởi vì quần đảo này chưa đủ năng lực hải quân để tự bảo đảm an ninh. Dù vậy, để không bị chỉ trích là quá thân Trung Quốc, ông Muizzu đã chọn Thổ Nhĩ Kỳ cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình !

Một đỉnh đồi thiêng, hai tôn giáo

Tuần báo L’Express L’Obs, trong số kép cho hai tuần cuối năm dành một hồ sơ lớn cho cuộc xung đột Israel – Palestine. Trang bìa L’Express nói về "Jerusalem, ba ngàn năm mê hoặc". Giữa những huyền thoại và thực tế, thành phố thánh này lại là tâm điểm địa chính trị của vùng Cận Đông.

Bởi vì, theo Simon Sebag Montefiore, nhà sử học, nhà văn người Anh, Jerusalem cùng lúc "vừa là nhà của đấng Chúa Trời duy nhất, là thủ đô của hai dân tộc và là ngôi đền của ba tôn giáo (Do Thái giáo, Công giáo và Hồi giáo)". Trong cách nhìn này, Jerusalem không chỉ là điều gì đó rất tuyệt mỹ mà còn là một cơn ác mộng.

Luật sư Danny Seidemann, chuyên gia về quan hệ Israel - Ả Rập, cho rằng "Jerusalem sẽ mãi mãi là mảng kiến tạo, nơi va chạm giữa các nền văn minh". Chiếc nôi của ba nền tôn giáo độc thần là hiện thân của những sự chia xé trong khu vực. Chính tại nơi đây, trên cùng một đỉnh đồi thiêng, nhưng có đến hai đền thờ - một cho người Do Thái với khu Núi Đền – và một cho người Hồi giáo, với đền thờ Al – Aqsa, khu thánh địa thứ ba của Hồi giáo, chỉ sau Mecca và Medina.

Chuyên gia về Israel, David Khalfa, Quỹ Jean Jaurès, lưu ý thêm rằng tại khu vực này, yếu tố tâm linh vượt qua cả sự lạnh lùng về địa chính trị. Việc phương Tây diễn giải các sự kiện theo cách giảm thiểu vai trò nổi trội của yếu tố tôn giáo xuống ở mức chỉ là những cuộc xung đột chính trị - lãnh thổ đã dẫn đến kết quả là tầm ảnh hưởng của những người mang tư tưởng dân tộc chủ nghĩa theo tôn giáo ngày càng lớn và làm sụp đổ các tiến trình hòa bình.

"Một lãnh thổ, hai nhà nước" : Giải pháp khả dĩ ?

Đó còn là "một tấn bi kịch cho Miền Đất Hứa", như hàng tựa chính trên trang bìa L’Obs. Cuộc xung đột khủng khiếp này, bùng phát vào mùa thu năm nay, có nguồn gốc sâu thẳm trong lịch sử bạo lực, phức tạp và đầy mê hoặc từ gần ba ngàn năm. Tuần báo lược lại 33 thời điểm quan trọng trong lịch sử Israel, từ thời vua David (năm 1030 trước Công nguyên) cho đến thỏa thuận Abraham và các cuộc vận động thành lập Nhà nước Israel.

Tuy nhiên, đối với nhà sử học Vincent Lemire, ngày 07/10/2023, là "điểm khởi đầu cho hồi thứ năm, hồi kết cục". Trả lời phỏng vấn L’Obs, vị chuyên gia về Trung Đông lưu ý, vào thời điểm hồi kết này, rủi ro trở nên cực kỳ cao và do vậy cần có sự vận động của cộng đồng quốc tế để tìm kiếm một lối thoát mà ông cho là phải có tính "sáng tạo".

Theo ông, có hai kịch bản đang được nói đến : Thứ nhất là một Nhà nước Hai dân tộc, ở đó, người Do Thái và người Palestine sinh sống trong cùng một Nhà nước duy nhất, nhưng giải pháp này giờ khó thể nhắm đến. Thứ hai là phân chia lãnh thổ thành hai quốc gia thuần nhất – một giải pháp cũng khó thực thi do có đến 750 ngàn dân định cư Do Thái sinh sống ở Cisjordanie và Đông Jerusalem.

Trong bối cảnh này, nhà sử học đưa ra một giải pháp thứ ba, được cho là có nhiều triển vọng nhất, còn được gọi là "One Homeland, Two States", nghĩa là một lãnh thổ, hai nhà nước hay hai bộ máy chính quyền. Một giải pháp mà ông đánh giá là khả dĩ nhất cho an ninh hai dân tộc và nhà nước Israel.

Tóm lại như nhận định từ nhà sử học Simon Sebag Montefiore với tuần báo L’Express, "Thiết lập hòa bình là điều không dễ, đòi hỏi nhiều sự can đảm, tính hiện thực và một tầm nhìn".

Trung Quốc : Khế ước xã hội đã chấm dứt ?

Trở lại với thời sự Châu Á, Courrier International, trong số kép ra tuần trước, lược dịch bài viết trên Financial Times của Anh tự hỏi, "Phải chăng ở Trung Quốc, khế ước xã hội đã kết thúc ?"

Từ lâu giữa chính quyền Bắc Kinh và người dân tồn tại một "thỏa thuận ngầm" : Để đổi lấy nhiều hạn chế quan trọng về tự do chính trị mà Đảng cộng sản Trung Quốc áp đặt, người dân Trung Quốc được hứa hẹn có nhiều cơ hội làm giầu trên bình diện kinh tế.

Tuy nhiên, thỏa thuận đó dường như đang bị đảo lộn, thậm chí là có nguy cơ bị kết thúc kể từ khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền. Khi lo lắng khối tư nhân đang trên đà bành trướng có thể làm lu mờ quyền lực của đảng, Tập Cận Bình tiến hành một chiến dịch trừ khử những người bất đồng chính kiến, siết chặt kỷ luật đảng bằng các đợt chống tham nhũng. Rồi Bắc Kinh có những chính sách Zero Covid khắt khe, các biện pháp mạnh chống lại các đế chế kỹ thuật số mà Mã Vân (Jack Ma) – người sáng lập tập đoàn Alibaba – là một nạn nhân điển hình. Song song đó là một chính sách đối ngoại ngày càng chuyên chế, hung hăng hơn gây bất mãn cho các nước láng giềng và nhiều đối tác phương Tây.

Hệ quả của nỗ lực tái cơ cấu xã hội từ thượng tầng là tăng trưởng ì ạch, thất nghiệp ở giới trẻ tăng cao, tiền lương của khoảng gần 300 triệu lao động nhập cư bị suy giảm, tầng lớp trung lưu thành thị mất nhiều nguồn thu do thị trường bất động sản sụp đổ, người giầu có nhìn thấy vị thế của mình bị lung lay dưới tác động của các chiến dịch trấn áp của chính quyền trong các lĩnh vực kỹ thuật số, tài chính và y tế. Và chỉ số đầu tư cũng vì thế bị giảm theo.

Trước kia lạc quan bao nhiêu, giờ xã hội Trung Quốc bắt đầu lo lắng cho tương lai bấy nhiêu !

Nguồn gốc chúng sinh !

L’Obs tuần này cũng dành nhiều trang giới thiệu sách của ông Christophe Sardet, nhà sinh học đồng sáng lập nhiệm vụ thám hiểm biển Tara Oceans và cũng là chuyên gia về sinh vật nổi và vi sinh vật, có tựa đề "Khởi thủy là một tế bào !"

Được trình bày dưới hình thức sách ảnh, Christophe Sardet kể và vẽ lại sự ra đời của sự sống như một câu chuyện thần tiên. Ban đầu được sinh ra từ một tế bào, bắt nguồn từ những hạt bụi các vì sao, tế bào này được làm sống dậy từ trong vực thẳm, tạo thành những mạng lưới và sự cộng sinh kết nối tất cả chúng sinh ngày nay. Một món quà Giáng Sinh đầy ý nghĩa !

Minh Anh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Minh Anh
Read 293 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)