Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng (trái) hội đàm tại Bắc Kinh ngày 12 tháng 1 năm 2017. AFP photo
Trung quốc và Việt Nam nhất trí tiếp tục thực hiện toàn diện và hiệu quả Truyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông, trên cơ sở hiệp thương thống nhất sớm xây dựng Bộ qui tắc ứng xử ở biển Đông ; kiểm soát tốt bất đồng trên biển, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, giữ hòa bình và ổn định ở biển Đông.
Đó là phần nói về tranh chấp trên biển Đông giữa Việt Nam và Trung quốc trong Tuyên bố chung của hai Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng và đảng cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình.
Tuyên bố được đưa ra ở Bắc Kinh vào ngày thứ bảy 14 tháng giêng năm 2016, vài tiếng đồng hồ trước khi ông Nguyễn Phú Trọng trở về Hà nội vào hôm chủ nhật, kết thúc chuyến thăm Trung quốc dài 4 ngày của ông.
Hãng tin Tân Hoa xã của nhà nước Trung quốc cũng có nói là bản tuyên bố chung này được đưa ra sau những cuộc thảo luận chân thành và thẳng thắn giữa hai bên.
Phần nói về biển Đông nằm ở mục thứ sáu trong tất cả 10 mục trong thông báo chung được báo chí Việt Nam công bố vào ngày chủ nhật 15 tháng giêng. Trong thông báo chung còn nói đến việc tăng cường trao đổi các chuyến thăm nhau của các tàu hải quân, cũng như phối hợp tuần tra trên biển vùng Vịnh Bắc Bộ, và duy trì đường dây nóng giữa lãnh đạo hai nước. Ngoài ra Việt Nam còn nói rằng Việt Nam tôn trọng chính sách một nước Trung quốc, không công nhận Đài Loan là một quốc gia.
Xin được nhắc lại là Trung quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền của mình trên 90% diện tích biển Đông, tuy nhiên điều này đã bị Tòa trọng tài thường trực quốc tế có trụ sở tại Hà Lan phủ nhận khi thụ lý vụ chính phủ Philippines kiện Trung quốc về những đòi hỏi của Bắc Kinh trên biển Đông.
Ngoài Trung quốc, các quốc gia Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei, Đài Loan đều có tuyên bố chủ quyền trên một phần diện tích biển Đông.