Việt Nam khẳng định chủ quyền tại bãi Tư Chính ở Biển Đông
RFA, 29/02/2024
Bãi ngầm Tư Chính là một phần thềm lục địa của Việt Nam. Đó là khẳng định của phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 29/2 ở Hà Nội.
Hình chụp vệ tinh bãi Tư Chính - CSIS/AMTI
Bà Phạm Thu Hằng trả lời báo giới như vừa nêu khi được hỏi về việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh vào khu vực bãi ngầm Tư Chính trong thời gian gần đây.
Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng "Lập trường của Việt Nam đối với bãi ngầm Tư Chính là nhất quán và đã được khẳng định nhiều lần. Theo đó bãi ngầm Tư Chính là một phần của thềm lục địa Việt Nam và được xác lập chủ quyền hoàn toàn phù hợp với Công ước Luật biển Liên hiệp quốc năm 1982 (UNCLOS 1982)".
Bà này cũng bày tỏ phản đối kiên quyết của Việt Nam đối với mọi hành động bị cho vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam được xác lập hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS 1982.
Như tin đã loan, vào ngày 20/2 vừa qua, tàu hải cảnh CCG 5901 lớn nhất thế giới của Trung Quốc bật tín hiệu theo dõi tàu biển tự động AIS cho thấy tàu trở lại bãi Tư Chính ở Biển Đông. Đây là nơi có các giàn khoan dầu khí của Việt Nam, và liên tục bị Trung Quốc điều tàu hải cảnh vào quấy nhiễu.
Tàu hải cảnh CCG 5901 vào cuối năm 2023 từng tuần tra cả tháng trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ; sau đó tàu CCG 5402 vào thay thế.
Đợt này tàu hải cảnh CCG 5901 rời cảng Tam Á ở đảo Hải Nam hôm 14/2/2024 để xuống Biển Đông.
Nguồn : RFA, 29/02/2024
********************************
Tổng thống Philippines : Hải quân Trung Quốc ‘gây lo ngại’ tại Biển Đông
BBC, 28/02/2024
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. hôm thứ Tư (28/2) nói rằng sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở Biển Đông là "đáng lo ngại", nhưng Manila sẽ không từ bỏ việc bảo vệ ngư dân và chủ quyền trên biển.
Cảnh sát biển Trung Quốc đi ca nô sử dụng máy ảnh tĩnh và máy quay video để ghi lại hoạt động trên tàu BRP Datu Tamblot của Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản Philippines (BFAR) gần Bãi cạn Scarborough - ngày 16/2
Theo tờ Manilla Times, ông Marcos nói rằng tình hình ở những vùng nước tranh chấp đã thay đổi do sự hiện diện của Hải quân Trung Quốc.
"Điều này đáng lo ngại vì có hai yếu tố. Trước đây chỉ có Cảnh sát biển Trung Quốc hoạt động trong khu vực , bây giờ có cả Hải quân và tàu cá. Vì vậy, tình hình đang thay đổi", ông nói với các phóng viên.
Tuần duyên Philippines (PCG) đã phát hiện sự hiện diện của các tàu hải quân Trung Quốc trong một chuyến tuần tra của một tàu thuộc Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản (BFAR) tại Bãi cạn Scarborough, nơi xảy ra tranh chấp gay gắt vào tuần trước.
Đề đốc Jay Tarriela, phát ngôn viên của Tuần duyên Philippines phụ trách Biển Tây Philippines (tên mà Philippines gọi một phần Biển Đông), cho biết Cục Nghề cá và Tài nguyên Thủy sản đã theo dõi ba tàu chiến cùng một máy bay của Hải quân Trung Quốc ở gần Bãi cạn Scarborough.
Bà Tarriela cho biết các tàu chiến Trung Quốc duy trì một khoảng cách hơn 20 hải lý so với bãi cạn này (Philippines gọi là Bajo de Masinloc).
"Quan trọng là chúng ta [Philippines] phải lưu ý rằng trong phạm vi 12 hải lý quanh Bajo de Masinloc, chúng ta có chủ quyền đối với vùng nước này", bà nói.
"Đây là lần đầu tiên chúng tôi nhìn thấy loại máy bay đó trong khu vực", bà Tarriela thêm.
Chiếc tàu của BFAR, mà PCG từng nói rằng bị các tàu cảnh sát biển Trung Quốc theo dõi và cản trở, làm nhiệm vụ tiếp tế nhiên liệu cho ngư dân Philippines trong khu vực.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ ngư dân của chúng tôi. Họ là những người làm nghề cá để kiếm sống từ những ngư trường này và chúng tôi sẽ tiếp tục giúp họ mặc dù... có những nỗ lực chặn đường và theo dõi", Marcos nói với các phóng viên trước khi lên đường thăm cấp nhà nước tới Úc.
Trước đó, ông Ian Storey, một thành viên cấp cao tại Viện ISEAS-Yusof Ishak của Singapore, từng nhận định :
"Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn chặn ngư dân Philippines đánh cá ở Bãi cạn Scarborough là hoàn toàn bất hợp pháp. Phán quyết của tòa trọng tài năm 2016 đã trao cho ngư dân của cả hai nước quyền đánh bắt cá ở đó. Manila chỉ đơn thuần ủng hộ các quyền hợp pháp của ngư dân Philippines".
Tờ South China Morning Post tại Hong Kong ngày 17/2 có bài viết phản ánh những quan ngại liên quan đến việc Phillipines trở thành "đại diện" chống lại Bắc Kinh của Mỹ tại khu vực Biển Đông.
Theo bài báo, dù Philippines khẳng định rằng liên minh quân sự với Mỹ và quan hệ đối tác với các nước khác như Nhật Bản chỉ mang tính chất phòng thủ, Bắc Kinh lại coi đây là một phần của chiến dịch bao vây Trung Quốc.
Nguồn : BBC, 28/02/2024