Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

05/03/2024

Điểm báo Pháp - Trung Quốc vĩnh biệt với tăng trưởng

RFI tiếng Việt

Trung Quốc nói lời vĩnh biệt với tăng trưởng

Les Echos ngày 04/03/2024 nhận định tăng trưởng của Trung Quốc năm nay không quá 5%. Dù cũng cố vực dậy nền kinh tế đang xuống dốc, lòng tin bị xói mòn, nhưng dưới thời Tập Cận Bình, an ninh được đặt lên hàng đầu, đảng kiểm soát tất cả.

anninh1

Các nhân viên an ninh trong ngày khai mạc hội nghị Tân Chính Hiệp trước Đại sảnh đường Nhân Dân, Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 04/03/2024. Reuters - Tingshu Wang

Trung Quốc : Khó khăn kinh tế và khủng hoảng lòng tin

Đặc phái viên Les Echos tại Bắc Kinh ghi nhận : các nhà máy bị đóng cửa để bảo đảm bầu trời được xanh, cấm các drone, công an mặc thường phục và người về hưu mang băng đỏ đầy các ngả đường... Trung Quốc giữ an ninh chặt chẽ cho kỳ họp Quốc hội thường niên.

Khoảng 3.000 đại biểu từ cả nước sẽ họp lại vào thứ Ba 05/03, lần đầu tiên kể từ sau đại dịch Covid. Báo cáo mà thủ tướng Lý Cường sẽ đọc rất được chờ đợi, nhất là Tập Cận Bình vẫn chưa triệu tập Hội nghị trung ương lần thứ ba thường tập trung cho kinh tế. Nhà nghiên cứu Jean-Pierre Cabestan nhận định, điều này một lần nữa cho thấy ông Tập không ngần ngại bỏ qua các truyền thống của đảng, nhưng cũng có thể là dấu hiệu chia rẽ trong bộ máy về đường hướng kinh tế.

Theo chuyên gia Neil Thomas, dường như Tập Cận Bình tin rằng những khó khăn hiện tại chỉ là tạm thời. Thay vì có những thay đổi lớn về cơ cấu, chính quyền trông cậy vào các kỹ nghệ mới như xe điện, bình điện, năng lượng xanh. Nhưng vấn đề là cả ba lãnh vực mới này chỉ đóng góp 11% GDP năm 2023, so với 25 đến 30% từ địa ốc. Chuyên gia Louise Loo của Oxford Economics dự báo kinh tế sẽ giảm tốc đáng kể trong trung hạn.

Tập Cận Bình đặt an ninh lên trên tăng trưởng

Trong bài xã luận "Trung Quốc nói lời vĩnh biệt với tăng trưởng", Les Echos cho rằng Bắc Kinh không thực sự cố gắng tái thúc đẩy nền kinh tế vốn đang chậm lại rất nhiều, vì ưu tiên đã thay đổi dưới thời Tập Cận Bình. Hồi khủng hoảng tài chánh 2008, Trung Quốc là nước đầu tiên dùng đến vũ khí hạng nặng bazooka để duy trì tăng trưởng, và thêm một lần nữa vào năm 2015 khi tung ra chương trình phát triển cơ sở hạ tầng quy mô. Nhưng Bắc Kinh lại hầu như không có động thái nào trong đại dịch Covid năm 2020, và năm nay có lẽ cũng vậy. Trước Quốc hội tuần này, thủ tướng Lý Cường có thể loan báo dự kiến tăng trưởng khoảng 5% và một ít biện pháp hỗ trợ.

Theo Les Echos, chính quyền Trung Quốc có hai lý do để thận trọng. Trước hết, khẩu bazooka có nguy cơ bắn vào khoảng không. Không phải bơm tiền hay giảm lãi suất là đủ để tái thúc đẩy. Dân số giảm, địa ốc chịu đựng khủng hoảng nặng nề, những cơ sở hạ tầng cần thiết đều đã được xây dựng. Doanh nghiệp và người tiêu dùng ngờ vực bàn tay can thiệp thô bạo của nhà nước như hồi đại dịch. Thanh niên thất nghiệp ngày càng nhiều, tan vỡ giấc mơ thăng tiến. Cuộc khủng hoảng lòng tin còn lan ra cả thị trường tài chánh. Người ngoại quốc, nhất là người Mỹ, coi Trung Quốc là nơi "bất khả đầu tư", dẫn đến việc dòng vốn tháo chạy sang các nước khác.

Lý do thứ hai còn mạnh hơn : Lần đầu tiên từ 40 năm qua, tăng trưởng không còn là ưu tiên, mà thay vào đó là an ninh ! Dưới quyền Tập Cận Bình, bộ máy nhà nước thống trị trên mọi lãnh vực xã hội. Nhà nước siết lại các công ty công nghệ, giám sát người dân chặt chẽ hơn với các công cụ kỹ thuật số, bảo đảm nguồn cung bên ngoài bằng cách phát triển thương mại với Nga - đang trở thành chư hầu của Trung Quốc. Ý muốn kiểm soát này đè nặng lên hoạt động kinh tế, mà kỹ nghệ xanh, trí thông minh nhân tạo và cả giả thiết hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường thế giới đều không thể bù đắp nổi.

Bị cấm vận, Moskva trông cậy vào Bắc Kinh

Về quan hệ với Moskva, Les Echos giải thích "Trung Quốc giải cứu Nga trước trừng phạt của phương Tây như thế nào". Một trong những lý do chính khiến cấm vận của phương Tây kém hiệu quả là sự tiếp tay của Bắc Kinh. Các chuyên gia Yanmei Xie và Thomas Gatley thuộc công ty tư vấn Gavekal lưu ý là, trong thời gian rất ngắn, Trung Quốc đã thay chân Liên Hiệp Châu Âu để trở thành nước tiêu thụ năng lượng và nhà cung cấp hàng hóa lớn nhất cho Nga, giúp Moskva vừa có tiền, vừa có được hàng công nghệ để sống sót. Thương mại song phương đã đạt 240 tỉ đô la trong năm 2023, vượt xa mức mà Vladimir Putin và Tập Cận Bình ấn định, chủ yếu nhờ dầu khí.

Không chỉ mua được với giá rẻ, vấn đề còn là an ninh năng lượng. Dầu lửa, khí đốt, than đá của Nga được đưa sang chủ yếu bằng đường bộ, khác với Trung Đông phải đi qua Hồng Hải, eo biển Ormuz nhiều trắc trở, hay eo biển Malacca mà Bắc Kinh coi là có nguy cơ bị Hải quân Mỹ hoặc Ấn Độ phong tỏa khi có chiến tranh. Mất hết các thị trường khác, nay Nga hoàn toàn lệ thuộc và Trung Quốc có thể áp đặt điều kiện trong tương lai. Nga mua đủ loại hàng made in China, từ xe hơi đến máy công cụ (cần thiết cho bộ máy chiến tranh), hàng điện tử gia dụng...

Là nước công nghiệp lớn duy nhất không trừng phạt Moskva, Trung Quốc tha hồ múa gậy vườn hoang, xe hơi Trung Quốc nay chiếm 80% thị trường Nga ! Nhưng các công ty Hoa lục rất cơ hội, chỉ bán hàng mà không đầu tư vào Nga. Ngay cả trong lãnh vực hết sức chiến lược là năng lượng, nhiều công ty Trung Quốc rút khỏi một số dự án ở Nga vì sợ trừng phạt của phương Tây ảnh hưởng đến hoạt động ở những nước khác. Sinopec ngưng thương lượng về một nhà máy hóa dầu, CNOOC và CNPC ngưng tài trợ dự án Arctic LNG 2.

Tình bạn "vô giới hạn" thực ra có giới hạn. Tập Cận Bình vẫn làm lơ về dự án ống dẫn khí thứ hai, Power of Siberia 2, khiến Vladimir Putin vô cùng thất vọng. Gavekal kết luận, Trung Quốc sử dụng mô hình đã áp dụng với các nước bị trừng phạt nặng nề nhất như Bắc Triều Tiên và Iran : Trao đổi tối đa nhưng biết né lằn ranh đỏ, và trong trường hợp Nga là không bán thiết bị sát thương. Tuy nhiên, ranh giới khá mơ hồ đối với thiết bị lưỡng dụng, và lần đầu tiên Liên Hiệp Châu Âu vừa trừng phạt bốn công ty Trung Quốc đã cung cấp công nghệ quân sự cho quân đội Nga.

Trung Quốc hợp sức với Nga chống lại phương Tây

Trên khía cạnh chính trị, La Croix nhận thấy "Trung Quốc và Nga chung sức chống lại phương Tây". Bắc Kinh không lên án việc xâm lăng Ukraine, còn Moskva ủng hộ Trung Quốc về vấn đề Đài Loan. Nga, Trung tập trận chung, đàn áp đối lập trong nước và lớn tiếng đả kích thế giới dân chủ.

Tại Hoa lục, những tuyên bố chống phương Tây chưa bao giờ dữ dội như thế kể từ Cách mạng văn hóa, cáo buộc Hoa Kỳ và đồng minh về tất cả các cuộc khủng hoảng khu vực cũng như quốc tế. Ở Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc và Nga ngày càng phối hợp chặt hơn trong những hồ sơ chiến lược như Bắc Triều Tiên hay Iran - đối tác quan trọng của cả hai.

Không chỉ ở Liên Hiệp Quốc mà còn tại Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hay BRICS. Việc Nga làm chủ tịch hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kazan tháng 10 tới là có bàn tay Trung Quốc để giúp Moskva không bị cô lập. Bắc Kinh coi quan hệ với Nga là cần thiết để đối đầu với phương Tây, chiêu dụ "các nước phương Nam". Putin sẽ lại đi thăm Trung Quốc trong năm 2024, đây sẽ là lần thứ 19 từ khi ông lên làm tổng thống Nga năm 2000.

Công bố đoạn ghi âm, Nga muốn ngăn Đức cấp Taurus cho Kiev ?

Cũng liên quan đến Nga, một sự kiện được các báo rất chú ý là một cuộc họp mật của quân đội Đức bị tiết lộ. Les Echos cho biết nước Đức báo động vì vụ rò rỉ "trầm trọng" này, Le Figaro nhận xét tại Berlin, xì-căng-đan làm liên minh cầm quyền chao đảo. Chiều thứ Sáu tuần trước, công cụ tuyên truyền của Nga "Russia Today" cho đăng một đoạn ghi âm dài 38 phút, có tác dụng như một quả bom, và chỉ 24 giờ sau bản phụ đề tiếng Nga được phổ biến trên cả nước.

Đó là cuộc đối thoại hôm 19/02 giữa tư lệnh Không quân Đức, tướng Ingo Gerhartz và ba sĩ quan cao cấp khác, trong đó có tướng Frank Gräfe đang ở Singapore dự một hội chợ hàng không. Bốn sĩ quan nói chuyện qua nền tảng WebEx chứ không phải mạng nội bộ của quân đội. Cuộc trao đổi nhằm chuẩn bị một báo cáo cho bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius, về giả thuyết Kiev sử dụng hỏa tiễn hành trình Taurus và phá hủy cầu Kerch nối Nga với bán đảo Crimea. Theo họ, cần cung cấp từ 10 đến 20 quả. Bên cạnh đó là việc huấn luyện các quân nhân Ukraine, và các mục tiêu quân sự tiềm năng.

Ngay hôm sau thủ tướng Olaf Scholz ra lệnh nhanh chóng điều tra cặn kẽ. Chính giới Đức xôn xao, đảng đối lập lớn nhất CDU/CSU yêu cầu chính phủ củng cố các quy định về liên lạc quân sự. Dân biểu Roderich Kiesewetter cảnh báo sẽ còn những cuộc đàm thoại khác bị nghe lén, ủy viên quốc phòng Eva Högl đòi hỏi lập tức tập huấn cho viên chức các cấp về bảo mật thông tin.

Việc công bố cuộc đàm thoại đã được tính toán kỹ lưỡng, vào lúc việc chi viện hỏa tiễn Taurus cho Kiev đang là chủ đề nhạy cảm. Tình hình Ukraine đang xấu đi, nên cánh hữu Đức, đảng Xanh và phe tự do từ mười mấy ngày qua đang gia tăng áp lực lên thủ tướng Scholz để giao Taurus – có tầm bắn 500 kilomet và rất khó phát hiện – cho Kiev. Có 382/668 dân biểu ủng hộ chi viện vũ khí "tầm xa" cho Ukraine, nhưng không nói rõ tên Taurus. Bộ trưởng Boris Pistorius nhấn mạnh Kremlin tìm cách gây bất ổn cho nước Đức, làm ly gián nội bộ, tố cáo "chiến tranh thông tin của Nga" và kêu gọi "đừng rơi vào bẫy của Putin".

Ukraine gặp khó tại Donbass

Trong khi đó La Croix cho biết Ukraine đang vất vả bảo vệ các tuyến phòng ngự ở Donbass, sau khi thành phố Avdiivka bị Nga chiếm hôm 17/02. Khó khăn không chỉ vì thiếu đạn mà còn do phòng tuyến và chiến hào quá sơ sài. Những hình ảnh vệ tinh được New York Times công bố hôm 02/03 cho thấy các chiến hào chỉ đào đắp bằng đất, không được gia cố bê-tông hay chướng ngại vật chống tăng.

Các nhà báo Ukraine chỉ trích bộ tham mưu thiếu chuẩn bị, để cho các chiến sĩ phơi mình giữa cánh đồng đào hào "dưới lửa đạn quân thù". Tướng Oleksandr Syrsky thông báo tăng cường thiết bị và nhân lực, thay thế một số chỉ huy lữ đoàn. Nhìn rộng ra, những vấn đề này chứng tỏ chủ trương chuyển sang phòng thủ đang đối mặt với thực tế thiếu thốn người và phương tiện. Trả lời Le Monde về việc hỗ trợ Ukraine, ngoại trưởng Pháp Stéphane Séjourné nhấn mạnh "Nước Pháp phải đứng về phía đúng đắn của lịch sử".

Tang lễ Alexei Navalny biến thành cuộc biểu tình

Tại Moskva, Le Monde nhận định "Alexei Navalny bị đối xử như kẻ thù đến tận lúc xuống mồ". Đối xử tàn tệ của chính quyền trong tang lễ của nhà đối lập qua đời trong tù đã biến sự kiện thành cuộc biểu tình. Trong suốt nhiều tiếng đồng hồ, những đoàn dài nhiều ngàn người với những bông hoa trên tay kiên nhẫn trong tuyết lạnh, cố gắng đến gần nghĩa trang.

Bị phong tỏa từ mọi phía, bị hàng trăm cảnh sát chống bạo động thô bạo ngăn cản, không được đến gần người hùng của mình lần cuối, rốt cuộc đám đông đã nổi giận. Họ hô to những lời đã bị kìm nén từ hai năm qua : "Putin giết người", "Nước Nga sẽ được tự do", "Phản đối chiến tranh", "Putin ra tòa án La Haye", "Tự do cho các tù nhân chính trị" …

Alexei Navalny không chết đi một cách vô ích. Lòng can đảm của hàng ngàn công dân Nga đã khiến họ vượt qua nỗi sợ và những hăm dọa để đến tiễn đưa ông, chứng tỏ Vladimir Putin không thành công trong việc tiêu diệt hoàn toàn những ý tưởng mà nhà đối lập đã dành cả mạng sống để bảo vệ. Cho dù chính quyền đã làm đủ mọi cách : người mẹ bị làm khó dễ khi đi nhận thi hài, luật sư đi cùng với bà bị câu lưu, không nhà quàn nào dám cho thuê chỗ để làm lễ viếng, thánh lễ trong nhà thờ bị rút ngắn đến mức tối thiểu…

Hầu hết trong đám đông không vào được nhà thờ hay nghĩa trang, nhưng đối với những công dân bình thường này, điều quan trọng là bằng sự hiện diện của mình, họ bày tỏ tình cảm về nhà đấu tranh dân chủ bị đàn áp chưa từng thấy. Hơn 200.000 người khác theo dõi tang lễ qua kênh YouTube của tổ chức Navalny. Bài xã luận của Le Monde kêu gọi "Sau tang lễ của Navalny, hãy kiên quyết trước Kremlin". Trước mối đe dọa từ nhà độc tài mà vai trò phá hoại đã quá rõ, đưa vũ khí nguyên tử ra đòi "hủy diệt nền văn minh", lời đáp duy nhất chỉ có thể sự cứng rắn.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 378 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)