Công luận Nhật bị chia rẽ
Sau một thời gian cấm phi cơ quân sự Osprey hoạt động do đã xảy ra nhiều tai nạn, nhất là vụ tai nạn gây nhiều thương vong ngoài khơi Nhật Bản hồi cuối tháng 11/2023, Lầu Năm Góc hôm thứ Sáu 08/03/2024 đã thông báo dỡ bỏ lệnh cấm nói trên, quyết định làm dấy lên nhiều tranh cãi tại Nhật Bản.
Máy bay quân sự Mỹ MV-22B Osprey. Ảnh ngày 26/05/2015. AFP – Daniel Mihailescu
Từ Tokyo, thông tín viên Bruno Duval cho biết thêm :
"14 phi cơ Osprey của không quân Nhật Bản đậu tại căn cứ quân sự Kisarazu, không xa Tokyo. Viễn cảnh những phi cơ này được bay trở lại đã chia rẽ những người dân sống quanh khu vực này.
Sau đây là ý kiến của một số người : "Tôi tán thành việc cho phép bay trở lại. Đối mặt với Trung Quốc, Nga và Bắc Triều Tiên, thì Nhật Bản không thể lơ là cảnh giác" ; "Điều này khiến tôi lo lắng.Mức độ an toàn của những chiếc máy bay này dường như không đáng tin cậy" ; "Chúng tôi có nguy cơ hoặc bị tên lửa của Bắc Triều Tiên, hoặc bị máy bay Osprey của Mỹ rớt xuống đầu, trường hợp nào cũng đều khiến mọi người không yên tâm" ; "Lầu Năm Góc từ chối công khai nguyên nhân của những vụ tai nạn này. Sự thiếu minh bạch đó gây chấn động. Tuy nhiên, như thường lệ, vẫn là Washington ra lệnh và Tokyo thi hành" ; "Để không làm mếch lòng Mỹ, nước bảo vệ đầy quyền uy, Nhật Bản sẽ phải phớt lờ nguyên tắc phòng ngừa. Sự phục tùng này có lẽ là để bảo đảm an ninh cho chúng tôi".
Cho rằng cần khẩn trương trấn an người dân, thống đốc Tokyo và thị trưởng của các thành phố khác mà phi cơ Osprey sẽ bay qua đã kêu gọi bộ trưởng Quốc Phòng Nhật tìm hiểu thêm từ Lầu Năm Góc các thông tin liên quan đến những biện pháp sẽ phải áp dụng để tránh nguy cơ lại xảy tai nạn".
Thùy Dương