Trung Quốc tìm cách làm suy yếu quân đội Đài Loan như thế nào
Các tờ báo chính ra tại Pháp hôm nay tập trung nhiều vào vấn đề nội bộ sau khi Viện Thẩm kế Pháp hôm qua, 12/03/2024, công bố bản báo hàng năm đưa ra những lời báo động về chi tiêu công và ứng phó với biến đổi khí hậu của nước Pháp.
Tàu khu trục hải quân Đài Loan Lan Yang nhìn từ boong tàu quân sự Trung Quốc, ngày 05/08/2022. AP - Lin Jian
Nhật báo Le Monde chạy tựa chính trang nhất : "Khí hậu : Viện Thẩm kế hối thúc nhà nước hành động". Le Figaro thì quan tâm đến chi tiêu ngân sách chạy tựa lớn : "Viện Thẩm kế yêu cầu tiết kiệm 50 tỷ". Báo cáo tình hình tài chính công của Pháp là đáng lo ngại, thậm chí còn tệ hơn thế, đồng thời kêu gọi cần phải cố gắng tiết kiệm gấp bội để giữ ngân sách chi tiêu từ nay đến năm 2027. Theo báo cáo, tình hình ngân sách công của Pháp đang xấu đi từng tuần, nguồn thu ngân sách từ thuế sụt giảm vì tốc độ tăng trưởng chậm lại. Le Figaro nhận thấy chính phủ đang bị dồn đến chân tường.
Cùng mối quan tâm, nhật báo La Croix chạy tựa ngắn gọn "Báo động về nợ", cùng với bài xã luận mang tiêu đề: "Một tương lai mong manh". Theo La Croix, nợ công của nước Pháp hiện đang ở mức 110% GDP. Trong khi đang phải mang gánh nặng nợ nần như vậy, Pháp vẫn bị hối thúc phải duy trì khả năng đầu tư, được cho là cần thiết và khẩn cấp, để ứng phó với biến đổi khí hậu và thực hiện kế hoạch chuyển đổi năng lượng theo hướng thân thiện với môi trường, lĩnh vực mà bản báo cáo đánh giá nước Pháp đang hành động rất chậm trễ. Trong khi đó, những hậu quả của hiện tượng hâm nóng Trái đất và biến đổi khí hậu ngày càng hiển hiện rõ.
Hạ Viện : Ủng hộ Ukraine nhưng chống tổng thống Macron
Một thời sự khác của Pháp cũng được các báo đưa tin nhiều là hôm qua, 12/03, Hạ Viện Pháp đã thông qua với đa số phiếu hiệp định hợp tác an ninh Pháp-Ukraine. Biểu quyết chỉ mang tính tượng trưng, nhưng các cuộc tranh luận tại nghị trường diễn ra khá gay gắt, không phải về bản thỏa thuận mà về lập trường của tổng thống. Các báo đều ghi nhận, về sự ủng hộ Ukraine tất cả đồng thuận, nhưng các đảng đối lập đều nhân cơ hội chĩa mũi tấn công vào tổng thống Emmanuel Macron, khai thác phát biểu của ông gần đây "không loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine chiến đấu".
Đánh phá Đài Loan từ bên trong
Về Châu Á, báo Le Monde chú ý đến hòn đảo Đài Loan với bài viết "Bắc Kinh cố gắng xâm nhập vào quân đội Đài Loan như thế nào".
Đặc phái viên của tờ báo từ Đài Bắc cho biết, hôm 11/03 vừa rồi, lãnh đạo cơ quan mật vụ Đài Loan Thái Minh Ngạn trấn an các dân biểu rằng ông không thấy có bất kỳ tín hiệu nào dự báo chiến tranh giữa Trung Quốc và Đài Loan có thể xảy ra từ nay đến ngày tổng thống tân cử Lại Thanh Đức nhậm chức vào ngày 20/05. Ông dự báo Trung Quốc vẫn tiếp tục sử dụng chiến thuật cây gậy và củ cà rốt.
Ngoài các cuộc diễn tập quân sự quanh hòn đảo, Bắc Kinh gần đây còn gia tăng nỗ lực xâm nhập vào quân đội Đài Loan. Một thí dụ điển hình là vào mùa hè năm 2023, Hsieh, trung tá phi công trực thăng vận tải Chinook của quân đội Đài Loan, đã được đề nghị số tiền tương đương 15 triệu đô la cùng bảo đảm đưa gia đình ông rời khỏi Đài Loan, nếu đồng ý lái chiếc trực thăng vận tải do Mỹ sản xuất hạ cánh xuống một tàu hải quân Trung Quốc ở eo biển Đài Loan. Vụ việc được báo chí địa phương tiết lộ vào tháng 12/2023, sau đó được bộ trưởng quốc phòng Đài Loan xác nhận, cho thấy Trung Quốc đang nỗ lực xâm nhập và phá vỡ tinh thần quân đội đối phương trước viễn cảnh xảy ra chiến tranh.
Theo Le Monde, trong khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đặt mục tiêu thống nhất bằng vũ lực nếu cần thiết, thì tư pháp Đài Loan trong những năm gần đây đã phát giác nhiều trường hợp xâm nhập và làm nội gián trong quân đội. Mục đích là để có được các bản đồ căn cứ và kế hoạch tác chiến, chi tiết về các trang thiết bị nhạy cảm, nhưng cũng chỉ để phơi ra những điểm yếu trong quyết tâm của quân đội Đài Loan.
Hiện tượng này được Su Tzu-yun, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Quốc gia ở Đài Bắc, được Le Monde trích dẫn, giải thích : Có thể Bắc Kinh chỉ nhằm mục đích tạo ra hiệu ứng tâm lý. "Vấn đề không phải là trang thiết bị tiên tiến, mục đích trước hết là làm suy sụp tinh thần của quân đội, đây là một cuộc chiến căng thẳng. Trung Quốc đang tìm kiếm thông tin mật, thông tin chi tiết về khả năng phòng thủ của Đài Loan, nhưng họ cũng muốn cho binh lính Đài Loan thấy rằng chiến đấu chẳng ích gì, vì những người khác đã bỏ cuộc trước họ".
Vào tháng 1 năm nay, ít ngày trước cuộc bầu cử tổng thống, cựu lãnh đạo Đài Loan, thân Bắc Kinh, Mã Anh Cửu (2008-2016) đã nhận định Đài Loan "có thể sẽ không bao giờ chiến đấu" với Trung Quốc, một đất nước "quá lớn, quá mạnh".
Để đối phó với những hoạt động xâm nhập, nội gián của Trung Quốc nhắm vào Đài Loan, theo nhà nghiên Su Tzu-yun, chính Đài Bắc phải nỗ lực chú ý cải thiện tiền lương trong lực lượng vũ trang và nâng cao nhận thức về giá trị của các quyền tự do cơ bản trên hòa đảo và sự cần thiết phải bảo vệ những giá trị đó.
Nga : Đối lập vũ trang khuấy động trước bầu cử tổng thống
Chuyển qua nhật báo Le Figaro với cuộc chiến tranh tại Ukraine. Tờ báo có bài "Trước bầu cử tổng thống Nga, đối lập vũ trang nhớ đến Putin". Bài viết đề cập đến sự kiện đêm thứ Hai rạng sáng thứ Ba tuần này, một số nhóm nổi dậy Nga đóng tại Ukraine đã mở các cuộc đột kích vào trong đất Nga.
Theo các thông tin trên Telegram, các chiến binh này nhắm vào các khu vực biên giới, Belgorod, đặc biệt là vùng Kursk, khu vực chưa bao giờ bị tấn công. Đó là những đội quân của lực lượng nổi dậy Nga chống Putin và chiến đấu ủng hộ quân đội Ukraine. Kremlin coi đây là lực lượng "khủng bố".
Le Figaro cho biết, các nhóm này mang tên gọi Quân đoàn Tự do Nga, Tiểu đoàn Siberia, hay Quân đoàn Tình nguyện Nga. Đó là những dân quân vũ trang, tổng số có khoảng 1.200 người, đã xuất hiện hồi mùa xuân năm ngoái. Họ đã tiến hành một loạt cuộc đột kích vào đầu tháng 5, sau đó vào tháng 6, ở miền Tây nước Nga. Kết quả của những hoạt động này vẫn còn khá mờ nhạt, nhưng họ đã cho thấy điểm yếu nhất định ở nước Nga của Putin.
Ukraine : Cuộc chiến trên không
Vẫn cùng chủ đề chiến tranh Ukraine, trong một bài viết mang tiêu đề "Tại Ukraine, một trận chiến mới để làm chủ bầu trời".
Le Figaro cho thấy : Trái với những dự tính của mình, quân đội Nga đã không thể giành được ưu thế trên không ở Ukraine sau khi bắt đầu cuộc tấn công, mặc dù họ vượt trội về số lượng.
Tờ báo ghi nhận, bị bế tắc ở chiến trường trên bộ, cuộc chiến tại Ukraine đang diễn ra trên các mặt trận khác. Tại Hắc Hải, quân đội Ukraine đã đẩy lùi được hạm đội Nga. Trên không, Ukraine cũng đã thành công. Cuộc chiến giành quyền kiểm soát bầu trời Ukraine dường như đã tăng tốc trong vài tuần qua. Khoảng 20 máy bay Nga đã bị phá hủy gần đây, trong đó có khoảng 15 máy bay đến cuối tháng 2. Đáng chú ý, không quân Nga đã mất một số máy bay ném bom Su-34 và chiến đấu cơ Su-35, những máy bay mới thiết kế gần đây, ngoài ra còn mất 3 máy bay chỉ huy Il-22 và đặc biệt là 2 máy bay radar A50 Mainstay. "Ukraine có thể đã tìm thấy gót chân Achilles mới" của Nga, tướng Pierre Schill, tham mưu trưởng bộ binh Pháp, nhận định.
Theo Le Figaro, Kiev đã sử dụng hiệu quả hệ thống phòng không của mình. Được tăng cường nhờ các hệ thống của phương Tây và có thể được hỗ trợ bởi tình báo phương Tây, Ukraine sau đó đã bảo vệ thành công bầu trời của mình. Nhưng sau 2 năm chiến tranh, chỉ những năng lực này thôi là chưa đủ.
Bước sang năm thứ ba của cuộc chiến, các phương thức tác chiến cũng phát triển. Giai đoạn chủ chốt với Ukraine dự kiến sẽ là trong vài tháng tới với sự xuất hiện của những chiếc F16 mà phương Tây hứa cung cấp. Theo nhiều nhà phân tích, loại chiến đấu cơ này sẽ giúp Ukraine sử dụng năng lực tấn công của phương Tây và thách thức sức mạnh của không quân Nga.
Sinh viên nước ngoài, nguồn ảnh hưởng của Pháp
Trở lại nhật báo Le Monde với một vấn đề xã hội liên qua đến Pháp qua bài : "Sinh viên nước ngoài, yếu tố tạo ảnh hưởng".
Bài báo của Le Monde khẳng định việc đón tiếp các sinh viên quốc tế giờ là một công cụ của "quyền lực mềm" chính trị, khoa học và kinh tế. Sự hiện diện của các sinh viên nước ngoài tại Pháp đã giúp cho các cơ sở đại học cải tiến và đổi mới tư duy về cách đào tạo của mình. Với nước Pháp, các sinh viên nước ngoài còn là công cụ gây ảnh hưởng và là một nguồn lợi kinh tế không hề nhỏ. Tờ báo đưa ra con số trong năm 2024, hơn 400.000 sinh viên nước ngoài chọn nước Pháp là nơi tu nghiệp. Chính họ sẽ là những đại sứ của nước Pháp trong tương lai, đồng thời cũng là thước đo chính xác cho sức hấp dẫn của đất nước.
Kế hoạch năm 2018 của chính phủ, "Bienvenue en France", dự tính đón 500.000 sinh viên quốc tế vào năm 2027. Mục tiêu này sẽ có thể bị cản trở bởi luật nhập cư được Quốc hội thông qua hồi cuối năm ngoái, với các quy định và các điều kiện đến Pháp du học của sinh viên nước ngoài bị thắt chặt thêm. Tuy nhiên, phần lớn sinh viên không ở lại Pháp. Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OCDE), 43% người nước ngoài đến du học vào năm 2010 đã rời khỏi nước Pháp sau khi kết thúc thời gian học tập và 80% đã rời Pháp sau 10 năm.
Giờ đây, nhiều trường đại học ở Pháp đã ý thức được việc đón tiếp sinh viên nước ngoài là một ưu tiên. Ngoài ra, theo bài báo, việc tuyển dụng những sinh viên nước ngoài giỏi nhất là một điều cấp bách, vì trong cuộc chiến tranh giành nhân tài quốc tế, "người Mỹ là bậc thầy trong lĩnh vực này", Olivier Lesbre, giám đốc Viện Hàng không và Vũ trụ cấp cao, lưu ý. Hoa Kỳ đã đón 1,5 triệu sinh viên nước ngoài, và 21% sinh viên trên toàn thế giới đang ở lục địa Mỹ.
Sinh viên nước ngoài cũng là nguồn thu nhập cho quốc gia. Theo một nghiên cứu của Campus France, cơ quan quảng bá giáo dục đại học Pháp, được công bố vào năm 2022, sinh viên nước ngoài mang lại cho nước Pháp tới 5 tỷ euro mỗi năm.
Le Monde khẳng định, đón tiếp sinh viên nước ngoài là xây dựng quyền lực mềm. Lực lượng trí thức trẻ chính là chiếc cầu nối đưa ảnh hưởng của nước Pháp ra bên ngoài. Ngoại giao, khoa học phải được ưu tiên, điều đó cũng có nghĩa là việc tiếp nhận sinh viên nước ngoài phải được quan tâm một cách tốt nhất có thể.
Anh Vũ