Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

03/04/2024

Biển Đông : Việt Nam muốn quốc tế hóa, Mỹ và đồng minh tập trận chung

RFA tổng hợp

Việt Nam quốc tế hóa Biển Đông : Hợp tác với các cường quốc mà không chọn Trung Quốc

RFA, 03/04/2024

Hôm 28/3/2024, tập đoàn Mitsui của Nhật Bản ra thông báo họ đã thông qua quyết định cuối cùng đầu tư với Việt Nam vào một dự án khai thác một mỏ khí đốt ở Biển Đông. Khoản đầu tư của Mitsui cho dự án, chủ yếu bao gồm lắp đặt thiết bị ngoài khơi và xây dựng tuyến đường ống, sẽ là khoảng 740 triệu USD. Theo các chuyên gia, dự án hợp tác Việt Nhật này nằm trong bối cảnh sáng kiến Ấn Độ - Thái Bình Dương của Nhật Bản và Hoa Kỳ cũng như chiến lược quốc tế hóa vấn đề biển Đông của Việt Nam. 

biendong1

Giàn khoan Tam Đảo 01 của Việt Nam trên Biển Đông - Hội Dầu khí Việt Nam

Tại sao Việt Nam chọn Nhật Bản ? 

Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng dự án hợp tác này giữa Nhật Bản và Việt Nam chắc chắn nằm trong bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn của hai nước. Ông nói : 

"Dự án này có liên hệ tới bối cảnh chung. Gần đây nhất, Việt và Nhật Bản đã nâng cấp tầm quan hệ lên mức cao nhất là Đối tác chiến lược toàn diện. Nhật cũng là nước đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực trên biển của Việt Nam. Nhật đã giúp một số tàu cho Cảnh sát biển và giúp đào tạo nhân lực cho Cảnh sát biển. Điều này cũng nằm trong chiến lược ngoại giao chung của hai nước. Thứ hai là mối quan hệ này cũng nằm trong sáng kiến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mà Mỹ và Nhật Bản đưa ra. Ít nhất là Việt Nam và Nhật tìm thấy những điểm chung là chống lại sự đe dọa từ Trung Quốc và hợp tác để bảo vệ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước quốc tế về luật biển". 

biendong2

Một tàu vận tải của hãng Mitsui chạy bằng khí, không phát thải carbon (ảnh minh họa). Ảnh : Hãng Mitsui.

Tin cho hay, năm 2020, Việt Nam đã phải hủy bỏ  dự án hợp tác với tập đoàn Repsol của Tây Ban Nha và Rosneft của Nga, phải đền bù một số tiền khá lớn, vì sức ép của Trung Quốc. Câu hỏi đặt ra là liệu có phải lần này Việt Nam chọn đối tác Nhật Bản cho một dự án khai thác khí đốt trên Biển Đông vì Nhật Bản mạnh hơn và đáng tin cậy hơn ? 

Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, câu chuyện hợp tác với Nhật Bản không phải từ bây giờ. Còn đối với Repsol thì không phải Việt Nam ngay từ đầu hợp tác với Repsol mà ký với đối tác khác. Các đối tác bán qua bán lại rồi cuối cùng đến tay Repsol. 

Về việc chọn đối tác là Nhật Bản chứ không phải nước nào khác, nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng lý do thứ nhất là Việt Nam rất tin tưởng Nhật Bản, một quốc gia có tiềm lực lớn về kinh tế, kỹ thuật và quốc phòng. Lý do thứ hai là Nhật Bản là đồng minh thân thiết bậc nhất của Mỹ tại Châu Á. Đó là lý do Việt Nam tin tưởng Nhật Bản và hi vọng có thể thúc đẩy trở lại hoạt động thăm dò khai thác trên Biển Đông. Đây cũng là hành động thăm dò phản ứng của Trung Quốc. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt cho rằng đương nhiên Việt Nam sẽ phải khai thác vì không khai thác thì bỏ mất lợi ích quốc gia của mình trong vùng biển này.

Ông Hoàng Việt cho rằng một trong những chủ trương từ lâu của Việt Nam là quốc tế hóa khu vực này. Một trong những cách để quốc tế hóa là mời các cường quốc khác đến cùng khai thác. Ông chỉ ra một thực tế thú vị trong chiến lược quốc tế của Việt Nam ở Biển Đông :

"Việt Nam đã ký với tập đoàn của Mỹ là Exxol Mobil để khai thác mỏ Cá Voi Xanh, hay mỏ Lạc Đà Vàng với tập đoàn Murphy của Mỹ. Ngoài ra Việt Nam còn hợp tác với hàng loạt cường quốc khác như Nhật Bản, Ấn Độ, Nga mà không có Trung Quốc. 

Nhật Bản cách đây mấy năm cũng đã tham gia một loạt lô dầu khí. Mitsubishi đã tham gia rồi. Nói chung, chính sách đó thì Việt Nam đã làm từ lâu rồi, bây giờ chỉ làm mạnh hơn. 

Có rất nhiều vấn đề trên Biển Đông khiến cho Việt Nam muốn khai thác nhưng chưa làm được do một loạt sự kiện xảy ra. Như mỏ Cá Rồng Đỏ thì Việt Nam phải ngưng lại nhưng thực tế vẫn muốn tiếp tục làm".

Việt Nam tránh hợp tác quân sự 

Sắp tới, ngày 11/4/2024, hải quân Philippines sẽ cùng Nhật Bản, Hoa Kỳ tiến hành tuần tra chung trên Biển Đông. Trong khi Philippines đẩy mạnh hơn về hợp tác với Nhật Bản về quân sự trên Biển Đông, Việt Nam đẩy mạnh hợp tác với Nhật Bản về kinh tế. Câu hỏi đặt ra là tại sao Việt Nam lựa chọn hợp tác về kinh tế thay vì hợp tác về quân sự mạnh mẽ như Philippines với các đối tác khác ? 

Trao đổi với RFA, ông Hồ Như Ý, nhà nghiên cứu độc lập về Trung Quốc ở Ba Lan, cho rằng Việt Nam tránh để cho nguy cơ đối đầu quân sự lên cao, bởi vì về lực lượng hải quân, "vài ba chiếc tàu Việt Nam mua về chỉ để cho vui chứ không có ý nghĩa gì" trong việc đối phó với sức mạnh hải quân của Trung Quốc. 

"Chính sách quốc phòng của Việt Nam là "mất bò mới lo làm chuồng" mà chuồng bây giờ cũng chẳng có. Đầu tư nhỏ giọt, không hiệu quả. Mỗi năm Trung Quốc ra được mấy chục tàu có tải trọng hai ba nghìn tấn trở lên. Họ dùng chiến lược sử dụng những tàu hải quân tải trọng ba đến năm nghìn tấn khoảng mười năm rồi chuyển sang cho Hải cảnh sử dụng. Họ dùng những con tàu đó để chèn ép Việt Nam, Philippines, Malaysia.

Các con tàu cảnh sát biển này do đó có trang bị còn mạnh hơn tàu hải quân chính quy của Việt Nam, Philippines. Ngay cả so sánh với hải quân Việt Nam thì những tàu có tải trọng lớn nhất vẫn là hai tàu lớp Hamilton do Mỹ viện trợ. Còn tàu mua của Nga, Pháp có tải trọng hai ngàn tấn thì Việt Nam chỉ có vài chiếc. Trong khi đó, Trung Quốc mỗi năm đóng vài chục chiếc như vậy. Họ đã đóng tàu với công suất như vậy hơn chục năm nay rồi, nghĩa là bây giờ họ có cả trăm chiếc, thì Việt Nam không thể so sánh được. Sự so sánh ở đây chỉ là khập khiễng. 

Trước một chiến lược phát triển bài bản như vậy, lại có ưu thế vượt trội về ngân sách của Trung Quốc thì Việt Nam hoàn toàn không đỡ được".

Nguồn : RFA, 03/04/2024

*************************

Mỹ và các đồng minh sẽ tiến hành tuần tra chung chống lại Trung Quốc

RFA, 02/04/2024

Mỹ, Nhật và Philippines sẽ thực hiện các cuộc tuần tra hải quân chung trong bối cảnh có những căng thẳng với Trung Quốc ở Biển Đông.

biendong3

Hải quân Mỹ và Nhật Bản tổ chức một cuộc tập trận với nhiều tàu sân bay lớn nhằm phô trương sức mạnh trong bối cảnh gia tăng căng thẳng trong khu vực. Ảnh chụp ngày 31/1/2024. Hải quân Mỹ

Mỹ, Nhật Bản và Philippines sẽ tiến hành các cuộc tuần tra hải quân chung trên Biển Đông - một động thái nhằm đối phó với sự hung hăng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.

Các cuộc tuần tra ba bên này là một phần trong "gói sáng kiến" mà các nhà lãnh đạo cao nhất của ba nước sẽ công bố trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của họ sẽ diễn ra vào ngày 11/4 tới – mạng báo Politico của Mỹ - cơ quan báo chí đầu tiên đưa tin về kế hoạch này.

Trong khi Philippines và Mỹ đã tiến hành tuần tra chung thường xuyên, đây sẽ là lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ Hàng hải Nhật Bản tham gia vào một hoạt động như vậy. Hoạt động này sẽ được tổ chức "sớm nhất" có thể - tờ Asahi Shimbun của Nhật cho biết.

Tờ Asahi trích lời những nguồn tin giấu tên từ Chính phủ Nhật cho biết động thái này là để "đáp trả sự gia tăng hiện diện hải quân của Trung Quốc trong khu vực".

Không có thông tin chi tiết thêm về kế hoạch chung này nhưng tờ Politico cho hay kế hoạch này có thể là "một cuộc biểu dương sức mạnh nhằm cho Bắc Kinh thấy rằng sự hiếu chiến và thù địch của họ sẽ không được dung thứ".

Trong những tháng gần đây, lực lượng hải cảnh Trung Quốc đã tăng cường chiến dịch quấy rối gần các đảo đá có tranh chấp ở Biển Đông, sử dụng vòi rồng bắn vào các tàu của Philippines.

biendong4

Tàu tiếp tế Unaizah May 4 của Philippines (trái) bị 2 vòi rồng của lực lượng hải cảnh Trung Quốc bắn khi đang cố gắng tiến vào khu vực Bãi Cỏ Mây (hay còn gọi là Bãi cạn Ayungin theo tiếng địa phương) trong khu vực Biển Đông đang tranh chấp. Ảnh chụp ngày 5/3/2024. Nguồn ảnh : AP / Aaron Favila

Các chiến thuật của Bắc Kinh sẽ là nội dung được ưu tiên cao trong chương trình nghị sự tại cuộc họp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. khi ba nước thiết lập một "tam giác an ninh" khu vực.

"Trong vấn đề Biển Đông... ba nước đồng minh có sự đồng thuận sâu sắc" – một báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) - một viện nghiên cứu chính sách của Mỹ cho biết.

"Nhật Bản có vị trí thuận lợi để đóng vai trò kết nối giữa các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương" - báo cáo này nhận định.

"Nhật Bản coi biển Hoa Đông và Biển Đông là một mặt trận có tính kết nối" - CSIS cho biết và thêm rằng Tokyo tin tưởng việc giúp các nước Đông Nam Á đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông "là một phần để đẩy lùi chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc trên toàn khu vực, bao gồm cả ở vùng Biển Hoa Đông - nơi Trung Quốc đe dọa trực tiếp các lợi ích của Nhật Bản".

Đài Á Châu Tự Do (RFA), vào đầu năm nay, được biết rằng Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng đang chuẩn bị một kế hoạch hỗ trợ an ninh hàng hải kéo dài 10 năm cho bốn quốc gia ASEAN là Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam nhằm tăng cường an ninh ở Biển Đông.

‘Tàu sẽ bị bắn bởi đạn’

Kế hoạch tuần tra chung này đã vấp phải các phản ứng tức giận từ phía Trung Quốc.

Tờ Thời báo Hoàn cầu gọi động thái này là "vụ việc mới nhất cho thấy ý định làm cạn kiệt đồng minh và làm suy yếu Trung Quốc" khi Washington "tuyển dụng Nhật Bản’ để làm mất ổn định khu vực hơn nữa và đe dọa an ninh xung quanh Trung Quốc.

Tờ báo trích lời một nhà phân tích Trung Quốc cảnh báo các đồng minh của Mỹ và đối tác, trong đó có Nhật và Philippines, rằng "tất cả họ là những con tốt cho Mỹ hưởng lợi".

"Cách biểu đạt của Bắc Kinh mỗi khi căng thẳng leo thang đều là "do sự khiêu khích" của đối phương và vì vậy họ không chịu trách nhiệm về bất kỳ hành động gây hấn nào của mình" - ông Ray Powell, một nhà phân tích an ninh hàng hải tại Trung tâm Đổi mới An ninh Quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford nói.

Bộ Tư lệnh Mặt trận phía Nam của quân đội Trung Quốc – lực lượng có khu vực phụ trách chính là Biển Đông - vừa tiến hành một cuộc diễn tập chiến đấu thực sự ở vùng biển này - Bộ Quốc phòng Trung Quốc thông tin.

Cuộc diễn tập, được tiến hành vào "đầu mùa xuân" (không được nêu cụ thể ngày tháng), nhằm vào các mục tiêu của kẻ thù như "các tàu cá có vũ trang quấy rối Trung Quốc trong những vùng biển của nước này" và các tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Philippines, theo ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin) – cựu Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu.

Ông Hồ đăng một video clip về cuộc diễn tập trên nền tảng mạng xã hội X (vốn được gọi là Twitter) với một với lời cảnh báo nghiêm khắc với Manila rằng : "Một khi Philippines bắn phát súng đầu tiên, tôi hoàn toàn ủng hộ Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) bắn vào tàu Philippines bằng đạn".

"Tôi tin rằng phần lớn người dân Trung Quốc khi đó sẽ ủng hộ việc này" – nhà bình luận chính trị Trung Quốc nói thêm.

"Chiến lược của Trung Quốc là leo thang căng thẳng cho đến khi các đối thủ chùn bước, vì thế đánh trống chiến trận để khiến cho họ rút lui" – ông Powell từ Đại học Stanford nói với RFA.

Nhà phân tích này cho biết với chiến dịch khẳng định chủ quyền một cách công khai và minh bạch, Manila đang tiếp cận và tạo dựng quan hệ đối tác với các quốc gia có cùng chí hướng bất chấp những đe dọa của Bắc Kinh.

Nguồn : RFA, 02/04/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 313 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)