Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

11/04/2024

Điểm báo Pháp - Trung Quốc liệu còn làm mưa làm gió ?

RFI tiếng Việt

Các nước hợp tác phòng thủ, Trung Quốc liệu còn làm mưa làm gió ?

Xuất khẩu ồ ạt vi tiêu thụ nội địa kém, Trung Quốc đang chịu áp lực của phương Tây trước việc bán phá giá. Nguy cơ bẫy thu nhập trung bình đang chờ chực ; trong khi Hoa Kỳ, Nhật Bản, Philippines lần đầu tiên họp thượng đỉnh ba bên để đối phó với tham vọng Bắc Kinh tại Biển Đông - báo chí Pháp hôm nay 11/04/2024 phân tích.

tq1

Tuần duyên Trung Quốc phun vòi rồng vào tàu tiếp liệu Philippines khi đang trên đường đến Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) ở Trường Sa, ngày 04/03/2024. Reuters - Adrian Portugal

Châu Âu và Mỹ gây áp lực với Trung Quốc  

Mối lo ngày càng tăng về nguy cơ chệch hướng của luật an tử, nợ công, thâm hụt ngân sách, di dân là những vấn đề của nước Pháp được đưa lên trang đầu, nhưng Trung Quốc hôm nay được chú ý nhiều nhất. Xã luận của La Croix nhận định "Bắc Kinh dưới áp lực" : phương Tây rắn giọng hơn với Trung Quốc. Hôm thứ Ba, Liên Hiệp Châu Âu (EU) mở điều tra nhắm vào các nhà sản xuất thiết bị điện gió ở Hoa lục vốn được trợ giá rất nhiều, sản phẩm bán phá giá đang phá hoại thị trường. Những thủ tục tương tự nhắm vào xe hơi, thiết bị đường sắt, pin mặt trời.

Cũng theo khuynh hướng này, bộ trưởng Tài chánh Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh Washington "sẽ không chấp nhận" để cho hàng Trung Quốc bán dưới giá thành tràn ngập thế giới. Dấu hiệu đáng chú ý là cơ quan xếp hạng Fitch hôm qua đã đánh sụt điểm triển vọng tín nhiệm của nền kinh tế thứ nhì thế giới. Đó là do thâm hụt ngân sách trầm trọng và nợ nần tăng lên. Khủng hoảng kéo dài trong lãnh vực địa ốc, thị trường nội địa tăng trưởng quá thấp, thanh niên thất nghiệp tăng vọt, nhu cầu thế giới giảm khiến mục tiêu tăng trưởng đã ấn định là 5 % GDP năm 2024 không đạt nổi, bên cạnh đó còn bị Hoa Kỳ hạn chế tiếp cận công nghệ cao.

Bắc Kinh vẫn còn nhiều ưu thế, nhưng chậm xác định phương hướng mới về kinh tế. Ba mươi năm huy hoàng giúp Trung Quốc cất cánh từ thập niên 1990 đến 2010 đã kết thúc. Khó thể bảo đảm được khế ước xã hội : thịnh vượng đổi lấy độc quyền cai trị của đảng Cộng Sản, chế độ bèn thổi bùng dân tộc chủ nghĩa, tỏ ra hiếu chiến với Đài Loan, Philippines. Đánh lạc hướng ra bên ngoài vốn là bài quen thuộc của các nhà độc tài.

Mỹ-Nhật-Philippines : Hội nghị thượng đỉnh lịch sử đối phó với Trung Quốc

Trước mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc, hôm 11/04, một hội nghị thượng đỉnh lịch sử được mở ra tại Hoa Kỳ. Tổng thống Joe Biden đón tiếp thủ tướng Nhật Bản và tổng thống Philippines, bày tỏ tình đoàn kết không gì lay chuyển nhằm đối phó với tham vọng bá chủ Biển Đông của Bắc Kinh.

Giáo sư Brad Glosserman, đại học Tama ở Tokyo phân tích trên La Croix : "Trung Quốc nói rằng ủng hộ một thế giới thịnh vượng, hài hòa và an bình, nhưng những tuyên bố này trái ngược với vô số hành vi cưỡng bức, quấy nhiễu và gia tăng quân sự hóa".

Không ngày nào không có phi cơ, chiến hạm đe dọa Đài Loan, tuần duyên Trung Quốc cũng lượn lờ hàng ngày ở quần đảo Senkaku. Chưa kể "cuộc chiến giành các đảo san hô" với Philippines ở Trường Sa, và ngày càng sính dùng vũ lực. Chuyên gia Hal Brands, đại học Johns-Hopkins nhấn mạnh : "Trung Quốc muốn thống trị Thái Bình Dương và tìm cách phá vỡ liên minh Mỹ trong khu vực, đẩy lùi lực lượng Mỹ càng xa càng tốt".

Hôm Chủ nhật, ba đồng minh đã tập trận hải quân trên Biển Đông, Bắc Kinh trả đũa bằng "tuần tra chiến đấu" trong khu vực. Theo phía Mỹ, cuộc họp thượng đỉnh quan trọng này tại Washington giúp "phát triển hợp tác ba bên dựa trên mối liên hệ hữu nghị sâu sắc trong lịch sử, quan hệ kinh tế vững chắc" và việc bảo vệ một "tầm nhìn chung về Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và rộng mở".

Hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Fumio Kishida sẽ nâng mức đối tác chiến lược và quân sự để hợp tác hiệu quả hơn giữa Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và 50.000 quân nhân Mỹ trú đóng, sẽ cùng sản xuất khí tài cho quân đội và bảo trì, sửa chữa thiết bị Mỹ tại Nhật Bản. Trong tương lai, Tokyo sẽ hợp tác với liên minh AUKUS. Nhà bình luận Gabriel Dominguez của Japan Times cho biết thêm, Washington và Tokyo cũng muốn tăng cường quan hệ kinh tế và quân sự với Philippines, quốc gia đã trở nên quan trọng trong kế hoạch chận đứng Trung Quốc. Đối với các chiến lược gia Mỹ, bên cạnh Đài Loan, điểm nóng hiện nay tập trung vào Trường Sa.

"Moshi-tora" : Người Nhật lo Donald Trump trở lại

Le Figaro nhắc nhở một mối lo khác của người Nhật "Moshi-tora", tạm dịch, nếu Trump trở lại. CSIS ghi nhận, chưa bao giờ quan hệ Mỹ-Nhật quan trọng đến thế, nhưng cũng chưa bao giờ sự lãnh đạo của Mỹ bị đặt vấn đề như vậy. "Moshi-tora" là con quái vật đang đe dọa Joe Biden và Fumio Kishida.

Cuộc gặp thượng đỉnh song phương vẫn tiến hành mỗi mười năm, luôn được báo chí hai nước mô tả là mối quan hệ "bằng thép", "vững như bàn thạch", "ở mức độ chưa từng thấy"... Chương trình gồm có cuộc phát biểu trước Quốc hội, dạ yến chiêu đãi, thăm viếng các công ty Nhật... Ông Fumio Kishida nhấn mạnh đến Artemis, chuyến viễn du thứ hai lên cung trăng với sự góp mặt của một phi hành gia Nhật, sẽ là nhân vật đầu tiên không phải người Mỹ đi dạo trên lãnh địa của Chị Hằng.

Nằm giữa các láng giềng hung hăng, Nhật phải chọn bên

Bối cảnh quốc tế buộc Nhật Bản phải bám chặt lấy sức mạnh Mỹ và các đồng minh. Nằm giữa Nga, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc, nước Nhật phải chịu đựng tính hiếu chiến và hành động hung hăng của các láng giềng này. CSIS lưu ý, Nga và Trung Quốc đã ngưng mọi hợp tác với phương Tây, nhất là tại Liên Hiệp Quốc, và cả những lãnh vực mà trước kia là quan ngại chung như ngăn chận Bắc Triều Tiên. Dù không phải là nạn nhân trực tiếp, Nhật phải chọn bên : đối mặt với Nga, Nhật Bản đứng về phía Ukraine ; trước Trung Quốc là Đài Loan và nay là Philippines.

Nhật Bản có thể đi xa đến đâu ? Tokyo rất tích cực, tăng dần chi tiêu quân sự lên 2% GDP, hợp tác với Anh và Ý trong một dự án phi cơ tiêm kích. Lực lượng phòng vệ tức quân đội Nhật thường xuyên tham gia các cuộc tập trận chung với Mỹ, Anh, Pháp... Nhật cũng tranh đấu cho một "văn phòng liên lạc" NATO ở châu Á tuy không thành công.

Tóm lại, Tokyo chừng như muốn kích hoạt trước quân đội để một ngày nào đó có thể bảo vệ lãnh thổ thậm chí viễn chinh. Nhật chuẩn bị ký với Philippines một "hiệp ước hỗ tương" theo đó quân đội hai nước có thể tập luyện trên lãnh thổ của nhau. Tuy nhiên dự án chiến đấu cơ có thể bị Washington phủ quyết và đảng liên minh Komeito chống đối. Còn trên thực địa, giới quân sự chỉ trích hải quân Nhật không bao giờ đi qua eo biển Đài Loan, ngược với Mỹ, Canada, Pháp...

Trung Quốc liệu có thoát bẫy thu nhập trung bình ?

Quay lại với Trung Quốc trên lãnh vực kinh tế, Les Echos nhận thấy nước này đang đối mặt với bẫy thu nhập trung bình. Dân số lão hóa, nợ nần khổng lồ, tiêu thụ nội địa kém khiến tăng trưởng chậm hẳn lại, đặt các nhà lãnh đạo trước thách thức cải tổ mô hình kinh tế.

Năm nay tại Diễn đàn Phát triển Trung Quốc, hội nghị thường niên quan trọng gồm các quan chức, tổng giám đốc, giảng viên đại học, cuộc thảo luận xoay quanh nguy cơ Trung Quốc rơi vào chiếc "bẫy thu nhập trung bình" đáng ngại. Dù sao đi nữa, ít có nền kinh tế mới nổi nào thành công trong việc tham gia hàng ngũ các nước thu nhập cao. Liệu Trung Quốc sẽ là trường hợp đặc biệt hay không ?

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc từ nay đến 2028 sẽ chỉ còn 3,4%, và nhiều nhà phân tích cho rằng đến 2030 là 3%. Trong trường hợp này, rõ ràng Trung Quốc bị sập bẫy. Vấn đề của nước này mang tính cơ cấu : dân số già đi quá nhanh, nợ công và tư chiếm gần 300% GDP, các cải cách thị trường bị từ bỏ nhường chỗ cho tư bản nhà nước. Ngân hàng cho công ty quốc doanh và chính quyền địa phương vay quá nhiều, chế độ tấn công vào lãnh vực công nghệ và tư nhân gây lo sợ.

Trong thời đại phi toàn cầu hóa và chính sách bảo hộ, Trung Quốc đã đạt tới giới hạn của mô hình tăng trưởng nhờ xuất khẩu. Trừng phạt của phương Tây hạn chế phát triển công nghệ và đầu tư trực tiếp, cộng với sự thiếu vắng lòng tin khiến người dân tiết kiệm thay vì tiêu thụ. Sản xuất quá thừa, Bắc Kinh tăng xuất khẩu bằng cách bán phá giá, sẽ dẫn đến việc các nước áp đặt hàng rào thuế quan.

Nhiều nhà quan sát nhận thấy sau khi gạt qua bên lề các nhà kỹ trị ủng hộ kinh tế thị trường như Lý Cường và trước đó là Lý Khắc Cường, cựu thống đốc Ngân hàng Trung ương Dịch Cương, Tập Cận Bình lập ra các ủy ban Đảng về kinh tế tài chánh đứng trên các tổ chức chính phủ, với các cố vấn bảo thủ có chủ trương lỗi thời về tư bản nhà nước. Các tuyên bố đao to búa lớn chẳng là gì cả, nếu Bắc Kinh không có những hành động thực tế để thoát bẫy thu nhập trung bình.

Chiến tranh lạnh kiểu mới : Các nước mới nổi như Việt Nam hưởng lợi

Cũng về kinh tế, Les Echos phân tích "Cuộc đối địch Mỹ-Trung, một kiểu chiến tranh lạnh khác". Theo đó, lịch sử sẽ không lặp lại, Trung Quốc sẽ không chịu chung số phận của Liên Xô thời trước. Đó là lập luận của Gita Gopinath, phó tổng giám đốc và Pierre-Olivier Gourinchas, kinh tế gia trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), trong một nghiên cứu vừa được công bố mang tên "Changing Global Linkages : A New Cold War ?"

Ngay sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, Mỹ tăng thuế hải quan đánh vào hàng các nước cộng sản, kiểm soát chặt xuất khẩu các mặt hàng chiến lược, cấm vận Bắc Triều Tiên và Trung Quốc. Thế nên trao đổi thương mại giữa Hoa Kỳ và các đồng minh với các nước xã hội chủ nghĩa từ 25% xuống còn 10% cho đến khi bức tường Berlin sụp đổ năm 1989. Căng thẳng Mỹ-Trung hiện nay sẽ không có cùng hệ quả, vì thế giới bây giờ hoàn toàn khác. Vào đầu chiến tranh lạnh (1947-1952), hàng công nghệ chỉ chiếm 12% GDP, nhưng trong 5 năm qua (2019-2023) tỉ lệ này tăng lên 44%, nguyên vật liệu chỉ còn chiếm 14% thương mại.

Các tập đoàn đa quốc gia đã lập ra các chuỗi giá trị khiến việc lệ thuộc lẫn nhau tăng lên, phức tạp hơn nhiều so với 70 năm trước. Nghiên cứu chỉ ra vai trò của các nước được gọi là không liên kết, đóng vai trò trung gian. Nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc đã giảm hẳn, thay vào đó Washington mua hàng từ Mexico, Canada và Châu Á, chủ yếu từ Việt Nam. Tuy nhiên Trung Quốc không bị loại hẳn khỏi thị trường Mỹ, tránh né cấm vận bằng cách đầu tư vào các nước thứ ba. Thế giới không chia thành hai khối rạch ròi như thời chiến tranh lạnh, nhưng có thể dần tách biệt nếu căng thẳng địa chính trị gia tăng. Và thương mại càng thông qua các nước trung gian thì chính sách bảo hộ càng kém hiệu quả.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 415 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)