Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

30/07/2024

Trọng tâm xung đột địa chính chuyển sang Châu Á – Thái Bình Dương

Tổng hợp

Biển Đông : Mỹ, Philippines đẩy mạnh hợp tác quân sự để phản ứng nhanh trước Trung Quốc

Minh Phương, RFI, 30/07/2024

Hôm 30/07/32024, bộ trưởng Quốc Phòng và ngoại trưởng Mỹ đã hội đàm với các đồng cấp Philippines trong khuôn khổ cuộc đối thoại 2+2. Hai bên cam kết củng cố hiệp ước phòng thủ chung, đẩy mạnh liên lạc song phương để phản ứng nhanh trước các tình huống căng thẳng với Trung Quốc trên biển .

indopacific7

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken họp báo cùng người đồng cấp Philippines Enrique Manalo, tại Camp Aguinaldo, Manila, Philippines, ngày 30/07/2024. AP - Basilio Sepe

Sau cuộc gặp, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã công bố khoản viện trợ quân sự trị giá 500 triệu đô la cho Philippines, "đồng minh lâu đời nhất của Mỹ trong khu vực", để giúp tăng cường khả năng phòng thủ. Hãng tin AP trích lời ông Blinken cho biết đây là khoản tài trợ "có một không hai" giúp Manila hiện đại hóa quân đội và lực lượng tuần duyên. Ông cũng hoan nghênh sự hợp tác giữa Hoa Kỳ và Philippines đã giúp gắn kết quan hệ hai nước "không chỉ về an ninh mà cả về kinh tế". Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin tái khẳng định những cam kết trong khuôn khổ Hiệp ước Phòng thủ chung mà hai nước đã ký từ năm 1951.

Về phần mình, tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. ca ngợi đường dây liên lạc mở giữa Washington và Manila về các vấn đề chính ở Biển Đông và khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương đã giúp hai bên kịp thời xem xét, đánh giá tình hình và có những phản ứng chung phù hợp. Ông Marcos Jr. cũng nhấn mạnh sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực là rất cần thiết để đảm bảo ổn định và hòa bình ở Châu Á.

Dù đã đạt được thỏa thuận tạm thời với Trung Quốc nhằm ngăn chặn đụng độ giữa hai nước xung quanh Bãi Cỏ Mây, theo đại sứ Phiippines tại Mỹ, Jose Manuel Romualdez, Manila sẽ tiếp tục tăng cường phòng thủ lãnh thổ với sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh, cũng như xây dựng các liên minh an ninh mới. Ông Romualdez cho biết các cuộc đụng độ hiện giờ không xảy ra khi Philippines tiếp tế và luân chuyển quân, nhưng đó chỉ là tình hình tạm thời và "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ không dừng lại" ở đây.

Minh Phương

***************************

QUAD quan ngại về Biển Đông và cam kết tăng cường an ninh ở Châu Á-Thái Bình Dương

Thanh Hà, RFI, 29/07/2024

Trong thông cáo chung kết thúc cuộc họp tại Tokyo hôm nay, 29/07/2024, các ngoại trưởng 4 nước trong bộ tứ QUAD (Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc) cam kết tăng cường an ninh hàng hải và an ninh mạng. Tránh nêu đích danh Trung Quốc, các bên bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về tình hình ở Biển Đông và mạnh mẽ lên án "mọi hành vi đơn phương thay đổi nguyên trạng" tại các vùng biển ở Châu Á-Thái Bình Dương.

indopacific1

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và ngoại trưởng Yoko Kamikawa tiếp ngoại trưởng Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar, ngoại trưởng Úc Penny Wong và ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tại văn phòng thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 29/07/2024. AP - Shuji Kajiyama

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và các đồng cấp Nhật Bản Yoko Kamikawa, Úc Penny Wong và Ấn Độ Subrahmayam Jaishankar trong tuyên bố chung nhấn mạnh nhóm Bộ Tứ QUAD, tên gọi chính thức là Đối Thoại An Ninh Bốn Bên, "tiếp tục bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước các hành động quân sự hóa những vùng lãnh thổ có tranh chấp chủ quyền, trước những hành động cưỡng ép, hù dọa tại Biển Đông".

Hãng tin Mỹ AP nhấn mạnh tại cuộc họp lần này ở Tokyo, Bộ Tứ cam kết tăng cường an ninh hàng hải và an ninh mạng, đẩy mạnh các công cụ chống phổ biến thông tin giả. Những biện pháp nói trên đặc biệt nhằm hỗ trợ các quốc gia Đông Nam Á và các hải đảo trong vùng Thái Bình Dương. Cụ thể, ngoại trưởng của bốn nước dự trù khởi động một cơ chế đối thoại hàng hải trên cơ sở Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển nhằm "duy trì trật tự trên biển và các vùng biển tự do và rộng mở" trong khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Trong lĩnh vực công nghệ kết nối, QUAD cam kết hỗ trợ Philippines và Ấn Độ về an ninh mạng, đồng thời mở rộng và nâng cấp cơ sở hạ tầng internet trong khu vực.

Trả lời báo chí, ông Blinken cho biết nhóm Bộ Tứ "huy động các nguồn lực tập thể để phục vụ người dân tại các quốc gia trong vùng mà nhóm QUAD có chung những lợi ích (…) QUAD tiếp tục cùng với các đối tác trong khu vực bảo đảm tự do trên biển, trên không, để giao thương trên biển tiếp tục được phát triển vì thịnh vượng chung".

Trong cương vị chủ nhà, ngoại trưởng Nhật Bản Yoko Kamlikawa ghi nhận an ninh hàng hải trong khu vực đang "càng lúc càng bất ổn, do vậy sự đoàn kết và hợp tác giữa các thành viên của Bộ Tứ để bảo đảm trật tự quốc tế là điều cần thiết hơn bao giờ hết".

Hãng tin Pháp AFP nêu bật một chi tiết: Thông cáo chung sau cuộc họp 2+2 Mỹ-Nhật hôm qua đã mạnh mẽ lên án "hợp tác quân sự chiến lược giữa Nga và Bắc Kinh ngày càng được mở rộng và mang tính khiêu khích". Washington và Tokyo cùng trực tiếp chỉ trích Trung Quốc hỗ trợ Nga trong cuộc chiến Ukraine. Nhưng trong thông cáo của Bộ Tứ QUAD hôm nay, các bên tránh chỉ trích Nga, bởi Ấn Độ mua vũ khí của Nga và New Delhi duy trì một mối quan hệ đặc biệt với Moskva.

Sau cuộc họp hôm nay, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sang Manila để cùng với bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin dự đối thoại 2+2 với các đồng cấp Philippines.

Thanh Hà

*******************************

An ninh : Quá trễ để Mỹ-Nhật ngăn chặn Trung Quốc thay đổi trật tự thế giới ?

Thanh Hà, RFI, 29/07/2024

Hôm 28/07/2024, kết thúc đối thoại 2+2 Mỹ-Nhật, Washington thông báo thành lập một bộ chỉ huy chung với Tokyo. Đây được coi là "thay đổi quan trọng nhất trong liên minh quân sự song phương từ 70 năm qua" để chống lại ý đồ của Trung Quốc muốn vẽ lại trật tự thế giới theo ý muốn của họ và trước mối đe dọa từ hợp tác chặt chẽ của trục Bắc Kinh - Moskva, cũng như hợp tác giữa Nga với Bắc Triều Tiên.

indopacific2

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) tiếp ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken (giữa) và bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tại văn phòng thủ tướng ở Tokyo, Nhật Bản, ngày 29/07/2024. AP - Shuji Kajiyama

Kết thúc cuộc họp tại thủ đô Nhật Bản, bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thông báo một bộ chỉ huy chung sẽ chính thức đi vào hoạt động từ tháng 03/2025. Các hoạt động của cơ chế này sẽ từng bước được nâng cấp qua nhiều giai đoạn. Mục tiêu là nhằm "tạo điều kiện đẩy mạnh khả năng tương tác và hợp tác sâu sắc hơn" giữa hai nước "trong thời bình cũng như trong những tình huống đầy bất trắc". Cơ chế mới này sẽ có "trách nhiệm chính là phối hợp các hoạt động bảo vệ an ninh ngay trên lãnh thổ Nhật và xung quanh Nhật Bản", theo tinh thần của hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật.

Trong cuộc họp hôm qua, Washington và Tokyo còn đồng ý đẩy mạnh hợp tác chia sẻ thông tin tình báo, và hợp tác quốc phòng, bao gồm cả công nghiệp sản xuất vũ khí và trang thiết bị quân sự. Cụ thể là cỗ máy công nghiệp quốc phòng của Nhật tăng tốc để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của Hoa Kỳ và các đồng minh của Washington.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong cuộc họp báo hôm qua lưu ý liên minh quân sự Mỹ - Nhật trước hết mang tính "tự vệ", tăng cường các biện pháp phòng thủ, bảo đảm an ninh cho Hoa Kỳ và các đồng minh của Mỹ. Chính những mối đe dọa ngày càng lớn đã "thúc đẩy Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng như Hoa Kỳ và các đồng minh khác tăng cường hợp tác quân sự".

Trong mắt Hoa Kỳ, Trung Quốc là "thách thức chiến lược hàng đầu trong vùng", chủ yếu do Bắc Kinh "có những hành động uy hiếp và khiêu khích", "quân sự hóa" những nơi có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và khẳng định chủ quyền đối với vùng biển này một cách "bất hợp pháp". Hiểm họa Trung Quốc lại càng trở nên cấp bách hơn từ khi Bắc Kinh mở rộng hợp tác về nhiều mặt với Moskva, tiếp sức cho cỗ máy chiến tranh của Moskva trong cuộc xâm lược Ukraine. Bất ổn tại Châu Á - Thái Bình Dương lại càng đáng lo ngại hơn nữa khi mà một quốc gia "bất hảo" là Bắc Triều Tiên đang hiện đại hóa cỗ máy quân sự. Công nghệ chế tạo tên lửa và vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng được nâng cấp nhờ hợp tác với Nga.

Nhưng liệu có quá trễ để bộ chỉ huy chung Mỹ - Nhật kềm hãm những tham vọng của Bắc Kinh trong vùng Châu Á Thái Bình Dương ? Ngoại trưởng Nhật Bản, Yoko Kamilawa nói đến "một bước ngoặt lịch sử" và "những quyết định ngày hôm nay sẽ tác động đến tương lai chung toàn khu vực sau này".

Thời gian không còn nhiều

Giới quan sát nói đến một "cuộc chạy đua việt dã" của các giới chức Hoa Kỳ 100 ngày trước bầu cử tổng thống Mỹ và sự gấp rút ấy cho thấy hai điều : Washington muốn đặt một số nền tảng cho hợp tác an ninh với các đối tác trong vùng trước khi chính quyền Biden mãn nhiệm và trước viễn cảnh cựu tổng thống Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng. Đồng thời những mối hợp tác "chiến lược" hay "đối tác chiến lược" của hai cặp Trung Quốc - Nga, hay Moskva - Bình Nhưỡng buộc Hoa Kỳ và đồng minh phải đề phòng trước mọi tình huống.

Chẳng vậy mà trước ngày khai mạc Đối thoại 2+2 Mỹ Nhật tại Tokyo, hôm thứ Bảy vừa qua (27/07) bộ trưởng quốc phòng Austin và hai đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc đã ký kết một thỏa thuận khung "hợp tác ba bên". Thế rồi trong ngày thứ nhì tại thủ đô Nhật Bản, hôm nay (29/07) ngoại trưởng Mỹ họp tiếp với ba đối tác đối tác quan trọng khác trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương là Nhật Bản, Úc và Ấn Độ trong nhóm Bộ Tứ QUAD. Một lần nữa các bên lại "bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình ở Biển Đông". Tránh nêu đích danh Trung Quốc, nhóm Đối Thoại An Ninh Bốn Bên lên án mọi hành vi "đơn phương thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông". Tăng cường an ninh hàng hải và an ninh mạng với các quốc gia trong vùng cũng là nhằm đối phó với "thách thức" mà Trung Quốc đang đặt ra cho khu vực.

Sau Lào và Việt Nam, ngoại trưởng Antony Blinken đến thủ đô Manila vào lúc chính quyền của tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đang trên tuyến đầu đối phó với Trung Quốc về những tranh chấp chủ quyền biển đảo. Tại đây, cùng với bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin, ngoại trưởng Mỹ tiếp tục đối thoại 2+2 với đồng minh lâu đời nhất tại Đông Nam Á là Philippines.

Giới quan sát nhận định lịch làm việc dầy đặc của các ông Blinken và Austin cho thấy chính quyền Biden sắp mãn nhiệm cố gắng trấn an các đồng minh Châu Á về sự hiện diện lâu dài của Mỹ tại khu vực này. Thông điệp của Washington là dù kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ tháng 11/2024 có ra sao, điều đó cũng không ảnh hưởng nhiều đến hợp tác về an ninh của Mỹ ở Ấn Độ -Thái Bình Dương. Đây cũng là một lời cảnh cáo Washington gửi tới Bắc Kinh.

Thanh Hà

*****************************

Mỹ-Nhật tăng cường hợp tác quân sự trước hai mối đe dọa Bắc Triều Tiên và Trung Quốc

Thanh Hà, RFI, 28/07/2024

Thông báo cơ cấu một bộ chỉ huy chung được đặt tại Nhật Bản nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng, giám sát và phối hợp tốt hơn về mặt quân sự trước hai mối đe dọa là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Đây là trọng tâm cuộc họp 2+2 tại Tokyo giữa bộ trưởng quốc phòng và Ngoại Giao hai nước trong ngày Chủ Nhật 28/07/2024. Đối thoại lần này nhằm trấn an đồng minh của Mỹ sau khi tổng thống Joe Biden thông báo không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ hai.

indopacific3

Cuộc họp 2+2 tại Tokyo giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại giao Nhật Bản và Hoa Kỳ trong ngày Chủ nhật 28/07/2024. AP - Hiro Komae

Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken khai mạc cuộc họp với hai đồng cấp Nhật Bản là ngoại trưởng Yoko Kamikawa và người đứng đầu ngành quốc phòng Nhật Bản Minoru Kihara. Mọi chú ý hướng về thông báo Mỹ-Nhật thành lập một bộ chỉ huy quân sự chung đặt tại Nhật Bản và cơ cấu này sẽ do một viên tướng ba sao lãnh đạo. Theo hãng tin Anh Reuters, bộ chỉ huy chung Mỹ-Nhật hướng tới việc tăng cường khả năng điều phối và hợp tác quân sự song phương, trong đó bao gồm cả việc dễ dàng cấp giấy phép hơn cho Nhật Bản sản xuất tên lửa thuộc bản quyền của các tập đoàn Mỹ.

Trong diễn văn khai mạc hội nghị, ngoại trưởng Nhật Bản tuyên bố : "Chúng ta đang đứng trước một khúc quanh của lịch sử, trật tự trong một thế giới tự do, rộng mở, xây dựng trên nền tảng luật pháp đang bị khuynh đảo. Những quyết định của ngày hôm nay mang tính quyết định đối với tương lai sau này". Lãnh đạo Lầu Năm Góc Lloyd Austine thì nhắm thẳng vào Trung Quốc, lên án Bắc Kinh "có những hành vi hù dọa, tìm cách thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông và Hoa Đông, cũng như tại eo biển Đài Loan và trong toàn khu vực". Bộ trưởng quốc phòng Mỹ nói thêm, chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên và quan hệ mật thiết giữa Bình Nhưỡng với Moskva "đe dọa an ninh của khu vực và thế giới".

Hãng tin AP nhắc lại hiện có khoảng 50.000 lính Mỹ đang đóng tại các căn cứ quân sự trên lãnh thổ Nhật Bản nhưng bộ chỉ huy của Hoa Kỳ được đặt tại Yokota, ngoại ô phía tây thủ đô Tokyo, chỉ đảm nhiệm các công tác quản lý về mặt hành chính. Trong cơ cấu mới, bộ chỉ huy tại Nhật Bản sẽ đóng một vai trò quan trọng hơn trong các "chiến dịch hỗn hợp".

Ngoài ra trong cuộc họp hôm nay lãnh đạo ngoại giao và quốc phòng Mỹ-Nhật sẽ thảo luận về việc "tăng cường hợp tác trong các hoạt động tình báo, giám sát, an ninh mạng…". Về những điểm này, Tokyo cần nhanh chóng tăng cường khả năng để đối phó với những "mối đe dọa trong tương lai"

Cuối cùng, theo dự kiến, lần đầu tiên đối thoại Mỹ-Nhật 2+2 sẽ đề cập đến một hồ sơ mang tên "mối răn đe mở rộng" mà ở đó theo hãng tin Anh Reuters, Washington trên nguyên tắc sẽ tái khẳng định với Tokyo cam kết sử dụng vũ khí hạt nhân bảo vệ các đồng minh của Hoa Kỳ. Cuộc thảo luận này được đưa ra vào lúc đe dọa hạt nhân xuất phát từ Bắc Triều Tiên càng lúc càng lớn, đặc biệt là sau khi Bình Nhưỡng thắt chặt hợp tác quân sự với Nga.

Hoa Kỳ và Nhật Bản cũng đặc biệt quan ngại "trước mối hợp tác chiến lược giữa Nga và Trung Quốc". Điều này được thể hiện qua việc Moskva và Bắc Kinh vừa tiến hành các cuộc tập trận chung gần vùng biển của Nhật Bản và nhất là thái độ của Bắc Kinh về vấn đề chiến tranh Ukraine.

Theo tin mới nhất, trong thông cáo chung kết thúc cuộc họp, Hoa Kỳ cho biết "bộ chỉ huy quân sự chung với Nhật Bản sẽ chính thức đi vào hoạt động kể từ tháng 3/2025 và đây sẽ là sự thay đổi quan trọng nhất về hợp tác quân sự Mỹ Nhật từ 70 năm qua".

Thanh Hà

*****************************

Lo Trung Quốc lấn lướt, Mỹ và Nhật Bản bàn ‘khả năng răn đe mở rộng’

BBC, 28/07/2024

Mỹ và Nhật Bản lần đầu tiên bàn về "khả năng răn đe mở rộng" - thuật ngữ mô tả việc Mỹ cam kết sử dụng năng lực hạt nhân để ngăn chặn nỗ lực tấn công vào các đồng minh của mình.

indopacific4

Mỹ sẽ cải tổ bộ chỉ huy quân sự tại Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng phối hợp với đồng minh

Hôm 28/7, Mỹ cho biết sẽ cải tổ bộ chỉ huy quân sự tại Nhật Bản nhằm tăng cường khả năng phối hợp với đồng minh, sau khi hai nước gọi Trung Quốc là "thách thức chiến lược lớn nhất" trong khu vực.

Thông báo được đưa ra sau các cuộc hội đàm an ninh ở Tokyo (Nhật Bản) giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và Bộ trưởng quốc phòng Lloyd Austin với những người đồng nhiệm Nhật Bản là bà Yoko Kamikawa và ông Minoru Kihara.

Bản tuyên bố sau cuộc họp cho biết "bộ chỉ huy lực lượng chung" mới sẽ giúp Mỹ có thể tương tác sâu hơn với lực lượng vũ trang Nhật Bản và sẽ được triển khai song song với kế hoạch riêng của Tokyo về thành lập một bộ chỉ huy hỗn hợp để giám sát lực lượng của mình vào tháng 3/2025.

Việc nâng cấp bộ chỉ huy của Mỹ tại Nhật Bản là "một trong bước tiến đáng kể nhất trong lịch sử liên minh hai nước", Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói với báo giới trước cuộc hội đàm.

Cuộc cải tổ lần này là một trong nhiều biện pháp nhằm đối phó với cái mà nhiều quốc gia gọi là "môi trường an ninh biến động", nhấn mạnh vào các mối đe dọa khác nhau đến từ Trung Quốc.

"Chúng tôi tiếp tục thấy Trung Quốc có hành vi cưỡng chế và cố gắng thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, xung quanh Đài Loan và trên khắp khu vực", ông Austin nói.

Bản tuyên bố chỉ trích việc Bắc Kinh có những hành động khiêu khích trên biển, tham gia các cuộc tập trận quân sự chung với Nga và nhanh chóng mở rộng kho vũ khí hạt nhân.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không lập tức trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.

Chiếc dù hạt nhân của Mỹ

indopacific5

Tàu chiến ba nước Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc tập trận gần đảo Jeju của Hàn Quốc vào tháng 4/2023

Chính sách ngoại giao của Trung Quốc "có mục đích tái cấu trúc trật tự thế giới để phục vụ lợi ích riêng của mình trong khi gây tổn hại cho các nước khác", bộ trưởng hai nước nói.

"Hành vi này là mối quan ngại sâu sắc đối với Liên minh và cộng đồng quốc tế, đồng thời là thách thức chiến lược lớn nhất cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và các khu vực khác".

Lần đầu tiên, bộ trưởng hai nước thảo luận về "khả năng răn đe mở rộng" - một thuật ngữ mô tả việc Mỹ cam kết sử dụng năng lực hạt nhân để ngăn chặn nỗ lực tấn công vào các đồng minh của mình.

Đây là một chủ đề nhạy cảm ở Nhật Bản, quốc gia vốn vẫn luôn vận động hạn chế việc phổ biến vũ khí hạt nhân.

Theo một thông cáo chính thức khá ít chi tiết, hai nước đã thảo luận về việc tăng cường khả năng răn đe mở rộng nhằm thúc đẩy ổn định khu vực và ngăn chặn sự bùng phát xung đột.

"Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng. Để bảo vệ trật tự quốc tế hiện tại một cách toàn vẹn, chúng ta cần liên tục củng cố liên minh và tăng cường sức mạnh răn đe", Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa nói với báo giới khi bắt đầu cuộc đàm phán.

Nhật Bản cho phép Mỹ lập căn cứ để triển khai sức mạnh quân sự ở Châu Á, với sự hiện diện của 54.000 lính, hàng trăm máy bay và nhóm tác chiến tàu sân bay tiền phương duy nhất của Washington.

Thúc đẩy bởi sức mạnh quân sự ngày càng lớn của Trung Quốc và các vụ thử tên lửa thường xuyên của Bắc Hàn - một quốc gia có vũ khí hạt nhân, Nhật Bản đã thay đổi đáng kể sau nhiều thập kỷ theo đuổi chủ nghĩa hòa bình thời hậu chiến tranh.

Năm 2022, Nhật Bản từng công bố kế hoạch tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, lên 2% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Bộ chỉ huy mới của Mỹ tại Nhật Bản sẽ do một tướng ba sao đảm nhiệm, thay vì một tướng bốn sao như Nhật Bản từng yêu cầu, một quan chức Mỹ cho biết trước cuộc hội đàm.

Thông báo sau cuộc họp không đề cập tới vấn đề này.

Hợp tác với Hàn Quốc

Hai nước đồng minh cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc việc Nga mua tên lửa đạn đạo từ Bắc Hàn để hỗ trợ cuộc chiến ở Ukraine và khả năng Moscow chuyển giao vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc công nghệ liên quan đến tên lửa cho Bình Nhưỡng.

Bắc Hàn vừa tuyên bố sẽ "hủy diệt hoàn toàn" các kẻ thù nếu chiến tranh xảy ra, hãng thông tấn nhà nước KNCA đưa tin ngày 28/7.

Hôm nay 28/7, ông Austin và ông Kihara cũng đã có cuộc họp với Bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik.

Trong cuộc họp, ba nước đã ký kết một thỏa thuận nhằm "thể chế hóa" hợp tác ba bên thông qua các nỗ lực như chia sẻ dữ liệu cảnh báo tên lửa Bắc Hàn theo thời gian thực và các cuộc tập trận quân sự chung.

Chính quyền ông Biden đã thúc đẩy nâng cao hợp tác giữa Tokyo và Seoul. Mối quan hệ Nhật-Hàn vốn có nhiều căng thẳng, khởi nguồn từ việc Nhật Bản chiếm đóng Hàn Quốc thời điểm 1910-1945.

"Bản ghi nhớ này củng cố hợp tác giữa Nhật Bản, Hoa Kỳ và Hàn Quốc, giúp mối quan hệ đối tác của ba nước không thể bị lay chuyển, dù tình hình quốc tế biến chuyển thế nào", ông Kihara nói với các phóng viên sau cuộc họp ba bên.

Washington cũng muốn tận dụng ngành công nghiệp Nhật Bản để giảm áp lực lên các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ vốn đang chịu căng thẳng do nhu cầu từ các cuộc xung đột ở Ukraine và Trung Đông.

Tokyo và Washington đang hợp tác trên nhiều phương diện trong lĩnh vực này, bao gồm nâng cao nỗ lực hợp tác sản xuất tên lửa, thiết lập khả năng phục hồi chuỗi cung ứng và hỗ trợ sửa chữa tàu và máy bay.

Tuy nhiên, dự án hàng đầu - kế hoạch sử dụng các nhà máy của Nhật Bản để tăng sản lượng tên lửa phòng không Patriot - đang bị trì hoãn do thiếu một thành phần quan trọng do Boeing sản xuất, Reuters từng đưa tin trước đó trong tháng.

Sau khi rời Tokyo, ông Blinken và ông Austin sẽ có các cuộc đàm phán an ninh với một đồng minh Châu Á khác của Mỹ - Philippines, trong bối cảnh chính quyền Biden đang tìm cách đối phó một Trung Quốc ngày càng táo tợn.

Thứ Bảy 27/7, Ngoại trưởng Mỹ Blinken có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị tại Lào.

Tại đây, ông Blinken một lần nữa nhắc lại việc Washington và các đối tác muốn duy trì một "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và mở cửa", theo thông cáo của Mỹ về cuộc họp.

*****************************

Mỹ, Nhật, Hàn siết chặt hợp tác quốc phòng để đối phó với đe dọa Nga - Bắc Triều Tiên

Trọng Thành, RFI, 28/07/2024

Hôm 27/07/2024, theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cùng hai đồng cấp Hoa Kỳ và Nhật Bản, Lloyd Austin và Minoru Kihara, đã ký kết bản ghi nhớ về "Khung hợp tác an ninh ba bên" (Trilateral Security Cooperation Framework - TSCF). Liên minh ba nước coi việc Bắc Triều Tiên tăng cường sức mạnh hạt nhân và tên lửa với hỗ trợ của Nga là mối đe dọa chính.

indopacific6

Bộ trưởng quốc phòng ba nước Mỹ-Nhật-Hàn ký thỏa thuận hợp tác sau cuộc họp ba bên tại Tokyo vào Chủ Nhật, ngày 28/07/2024. AP – Yoshikazu Tsuno

Theo bộ quốc phòng Hàn Quốc, đây là văn bản đầu tiên thể chế hóa các hợp tác an ninh giữa các cơ quan quốc phòng Mỹ-Nhật-Hàn, nhằm đảm bảo các điều kiện duy trì hợp tác ba bên trong bối cảnh môi trường an ninh quốc tế đầy biến động hiện nay. Theo Khung hợp tác an ninh ba bên TSCF, ba quốc gia dự kiến đặc biệt sẽ tăng cường chia sẻ dữ liệu về tên lửa Bắc Triều Tiên "theo thời gian thực", thường xuyên tiến hành tập trận chung, bao gồm cuộc tập trận Freedom Edge đa binh chủng, vừa được tổ chức lần đầu tiên vào cuối tháng 06/2024.

Trong cuộc họp lần đầu tiên của bộ trưởng quốc phòng ba nước tại Tokyo, Mỹ, Nhật, Hàn bày tỏ lo ngại về hợp tác quân sự và kinh tế ngày càng gia tăng giữa Bình Nhưỡng và Moskva, được thúc đẩy bởi hiệp ước "Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện" Nga – Triều, bao gồm cam kết về "phòng thủ chung", ký kết hồi tháng trước. Lãnh đạo quốc phòng ba nước lên án Bắc Triều Tiên đa dạng hóa các hệ thống tấn công hạt nhân và thử nghiệm nhiều tên lửa đạn đạo, cũng như có các hành động leo thang căng thẳng khác trên bán đảo Triều Tiên.

Việc ký kết TSCF diễn ra sau khi Hàn Quốc, hồi tháng 02/2024 vừa qua, đề xuất cần xác lập một văn bản cụ thể hóa hợp tác an ninh ba bên. Trong cuộc họp của bộ trưởng quốc phòng ba nước bên lề Đối thoại an ninh Shangri-la, Singapore, hồi tháng 6, ba bên thỏa thuận sẽ ký kết văn bản này ngay trong năm nay.

Trả lời báo giới sau lễ ký kết, bộ trưởng quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik cho biết ông tin tưởng cơ chế hợp tác an ninh ba bên sẽ tiếp tục được duy trì bất kể ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11/2024.

Theo lãnh đạo bộ quốc phòng Hàn Quốc, vũ khí hạt nhân và tên lửa Bắc Triều Tiên là đe dọa lâu dài đối với an ninh của ba nước và đặt ra rất nhiều thách thức trong khu vực.

Lên án "thay đổi nguyên trạng" ở Biển Đông

Bản ghi nhớ về Khung hợp tác an ninh ba bên không trực tiếp nêu tên Trung Quốc, nhưng cho biết Mỹ, Nhật, Hàn "chia sẻ quan điểm về các hoạt động quân sự trên biển và trên không ở vùng biển Ấn Độ - Thái Bình Dương bao gồm Biển Đông, thời gian gần đây". Ba bên tái khẳng định lập trường "phản đối mạnh mẽ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi nguyên trạng" và "các hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thanh Hà, Trọng Thành, BBC tiếng Việt
Read 339 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)