Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

10/08/2024

Hun Sen bác bỏ chuyện xa Việt Nam, thân Trung Quốc…

BBC tiếng Việt

Cựu Thủ tướng Hun Sen bác bỏ chuyện xa Việt Nam, thân Trung Quốc vì Phù Nam Techo

Cựu Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen lên tiếng chỉ trích kịch liệt một bài báo trên tờ Sega của Bulgaria ngày 5/8 với nhan đề "Trung Quốc kéo Campuchia rời xa Việt Nam bằng cách chuyển hướng giao thông dọc sông Mekong".

hunsen1

Ông Hun Sen nhấn mạnh việc Campuchia làm kênh đào Phù Nam Techo hoặc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào khác

Bài viết được báo Sega đăng tải vào thứ Hai 5/8, đúng ngày động thổ kênh đào lịch sử Phù Nam Techo của Campuchia.

Trong bài viết, báo Sega cho rằng đại dự án Phù Nam Techo được "Trung Quốc tài trợ", cùng nhận định đây là chỉ dấu về việc vương quốc này đang xích lại gần hơn với Trung Quốc, khiến quan hệ hữu nghị với Việt Nam bớt nồng ấm.

"[Cựu Thủ tướng] Hunsen đóng vai trò quan trọng trong việc lật đổ chế độ Khmer Đỏ chết chóc với sự trợ giúp của quân đội Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay ông ta lại tìm kiếm mối quan hệ hữu nghị với Trung Quốc nhưng không chính thức từ bỏ tình hữu nghị anh em với Việt Nam", tờ Sega viết.

Sega (СЕГА) là một tờ báo độc lập ở Bulgaria, với nội dung đa lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa, thể thao...

hunsen2

Ông Hun Sen chỉ trích việc báo Sega của Bulgaria (bên phải) cho rằng Phù Nam Techo là một dự án do Trung Quốc tài trợ và Campuchia đang rời xa láng giềng hữu nghị Việt Nam

'Không từ bỏ người bạn nào'

Theo báo Khmer Times hôm 8/8, ông Hun Sen nhấn mạnh chuyện xây dựng kênh đào hoặc thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc sẽ không ảnh hưởng đến quan hệ ngoại giao với Việt Nam hoặc bất kỳ quốc gia nào khác.

"Campuchia không từ bỏ bất kỳ người bạn nào ! Quan hệ với các quốc gia bạn bè cũng phong phú như những bông hoa đầy sắc màu", ông viết trên Facebook.

"Chúng tôi có mối quan hệ kinh doanh với nhiều nước trên thế giới và nhiều quốc gia đã giúp Campuchia. Tuy nhiên, những người bạn Trung Quốc đã đáp ứng nhu cầu của Campuchia mà không ai khác làm được".

Cũng theo bài viết trên Sega, kênh đào Phù Nam Techo gây quan ngại về tác động môi trường. Con kênh này còn có thể giúp Trung Quốc tăng cường sức ảnh hưởng quân sự ở khu vực Đông Nam Á.

Ông Hun Sen bác bỏ cáo buộc cho rằng ông sử dụng dự án kênh đào Phù Nam Techo để giúp người con trai cả Hun Manet lên nắm quyền và tăng cường sức ảnh hưởng quân sự của Trung Quốc.

"Thủ tướng Hun Manet lên nắm quyền cũng thông qua một cuộc bầu cử dân chủ như nước Mỹ với cựu Tổng thống George W. Bush có cha là ông George H.W. Bush từng là tổng thống !" ông Hun Sen khẳng định.

Về nghi vấn kênh đào có khả năng phục vụ tàu chiến Trung Quốc, ông Hun Sen gọi đây là "một sự hoang tưởng".

"Việc cho rằng con kênh đào phục vụ tàu chiến Trung Quốc chỉ là sự hoang tưởng của những người ganh tị với Campuchia. Campuchia biết suy nghĩ và đang quyết định vận mệnh của mình".

Trước đó, ông Hun Sen đã thường xuyên bác bỏ các nhận định cho rằng kênh đào Phù Nam Techo có thể cho tàu chiến Trung Quốc di chuyển sâu vào nội địa Campuchia và tiến về biên giới giữa nước này và Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh chủ quyền quốc gia là trên hết.

hunsen3

Kênh đào Phù Nam Techo tạo ra cú hích mạnh mẽ cho tinh thần dân tộc, củng cố vị thế cho Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen và tính chính danh của ông Hun Manet khi sắp tròn một năm kế nhiệm cha mình

'Không sử dụng tiền của Trung Quốc'

Ông Hun Sen cũng khẳng định dự án kênh đào Phù Nam Techo không được tài trợ hoàn toàn "bằng tiền của Trung Quốc". Ông nhắc lại rằng các doanh nghiệp nhà nước và công ty địa phương của Campuchia nắm đa số cổ phần trong tỷ trọng vốn đầu tư.

Vào hôm 5/8, tại lễ động thổ kênh đào Phù Nam Techo, lần đầu tiên Thủ tướng Hun Manet nêu tên tập đoàn đầu tư OCIC có tham gia dự án này, bên cạnh các công ty khác.

OCIC là một tập đoàn lớn tại Campuchia, hoạt động đa lĩnh vực, đầu tư vào các dự án có quy mô hàng đầu như đảo Kim Cương, sân bay quốc tế Techo, cầu Russey Keo…

Chủ tịch OCIC là ông Pung Kheav Se, một nhà tài phiệt gốc Hoa và là chủ tịch Hiệp hội người Hoa Khmer tại Campuchia.

Về danh nghĩa, OCIC là công ty Campuchia, nhưng các nguồn tin của BBC nhận định rằng có thể đứng đằng sau công ty này là Trung Quốc.

Ông Hun Sen đã nói chi tiết hơn về tỷ lệ vốn đầu tư trong dự án này, theo đó Cảng tự trị Sihanoukville (PAS) và Cảng Tự trị Phnom Penh (PPAP) nắm giữ 51% cổ phần, trong khi OCIC nắm 49%.

hunsen4

Trong lễ động thổ hôm 5/8, Thủ tướng Hun Manet gọi tuyến kênh đào Phù Nam Techo dài 180 km là một dự án "lịch sử" và cam kết "hoàn thành bằng mọi giá".

Một bài viết trên trang Khmer Times ngày 7/8 đặt câu hỏi liệu Campuchia có thể thực hiện được kênh đào Phù Nam "như đã quảng bá" hay không, với tác giả được ghi là sàn bất động sản Realestate.com.kh có trụ sở ở thủ đô Phnom Penh.

Khác với những bài viết ủng hộ hoàn toàn đại dự án trước đây trên Khmer Times, bài viết đặt ra những câu hỏi, chẳng hạn liệu kinh phí ước tính là 1,7 tỷ USD có thấp hơn so với mức thực tế ?

Bài viết cũng liệt kê những quan ngại liên quan đến môi trường, địa chính trị, đặc biệt giữa Campuchia với láng giềng Việt Nam, đồng thời nhắc đến những câu hỏi về tính khả thi của dự án này.

Tuy nhiên, nội dung bài viết chỉ dừng lại ở việc đề cập, không đi sâu vào bình luận, phân tích và cuối cùng kết luận rằng nếu dự án tiếp tục được triển khai cẩn trọng liên quan đến các thách thức kinh tế, môi trường và địa chính trị, thì Campuchia sẽ gia tăng được vị thế chiến lược của một trung tâm hậu cần, thách thức được các quốc gia láng giềng và gặt hái được nhiều lợi ích cho hàng loạt ngành công nghiệp.

Việt Nam tiếp tục kêu gọi Campuchia chia sẻ thông tin

Ba ngày sau khi Campuchia chính thức động thổ dự án lịch sử, Việt Nam tiếp tục kêu gọi Phnom Penh chia sẻ thông tin về dự án.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Đoàn Khắc Việt vào ngày thứ Năm 8/8 cho biết Việt Nam khẳng định ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia, mong muốn cùng phối hợp nghiên cứu đánh giá tổng thể toàn diện tác động của dự án.

"Việt Nam ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia cũng như tôn trọng việc Campuchia triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo. Chúng tôi cũng mong muốn cùng phối hợp nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tổng thể tác động của dự án, cũng như có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động", ông Việt nói.

Trước đó, vào ngày 23/5, bên lề Hội nghị Tương lai Châu Á lần thứ 29 tại Nhật Bản, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã có cuộc gặp song phương với Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol và nhắc đến kênh đào Phù Nam Techo.

Ông Lê Minh Khái khẳng định Việt Nam tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia trong xây dựng, phát triển đất nước, trong đó có dự án kênh đào Phù Nam Techo (Funan Techo) và mong phía Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội sông Mekong (MRC) trong việc chia sẻ thông tin về dự án.

Trước đó, vào ngày 9/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết những thông tin liên quan kênh đào Phù Nam Techo mà Việt Nam có được cho đến thời điểm lúc bấy giờ chưa đủ để có thể đánh giá cụ thể về mức độ tác động của dự án.

Ngày 5/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói "rất quan tâm và tôn trọng lợi ích chính đáng của Campuchia" và "mong rằng Campuchia tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và các nước trong Ủy hội sông Mekong để chia sẻ thông tin".

Lần đầu tiên Bộ Ngoại giao Việt Nam chính thức lên tiếng về dự án Phù Nam Techo là vào ngày 11/4. Khi đó, ông Đoàn Khắc Việt nói : "Việt Nam rất quan tâm đến dự án kênh Funan Techo và cũng đã đề nghị phía Campuchia phối hợp chặt chẽ với Việt Nam và Ủy hội Sông Mekong Quốc tế trong việc chia sẻ thông tin và đánh giá tác động của công trình này đối với tài nguyên nước và môi trường sinh thái của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để đảm bảo hài hòa lợi ích của các quốc gia ven sông và người dân sinh sống trong khu vực".

Liên quan đến các tác động môi trường của dự án, tại buổi lễ động thổ, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol một lần nữa nhấn mạnh dự án Phù Nam Techo tuân thủ Hiệp định sông Mekong năm 1995 và Campuchia đã nghiên cứu khả thi đầy đủ để không gây tác động môi trường nước này và các quốc gia láng giềng.

Trong khi đó, ngày 4/8, ông Brian Eyler, Giám đốc Chương trình Năng lượng, Nước và Tính Bền vững của Trung tâm Stimson, nhận định với BBC News Tiếng Việt rằng "cách chính phủ Campuchia thực hiện dự án kênh đào Phù Nam Techo là vi phạm hiệp định sông Mekong 1995".

"Vẫn còn thời gian để chính phủ Campuchia tránh không vi phạm và biến dự án trở thành một cơ hội vàng cho nền ngoại giao nguồn nước sông Mekong", ông nhấn mạnh.

Nguồn : BBC, 10/08/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 250 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)