Tàu khu trục Nhật Bản đi qua eo biển Đài Loan, khiến Trung Quốc tức giận
Reuters, VOA, 26/09/2024
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đưa tàu chiến đi qua Eo biển Đài Loan lần đầu tiên hôm 25/9 trong một động thái mang tính lịch sử khiến Bắc Kinh tức giận và đánh dấu cuộc đấu khẩu mới nhất giữa hai nước láng giềng vốn cáo buộc lẫn nhau làm leo thang căng thẳng trong khu vực.
Bản đồ Eo biển Đài Loan. Một tàu của Nhật Bản đã lần đầu tiên đi qua đây hôm 25/9 trong khi các tàu hải quân của Mỹ và đồng minh cũng làm điều tương tự trong thời gian gần đây để "tuyên bố tự do hàng hải".
Tờ báo Yomiuri của Nhật Bản hôm 26/9 đưa tin rằng tàu khu trục Sazanami của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã đi vào eo biển Đài Loan từ Biển Hoa Đông vào sáng 25/9 để gửi một thông điệp tới Bắc Kinh. Họ mất hơn 10 giờ di chuyển về phía nam để hoàn thành hành trình.
Trích dẫn nhiều nguồn tin từ chính phủ, Yomuiri cho biết rằng chuyến đi được thực hiện cùng với các tàu hải quân từ Úc và New Zealand. Tờ báo nói thêm rằng hải quân của ba quốc gia này đã lên lịch tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Đông bắt đầu từ ngày 25/9.
Tổng thư ký Nội các Nhật Bản Yoshimasa Hayashi từ chối bình luận về thông tin này, nhưng bày tỏ lo ngại về hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc trong khu vực.
"Chúng tôi có cảm giác khủng hoảng mạnh khi các vụ vi phạm không phận liên tiếp xảy ra trong một thời gian ngắn", ông phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ. "Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi tình hình với sự quan tâm lớn".
Nhật Bản đã phản ứng trước các hoạt động quân sự gia tăng của Trung Quốc bằng một đợt tăng cường quốc phòng mà họ cho là nhằm ngăn chặn Bắc Kinh sử dụng vũ lực để thúc đẩy các yêu sách lãnh thổ của mình trong khu vực.
Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm đã chỉ trích việc tàu Nhật Bản đi qua Eo biển Đài Loan, nói rằng nó đi ngược lại sự hiểu biết chung về nguyên tắc một Trung Quốc.
"Phía Trung Quốc cảnh giác với các ý định chính trị của phía Nhật Bản và đã đệ trình các phản đối nghiêm túc", ông Lâm phát biểu tại một cuộc họp báo.
"Chúng tôi kêu gọi phía Nhật Bản tôn trọng cam kết của mình về vấn đề Đài Loan, thận trọng trong lời nói và hành động, và kiềm chế không cản trở quan hệ Trung-Nhật và hòa bình ở Eo biển Đài Loan".
Nhật báo Yomiuri cho biết Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản cho đến gần đây vẫn tránh đi qua vùng biển này để không làm Bắc Kinh tức giận, trong bối cảnh Bắc Kinh tuyên bố chỉ mình họ thực hiện chủ quyền và quyền tài phán đối với eo biển này. Trung Quốc tuyên bố Đài Loan do chính quyền dân chủ quản lý là của riêng mình.
Bộ Quốc phòng Đài Loan hôm 26/9 đã lên tiếng báo động về hoạt động quân sự gia tăng trở lại của Trung Quốc xung quanh hòn đảo và các cuộc tập trận bắn đạn thật. Chính phủ Đài Loan bác bỏ các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc.
Hải quân Hoa Kỳ và các nước khác thỉnh thoảng đi qua Eo biển Đài Loan để tuyên bố "tự do hàng hải". Hải quân Đức cũng đã thực hiện chuyến di chuyển qua đây trong tháng này lần đầu tiên sau hai thập kỷ, thể hiện quyết tâm của Berlin trong việc sát cánh cùng các đồng minh phương Tây.
New Zealand cho biết riêng rằng các tàu hải quân của nước này và Úc đã đi qua Eo biển Đài Loan hôm 25/9, và mô tả đây là hoạt động thường lệ phù hợp với luật pháp quốc tế. Họ không đề cập đến Nhật Bản.
Khi được hỏi về các hoạt động đó, ông Lâm, người phát ngôn của Trung Quốc, cho biết : "Chúng tôi sẽ duy trì mức độ cảnh giác cao đối với bất kỳ hành động nào có thể gây nguy hiểm cho chủ quyền và an ninh của Trung Quốc".
Hôm 25/9, Bắc Kinh cho biết họ đã thực hiện thành công một vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiếm hoi vào Thái Bình Dương, trong khi các nhà lãnh đạo của nhóm 'Bộ tứ' gồm Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ tuần trước đã mở rộng các bước an ninh chung ở vùng biển châu Á do lo ngại chung về Trung Quốc.
Reuters
Nguồn : VOA, 26/09/2024
*****************************
Truyền thông Nhật Bản : Lần đầu tiên Tokyo điều tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan
Thùy Dương, RFI, 26/09/2024
Truyền thông Nhật Bản loan báo một tàu khu trục của nước này hôm nay 26/09/2024 lần đầu tiên đã đi qua eo biển Đài Loan, một tuần sau khi tàu sân bay Liêu Ninh và hai tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường của Trung Quốc đến gần hai đảo của Nhật Bản.
Tàu khu trục Sazanami của Nhật Bản tại cảng Trạm Giang, Trung Quốc, ngày 24/06/2008. (Photo : AFP)
Theo trang mạng NHK của Nhật Bản, tàu khu trục Sazanami đã đi qua eo biển này theo hướng từ bắc xuống nam để tham gia một cuộc tập trận đa phương ở Biển Đông. Tuy nhiên, chuyến đi đầu tiên của một tàu khu trục Nhật Bản đến eo biển Đài Loan dường như cũng nhằm nhấn mạnh đến tự do hàng hải.
Theo AFP, phát ngôn viên chính phủ Nhật Bản Yoshimasa Hayashi đã từ chối bình luận về thông tin này trong buổi họp báo thường lệ, với lý do đây là thông tin liên quan đến các hoạt động quân sự của Nhật. Trong khi đó, nhật báo Yomiuri Shimbun, trích dẫn các nguồn tin ẩn danh của chính phủ, khẳng định chính thủ tướng Nhật Fumio Kishida đã ra lệnh cho tàu chiến đi qua eo biển Đài Loan, bởi ông lo ngại nếu Tokyo không có hành động đáp trả vụ các tàu chiến Trung Quốc hôm 18/09 lần đầu tiên đi vào vùng biển giữa các đảo Yonaguni và Iriomote, vùng biển tiếp giáp với lãnh hải Nhật Bản và nằm gần Đài Loan, thì sẽ càng thúc đẩy Bắc Kinh làm điều tương tự. Tokyo xem việc Trung Quốc điều tàu chiến đến gần các đảo của Nhật là hành vi khiêu thích về chủ quyền lãnh thổ "hoàn toàn không thể chấp nhận được".
Về phía Trung Quốc, ông Lâm Kiếm (Lin Jian), phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao, hôm nay khẳng định Bắc Kinh"rất cảnh giác trước các ý đồ chính trị của Nhật Bản và đã bày tỏ sự phản đối cứng rắn với Tokyo". Xin nhắc lại, Bắc Kinh luôn coi Đài Loan là một vùng lãnh thổ của Trung Quốc và cần được thu hồi, kể cả bằng vũ lực. Vì thế, Trung Quốc vẫn phản đối việc các nước cho tàu đi qua eo biển Đài Loan mà không có sự cho phép của Bắc Kinh.
Tàu chiến của New Zeland và Úc cũng đi qua eo biển Đài Loan
Theo AFP, hôm nay hai tàu quân sự của New Zeland và Úc cũng đi qua eo biển Đài Loan để khẳng định "quyền tự do hàng hải". Đối với New Zeland, đây là lần đầu tiên từ 7 năm qua chính quyền Wellington cho tàu quân sự đến vùng eo biển Đài Loan.
Thùy Dương