Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

28/09/2024

Chế độ quân phiệt Miến Điện muốn đối thoại

RFI tổng hợp

Miến Điện : Đề xuất đình chiến của tập đoàn quân sự bị phe nổi dậy bác bỏ

Thùy Dương, RFI, 28/09/2024

Chỉ vài giờ sau khi bất ngờ đề nghị các nhóm vũ trang - nổi dậy đình chiến để bắt đầu các cuộc thương lượng nhằm chấm dứt nội chiến và sau khi bị hai nhóm nổi dậy chính từ chối, tập đoàn quân sự cầm quyền ở Miền Điện hôm 27/09/2024 đã tiến hành hai vụ oanh kích nhắm vào một thành phố do phe đối lập kiểm soát.

miendien3

Lực lượng nổi dậy Karen và Lực lượng Phòng vệ Dân sự (PDF) bắt giữ tù binh, bang Kayin. Ảnh chụp ngày 11/03/2024. AP

Hai lực lượng bác bỏ đàm phán là Liên minh Dân chủ Dân tộc Miến Điện (MNDAA), chiếm lĩnh Lashio, bang Shan ở miền bắc, và Lực lượng Phòng vệ của Nhân Dân (PDF), tức lực lượng vũ trang của Chính phủ Đoàn kết Dân tộc, gồm nhiều thành viên của chính phủ dân sự Aung San Suu Kyi, giới quân sự đảo chính lật đổ.

Thành phố bị tập đoàn quân sự Miến Điện oanh kích là Lashio, bang Shan. Một người dân thành phố Lashio, xin giấu tên để bảo đảm an toàn của bản thân, kể với hãng tin Pháp AFP là "có 2 vụ nổ" và họ nghe nói rằng có 5 người chết, nhiều người bị thương. Một nhà ngoại giao làm việc tại Rangoun, cũng xin ẩn danh, thì cho rằng không có gì cho thấy đôi bên hướng tới "một đối thoại nghiêm túc".

Trả lời AFP, lực lượng nổi dậy Liên minh Quốc gia Karen, hoạt động tại vùng biên giới Thái Lan, khẳng định là thương lượng chỉ có thể nếu quân đội đứng ngoài chính trị, chấp nhận Hiến Pháp mới và nhận trách nhiệm về "các tội ác chiến tranh và tội ác chống nhân loại", điều mà các nhà phân tích chỉ ra rằng rất khó được tập đoàn quân sự chấp thuận. Trên đài RFI Pháp ngữ, nhà dân tộc học Bénédicte Brac de la Perrière, chuyên gia về Miến Điện, thuộc Trung Tâm Đông Nam Á (CASE), Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS), giải thích thêm :

"Có một số chuyện mới xảy ra gần đây, nhất là những nỗ lực của tập đoàn quân sự để giành lại một số thành phố quan trọng mà họ xem là lằn ranh đỏ trong việc duy trì quyền lực ở mức tối thiểu đối với các vùng lãnh thổ của Miến Điện. Trên thực địa, họ lâm vào thế yếu. Ngoài ra, còn có các trận lũ lụt, tập đoàn quân sự không thể xử lý được tình huống này và họ đã đành phải đề nghị quốc tế cứu trợ.

Thế nên, tập đoàn quân sự đã cố gắng đề xuất một điều gì đó có thể thúc đẩy các phe nổi dậy chấm dứt giao tranh. Nhưng trên thực tế, không bên nào ngừng chiến cả. Mục đích của các lực lượng nổi dậy là buộc quân đội Miến Điện từ bỏ quyền lực và không can dự vào chính trị nữa. Đó là mục đích của tất cả các lực lượng nổi dậy. Nếu có một điểm mà tất cả các phe nổi dậy đều nhất trí với nhau, thì đó chính là điểm này".

Cũng theo giới phân tích, đề xuất đình chiến của tập đoàn quân sự cầm quyền Miến Điện còn là một cử chỉ thể hiện thiện chí với Bắc Kinh - một đồng minh quan trọng của các tướng lĩnh cầm quyền ở Miến Điện, với rất nhiều dự án quan trọng ở nước này trong khuôn khổ Sáng Kiến Những Con Đường Tơ Lụa Mới. Hôm qua, một phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định Bắc Kinh hy vọng tất cả các bên liên quan ngưng chiến và đàm phán.

Thùy Dương

****************************

Tập đoàn quân sự kêu gọi các nhóm vũ trang ngừng chiến để đối thoại

Anh Vũ, RFI, 27/09/2024

Theo AFP ngày 26/09/2024, sau ba năm lao vào cuộc chiến đầy chết chóc với các nhóm sắc tộc thiểu số ở miền bắc, chính quyền quân sự Miến Điện đã bất ngờ kêu gọi các nhóm vũ trang nổi dậy chấm dứt chiến sự và bắt đầu các cuộc đàm phán hòa bình.

miendien1

Miến Điện : Lính của lực lượng thiểu số Karen thu thập vũ khí và đạn dược sau khi kiểm soát đồn ở Myawaddy. Ảnh ngày 11/03/2024. AP

Trong thông cáo hôm 26/09/2024 chính quyền quân sự tuyên bố: "Chúng tôi kêu gọi các nhóm vũ trang, các nhóm nổi dậy khủng bố và các nhóm khủng bố PDF – Lực lượng phòng vệ của dân tộc - đang chiến đầu chống lại quốc gia, hãy từ bỏ cuộc chiến khủng bố và liên lạc với chúng tội để giải quyết các vấn đề chính trị".

Đề nghị đối thoại bất ngờ này được đưa ra sau khi quân đội chính phủ Miến Điện phải hứng chịu một loạt các thất bại quân sự lớn trước các nhóm sắc tộc nổi dậy cũ và cả những lực lượng đòi dân chủ mới hình thành sau cuộc đảo chính hồi tháng Hai 2021.

Cuộc xung đột kéo dài đã làm chính quyền quân sự suy yếu nhiều về mặt quân sự cũng như về kinh tế. Cơn bão Yagi và lũ lụt đã gây thiệt hại lớn về người và vật chất, khiến chính quyền Miến Điện hồi giữa tháng này phải kêu gọi viện trợ quốc tế.

Từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chính phủ của bà Aung San Suu Ky tháng 2/2021, chính quyền quân sự liên tiếp phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng, từ nhân đạo đến an ninh, chính trị. Các phong trào phản kháng trong nước nổi lên liên kết với các nhóm vũ trang sắc tộc thiểu số đã có từ hàng thập kỷ nay, mở rộng các cuộc tấn công chống lại chính quyền, đặc biệt ở các vùng biên giới phía bắc trong thời gian gần đây.

Miến Điện rơi vào tình trạng nội chiến thực sự. Gần 6.000 thường dân bị chết, hàng chục nghìn người bị bắt trong các cuộc đàn áp phong trào phản kháng. Theo Liên Hiệp Quốc, những tháng qua, hơn ba triệu người ở Miến Điện đã phải bỏ nhà cửa chạy khỏi các cuộc xung đột vũ trang.   

Anh Vũ

******************************

Mưa lũ do bão Yagi : Chính quyền quân sự Miến Điện kêu gọi quốc tế cứu trợ

Thanh Phương, RFI, 14/09/2024

Lãnh đạo tập đoàn quân sự Miến Điện Min Aung Hlaing đã kêu gọi quốc tế cứu trợ, sau khi các trận lũ lụt đã khiến ít nhất 33 người chết, theo số liệu thống kê chính thức và buộc khoảng 235.000 người phải rời bỏ nhà cửa, theo tin của báo chí nhà nước hôm nay, 14/09/2024. Hiếm khi nào tập đoàn quân sự Miến Điện phải kêu gọi đến sự trợ giúp của quốc tế. 

miendien2

Bão Yagi gây mưa lũ, ngập lụt ở miền bắc Việt Nam, làng An Lạc, Hà Nội, Việt Nam, ngày 13/09/2024.. AP - Hau Dinh

Các trận lũ lụt do ảnh hưởng của bão Yagi làm trầm trọng thêm cảnh khốn cùng của một quốc gia đang gặp khủng hoảng về an ninh, chính trị và nhân đạo kể từ sau cuộc đảo chính quân sự lật đổ chế độ dân cử của bà Aung San Suu Kyi.

Theo nhật báo Global New Light of Myanmar, hôm qua 13/09, lãnh đạo tập đoàn quân sự Min Aung Hlaing cho biết các quan chức của chính phủ phải liên lạc với nước ngoài để nhận cứu trợ cho nạn nhân lũ lụt. Trong quá khứ, chính quyền quân sự Miến Điện vẫn ngăn chận viện trợ của quốc tế, hoặc phá hỏng các chương trình trợ giúp của nước ngoài.

Vào giữa tháng 6/2023, họ đã ngưng cấp phép đi lại cho các nhân viên một tổ chức phi chính phủ đang tìm cách cứu trợ cho khoảng 1 triệu nạn nhân của cơn bão Mocha ở miền tây Miến Điện. Trước đó, vào năm 2008, sau cơn bão Nargis khiến 138.000 người thiệt mạng, tập đoàn quân sự cầm quyền vào thời đó bị cáo buộc đã ngăn chận cứu trợ khẩn cấp và ban đầu không chịu cấp phép cho các nhân viên hoạt động nhân đạo và hàng viện trợ nhân đạo.

Còn tại Việt Nam, theo số liệu thống kê mới nhất được đăng trên báo trong nước, tính đến 6 giờ sáng nay, bão Yagi và các trận mưa lũ đã khiến tổng cộng 262 người thiệt mạng, 83 người còn mất tích. Lào Cai là địa phương thiệt hại nặng nề nhất sau bão Yagi, mưa lũ với 111 người chết và 61 người mất tích.

Tại Lào, nước dâng cao từ sông Mekong cũng gây ngập lụt ở thủ đô Vientiane.

Thanh Phương

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Anh Vũ, Thanh Phương
Read 103 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)