Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

05/10/2024

Biển Đông : Bắc Kinh ném đá dò đường để lấn chiếm thêm đảo

VOA - RFI

Bắc Kinh thử thách quyết tâm của khu vực trong vấn đề Biển Đông

VOA, 05/10/2024

Trong khi Mỹ và các quốc gia khác có cùng chí hướng tổ chức các cuộc tập trận chung ở Biển Đông thì các tàu của Trung Quốc đã hung hăng khẳng định các yêu sách lãnh thổ của Bắc Kinh trên tuyến đường thủy đang tranh chấp gay gắt này, thử thách quyết tâm của Philippines, Malaysia và Việt Nam.

biendong1

Tàu Cảnh sát Biển Trung Quốc bắn vòi rồng vào tàu tiếp tế của Philippines cho Bãi Cỏ Mây ngày 5/3/2024.

Tuần trước, hôm 26 tháng 9, Trung Quốc đã sử dụng hai tàu phi đạn và một tia laser cường độ cao để phá vỡ nỗ lực của Philippines khi Manila muốn cung cấp hàng tiếp tế cho ngư dân địa phương gần Bãi Trăng Khuyết, một đảo san hô nằm trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Manila.

Hôm 29/9, tin cho hay lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã tấn công ngư dân Việt Nam bằng ống sắt, tịch thu thiết bị đánh cá gần quần đảo Hoàng Sa.

Một phúc trình mới của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á có trụ sở tại Washington công bố hôm 1/10 đã nêu bật cách các tàu tuần duyên Trung Quốc hoạt động "suốt ngày đêm" trong năm nay tại vùng biển mà Malaysia tuyên bố chủ quyền khi quốc gia giàu tài nguyên này đang cố gắng mở rộng hoạt động thăm dò dầu khí ở Biển Đông.

Vào ngày 3/10, tờ Washington Post cũng đưa tin rằng các tàu Trung Quốc đã phá hoại việc sửa chữa và xây dựng các tuyến cáp ngầm chạy dưới Biển Đông.

Trung Quốc củng cố

Các nhà phân tích cho biết những hành động này cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng thử thách quyết tâm của các nước trong khu vực nhằm bảo vệ các yêu sách lãnh thổ của họ vào thời điểm Hoa Kỳ đang tập trung vào cuộc xung đột ở Trung Đông.

Ông Collin Koh, một chuyên gia an ninh hàng hải tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam có trụ sở tại Singapore, nói : "Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Trung Đông đã khuyến khích Trung Quốc và tạo điều kiện cho họ thử thách người Mỹ hơn nữa ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương".

Ông nói thêm rằng Bắc Kinh đang sử dụng các hành động vật lý và đấu tranh pháp lý để cố gắng thay đổi hoàn toàn tình hình ở Biển Đông.

Philippines đã mô tả hành vi quấy rối tàu thuyền của Bắc Kinh là "vô trách nhiệm, nguy hiểm và khiêu khích", trong khi Hà Nội cho biết vụ tấn công vào ngư dân Việt Nam đã vi phạm chủ quyền của mình và luật pháp quốc tế.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc không trả lời yêu cầu của VOA liên quan đến hành vi quấy rối tàu thuyền của Philippines.

Bình luận về vụ tấn công ngư dân, Bắc Kinh tuyên bố lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đã ngăn chặn ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trái phép gần quần đảo Hoàng Sa, mà Trung Quốc gọi là Tây Sa. Quần đảo này cách Trung Quốc và Việt Nam một khoảng cách bằng nhau, nhưng Bắc Kinh đã duy trì quyền kiểm soát trên thực tế đối với các đảo này kể từ khi chiếm giữ chúng vào năm 1974 sau một cuộc đụng độ với lực lượng Việt Nam Cộng hòa.

Trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã cải tạo đất đai và thiết lập các cơ sở quân sự tại quần đảo Hoàng Sa, bao gồm một đường băng và bến cảng nhân tạo.

Mặt trận mới

Ông Koh nói với VOA rằng vụ việc gần Bãi Trăng Khuyết, xảy ra sau khi tàu tuần duyên Trung Quốc và Philippines va chạm hai lần gần bãi cạn Sa Bin kể từ tháng 8, cho thấy Bắc Kinh có thể đang "mở một mặt trận mới" chống lại Manila.

"Philippines muốn áp dụng thỏa thuận tạm thời mà họ đã đạt được với Trung Quốc về Bãi Cỏ Mây vào tháng 7 đối với các rạn san hô đang tranh chấp khác ở Biển Đông, nhưng tôi không nghĩ rằng Trung Quốc muốn mở rộng thỏa thuận trên khắp khu vực", ông nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Trong khi Hoa Kỳ và các nước khác, bao gồm Úc, Nhật Bản và New Zealand, đã tiến hành nhiều cuộc tuần tra chung hơn ở Biển Đông để chống lại hành động xâm lược của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng điều đó dường như không có tác dụng gì nhiều trong việc ngăn chặn khả năng của Bắc Kinh thách thức các nước láng giềng trong khu vực.

Ông Stephen Nagy, một chuyên gia an ninh khu vực tại Đại học Cơ đốc giáo Quốc tế ở Nhật Bản, đã nói với VOA qua điện thoại rằng "Cần phải có nhiều hợp tác song phương cụ thể hơn giữa các nước trong khu vực như Việt Nam và Philippines, bao gồm các cuộc tập trận chung, mở rộng các hoạt động nhận thức về phạm vi hàng hải hoặc các cuộc diễn tập tìm kiếm và cứu nạn".

Vào tháng 1, Việt Nam và Philippines đã ký một thỏa thuận nhằm thúc đẩy hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát Biển đôi bên để ngăn ngừa các sự cố ở Biển Đông. Sau đó, vào tháng 8, Manila và Hà Nội đã tổ chức cuộc tập trận chung đầu tiên của lực lượng Cảnh sát Biển, tập trung vào chữa cháy, cứu hộ và ứng phó y tế tại Vịnh Manila.

Ngoài hợp tác song phương giữa Philippines và Việt Nam, một số nhà quan sát khu vực cho rằng tất cả các nước Đông Nam Á có yêu sách lãnh thổ cạnh tranh với Trung Quốc ở Biển Đông nên xem xét khả năng thành lập một liên minh khu vực.

Một cơ chế như vậy "có khả năng phát triển thành một liên minh bảo vệ bờ biển được thiết kế riêng để giải quyết các hành động của Trung Quốc trong khu vực, và một liên minh như vậy sẽ tạo ra sự răn đe mạnh mẽ hơn và có thể bảo vệ hiệu quả hơn lợi ích của các quốc gia này ở Biển Đông", Đặng Duẩn, một nhà phân tích an ninh hàng hải tại Việt Nam, trả lời VOA trong một phản hồi bằng văn bản.

Tuy nhiên, ông cho biết Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á "có vẻ quá yếu và chia rẽ" về các vấn đề liên quan đến Biển Đông để có thể đưa ra một mặt trận thống nhất.

Trong lúc Hoa Kỳ và Nhật Bản đều chuẩn bị cho các cuộc bầu cử lớn trong những tuần tới, ông Nagy cho rằng Trung Quốc cũng đang cố gắng sử dụng "cơ hội" này để cố gắng "thu thập một số lợi ích chiến lược" ở Biển Đông

Nguồn : VOA, 05/10/2024

***************************

Mỹ, EU, Philippines quan ngại về hành động của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam

VOA, 05/10/2024

Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và Philippines vừa đưa ra những tuyên bố lên án vụ tàu hải cảnh Trung Quốc tấn công tàu cá của ngư dân Việt Nam, khiến 10 người bị thương, giữa lúc Washington và các đồng minh cam kết tăng cường an ninh hàng hải ở khu vực.

biendong2

Ảnh một tàu của Lực lượng Hải cảnh Trung Quốc.

"Mỹ quan ngại sâu sắc trước các báo cáo về hành động nguy hiểm của các tàu thực thi pháp luật của Trung Quốc đối với tàu cá Việt Nam quanh quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9", ông Mathew Miller, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết hôm 3/10 trên trang X.

"Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc chấm dứt hành vi nguy hiểm và gây bất ổn ở Biển Đông", ông Miller bày tỏ.

Cũng hôm 3/10, phái đoàn Liên hiệp Châu Âu (EU) tại Việt Nam bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về các báo cáo đề cập tới một vụ việc "nghiêm trọng" ở quần đảo Hoàng Sa liên quan đến một tàu cá Việt Nam và một tàu Cảnh sát biển Trung Quốc vào ngày 29/9.

EU nói rằng cần phải duy trì và tôn trọng mọi lúc moi nơi Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) và các chuẩn mực quốc tế khác liên quan đến sự an toàn cho tính mạng con người trên biển. "Điều này đặc biệt bao gồm việc cấm sử dụng vũ lực hoặc cưỡng ép", EU nhấn mạnh.

"EU lên án mọi hành động phi pháp, leo thang và cưỡng ép làm suy yếu các nguyên tắc kể trên của luật pháp quốc tế cũng như đe dọa tới hòa bình và ổn định trong khu vực", phái đoàn EU nêu rõ và "kêu gọi giảm căng thẳng" đồng thời nói rằng EU "luôn cam kết hỗ trợ các đối tác của mình tìm cách thực hiện các quyền hợp pháp của họ, trong khu vực và xa hơn nữa".

Philippines, quốc gia trong vài năm qua liên tục có mối quan hệ đầy căng thẳng với Trung Quốc trong vùng biển tranh chấp, hôm 4/10 cũng tỏ rõ quan điểm đứng về phía Hà Nội.

"Chúng tôi lên án mạnh mẽ các hành động bạo lực và bất hợp pháp của lực lượng hải cảnh Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9/2024", Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo M. Ano cho biết trong tuyên bố ngày 4/10, nói thêm rằng việc 10 ngư dân bị thương và tài sản bị hư hỏng là "hành động đáng báo động, không có chỗ đứng trong quan hệ quốc tế".

Ông Ano đưa ra nhận định rằng việc sử dụng vũ lực như vậy đối với ngư dân dân sự là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước UNCLOS, vi phạm các phép lịch sự cơ bản của con người.

"Chúng tôi sát cánh cùng Việt Nam trong việc tố cáo hành động nghiêm trọng này và kêu gọi về trách nhiệm giải trình. Trung Quốc phải tuân thủ luật hàng hải quốc tế và chấm dứt mọi hoạt động thù địch gây nguy hiểm đến tính mạng và sinh kế của các thủy thủ dân sự", Bộ trưởng Año nói thêm.

Cũng hôm 4/10, Bộ Ngoại giao Philippines đưa ra quan điểm tương tự, nói rằng "Philippines liên tục lên án việc sử dụng vũ lực, gây hấn và đe dọa ở Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh việc các bên thực sự cần phải tự kiềm chế", theo trang Inquirer.

Các nhà ngoại giao các nước phương Tây tại Hà Nội gồm Đại sứ Australia Andrew Goledzinowski và Đại sứ Anh Iain Frew cũng đưa ra lời kêu gọi tương tự trên trang X.

VOA đã liên lạc với đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, Washington, Manila và Bộ Ngoại giao Trung Quốc, đề nghị họ đưa ra bình luận đề các phát biểu trên, nhưng chưa được phản hồi.

biendong3

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng (MOFA via Bao Quoc te)

Trước đó, hôm 2/10, chính quyền Việt Nam "mạnh mẽ phản đối" việc lực lượng chấp pháp Trung Quốc đánh bị thương ngư dân Việt Nam ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, nơi mà Hà Nội tuyên bố chủ quyền nhưng đã bị Bắc Kinh chiếm đóng và quản lý hơn 50 năm qua.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nói rằng lực lượng Trung Quốc "trấn áp, đánh bị thương, tịch thu tài sản" của ngư dân Việt Nam trên tàu cá QNg 95739 TS thuộc tỉnh Quảng Ngãi trong khi con tàu này đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa vào ngày 29/9.

"Việt Nam hết sức quan ngại, bất bình và kiên quyết phản đối cách hành xử thô bạo của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc đối với ngư dân và tàu cá Việt Nam", bà Hằng nói, cho biết thêm rằng cơ quan hữu quan của Việt Nam đã "giao thiệp nghiêm khắc" với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội, yêu cầu Bắc Kinh không tái diễn các hành động tương tự.

Tuy nhiên, Trung Quốc phủ nhận việc lực lượng của họ đã "tiếp cận mạnh tay" để ngăn chặn tàu thuyền Việt Nam hoạt động trong vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.

Đến nay, phía Trung Quốc vẫn chưa phản hồi tuyên bố của Hà Nội. Trước đó, hôm 1/10, hãng tin Reuters loan tin rằng phía Trung Quốc cho biết cơ quan chức năng của họ "đã ngăn chặn các tàu đánh cá Việt Nam đang đánh bắt trái phép". Bắc Kinh nói : "Các hoạt động tại chỗ rất chuyên nghiệp và hạn chế và không có việc xảy ra thương tích".

Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, khoảng 40 nhân viên Trung Quốc đã đánh các ngư dân nói trên bằng gậy sắt, khiến ít nhất 4 người bị thương nặng và phải nhập viện sau khi họ về đến đất liền hôm 30/9. Lực lượng Trung Quốc cũng được cho là đã đập phá thiết bị đánh bắt cá và lấy đi số cá đánh bắt được của nhóm ngư dân.

Ý kiến của giới quan sát

Giới quan sát nhận định rằng cộng đồng quốc tế cần lên án hành động "tàn ác" của lực lượng chấp pháp Trung Quốc, gọi đó là hành động tấn công vô cớ, đập cướp phi pháp, đồng thời kêu gọi cần có biện pháp ngăn chặn hữu hiệu những hành động như vậy.

"Bộ Ngoại giao Mỹ, EU, Philippines cùng lên tiếng. Vấn đề [tranh chấp] Biển Đông, xảy ra từ lâu lắm rồi, nhưng nay các nước cùng lên tiếng để hỗ trợ Việt Nam. Nhờ sự can thiệp hay lên tiếng của Hoa Kỳ, EU, thì Trung Quốc có thể sẽ bớt đi sự hung hăng hay bắt nạt", ông Nguyễn Sơn Hà, một người Việt sinh sống tại Pháp, nêu ý kiến với VOA.

Tuy nhiên, từ Brussels, Bỉ, ở một góc nhìn khác, ông Nguyễn Hoàng Hải, một người theo dõi các quan hệ ngoại giao của Việt Nam với Châu Âu, nêu nhận định qua tin nhắn với VOA hôm 4/10 rằng các phát biểu trên, cụ thể là của EU, phần lớn, "mang tính ngoại giao", và "không có trọng lượng gì đáng kể" so với "tính hung hăng", "chiến lược diều hâu" đang trên đà thắng thế của Trung Quốc sau thời gian dài giằng co, bắt nạt Philippines.

"Việc Philippines ủng hộ Việt Nam là điều hết sức tự nhiên, cả hai quốc gia đều bị Trung Quốc chèn ép trên Biển Đông", ông Hải nhận xét, nói thêm rằng Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam và Tổng thống Philippines đã từng có hội đàm về Biển đông và cả Hà Nội lẫn Manila cũng đã có "những chỉ dấu là đồng minh của nhau trong việc ứng xử với Trung Quốc trên Biển Đông".

Ngoài Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Brunei và Đài Loan, cũng có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Hoa Kỳ không có yêu sách gì ở vùng biển tranh chấp, nhưng đã triển khai tàu hải quân và máy bay chiến đấu của không quân để tuần tra vùng biển này và thúc đẩy tự do hàng hải và hàng không.

Philippines và các đồng minh khác của Hoa Kỳ trong khối EU cũng cam kết thực hiện một chính sách Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thông thoáng, rộng mở do Washington dẫn đầu.

Trung Quốc đã cảnh báo Mỹ là chớ can thiệp vào những gì nước này cho là tranh chấp thuần túy ở Châu Á.

Nguồn : VOA, 05/10/2024

******************************

Philippines lên án Trung Quốc tấn công ngư dân Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa

Trọng Thành, RFI, 05/10/2024

Hôm 04/10/2024, cố vấn An ninh Quốc gia Philippines, Eduardo Ano, tuyên bố Manila đứng về phía Việt Nam trong việc lên án "hành động nghiêm trọng" của Trung Quốc hôm Chủ Nhật 29/09/2024, với "cuộc tấn công không thể biện minh" nhắm vào ngư dân Việt Nam tại vùng biển tranh chấp ở Biển Đông.

biendong4

"Thành phố Tam Sa" mà Trung Quốc dựng lên tại quần đảo Hoàng Sa chiếm của Việt Nam. Ảnh chụp ngày 27/07/2012. STR / AFP

Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines nhấn mạnh "việc sử dụng vũ lực như vậy đối với dân thường là vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế, và vi phạm phẩm giá cơ bản của con người". Cũng trong ngày hôm qua, bộ Ngoại Giao Philippines thông báo đã nhận được thông tin về "sự cố nghiêm trọng" giữa ngư dân Việt Nam và tàu công vụ Trung Quốc và "nhấn mạnh đến việc các bên phải thực sự kiềm chế".

Về phản ứng nói trên của chính quyền Philippines, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc hôm nay, 05/10/2024, có bài tố cáo Manila "quốc tế hóa" một "xung đột xảy ra khá thường xuyên giữa ngư dân Việt Nam và lực lượng chấp pháp Trung Quốc", có thể được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

Tuyên bố lên án Trung Quốc của Manila được đưa ra hai ngày sau khi bộ Ngoại Giao Việt Nam chính thức lên án Bắc Kinh về vụ tấn công "gây thương tích, đe dọa đến tính mạng và gây thiệt hại về tài sản của ngư dân Việt Nam", "vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, đi ngược nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước về kiểm soát và quản lý tốt hơn tranh chấp trên biển".

Theo báo chí Việt Nam, khoảng 40 nhân viên công vụ Trung Quốc đã xông lên tàu cá QNg 95739 TS (tỉnh Quảng Ngãi), đánh đập các thủy thủ trên tàu bằng gậy sắt, khiến 4 người bị thương nặng, đập phá và tước đi toàn bộ hải sản đã đánh bắt và trang thiết bị trên tàu.

Trọng Thành

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: VOA tiếng Việt, Trọng Thành
Read 142 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)