Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

08/10/2024

Chuyến thăm Mông Cổ và Pháp của Tô Lâm trong veo dưới mắt quốc tế

Nhiều nguồn tin

Việt Nam và Pháp nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện

Trọng Thành, RFI, 08/10/2024

Hôm 07/10/2024, trong ngày thứ hai của chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm và tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Chiến lược Toàn diện. Quyết định nâng cấp quan hệ song phương được đưa ra trong chuyến thăm chính thức Pháp đầu tiên của nguyên thủ quốc gia Việt Nam từ 22 năm nay.

viengtham1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bắt tay chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm trong cuộc họp báo chung tại Điện Elysee, Paris, Pháp, ngày 07/10/2024. AFP – Terasa Suarez

Pháp trở thành nước thứ 8 và là nước đầu tiên của Liên Hiệp Châu Âu có quan hệ cấp Đối tác Chiến lược Toàn diện với Việt Nam.

Tuyên bố chung của lãnh đạo hai bên nhấn mạnh trước hết đến việc "làm sâu sắc hơn hợp tác chính trị trước những thách thức quốc tế", cụ thể là thúc đẩy quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng bình đẳng, chủ quyền, độc lập, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của mỗi bên.

Trong phần "hợp tác chính trị", hai bên cam kết "duy trì trao đổi và tiếp xúc cấp cao thông qua tất cả các kênh giữa chính quyền Pháp với Đảng Cộng Sản, chính phủ, Quốc hội và chính quyền địa phương Việt Nam".

Hợp tác an ninh - quốc phòng là một trụ cột của quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt – Pháp. Hai bên cam kết sớm tổ chức "Đối thoại chiến lược an ninh - quốc phòng", "tạo động lực mới cho hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng thông qua nghiên cứu, đề xuất và triển khai các dự án mang tính cơ cấu". "Việt Nam sẽ tạo thuận lợi cho các tàu quân sự của Pháp cập cảng Việt Nam…., nhằm phát triển hợp tác và trao đổi chuyên môn giữa hải quân và lực lượng cảnh sát biển hai nước".

Về Biển Đông, vùng biển mà Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền với khoảng 90% diện tích, Pháp và Việt Nam "phản đối mạnh mẽ mọi hình thức đe dọa sử dụng vũ lực hoặc sử dụng vũ lực trái với luật pháp quốc tế", "tái khẳng định cam kết duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông", "tôn trọng đầy đủ Công ước Liên Hiệp Quốc năm 1982 về Luật biển".

Hai bên cũng "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được một nền hòa bình toàn diện, công bằng và bền vững tại Ukraina, phù hợp với luật pháp quốc tế và trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc".

Trong cuộc họp báo chung với lãnh đạo Việt Nam Tô Lâm, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã ca ngợi "thành công ngoạn mục của Việt Nam (về kinh tế) mang lại các cơ hội mới cho nhiều dự án chung trong các lĩnh vực hàng không, cơ sở hạ tầng, y tế, quốc phòng, nông nghiệp và năng lượng".

Theo Thông Tấn Xã Việt Nam, ngày hôm qua, trong buổi gặp chủ tịch Quốc hội Pháp, Yaël Braun-Pivet, tổng bí thư, chủ tịch nước Tô Lâm đã đề nghị Quốc hội Pháp sớm hoàn tất phê chuẩn Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam – Liên Âu (EVIPA), nhằm tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư của hai nước cũng như của Liên Âu.

Trọng Thành

*****************************

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm thăm Pháp, bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ song phương

Chi Phương, RFI, 07/10/2024

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại phủ tổng thống vào chiều nay, 07/10/2024. Hai bên ký kết một số thỏa thuận về giáo dục, an ninh và quốc phòng. Lãnh đạo Việt Nam bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ với Pháp lên một tầm cao mới.

viengtham2

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại điện Elysée, Paris, Pháp, ngày 07/10/2024. © RFI/Chiphuong

Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm được tiếp đón tại điện Élysée vào lúc 13 giờ 30, giờ địa phương. Trả lời trước báo giới, trong chuyến thăm đầu tiên tới Pháp với tư cách chủ tịch nước, tổng bí thư Tô Lâm khẳng định "Pháp luôn đóng vai trò quan trọng trong chính sách ngoại giao của Việt Nam", và bày tỏ mong muốn nâng cấp quan hệ giữa hai nước, hiện đang ở mức đối tác chiến lược. Các điều khoản cụ thể về khuôn khổ hợp tác sẽ được trao đổi vào chiều nay.

viengtham3

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, trả lời báo giới, tại điện Élysée, ngayg 07/10/2024. © RFI

Về phần mình, tổng thống Pháp khẳng định rằng Việt Nam và Pháp đều "tuân thủ luật pháp quốc tế", khi phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng hay xung đột, dù là xảy ra ở Trung Đông, Ukraine hay Biển Đông. Hai bên sẽ tăng cường hợp tác song phương, về quốc phòng, đặc biệt là trao đổi chuyên môn về hải quân và hải cảnh.

Nguyên thủ Pháp cũng nhấn mạnh đến việc hợp tác kinh tế giữa hai nước, nhất là thị trường 100 triệu dân, tạo ra những cơ hội mới, xây dựng các dự án chung trong lĩnh vực hàng không, quốc phòng và y tế. Trong lĩnh vực năng lượng, ông Macron cho biết từ nay đến cuối năm, Cơ quan phát triển Pháp (AFD) sắp tới sẽ làm việc với tập đoàn điện lực Việt Nam để hiện đại hóa hệ thống điện.

viengtham4

Lãnh đạo của Vietjet Air ký hợp đồng cung cấp động cơ và bảo dưỡng động cơ với các đối tác Pháp tại điện Élysée, Paris, Pháp, ngày 07/10/2024. © RFI

Hai bên cũng thực hiện nghi thức ký kết các văn bản hợp tác về giác dục, và đặc biệt là hợp đồng về hàng không, với sự hiện diện của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, lãnh đạo của Vietjet Air, ký hợp đồng với các đối tác Pháp về cung cấp động cơ và bảo dưỡng động cơ cho 200 máy bay của công ty hàng không Việt Nam.

Sáng nay, lễ nghi đón tiếp chuyến thăm chính thức nước Pháp của chủ tịch nước Tô Lâm đã được tổ chức tại điện Invalides, dưới sự chủ trì của bộ trưởng Quân lực Pháp Sébastien Lecornu. Theo lịch trình, tổng thư đảng cộng sản, chủ tịch nước Việt Nam gặp chủ tịch Quốc hội Pháp, chủ tịch Thượng Viện và bí thư toàn quốc đảng cộng sản Pháp

Trả lời báo chí trong nước, đại sứ Việt Nam tại Pháp, Đinh Toàn Thắng, khẳng định hai nước có nhiều điều kiện thuận lợi để "tăng cường quan hệ". Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Olivier Brochet, trả lời RFI Việt Ngữ, cũng khẳng định rằng đây là dịp để hai bên thảo luận về quan hệ đối tác chiến lược từ 11 năm nay".

Pháp là đối tác thương mại Châu Âu thứ năm của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương 7 tháng đầu năm 2024, đạt gần 3 tỷ đô la.

Chi Phương

******************************

Macron-Tô Lâm hội đàm, hướng tới nâng cấp quan hệ Pháp-Việt

VOA, 07/10/2024

Tại Điện Élysée vào ngày 7/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã tiếp và hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm, người nói trước báo giới rằng ông muốn nâng cấp quan hệ Pháp-Việt ‘lên tầm cao mới’, theo ghi nhận của VOA.

v

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đón Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. (Ảnh TTXVN)

Pháp hiện là một trong những nước Việt Nam có quan hệ ở mức ‘đối tác chiến lược’, thấp hơn một cấp so với mức ‘đối tác chiến lược toàn diện’ mà Hà Nội hiện đang có với Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật và Úc.

‘Cần nâng cấp quan hệ’

Thông cáo của Phủ Tổng thống Pháp cho biết hai nhà lãnh đạo sẽ hội đàm về các chủ đề quốc phòng và an ninh.

Tại buổi họp báo trước khi bước vào hội đàm, ông Macron nói rằng trong bối cảnh thế giới nhiều biến động như hiện nay, Pháp và Việt Nam cùng theo đuổi kim chỉ nam chung là luật pháp quốc tế, cho dù đó là cuộc khủng hoảng ở Ukraine, khủng hoảng Trung Đông hay tranh chấp trên Biển Đông.

Về phần mình, ông Tô Lâm nói rằng Việt Nam quan ngại về tình hình Ukraine, Trung Đông cũng như Biển Đông và nói rằng Hà Nội sẵn sàng làm việc cùng với Paris để tìm giải pháp hòa bình cho các cuộc xung đột này ở cấp độ khu vực cũng như quốc tế.

Ông Macron nói rằng trong lúc Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi năng lượng, kể từ giờ cho đến cuối năm, Cơ quan Phát triển Pháp sẽ phối hợp với Tập đoàn điện lực Việt Nam để hiện đại hóa lưới điện của nước này.

Về kinh tế, ông Macron đánh giá hai nước có cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực như hàng không, cơ sở hạ tầng, nông nnghiệp và năng lượng. "Chúng tôi cũng muốn cùng nhau tăng cường năng lực sáng tạo bằng cách tạo ra sự liên kết giữa hai hệ sinh thái của chúng ta", ông Macron nói tại buổi họp báo.

Ông Tô Lâm cho rằng sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm trở thành đối tác chiến lược, quan hệ Việt-Pháp đã chứng kiến những bước tiến quan trọng trong nhiều lĩnh vực. "Nước Pháp luôn là lựa chọn ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam", ông nói.

Để đáp ứng nhu cầu mối quan hệ đang phát triển cũng như để phản ứng trước những thách thức khu vực và toàn cầu, ‘hơn lúc nào hết hai nước cần phải nâng cấp quan hệ lên tầm cao mới’, ông Tô Lâm nói trước báo giới và cho biết ông cùng ông Macron sẽ bàn về vấn đề này tại cuộc hội đàm.

Các lĩnh vực mà hai nước sẽ tăng cường hợp tác, theo ông Lâm, sẽ là quốc phòng và an ninh, kinh tế, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường…

Ký kết hợp tác

Tại buổi họp báo, hai vị nguyên thủ cũng đã chứng kiến các văn kiện hợp tác giữa Bộ giáo dục hai nước và hợp đồng bảo dưỡng động cơ máy bay giữa VietJet Air của Việt Nam và các tập đoàn CFM, Safran của Pháp.

Trước khi đến Điện Élysée, ông Lâm đã được nước chủ nhà tổ chức lễ đón chính thức tại Điện Invalides, nơi tổ chức những nghi thức quan trọng của Nhà nước Pháp, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Quân lực Sébastien Lecornu, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.

Sau lễ đón, ông Lâm đã đến chào Chủ tịch Quốc hội Pháp, tức Hạ viện, bà Yael Braun-Pivet, tiếp Bí thư toàn quốc Đảng cộng sản Pháp Fabien Roussel, tiếp Chủ tịch Hội Hữu nghị Pháp - Việt Nguyễn Hải Nam.

Ngoài ra, theo lịch làm việc, ông Tô Lâm cũng hội kiến với Chủ tịch Thượng viện Pháp Gérard Larcher và đến thăm trụ sở UNESCO ở Paris.

Sau Paris, nhà lãnh đạo Việt Nam cũng đã đến thăm thành phố cảng Le Havre nằm trên bờ biển Manche, một trong những cửa ngõ quan trọng trong thương mại đường biển thế giới, và đã được Thị trưởng Edouard Philippe, vốn từng là thủ tướng Pháp, tiếp đón.

Ông Edouard Philippe, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội cảng biển quốc tế, hứa sẽ hỗ trợ kết nối cảng Việt Nam với hệ thống cảng thế giới, Thông tấn xã Việt Nam cho biết.

Nhân dịp này, hai ông Lâm và Philippe đã nhấn mạnh Biển Đông là huyết mạch vận tải hàng hoá của thế giới và tầm quan trọng của việc đảm bảo hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải ở vùng biển này, cũng theo hãng tin nhà nước Việt Nam.

Bên lề chuyến thăm, Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) Philippe Orliange đã nói với Bộ trưởng Giao thông-Vận tải Việt Nam Nguyễn Văn Thắng rằng Pháp với kinh nghiệm phát triển đường sắt cao tốc sẽ sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam phát triển lĩnh vực này, Cổng thông tin điện tử Chính phủ cho biết.

Nhân dịp đến thăm Pháp để dự hội nghị Thượng đỉnh Pháp ngữ, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng đã hội kiến Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith.

Cũng giống như chuyến thăm Mỹ của nhà lãnh đạo Việt Nam hồi cuối tháng trước, có khoảng 100 người gốc Việt từ nhiều quốc gia ở Châu Âu như Pháp, Đức, Bỉ, Hà Lan…đã đến Paris để biểu tình phản đối chuyến thăm của ông Tô Lâm, theo tìm hiểu của VOA. Tới tối ngày 7/10, phía Việt Nam chưa lên tiếng về các cuộc biểu tình này.

Nguồn : VOA, 07/10/2024

*****************************

Ông Tô Lâm thăm Mông Cổ : nhìn lại hành trình khác nhau của hai quốc gia

RFA, 07/10/2024

Hôm 1/10/2024, Tổng bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm kết thúc chuyến thăm Mông Cổ, tiếp tục lên đường thăm Ireland và hiện thăm chính thức nước Pháp. Đây là chuyến công du dài ngày, diễn ra ngay sau một chuyến công du dài ngày khác vừa kết thúc của ông Tô Lâm tới Liên Hiệp quốc, Hoa Kỳ và Cuba từ 22 đến 27/9. 

viengtham6

Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh đón Tổng bí thư - Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm tại Thủ đô Ulaanbaatar ngày 30/9/2024 - Chính phủ Việt Nam

Mông Cổ là nước có vị trí địa chiến lược khá đặc biệt : nằm giữa sa mạc, bốn phía bị bao bao quanh bởi hai cường quốc độc tài lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Nga nhưng quốc gia nhỏ bé này đã có những bước đi dân chủ hóa một cách mạnh mẽ và quyết đoán. 

Về mặt địa lý, Mông Cổ chỉ có hai láng giềng là Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, nước này đã xây dựng chương trình "đối tác láng giềng thứ ba" (the Strategic Third Neighbor Partnership) với Hoa Kỳ dù Hoa Kỳ ở phía bên kia địa cầu. Sự hợp tác này nhấn mạnh vào ba trụ cột : phát triển kinh tế, phát triển hệ thống dân chủ và phát triển hợp tác quân sự, an ninh. 

Nhiều nhà quan sát đặt ra câu hỏi tại sao Mông Cổ lại là nước được lãnh đạo Việt Nam chọn thăm ngay sau khi thăm Hoa Kỳ, Cuba. Các nhà quan sát đưa ra nhiều giải thích về mặt địa chiến lược và hai con đường trái ngược của Việt Nam và Mông Cổ sau khi Liên Xổ sụp đổ. 

Mông Cổ xích lại gần Hoa Kỳ quyết đoán hơn Việt Nam 

Năm 2019, Mông Cổ nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên "đối tác chiến lược". Bốn năm sau, năm 2023, Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên hàng "đối tác chiến lược toàn diện", tức là cao hơn mối quan hệ Hoa Kỳ - Mông Cổ một bậc. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, mối quan hệ Mông Cổ - Hoa Kỳ mới thực sự "toàn diện" và đi sâu vào phát triển các vấn đề có tính "chiến lược" hơn mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.

Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer ở Đại học UNSW Canberra điểm lại các bước đi của Mông Cổ đối với Hoa Kỳ và các đồng minh, so sánh với Việt Nam, và khẳng định rằng Mông Cổ đã nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ và các đồng minh của nước này một cách quyết đoán hơn Việt Nam. Các nguồn lực của Mông Cổ không thể so sánh với Việt Nam : dân số chưa tới 3,5 triệu người, GDP chưa đầy 22 tỷ USD, không có biển, nằm giữa sa mạc và bị bao quanh bởi Nga và Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam có hơn 100 triệu dân, GDP gấp hai mươi lần Mông Cổ, giáp với Biển Đông và nằm ở trung tâm Đông Nam Á về mặt địa lý. Theo Giáo sư Carl Thayer, Mông Cổ "không có chính sách quốc phòng bốn không" như Việt Nam. Và quan trọng hơn, "quân đội Mông Cổ đã đến Afghanistan với Hoa Kỳ !"

Luật sư Vũ Đức Khanh, Giáo sư thỉnh giảng ở Đại học Ottawa, Canada, đồng tình với nhận định của Giáo sư Carl Thayer và đồng thời cho rằng sự quyết đoán của Mông Cổ đã bắt đầu từ giai đoạn cuối cùng của Liên Xô chứ không phải đợi đến những năm gần đây. 

Năm 1911, Trung Hoa Dân Quốc sau khi lật đổ nhà Mãn Thanh đã chiếm đóng Mông Cổ. Đến năm tháng 1 năm 1921, lực lượng Bạch Vệ Nga đã đẩy lùi quân Trung Quốc và giành quyền thống trị Mông Cổ. Đến tháng 6 cùng năm, lực lượng cộng sản Nga tiến vào Mông Cổ, đánh bại Bạch Vệ Nga và dựng lên chế độ xã hội chủ nghĩa ở Mông Cổ từ đó đến năm 1991. Điểm lại lịch sử hiện đại nói trên của Mông Cổ, Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng đó là bối cảnh dẫn đến sự khác biệt giữa Mông Cổ và Việt Nam khi Liên Xô bắt đầu sụp đổ. Ông nói tiếp : 

"Tháng 12/1986, khi Đảng cộng sản Việt Nam tiến hành đại hội 6 để đổi mới, thì tháng 1 năm 1987, Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Mông Cổ, đến tháng 6, họ thành lập đại sứ quán tại thủ đô Mông Cổ Ulaanbaatar. Tức là khi Liên Xô đã tan ra và Việt Nam biết là không thể bám vào Liên Xô thì Mông Cổ đã đi xa hơn Việt Nam rồi. Năm 1991 lại là một dịp đặc biệt khác. Trước khi Liên Xô sụp đổ vào tháng 12 thì Mông Cổ đã làm một cuộc cách mạng dân chủ một cách hòa bình, xóa bỏ chủ nghĩa cộng sản ở Mông Cổ".

Với những bước đi như vậy, Luật sư Vũ Đức Khanh đồng tình với Giáo sư Carl Thayer rằng Mông Cổ đã có những bước đi quyết đoán hơn Việt Nam trong quan hệ với Mỹ. Theo Luật sư Khanh, Việt Nam chỉ loay hoay với chính sách đu dây, còn Mông Cổ dứt khoát hơn. Luật sư Vũ Đức Khanh cho rằng chúng ta có thể nhìn từ quán tính lịch sử. Trước khi Liên xô sụp đổ, Mông Cổ đã ngả về phía Mỹ và sau khi Liên Xô sụp đổ thì lập tức dân chủ hoá, còn Việt Nam lập tức tới Thành Đô bắt tay với Trung Quốc. Việt Nam bắt tay với Mỹ chậm 8 năm. Theo Luật sư Khanh, điều này có thể được giải thích từ quán tính lịch sử : một bên từng bị Trung Hoa thống trị trong đêm dài "ngàn năm Bắc thuộc", còn bên kia từng thống trị Trung Hoa trong suốt triều đại nhà Nguyên thế kỷ 13 và 14. 

Việt Nam - Mông Cổ trong cạnh tranh Mỹ Trung 

Trao đổi với RFA, Giáo sư Carl Thayer cho rằng sự cạnh tranh toàn cầu giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ có nhiều chiều hướng, bao gồm cả việc quốc gia nào đưa ra mô hình phát triển tốt nhất. Chính quyền Biden lập luận rằng sự lựa chọn của các nước khác không phải là chọn phe mà là giữa chế độ chuyên quyền và dân chủ. Trong bối cảnh đó, Mông Cổ là một ví dụ về một quốc gia đã chuyển từ chế độ độc tài sang chế độ dân chủ kể từ khi Liên Xô sụp đổ. Mông Cổ cũng tìm cách duy trì nền độc lập của mình khỏi Trung Quốc và Nga bằng cách thúc đẩy chính sách "Láng giềng thứ ba" bằng cách thiết lập quan hệ với các quốc gia bên ngoài khu vực lân cận của mình. Hoa Kỳ đã trở thành đối tác chiến lược thứ năm của Mông Cổ vào năm 2019. Giáo sư Carl Thayer nhấn mạnh sự hỗ trợ của Hoa Kỳ được cung cấp để giải quyết nạn tham nhũng tràn lan và thúc đẩy quản trị tốt. Ngày nay, Mông Cổ là một trong hai mươi mốt quốc gia tham gia Quan hệ đối tác dân chủ của Hạ viện Hoa Kỳ. Ngoài ra, kể từ năm 2002, Mông Cổ cũng đã đóng góp hơn 18.000 nhân sự cho Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trên toàn thế giới. Từ năm 2003, Mông Cổ và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Hoa Kỳ (trước đây là Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ) đã đồng tổ chức Khaan Quest, một cuộc tập trận quân sự đa quốc gia nhằm thúc đẩy hòa bình và an ninh khu vực ở Đông Bắc Á.

Theo Giáo sư Carl Thayer, Mông Cổ đóng góp vào an ninh ở Châu Á bằng cách trở thành một ví dụ thành công về một quốc gia đã chuyển đổi thành công sang nền dân chủ với sự hỗ trợ từ bên ngoài. Mông Cổ từ đó cũng trở thành quốc gia đóng góp đáng kể cho các nỗ lực gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc.

Trong khi đó, cả Giáo sư Carl Thayer và Luật sư Vũ Đức Khanh đều chỉ ra sự khác biệt của Việt Nam so với Mông Cổ là Việt Nam kiên trì chính sách ngoại giao quốc phòng "bốn không". Ngoài ra, Mông Cổ nhấn mạnh cả ba trụ cột là kinh tế, phát triển hệ thống dân chủ và quân sự, an ninh với Hòa Kỳ. Trong khi đó, Việt Nam né tránh hợp tác với Hoa Kỳ về vấn đề phát huy dân chủ, nhân quyền, chỉ muốn hợp tác quốc phòng và kinh tế.

Nguồn : RFA, 07/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trọng Thành, Chi Phương, VOA, RFA
Read 132 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)