Trung Quốc có thể tiếp tục tập trận gần Đài Loan
Chi Phương, RFI, 07/10/2024
Trước ngày quốc khánh, 10/10/2024, đánh dấu 113 năm thành lập Cộng Hòa Trung Hoa Dân Quốc, tên chính thức của Đài Loan, các quan chức Đài Bắc cảnh báo khả năng Bắc Kinh lại tổ chức diễn tập quân sự gần hòn đảo mà Bắc Kinh vẫn luôn tuyên bố là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.
Hình ảnh do Bộ quốc phòng Đài Loan công bố : Tàu mang tên lửa của Đài Loan Ma Kong DDG1805 (bên trái) đang theo dõi hoạt động của chiến hạm Trung Quốc, Tây An DDG15, gần đảo Đài Loan, ngày 23/05/2024. AP
Một quan chức cấp cao về an ninh của Đài Loan, trả lời Reuters, cho biết Bắc Kinh có thể đặt tên cho cuộc tập trận này là Joint Sword - 2024B.
Theo một tài liệu mà Reuters có được, chính quyền Đài Loan cho rằng Bắc Kinh có thể đổ lỗi cho "hành động khiêu khích của ông Lại" trong bài phát biểu mừng quốc khánh 10/10, coi đây là cái cớ để diễn tập quân sự. Văn bản này cũng nêu rõ là "Trung Quốc liên tục thách thức các lằn ranh đỏ của nhiều quốc gia, tối đa hóa các hoạt động vùng xám", nhằm ám chỉ đến các hoạt động quân sự, mang tính thách thức, gây áp lực với quân đội các nước khác.
Cho đến nay, cả Đài Loan và Trung Quốc đều chưa đưa ra phản ứng nào về thông tin nói trên.
Trong một bài phát biểu hôm thứ Bảy, 05/10 được NHK trích dẫn, tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức khẳng định rằng "Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kỷ niệm sinh nhật lần thứ 75 vào ngày 1 tháng 10, thì Trung Hoa Dân Quốc sắp bước sang tuổi 113 trong vài ngày nữa".
Nếu xét về thời gian, "Hoa Lục không thể được coi là quê hương của người dân Đài Loan, mà hòn đảo này có thể là quê hương của những người từ 75 tuổi trở lên".
Khi nhậm chức hồi tháng Năm 2024, tân tổng thống Đài Loan đã khẳng định duy trì "nguyên trạng quan hệ giữa Đài Loan và Trung Quốc" và hai bên "không phụ thuộc vào nhau".
Trung Quốc tuyên bố Đài Loan thuộc chủ quyền của mình, coi nguyên tắc "Một nước Trung Hoa" là điều kiện tiên quyết để đối thoại với Đài Loan.
Chi Phương
******************************
Đài Loan cẩn trọng đối phó với chiến lược "Mãng xà" của Trung Quốc
Nguyễn Giang, RFI, 06/10/2024
Phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhân ngày Quốc khánh Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa hôm 01/10/2024 vừa qua về Đài Loan đã thu hút sự chú ý và cảnh giác tăng cao từ Đài Bắc.
Một màn hình lớn ngoài trời ở Bắc Kinh truyền đi hình ảnh cuộc tập trận xung quanh đảo Đài Loan của lực lượng vũ trang chiến khu Đông Bộ, Trung Quốc, ngày 24/05/2024. Reuters - Tingshu Wang
Từ Văn Sơn, Đài Bắc, thông tín viên Nguyễn Giang tường thuật :
Ông Tập Cận Bình, trong bài diễn văn dài về nhiều chủ đề của chính trị, ngoại giao Trung Quốc chỉ nhắc lại câu nói quen thuộc rằng "Đài Loan là lãnh thổ thiêng liêng của Trung Quốc" và cam kết chung chung về "sự thống nhất Đài Loan với đại lục", mà không nêu rõ biện pháp hay thời điểm thực hiện điều đó.
Dù vậy, giới quan sát ở Đài Loan và Hoa Kỳ cho rằng Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục dùng các biện pháp "vùng xám" phi quân sự để tăng sức ép mọi mặt lên 23 triệu người dân Đài Loan và khiến quân đội Đài Loan "bị khiêu khích, mắc sai lầm" để Quân Giải phóng Nhân dân Trung Hoa (PLA) có cơ hội bao vây vùng biển hoặc không phận Đài Loan.
Các nhà phân tích ở Đài Loan phần lớn cho rằng có một số thời điểm như năm 2027, thậm chí 2035 khi khả năng tấn công hạn chế một số đảo gần Trung Quốc, hoặc bao vây, phong tỏa một phần hay toàn bộ đảo Đài Loan của quân đội Trung Quốc có thể xảy ra.
Chiến lược "Mãng xà"
Tất nhiên đó chỉ là những kịch bản khác nhau, dựa trên những suy đoán mang tính dự phóng, còn ngay bây giờ, giới chức ở Đài Bắc đã công khai nói về một loạt biện pháp "vùng xám" của Bắc Kinh chống lại chính quyền Trung Hoa Dân quốc, tức Đài Loan.
Tuần qua, Đô đốc Đường Hoa, tư lệnh Hải quân Đài Loan nói với báo Anh The Economist, hôm 05/10/2024, về "chiến lược con trăn anaconda" của Bắc Kinh nhằm tăng dần sức ép để bóp Đài Loan nghẹt thở.
Trên thực tế, số lần không quân Trung Quốc bay vượt đường phân định không phận sang phía Đài Loan tăng từ 36 lần hồi tháng Giêng năm nay lên 193 lần chỉ trong tháng Chín vừa qua. Tàu Trung Quốc hoạt động ngay sát đường nội thủy Đài Loan tăng từ 142 lần lên 282 lần cùng thời gian.
Theo Đô đốc Đường Hoa, cách làm của Trung Quốc là khiến hải quân, không quân Đài Loan mệt mỏi vì phải liên tục phản ứng, và nếu phía Đài Loan "mắc sai lầm" khi bị khiêu khích thì Trung Quốc sẽ lấy cớ để tung ra chiến dịch phong tỏa.
Nhưng không chỉ có quân đội Đài Loan cần đề cao cảnh giác mà người Đài Loan ở các lĩnh vực khác cũng đang phải đối phó với sức ép từ Trung Quốc.
Các bước đối phó
Một quỹ nghiên cứu tại Hoa Kỳ mang tên Quỹ bảo vệ các nền dân chủ (Foundation for Defense of Democracies), đầu tháng 10/2024, cũng công bố bản đánh giá rằng Đài Loan phải sẵn sàng ứng phó trước các biện pháp ''phi quân sự'' từ Trung Quốc như chiến tranh thông tin, tấn công mạng vào cơ sơ hạ tầng, vào hệ thống tài chính, năng lượng, theo hãng tin AP hôm 05/10/2024.
Quỹ này đã cùng phía Đài Loan tổ chức diễn tập trên mạng Internet cách ứng phó để bảo vệ hệ thống điều hành tài chính và năng lượng trên hòn đảo. Họ cũng khuyến nghị Đài Loan đa dạng hóa nguồn dầu khí, và rút nguồn đầu tư dần khỏi đại lục và tìm đến các thị trường khác cũng như kiến thiết các mối quan hệ đồng minh trong những lĩnh vực đó, không nhất thiết là quân sự để tăng khả năng chịu đựng cách tấn công phi quân sự từ Trung Quốc.
Chính việc lệ thuộc không ít vào kinh tế Trung Quốc – Đài Loan hiện có một triệu công dân đang làm ăn, sinh sống tại Trung Quốc, và đầu tư nhiều tỷ USD vào thị trường đại lục – khiến Đài Loan khi bị "tấn công kinh tế" sẽ khó xoay xở, theo nhận định của ông Russell Hsiao, giám đốc Viện Đài Loan Toàn cầu (Global Taiwan Institute) ở Hoa Kỳ (trả lời hãng tin AP).
Trước mắt, Bộ Ngoại giao Đài Loan qua lời người phát ngôn Lưu Vĩnh Kiện (Jeff Liu) khẳng định rằng "Trung Hoa Dân quốc (Republic of China-RoC) – Đài Loan là nhà nước có chủ quyền, và với CHND Trung Hoa là hai bên không phụ thuộc nhau". Ông Lưu cũng nhắc rằng hơn 23 triệu người ở Đài Loan vững tin vào hệ thống pháp luật, hiến pháp dân chủ, trang Taipei Times đưa tin hôm 02/10/2024.
Tuy thế, để bảo vệ các giá trị này, Đài Loan cần phải cảnh giác trong những tháng tới khi mà các biện pháp gây sức ép lên hòn đảo từ Trung Quốc sẽ chỉ gia tăng chứ không giảm đi, theo khuyến nghị của giới phân tích tình hình xuyên eo biển Đài Loan, ở cả Hoa Kỳ và Đài Bắc.
Nguyễn Giang