Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

16/10/2024

Kênh đào Phù Nam Techo

BBC tiếng Việt

'Không thể thực hiện nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc'

Bài bình luận của một tác giả Campuchia được đăng trên báo Khmer Times thân chính phủ hôm 14/10 nhấn mạnh vai trò của Trung Quốc trong việc xây kênh đào Phù Nam Techo.

techo1

Cựu Thủ tướng Hun Sen bác bỏ chuyện xa lánh Việt Nam, kết thân Trung Quốc vì Phù Nam Techo

Tác giả Leap Chanthavy, một nhà khoa học chính trị Campuchia, cho rằng việc khởi công và xây dựng kênh đào Phù Nam Techo không thể thành công nếu không có sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Vai trò của Trung Quốc

"Trong một thời gian dài, nhiều thế hệ lãnh đạo Trung Quốc đã thiết lập mối quan hệ hữu nghị sâu sắc với Vua cha Norodom Sihanouk của Campuchia, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định lâu dài của quan hệ song phương", tác giả Leap Chanthavy viết trên Khmer Times.

"Năm 1958, hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, và sự hợp tác chính thức đã được khôi phục một lần nữa".

Ông Leap Chanthavy nhắc đến lịch sử hợp tác lâu dài, nhưng không hề nói tới vai trò của Trung Quốc trong sự trỗi dậy của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ.

"Trung Quốc không chỉ đang giúp Campuchia xây dựng kênh đào mà còn giúp Campuchia rất nhiều trong việc phục hồi những di sản văn hóa", tác giả Leap Chanthavy viết, không nêu rõ những di sản văn hóa này cụ thể là gì.

Tên của kênh đào Phù Nam Techo gợi nhắc đến Vương quốc Phù Nam cổ xưa, được hình thành khoảng thế kỷ thứ 1 hoặc 2 trước công nguyên và kéo dài đến thế kỷ thứ 7, bao trùm một phần bán đảo Mã Lai, Thái Lan, Campuchia và khu vực ngày nay là Đồng bằng sông Cửu Long.

Khái niệm Vương quốc Phù Nam đóng một vai trò quan trọng trong những diễn ngôn dân tộc chủ nghĩa tại Campuchia, khi những người lĩnh xướng muốn khẳng định sự hiện diện của dân tộc Khmer cách đây hàng ngàn năm tại vùng hạ lưu sông Mekong và tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Leap Chanthavy cũng là tác giả của bài viết hồi tháng 5/2024 chỉ trích kịch liệt rằng Việt Nam tưởng tượng ra cuộc chiến tranh với Trung Quốc khi nói đến công năng quân sự của kênh đào Phù Nam Techo.

Phát biểu tại lễ động thổ dự án lịch sử vào ngày 5/8, Thủ tướng Hun Manet gọi tuyến kênh đào dài 180 km này là một công trình "lịch sử", giúp người Campuchia "thở bằng mũi của chính mình. Ông cam kết sẽ "hoàn thành bằng mọi giá".

Ông Hun Manet cũng kêu gọi người dân "đừng nên lo lắng rằng con kênh đào sẽ được sử dụng cho mục đích quân sự".

Phó Thủ tướng Sun Chanthol nhấn mạnh kênh đào sẽ củng cố "độc lập chính trị trong vận tải đường thủy" cho xứ sở chùa tháp.

Một nguồn tin của BBC News tiếng Việt từ Campuchia cho biết sau khi làm lễ khởi công vào ngày 5/8, công trình kênh đào Phù Nam Techo không có tiến triển nào tính tới tháng 9 vừa qua.

Có thể thấy sau hơn hai tháng kể từ ngày khởi công, có rất ít thông tin về tiến độ của dự án này được chính phủ Campuchia công bố.

Hy vọng rằng hai nước có thể có những trao đổi sâu sắc, tăng cường hợp tác và tiếp tục tiến tới mục tiêu mới là xây dựng một cộng đồng với tương lai chung cho nhân loại.

'Vô số lợi ích'

Tác giả bài bình luận trên Khmer Times liệt kê "vô số" lợi ích từ kênh đào Phù Nam Techo, những điều vốn đã được các quan chức hàng đầu Campuchia như cựu Thủ tướng Hun Sen, Thủ tướng Hun Manet và Phó Thủ tướng Sun Chanthol nhắc đi nhắc lại trong thời gian qua.

"Có thể nói rằng tầm quan trọng của kênh đào Funan Techo đối với Campuchia tương đương với tầm quan trọng của kênh Suez đối với Ai Cập, kênh đào Panama đối với Panama và Đại Vận Hà Bắc Kinh-Hàng Châu đối với Trung Quốc", tác giả Leap Chanthavy viết.

Về mặt tài chính, theo tác giả, trong năm đầu tiên sau khi được hoàn thành, kênh đào này có thể mang lại 88 triệu USD cho Campuchia.

Trước năm 2050, nguồn thu hằng năm từ kênh đào này đạt gần mức ước tính là 600 triệu USD.

Ngoài lợi ích kinh tế, tác giả cũng cho rằng kênh đào Phù Nam Techo sẽ cải thiện thủy lợi cho Campuchia, giúp thoát nước lũ tốt hơn ở các vùng hạ lưu sông Mekong. Ông đánh giá việc điều tiết nước để giảm lũ lụt là lợi ích quan trọng từ siêu dự án này.

"Nhờ có kênh đào Phù Nam Techo và các cống chặn nước, việc thoát nước xuống hạ lưu sông Mekong sẽ được điều tiết. Trong mùa mưa, các cống thoát nước của Phù Nam Techo có thể được mở để tăng lưu lượng nước thoát xuống hạ lưu và cho phép nước ở Biển Hồ thoát ra biển nhanh nhất có thể".

"Trong mùa khô, mực nước ở Biển Hồ có thể được điều tiết nhờ đóng các cống chặn nước. Mực nước sông Mekong tại Campuchia có thể được điều tiết hoàn toàn".

Phát biểu trong một sự kiện của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington (Mỹ) vào ngày 1/10, Phó Thủ tướng Campuchia Sun Chanthol nói rằng kênh đào Phù Nam Techo không phải là "trò chơi có tổng bằng không".

"Tôi chưa bao giờ nghiên cứu một dự án nào chi tiết như kênh đào Phù Nam Techo, vì chúng tôi muốn đảm bảo không có tác động nào đến cả hai quốc gia. Campuchia sẽ không thực hiện 'một trò chơi có tổng bằng không', trong đó Campuchia chiến thắng và quốc gia láng giềng Việt Nam thất bại. Chúng tôi không thể làm điều đó", ông nói.

Về phía Việt Nam, theo báo Tuổi Trẻ vào ngày 10/10, cử tri tại tỉnh Tiền Giang đã kiến nghị tiếp tục có nhiều giải pháp để đảm bảo nguồn nước ngọt cho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới dưới tác động tiềm tàng từ kênh đào Phù Nam Techo.

"Tuy nhiên, do số liệu, tài liệu về dự án hết sức sơ bộ, hạn chế, không có số liệu về khai thác vận hành nên kết quả của các đơn vị nghiên cứu mới là những kết quả bước đầu, mang tính định hướng và ngắn hạn", báo Tuổi Trẻ viết.

Có thể thấy, đến nay chính phủ Việt Nam chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin để có thể đánh giá các tác động của kênh đào này.

BBC News tiếng Việt đã gửi thư đến Ủy hội sông Mekong (MRC) vào ngày thứ Ba 15/10 để có cập nhật về diễn biến của dự án.

Ông Tô Lâm đã thảo luận về Phù Nam Techo với ông Tập Cận Bình ?

techo2

Kênh đào Phù Nam Techo được kỳ vọng tạo ra cú hích mạnh mẽ cho tinh thần dân tộc, củng cố vị thế cho Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) của ông Hun Sen và tính chính danh của ông Hun Manet

Tác giả Leap Chanthavy cũng nhận định rằng kênh đào Phù Nam Techo có thể là một nội dung mà Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thảo luận trong chuyến thăm cấp nhà nước đến Trung Quốc hồi tháng 8.

"Việt Nam sẽ cảm thấy khó khăn trong việc kiềm chế Campuchia thông qua cửa sông Mekong. Thêm nữa, kênh đào Phù Nam Techo có thể lấy đi thị phần vận tải đường sông-đường biển, vì vậy tác động đến vòng tròn kinh tế của Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố thịnh vượng nhất ở miền nam Việt Nam. Kết quả là Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Tô Lâm đã thăm Trung Quốc từ ngày 18 đến 20/9. Có thể chuyến đi là để thảo luận về vấn đề này".

Việt Nam đã có một số lần lên tiếng đề nghị Campuchia chia sẻ thêm thông tin để có thể đánh giá đầy đủ về tác động của dự án.

Lần gần nhất là vào ngày 8/8, ba ngày sau khi Campuchia động thổ kênh đào Phù Nam Techo.

"Việt Nam ủng hộ nỗ lực phát triển của Campuchia cũng như tôn trọng việc Campuchia triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo. Chúng tôi cũng mong muốn cùng phối hợp nghiên cứu, đánh giá toàn diện, tổng thể tác động của dự án, cũng như có những biện pháp phù hợp để giảm thiểu tác động", Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt nói.

Quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Campuchia gần đây đã chứng kiến những thách thức lớn, không chỉ liên quan đến kênh đào Phù Nam Techo, mà còn các vấn đề như quân cảng Ream và việc Campuchia rút khỏi Tam giác Phát triển với Việt Nam và Lào. Trong các chuyển biến này, nhân tố Trung Quốc luôn được nhắc đến.

Campuchia dường như đạt được mục tiêu kép khi vừa đảm bảo ổn định chính trị vừa có thể tìm được lựa chọn thay thế cho Tam giác Phát triển với Việt Nam và Lào (CLV-DTA) sau khi tuyên bố rút khỏi khuôn khổ hợp tác này vào ngày 20/9, theo nhận định của các chuyên gia với BBC News tiếng Việt.

Nguồn : BBC, 17/10/2024

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: BBC tiếng Việt
Read 132 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)