Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

24/08/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Chính sách của Trung Quốc ở Đông Nam Á

RFI tiếng Việt

Chính sách cây gậy, cà rốt của Trung Quốc ở Đông Nam Á

Chủ đề tị nạn và khủng bố chiếm trang nhất nhiều nhật báo Pháp hôm nay. Trang nhất La Croix : "Các vụ khủng bố tuần trước phá vỡ hình ảnh một cộng đồng (Hồi giáo) hội nhập tốt trong xã hội Catalunya", Tây Ban Nha. Trước hết xin giới thiệu một phân tích về các diễn biến chính trị mới tại Châu Á, với bài "Trung Quốc dứ gậy, nhử cà rốt ở Đông Nam Á", được Le Monde đăng tải.

asean1

Trung Quốc - ASEAN - Ảnh chụp màn hình : Viện CISR

Thông tín viên tại Đông Nam Á Bruno Philippe mở đầu bài phân tích với nhận định : "Trung Quốc kể từ giờ là một thế lực dẫn dắt cuộc chơi tại Đông Nam Á. Sự thiếu nhất quán của tổng thống Trump và sự vắng mặt của một học thuyết chiến lược rõ ràng của Washington tại khu vực này ở Viễn Đông đang giúp cho Bắc Kinh đẩy xa hơn các con tốt của mình trên bàn cờ, nơi đã từ lâu Trung Quốc đã giành phần thắng trong cuộc chơi kinh tế".

Trước thế thượng phong của Bắc Kinh, tác giả mường tượng là đế chế Trung Hoa đang "thiết lập lại trên thực tế hệ thống quan hệ cống nạp (giữa thiên triều và các chư hầu) xưa kia… với các nước láng giềng".

Một ví dụ cụ thể là trong hội nghị các ngoại trưởng Đông Nam Á tại Manila, hồi đầu tháng 8/2017, chỉ có Việt Nam là nỗ lực đưa vào thông cáo chung những lời lẽ lên án trực tiếp Bắc Kinh về "các đảo nhân tạo" mà Trung Quốc xây dựng tại khu vực quần đảo Trường Sa tranh chấp, "9 nước còn lại của ASEAN đã phủ phục trước Trung Quốc".

Ngay cả Philippines, sau chiến thắng pháp lý tại La Hay, hồi năm ngoái, cũng đã thay đổi chiến lược, dưới thời tổng thống Duterte. Ông Duterte thậm chí còn thuật lại cuộc nói chuyện riêng với lãnh đạo Trung Quốc, trong đó ông Tập Cận Bình (Xi Jin Ping) đã đe dọa chiến tranh với Philippines, nếu Manila cương quyết khoan dầu tại vùng đặc quyền kinh tế của nước này. Đổi lại các nhân nhượng, chính quyền Philippines đã nhận được 26 tỉ đô la tín dụng.

Sau Philippines, cả Miến Điện, "ở mức độ ít hơn", cũng ngả về phía Bắc Kinh. Lý do là vì sự hậu thuẫn mà Trung Quốc dành cho nhiều nhóm nổi dậy vũ trang sắc tộc thiểu số ở vùng biên giới – các hậu thuẫn mà Trung Quốc "không quá che giấu" - khiến Bắc Kinh có tiếng nói trong các thương lượng với chính phủ Miến Điện.

Theo bài viết, ngay cả Việt Nam cũng buộc phải nhường bước trước Trung Quốc trong một dự án thăm dò dầu khí thuộc "vùng đặc quyền kinh tế", nhưng bị Bắc Kinh phản đối dữ dội, với việc đưa hàng chục tàu thuyền đến khu vực này, trong đó có cả tàu chiến.

Tuy nhiên, tác giả cũng lưu ý, trong bối cảnh Trung Quốc đang tỏ ra ngày càng lấn sân, ngày 08/08, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson có chuyến công du Bangkok, để nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ không bỏ mặc chính quyền quân sự Thái Lan trong vòng ảnh hưởng Trung Quốc. Cũng ngày hôm đó, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch có chuyến công du Washington, nhiều thỏa thuận quân sự Việt – Mỹ đã được ký kết.

Tóm lại, theo chuyên gia quân sự quốc tế Philip Golub, ảnh hưởng của giới quân sự trong chính quyền Trump vẫn còn rất lớn, các "quan hệ ngoại giao và chính trị" từ lâu đời với các nước Đông Nam Á, như Thái Lan, Singapore và Indonesia, vẫn còn "rất mạnh". Trong hiện tại, đế chế Trung Hoa vẫn chưa thể mặc sức tung hoành.

Mạng xã hội : Bắc Kinh kiểm duyệt ảnh và tấn công các ứng dụng lách "tường lửa"

Vẫn về Trung Quốc, Le Figaro có bài giới thiệu một nỗ lực mới của Bắc Kinh nhằm "tăng cường kiểm duyệt các mạng xã hội". Các chuyên gia tin học của chính quyền vừa tạo ra một kỹ thuật "stopchat" riêng, nhằm ngăn chặn việc trao đổi các bức ảnh bị coi là "nhạy cảm", trên mạng WeChat, được gần 900 triệu dân mạng Trung Quốc sử dụng.

Sau khi nhà tranh đấu Lưu Hiểu Ba – giải Nobel bị Trung Quốc cầm tù - qua đời ngày 13/07, Bắc Kinh ngay lập tức đã cho thí điểm kỹ thuật này nhằm ngăn chặn việc phổ biến ảnh của nhân vật tiêu biểu của phong trào dân chủ tại Trung Quốc, chặn đứng mọi bày tỏ đoàn kết. Thay cho hoạt động kiểm duyệt thủ công từ trước đến nay, kỹ thuật nói trên mở đường cho "một sự kiểm soát trên quy mô lớn hơn nhiều".

Cũng dịp này, lần đầu tiên kiểm duyệt Trung Quốc tấn công vào ứng dụng nhắn tin WhatsApp, của Facebook, được coi là một dịch vụ quan trọng cuối cùng trong lĩnh vực này không phải của Trung Quốc, vẫn còn được Bắc Kinh chấp nhận cho tồn tại. WhatsApp bị đe dọa phải rút khỏi Hoa lục, tương tự như Google, Gmail, Facebook hay Twitter.

Kiểm duyệt trở nên ngày càng quyết liệt trước Đại Hội của Đảng cộng sản vào mùa thu này. Cũng trong những ngày gần đây, đến lượt hàng loạt phần mềm VPN (Virtual Personnal Network), như GreenVPN hay Lantern, phương tiện duy nhất cho phép lách kiểm duyệt tại Trung Quốc, đã bị vô hiệu hóa. Bắc Kinh cũng ra lệnh cho các nhà mạng cấm sử dụng VPN, từ đây đến trước tháng Giêng 2018.

Theo nhà sử học độc lập Trương Lập Phàm (Zhang Li Fan), sống tại Bắc Kinh, "việc gia tăng kiểm duyệt là một trong những biểu hiện ngày tàn của chế độ".

Khủng bố Barcelona : Những yếu kém của các định chế hỗ trợ hội nhập

Về vấn đề khủng bố tại Châu Âu, nổi lên trở lại sau vụ tấn công đẫm máu bằng xe tải tại Barcelona, Tây Ban Nha, báo La Croix có bài : "Đạo Hồi tại Catalunya, những khiếm khuyết của hội nhập", nhằm tìm cách lý giải cội rễ của đe dọa khủng bố.

Theo đặc phái viên của La Croix tại Barcelona, niềm tin lâu nay của dân chúng xứ này vào sự "hội nhập của người nhập cư theo đạo Hồi", đột ngột tan vỡ sau vụ khủng bố. Barcelona vốn tự hào là "thành phố thập phương tụ hội", nổi tiếng bình yên. Gần nửa triệu dân theo đạo Hồi tại xứ Catalunya được coi là chung sống hòa bình với xã hội. Catalunya có 300 gian cầu nguyện của người Hồi giáo, và cơ sở Hồi giáo nói chung chiếm khoảng 12% tổng số cơ sở tôn giáo tại Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, vụ khủng bố làm lộ rõ những khuyết tật trầm trọng của hệ thống hỗ trợ hội nhập tại xứ này. Hôm sau, vụ khủng bố, một cuộc tuần hành của tín đồ Hồi giáo đã được tổ chức, để phản đối việc đồng nhất người theo đạo Hồi với quân khủng bố. Thế nhưng, số lượng người tham gia chỉ khoảng 2.000, ít hơn rất nhiều so với các cuộc tuần hành phản đối các biếm họa nhà tiên tri Mohammed trước đây.

Theo một nhà nghiên cứu thuộc đại học Tarragone, các tín đồ Hồi giáo "cần phải tấn công" vào một vấn đề thực sự, đó là sự yếu kém của các định chế Hồi giáo tại Tây Ban Nha. Một linh mục – người hiểu rõ các vấn đề của cộng đồng Hồi giáo tại Tây Ban Nha – nhận xét là "các giáo sĩ Hồi giáo (imam) ở Tây Ban Nha có một hiểu biết về tôn giáo rất có giới hạn", trong khi đó đa số giới trẻ trong cộng đồng Hồi giáo hiện nay tìm kiếm các thông tin trên mạng bằng tiếng Ả Rập, theo đó Phương Tây được mô tả như là "kẻ đàn áp tôn giáo", trong lúc người không theo đạo Hồi thì bị coi là một "kẻ thù". Nhân chứng khác, là một linh mục, thì bổ sung : Quan điểm của thị trưởng Barcelona về một sự hội nhập hoàn toàn ở thành phố này chỉ là "huyền thoại", bởi "một người Hồi giáo sẽ không bao giờ hội nhập".

Cũng liên quan đến khủng bố, Le Monde giới thiệu bài phân tích "Từ Paris đến Barcelona, những hình tượng mới của lực lượng thánh chiến tại Châu Âu". Ông Farhard Khosrokhavar, chuyên gia Pháp gốc Iran, nhấn mạnh đến số lượng lớn công dân Châu Âu gốc Maroc – một quốc gia Bắc Phi vốn được coi là tương đối bình yên - trong hàng ngũ các thủ phạm khủng bố.

Tác giả nêu bật vấn đề sự kém hội nhập, của thế hệ con cái những người nhập cư, là một nguồn gốc chính sản sinh ra khủng bố. Những kẻ đi theo Hồi giáo cực đoan, vừa không phải là công dân của xã hội mà cha mẹ họ xuất thân, cũng không cảm thấy là công dân của đất nước Châu Âu (như Pháp, Tây Ban Nha hay Bỉ), nơi họ sinh ra và trưởng thành.

Afghanistan : Mỹ "ve vãn" Ấn Độ, "xa rời" Pakistan

Về thời sự quốc tế, những thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ tại Nam Á là một chủ đề quan tâm khác của Le Monde. Bài "Tại Afghanistan : Mỹ ve vãn Ấn Độ, và rời xa Pakistan" nhấn mạnh là lần đầu tiên Washington mời Ấn Độ tham gia giải quyết cuộc xung đột tại Afghanistan.

Hồi đầu tuần này, chính quyền Mỹ gây áp lực buộc Pakistan kiên quyết hơn với các tổ chức khủng bố mượn đất Pakistan làm bàn đạp. Tuy nhiên, theo Le Monde, không có gì chắc chắn là Islamabad sẽ nghe lời Washington, trong bối cảnh quốc gia Nam Á này đang nhận được nhiều trợ giúp kinh tế của Trung Quốc, đặc biệt với dự án hành lang kinh tế, nối liền miền tây Trung Quốc với Ấn Độ Dương, thông qua Pakistan, và Bắc Kinh đã công khai ca ngợi Pakistan "có những đóng góp lớn chống khủng bố".

Tín hiệu của Putin : Một hình tượng tiêu biểu của đối lập bị truy tố

Về tình hình nước Nga, báo chí Pháp đặc biệt chú ý đến vụ đạo diễn Serebrennikiov bị chính quyền truy tố, với tội danh biển thủ công quỹ. Bài "Serebrennikiov, một hình tượng tiêu biểu của sân khấu Nga, trong gọng kìm của điện Kremlin" dẫn nhận định của nhà báo đối lập Oleg Kachine. Theo ông, đây là "điểm khởi đầu của chiến dịch tranh cử" của ông Putin. Chính quyền Nga muốn thông báo với những người thuộc các thành phần phản kháng trong xã hội là "mọi can dự chính trị bị coi là ‘‘nằm ngoài hệ thống’’ sẽ phải trả giá đắt như thế nào".

Báo Le Monde dẫn lời của một số nhà hoạt động văn hóa Nga, so sánh vụ án nói trên với vụ bắt giữ đạo diễn Nga Vsevolod Meyerhold, năm 1939, dưới thời nhà độc tài Staline. Đạo diễn Meyerhold qua đời sau đó một năm trong tù.

Ông Olivier Py, giám đốc Festival nổi tiếng Avignon, khẳng định đạo diễn Serebrennikiov là "một người đối lập thực sự với chế độ Putin và một người bảo vệ quyền của những người đồng tính".

Đông đảo cử tri Đức muốn bà Merkel tiếp tục làm thủ tướng

Về thời sự Châu Âu, báo Le Monde chú ý đến thời điểm đúng một tháng trước cuộc bầu cử Quốc hội Đức (24/9), đa số cử tri muốn dồn phiếu cho bà Merkel, cầm quyền từ năm 2005. "Ổn định" là mong muốn của rất nhiều cử tri. Ổn định cũng là ghi nhận chung về diễn biến các kết quả thăm dò dư luận. Từ đầu tháng sáu đến nay, khoảng cách giữa các đảng phái chính dường như không thay đổi nhiều. Liên Minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo CDU của thủ tướng Đức được từ 38 đến 40% ủng hộ, vượt xa đảng Xã Hội Dân Chủ (22-24%).

Theo nhà phân tích Stephan Grunewald, đa số dân Đức hài lòng với tình hình hiện nay, họ có xu hướng đối lập tình hình ở Đức với thế giới xung quanh, với "khủng bố, Brexit, Trump, Putin và Erdogan", và mong muốn kéo dài tình trạng tốt đẹp này.

Một điều tra của viện Allensbach, công bố hôm qua trên Frankfurter Allgemeine Zeitung, cho hay 46% cử tri vẫn chưa quyết định bầu cho ai, con số cao nhất trong 20 năm trở lại đây. Tuy nhiên, bất trắc được coi chủ yếu liên quan đến đảng sẽ về thứ ba, hơn là vị trí của hai đảng nói trên.

Pháp : Lo ngại Google kiểm soát thông tin học đường của hàng triệu học sinh

Về kinh tế, nếu như Les Echos đặc biệt chú đến việc tập đoàn siêu thị hàng đầu thế giới Wal-Mart của Mỹ liên kết với tập đoàn tin học Google để, trực tiếp cạnh tranh với Amazon, trong hoạt động bán hàng trên mạng, thì Le Monde lưu ý đến nỗi lo của cộng đồng giáo dục Pháp, trước nguy cơ các tập đoàn tin học lớn như Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft (nhóm GAFAM), chiếm lĩnh các thông tin cá nhân của học sinh, nhờ sự dễ dãi của các quy định pháp lý hiện hành.

Đầu tháng 7, bảy tổ chức - bao gồm các nghiệp đoàn cha mẹ học sinh, liên đoàn nhân quyền… - đã gửi thư đến hai tân Bộ trưởng Giáo dục và kỹ thuật số để yêu cầu có các biện pháp bảo vệ. Le Monde dẫn lại thông tin trên New York Times về kết quả một điều tra chấn động, theo đó Google đã kiểm soát được thông tin học đường của hơn 30 triệu học sinh Mỹ.

Theo Ủy ban Tin học và các quyền tự do Pháp (CNIL), một Hiến chương về kỹ thuật số trong lĩnh vực giáo dục sẽ phải được đưa ra trong thời gian tới. Mục tiêu của Hiến chương này là nhằm hướng đến việc "cấm sử dụng các dữ liệu về học sinh cho các mục tiêu thương mại". Chuyên gia một tổ chức tin học Pháp đặt câu hỏi : "Dữ liệu học đường là điều cũng rất nhạy cảm, như các thông tin y tế, vốn rất được bảo vệ, vậy vì sao Nhà nước không mang lại các bảo đảm pháp lý trong lĩnh vực này ?".

Trọng Thành

Quay lại trang chủ
Read 710 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)