Lực lượng tuần duyên Indonesia đã hai lần đuổi một tàu hải cảnh Trung Quốc khỏi vùng biển Bắc Natuna trong những ngày gần đây. Trong thông cáo ngày 24/10/2024, Cơ quan An toàn Hàng hải Indonesia cáo buộc tàu Trung Quốc "làm gián đoạn hoạt động thăm dò" của công ty dầu khí nhà nước Pertamina.
Một người lính thuộc lực lượng tuần duyên Indonesia dùng ống nhòm theo dõi hoạt động của tàu hải cảnh Trung Quốc trong vùng biển Bắc Natuna, Indonesia, ngày 24/10/2024. AP – Bakamla
Theo thông cáo được AFP trích dẫn, tàu hải cảnh Trung Quốc đã thâm nhập vào vùng biển thuộc quyền tài phán của Indonesia lần đầu tiên vào thứ Hai 21/10. Khi lực lượng tuần duyên Indonesia liên lạc bằng radio, tàu Trung Quốc khẳng định khu vực này thuộc quyền tài phán của Bắc Kinh. Thông cáo cho biết "đến thứ Tư (23/10), tàu Hải cảnh Trung Quốc lại xâm nhập vùng thuộc quyền tài phán của Indonesia ở vùng biển Bắc Natuna", buộc một tàu tuần duyên Indonesia ngăn chặn và đuổi ra khỏi khu vực.
Chính quyền Jakarta khẳng định biển Bắc Natuna, thuộc quyền tài phán của Indonesia, nằm ở phía bắc vùng đặc quyền kinh tế của nước này và sát với Biển Đông. Đây là khu vực có rất nhiều mỏ dầu khí với trữ lượng đáng kể. Tuy nhiên, Trung Quốc đòi chủ quyền đối với khu vực này và thường xuyên điều tàu đến hoạt đồng khiến Jakarta giận dữ phản đối.
Những sự cố này là bài trắc nghiệm đầu tiên đối với tân tổng thống Prabowo Subianto, vừa nhậm chức ngày 20/10 với cam kết tăng cường bảo vệ lãnh thổ Indonesia. Năm 2020, Indonesia từng triển khai đông đảo chiến đấu cơ, tàu chiến đến tuần tra ở vùng biển quanh quần đảo Natuna sau khi Trung Quốc huy động tàu đến hoạt động trong vùng.
Bắc Kinh và Jakarta là đối tác kinh tế quan trọng của nhau, nhưng Indonesia luôn tìm cách ngăn tàu nước ngoài đến đánh bắt trộm trong vùng biển của họ, vì cho rằng thiệt hại có thể lên đến 1 tỉ đô la hàng năm.
Thu Hằng