Ông Hun Sen cảm ơn Trung Quốc về sự ủng hộ 'kiên định' cho siêu dự án Phù Nam Techo
Cựu Thủ tướng, Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen đã bày tỏ lòng cảm ơn với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về sự ủng hộ "kiên trì" cho siêu dự án kênh đào Phù Nam Techo, theo báo Khmer Times ngày thứ Năm 5/12.
Ông Hun Sen đã có chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên trên cương vị chủ tịch Thượng viện Campuchia kéo dài trong 3 ngày (2-4/12).
Ảnh ông Hun Sen gặp ông Tập Cận Bình ở Nhà khách Điếu Ngư Đài ở thủ đô Bắc Kinh vào ngày 3/12 - Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Ông Hun Sen đã có chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên với cương vị chủ tịch Thượng viện kéo dài trong 3 ngày (2 - 4/12).
Vào hôm thứ Ba 3/12, ông Hun Sen, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), đã có cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình tại Bắc Kinh.
Vấn đề Phù Nam Techo
Chi tiết về siêu dự án Phù Nam Techo được bàn thảo như thế nào trong cuộc gặp giữa ông Hun Sen và ông Tập Cận Bình đã không được công bố chi tiết, ngoài việc cựu thủ tướng Campuchia bày tỏ sự biết ơn đối với Bắc Kinh.
Ông Hun Sen cũng nhấn mạnh dự án lịch sử Phù Nam Techo sẽ tạo sự chuyển biến lớn, tăng cường độc lập trong giao thông vận tải thủy và mang lại những lợi ích kinh tế đáng kể cho quốc gia.
Trước đó, Campuchia đã lên tiếng bác bỏ thông tin từ Reuters vào ngày 21/11, cũng được Bangkok Post đăng tải lại, có nội dung cho rằng Trung Quốc bày tỏ sự hoài nghi về dự án và không đưa ra các cam kết chắc chắn về tiền đầu tư.
Thủ tướng Campuchia Hun Manet khẳng định không có chướng ngại nào trong việc thực hiện siêu dự án và đã có phương án thay thế nếu có đối tác rút lui, theo Khmer Times ngày thứ Hai 25/11.
"Quý vị muốn chúng tôi hoàn thành kênh đào trong ba tháng hay sao ? Quý vị không thể khởi công dự án hôm nay và hoàn thành trong ngày hôm sau".
Ngày 25/11, Phó Thủ tướng Sun Chanthol cũng đã mạnh mẽ bác bỏ thông tin cho rằng tiền đầu tư cho Phù Nam Techo đã cạn.
Ông Chanthol tuyên bố dự án đã đạt những tiến triển đáng kể, với việc Campuchia đảm bảo được sự chấp thuận từ Ủy hội sông Mekong, sau khi xác nhận rằng dự án không tạo rủi ro về mặt môi trường cho Campuchia hoặc Việt Nam, theo Phnom Penh Post.
"Tiếp theo là gì ? Hiện chúng tôi đang đàm phán thỏa thuận nhượng quyền và đang nỗ lực để hoàn tất sớm", ông giải thích.
Theo Phó Thủ tướng Chanthol, có một số sự chậm trễ trong tiến độ của kênh đào Phù Nam Techo là do mùa mưa, khiến công tác đo đạc và khảo sát gặp khó khăn. Ngoài ra, chính phủ đã hợp tác với một số công ty để nghiên cứu và giải quyết mọi tác động tiềm ẩn đối với cộng đồng địa phương.
Kinh đào Phù Nam Techo trong buổi lễ khai mạc rình rang ngày 5/8/2024 và vắng hiu 2 tháng sau - Getty Images/Reuters
Phát biểu tại lễ động thổ dự án lịch sử vào ngày 5/8 trong không khí tinh thần dân tộc dâng cao, ông Hun Manet nói Trung Quốc sẽ đóng góp 49% vào nguồn vốn đầu tư cho con kênh đào nối sông Mekong với Vịnh Thái Lan.
Hồi tháng 8, trả lời BBC News tiếng Việt trước lễ khởi công, nhà nghiên cứu độc lập người Campuchia Rim Sokvy nói ông Hun Sen muốn tạo tính chính danh cho con trai mình là ông Hun Manet thông qua dự án Phù Nam Techo.
"Ông Hun Sen cũng muốn con trai mình có được vị thế như vậy, có được tính chính danh và Phù Nam Techo sẽ là một trong những thành tựu lớn nhất của ông ấy. Thế nên Campuchia vẫn quyết tâm xây kênh đào, bất chấp sự phản kháng từ các quốc gia láng giềng", ông Rim Sokvy nói thêm.
Chỉ hơn 10 ngày sau khi xuất hiện thông tin Trung Quốc dường như kém mặn mà đối với dự án lịch sử này của Campuchia, ông Hun Sen đã có chuyến đi đến Bắc Kinh, làm dấy lên nhận định Phù Nam Techo chính là một trong những lý do chính cho chuyến đi có phần vội vã này. Đáp lại, ông Hun Sen tuyên bố trên Facebook rằng chuyến đi đã lên kế hoạch từ gần 2 tháng trước và "không có gì gấp gáp cả".
'Người bạn đáng tin cậy nhất'
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc hội đàm với ông Tập Cận Bình, ông Hun Sen nói : "Trung Quốc là người bạn đáng tin cậy nhất của Campuchia".
Ông Hun Sen khẳng định tình hữu nghị với Trung Quốc đã đạt được sự đồng thuận chính trị vững chắc trong Đảng Nhân dân Campuchia, và rằng sẽ không có bất kỳ thay đổi nào khi có sự chuyển giao lãnh đạo giữa các thế hệ.
Ông Hun Sen còn kêu gọi Trung Quốc tiếp tục hỗ trợ thông qua các khoản tài trợ, cho vay ưu đãi và đầu tư góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Campuchia đồng thời củng cố độc lập chính trị của nước này.
Về phần mình, ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc sẽ tiếp tục ủng hộ Campuchia đóng vai trò lớn hơn trong các vấn đề quốc tế và khu vực để tăng cường sức mạnh của Nam Toàn cầu. Trung Quốc cũng không quên cảnh báo "các thế lực bên ngoài", chủ yếu là Mỹ, gây ảnh hưởng tại Đông Nam Á.
"Trung Quốc ủng hộ ASEAN duy trì quyền tự chủ chiến lược và duy trì vị thế trung tâm của mình, kiên quyết phản đối các thế lực bên ngoài đưa tâm lý Chiến tranh Lạnh vào khu vực và kiên định thúc đẩy quá trình hội nhập và xây dựng cộng đồng của ASEAN", theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Trong thời gian qua, Trung Quốc và Campuchia luôn nhấn mạnh đến quan hệ ngoại giao sắt son, thúc đẩy "cộng đồng cùng chia sẻ tương lai", "mô hình quan hệ quốc tế kiểu mới dựa trên các nguyên tắc trung thực, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, quý trọng và khoan dung".
Trong một diễn biến liên quan, Đại tướng Vong Pisen, Tổng Tư lệnh Các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF), đã cảm ơn Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) giúp hiện đại hóa quân cảng Ream.
Hồi tháng 10, Campuchia đã tuyên bố sẽ chào đón Hải quân Mỹ ghé thăm quân cảng Ream trong bối cảnh Lầu Năm Góc quan ngại căn cứ này có thể là một tiền đồn của Trung Quốc ở nước ngoài.
Hồi đầu tháng 9/2024, Bộ Quốc phòng Campuchia nói Trung Quốc sẽ bàn giao cho Campuchia hai tàu hộ vệ Type 056 mới, sớm nhất là vào năm 2025.
Nguồn : BBC, 05/12/2024