Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

23/01/2025

Điểm báo Pháp - Mỹ hối tiếc vì đã giúp Trung Quốc

RFI tiếng Việt

Mỹ hối tiếc vì đã giúp Trung Quốc "hóa rồng"

Theo Le Monde ngày 23/01/2025, trước thái độ hung hăng của Bắc Kinh, Washington đang tự hỏi phải chăng đã phạm sai lầm to lớn khi cách đây 50 năm đã tạo mọi điều kiện giúp nước này trở nên hùng mạnh.

giup1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị G20 ở Osaka, Nhật Bản ngày 29/06/2019. Reuters - Kevin Lamarque

Vance và Musk "bằng mặt nhưng không bằng lòng" ?

Chính sách đối nội và đối ngoại của tân chính quyền Mỹ vẫn chiếm một lượng bài đáng kể trên báo chí Pháp hôm nay. Về chính trị Hoa Kỳ, Le Monde cho rằng có đến "Hai phó tổng thống Mỹ" : có một sự cạnh tranh giữa JD Vance và Elon Musk. Dưới thời Trump, trật tự không chính thức thường đứng trên chính thức, nhưng liệu tình trạng tồn tại song song này có thể bền vững ?

Trong dịp lễ nhậm chức, sự tương phản giữa hai người lại càng rõ. Vance giữ im lặng, không lên phát biểu sau khi tuyên thệ. Mới 40 tuổi, ông biết rằng nếu tổng thống qua đời, mình sẽ lên lãnh đạo đại cường số 1 thế giới. Musk thì tuyên bố trước đám đông MAGA hai lần trong trạng thái khích động, và trong thời kỳ chuyển tiếp đã xuất hiện khắp nơi bên cạnh ông Trump. Tờ báo dẫn lời cựu cố vấn của ông Trump, Steve Bannon : "Có hai Vua Mặt Trời nhưng chỉ có một bầu trời".

Trump buộc Panama trả giá cho việc ngả sang Trung Quốc

Trong bài "Donald Trump buộc Panama phải trả giá cho việc ưu đãi Trung Quốc", Le Monde nhận thấy trong bài diễn văn nhậm chức, tân tổng thống Mỹ không đả kích trực diện Trung Quốc như Bắc Kinh vẫn lo ngại, nhưng tập trung vào một nước nhỏ đồng minh là Panama. Ông Trump tố cáo nước này bắt các tàu Mỹ đi qua phải trả phí cao, nói rằng không phải Hoa Kỳ trao kênh này cho Trung Quốc mà cho Panama và nay muốn lấy lại.

Ý ông muốn nói hai cảng Balboa ở phía Thái Bình Dương và Cristobal, phía Đại Tây Dương từ 1996 do tập đoàn Hồng Kông CK Hutchison quản lý. Tổng thống Panama José Raul Mulino bác bỏ cáo buộc và phàn nàn với Liên Hiệp Quốc, nhưng đồng thời cho kiểm toán các cảng, công bố hình ảnh các thanh tra đi vào trụ sở Hutchison. Động thái này nhằm chứng tỏ Panama nắm hoàn toàn việc kiểm soát.

Thật ra tổng thống Mỹ chỉ nói lên sự bực tức của Washington trước thái độ của Panama trong thập niên qua. Le Monde nhắc lại, hồi năm 1903, Hoa Kỳ đã giúp Panama lúc đó còn thuộc về Colombia, trở nên độc lập ; và từ 1904 giúp xây dựng kênh đào Panama sau khi Pháp thất bại. Washington trao lại việc kiểm soát kênh cho Panama từ 1999, đổi lấy cam kết trung lập cho con đường hàng hải chiến lược của thương mại quốc tế.

Thế nhưng đến 2017, Trung Quốc nằm cách đó đến 14.000 kilomet nhảy vào giành phần, hứa hẹn đầu tư lớn. Tổng thống lúc ấy là Juan Carlos Varela nói theo ý Bắc Kinh "Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc", và Panama là quốc gia Châu Mỹ la-tinh đầu tiên tham gia "Con đường tơ lụa mới". Một viên chức Trung Quốc đánh giá đây là thắng lợi ngoại giao lớn nhất của Bắc Kinh năm 2017. Tập Cận Bình được tiếp đón như ông hoàng năm 2018.

Một loạt dự án được Trung Quốc đưa ra : 400 kilomet tàu cao tốc nối Panama với Costa Rica, một cảng mới tối tân, một tuyến métro ở thủ đô, xây chiếc cầu thứ tư bắc qua con kênh, một đại sứ quán mới. Nhưng tổng thống kế nhiệm Laurentino Cortizo được bầu lên năm 2019, cảm nhận sự lo lắng của Washington, sự bất mãn của dân chúng vì Bắc Kinh chỉ chú tâm đến mỏ đồng và kênh đào, ngưng thương lượng về hiệp định tự do mậu dịch. Tuy vậy một số lợi ích Trung Quốc vẫn được duy trì như hai cảng trên đây.

Tân ngoại trưởng Mỹ : Trung Quốc thành siêu cường nhờ gian dối, cướp đoạt

Nhìn chung toàn cảnh, Le Monde phân tích về sự phụ thuộc lẫn nhau và cạnh tranh trực diện giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ. Trước sự cất cánh của Bắc Kinh bắt đầu từ 50 năm trước, Washington đang tự hỏi phải chăng đây là sai lầm to lớn khi tạo điều kiện cho nước này trở nên hùng mạnh.

Tờ báo nhận xét, một chính quyền mới ở Washington, nhưng cũng có những người quen cũ của Bắc Kinh. Phó chủ tịch Hàn Chính (Han Zheng) đến dự lễ nhậm chức từ hôm Chủ nhật 19/01 đã trò chuyện với Elon Musk, nhà tỉ phú đã bán được 36,7 % số xe Tesla tại thị trường Hoa lục. Nhưng Bắc Kinh không phải là không biết quan điểm của tân ngoại trưởng Marco Rubio, người bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc sau khi năm 2020 đã tố cáo "chiến dịch diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ, và đưa ra nhiều dự luật chống đàn áp Tân Cương, tẩy chay các sản phẩm do cưỡng bức lao động.

Trong cuộc điều trần trước Thượng Viện hôm 15/01, thượng nghị sĩ Florida đã nhấn mạnh : "Chúng ta đã đón tiếp đảng Cộng sản Trung Quốc vào trật tự thế giới, và họ đã tận dụng tất cả mọi lợi ích nhưng làm ngơ trước tất cả nghĩa vụ và trách nhiệm. Thay vào đó, họ đã ngoi lên hàng siêu cường thế giới bằng cách dối trá, gian lận, cướp đoạt, ăn cắp, làm hại cho chúng ta".

Tại Washington người ta đang tranh luận, phải chăng khi mở cửa cho Trung Quốc, nước Mỹ đã nâng đỡ kẻ thù xấu xa nhất của mình ? Chính sách bàn tay rộng mở cho Bắc Kinh càng bị phê phán khi Trung Quốc tăng cường phương tiện quân sự, cạnh tranh với Hoa Kỳ về thương mại và ngoại giao trên khắp thế giới ; tuy nhiên bên cạnh đó các công ty Mỹ cũng có lợi trên thị trường Hoa lục.

Trở nên giàu có, Trung Quốc coi Mỹ là kẻ thù phải hất cẳng

Le Monde phân biệt hai giai đoạn. Đầu tiên là chuyến đi đêm của Henry Kissinger với Bắc Kinh năm 1971, rồi chuyến thăm của tổng thống Richard Nixon năm sau, tiến đến việc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1979. Bước ngoặt lịch sử này nhằm làm Liên Xô yếu đi. Thứ hai là sau chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ ủng hộ mạnh mẽ để Trung Quốc được vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001.

Mù quáng trước niềm tin tuyệt đối về mô hình của mình, Mỹ cho rằng kinh tế thị trường sẽ dẫn đến tự do dân chủ. Tuy nhiên quên rằng mục đích chính của Bắc Kinh là duy trì chế độ, và kinh tế phát triển đang giúp mang lại tính chính danh cho đảng cộng sản đối với dân chúng. Trung Quốc còn thúc đẩy một trật tự quốc tế có lợi cho mình. Ngay từ 2001, lý thuyết gia về quan hệ quốc tế John Mearsheimer đã đánh giá việc Hoa Kỳ giúp đỡ Trung Quốc là sai lầm chiến lược khủng khiếp. Sự thay đổi diễn ra khá lâu sau đó. Barack Obama đưa ra chính sách "xoay trục sang Châu Á", rồi Donald Trump tung ra chiến tranh thương mại, bắt đầu là việc đánh vào các tên tuổi như Hoa Vi (Huawei).

Joe Biden tiếp tục một cách có phương pháp hơn, với chính sách "small yard, high fence" (rào cao, trên các lô đất nhỏ) : chận bước trong những lãnh vực quan trọng như chất bán dẫn. Tuy nhiên các công ty phương Tây vẫn cần Trung Quốc như nguồn cung và thị trường, và trong khi Hoa Kỳ vận động các đồng minh thì Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế chính trị với Châu Phi và Châu Mỹ la-tinh. Bắc Kinh thì tự cho là do cải cách sau thời kỳ Mao nên phát triển thay vì nhờ Mỹ mở cửa, và coi mỗi chính sách của Washington là xuất phát từ sự thù địch của Mỹ, muốn ngăn Trung Quốc trở thành bá chủ thế giới.

Bắc Kinh muốn xóa hẳn trang Covid

Cũng liên quan đến Trung Quốc, đúng 5 năm sau khi Vũ Hán trở thành đô thị đầu tiên bị phong tỏa trên thế giới vì con virus giết người, Les Echos quay lại thành phố này và nhận thấy "Trung Quốc không lật sang trang mới, nhưng xóa đi trang Covid". Ngày 23/01/2020, thành phố 14 triệu dân bị phong tỏa toàn bộ và 5 năm sau người dân Vũ Hán vẫn chưa thể quên 78 ngày khắc nghiệt, cứ 48 giờ lại phải làm xét nghiệm, nếu nghi vấn có thể rào chắn toàn khu nhà. May thay đó là thời kỳ cận tết nên họ có trữ được một số thực phẩm.

Nay thì các bệnh viện tiền chế được dựng lên bị bỏ hoang, chợ Hoa Nam đã dời ra ngoại ô. Ít ai muốn nhắc lại quá khứ, nhưng cũng vì chính quyền cấm đoán. Truyền thông nhà nước không hề đề cập đến dịp kỷ niệm 5 năm, công an đe dọa những ai kể lại với báo chí ngoại quốc. Phương Phương (Fang Fang), nhà văn nữ đã ghi lại những ngày tháng nghiệt ngã này trong Nhật ký Vũ Hán đăng trên mạng, sau đó xuất bản ở phương Tây, không còn được cho đăng bài trên báo chí cũng như xuất bản sách.

Về nguồn gốc con virus từ Vũ Hán, đến nay các nhà khoa học vẫn còn tranh cãi. Virus corona truyền sang người từ một động vật trung gian, hay từ phòng thí nghiệm ? Và nếu là tai nạn, thì từ phòng thí nghiệm nào, vì Vũ Hán có đến hai cơ sở ? Ông chủ mới của Nhà Trắng vẫn nghi ngờ Covid lọt ra từ phòng thí nghiệm, và đã giao cho thượng nghị sĩ Kentucky Rand Paul chức chủ tịch Ủy ban Nội an và các vấn đề chính phủ (HSGAC), và ông Paul cho biết quyết tâm muốn làm rõ vấn đề này.
Biển Baltic : Không chiến tranh nhưng cũng chẳng có hòa bình

Libération chú ý đến các thủ đoạn của Nga trên biển Baltic. Trong khi các nhà nghiên cứu và quan chức thường dùng những từ ngữ mơ hồ, như "mối đe dọa đa diện", "tấn công vùng xám", thì hôm 12/01 thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson đã chọn những chữ trực tiếp hơn để mô tả tình hình. Ông nói : "Chúng ta không đang trong chiến tranh, nhưng cũng chẳng có hòa bình. Là láng giềng, Thụy Điển chịu đựng sự tấn công không phải bằng quân lính mà bằng máy tính, tiền bạc, bóp méo thông tin và phá hoại".

Thủ tướng Kristersson không nêu ra kẻ chịu trách nhiệm về "những hiện tượng kỳ lạ liên tục diễn ra", từ những đường cáp dưới đáy biển bị cắt đứt cho đến phi cơ phải chuyển hướng khi đang bay vì mất vị trí định vị GPS, nhưng mọi cuộc điều tra đều chỉ ra phía Moskva. Trong nhiều thập niên, Kremlin coi biển Baltic như ao nhà. Liên Xô cùng với Ba Lan cộng sản và Đông Đức kiểm soát vùng này. Nhưng với sự sụp đổ của khối xô-viết, tuyên bố độc lập của các nước vùng Baltic và việc mở rộng NATO, vùng biển hầu như khép kín này trở thành "hồ của NATO". Bị mất lối ra, Nga tìm mọi cách để phá rối cả trên biển và trên không, và luôn đội lốt dân sự.

Minh Tuệ, nhà sư chân đất khiến chính quyền Việt Nam lo ngại

Liên quan đến Việt Nam, thông tín viên Le Monde tại Đông Nam Á nói về "Thích Minh Tuệ, nhà sư chân đất gây bối rối cho chính quyền cộng sản". Nhà sư gầy gò, luôn tươi cười cùng với những nhà sư đồng hành đã rời Việt Nam sang Lào rồi đến Thái Lan hôm 31/12. Ba tuần sau, ông chuẩn bị sang Miến Điện. Trong chuyến hành hương sang Ấn Độ dài 2.700 kilomet bằng đôi chân trần, nhà sư ngủ ngoài trời thậm chí trong nghĩa địa.

Tên thật là Lê Anh Tú, 43 tuổi ông đã xuôi ngược từ Nam ra Bắc suốt 6 năm cho đến khi mạng xã hội phát hiện và trở nên nổi tiếng. Sau khi bỗng nhiên "mất tích" một thời gian ngắn, ông xuất hiện trở lại và bày tỏ ý kiến muốn sang Ấn Độ, giải pháp này có vẻ phù hợp cả với chính quyền đang lo lắng về trật tự xã hội, và cho giáo hội phật giáo chính thức đã đánh mất lòng tin nơi phật tử vì những nhà sư thích làm giàu, sống vương giả.

Thụy My

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thụy My
Read 8 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)