Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

07/09/2017

Bắc Triều Tiên : 70 năm leo thang bạo lực

RFI tiếng Việt

"Mọi chú ý của thế giới đang dồn vào Triều Tiên", lời bình luận trên truyền hình Pháp từ năm 1950 vẫn còn hiệu lực trong bối cảnh hiện nay trên bán đảo Triều Tiên.

baoluc1

Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un. Ảnh do KCNA công bố ngày 01/09/2017. KCNA via Reuters

Ngày 03/09/2017, chế độ Kim Jong-un tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu và tuyên bố đã thử thành công bom nhiệt hạch, còn gọi là bom H. Vài ngày trước đó, cũng Bắc Triều Tiên đã bắn một tên lửa bay qua miền bắc lãnh thổ Nhật Bản. Đây là sự kiện chưa từng có kể từ năm 2009.

Đầu tháng 08/2017, Bình Nhưỡng dọa bắn bốn hỏa tiễn đến gần đảo Guam của Mỹ ngoài Thái Bình Dương, sau khi đã thử hai tên lửa liên lục địa một tháng trước đó. Tất cả các vụ thử diễn ra trong một thời gian ngắn cho thấy những dấu hiệu đáng quan ngại của cuộc khủng hoảng kéo dài 70 năm trên bán đảo Triều Tiên. Website của Libération ngày 05/09/2017 điểm lại những sự kiện chính liên quan đến cuộc khủng hoảng này.

1945-thập niên 1990 : Cuộc khủng hoảng chủ yếu giữa hai miền Bắc-Nam

Sau Thế Chiến II, hai miền Triều Tiên bị chia cắt : miền Bắc được đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ cộng sản và miền nam được Hoa Kỳ hậu thuẫn. Căng thẳng giữa khối cộng sản và phương Tây dẫn đến chiến tranh Triều Tiên, năm 1950 với sự kiện miền Bắc xâm chiếm miền Nam.

Chiến tranh tạm ngừng năm 1953 và đường biên giới vẫn không nhúc nhích : vĩ tuyến 38 nằm trong khu vực phi quân sự giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, chiến tranh chưa bao giờ chính thức chấm dứt tại Triều Tiên, như nhận định của giám đốc nghiên cứu Jean-Vincent Brisset, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (Iris) của Pháp và là chuyên gia về các vấn đề chiến lược tại Châu Á, khi trả lời Libération.

Ông cho biết : "Không một hiệp định hòa bình nào được ký kết, hai miền vẫn đang trong tình trạng đình chiến" và Bắc Triều Tiên "vẫn trong tình trạng căng thẳng từ năm 1945". Nếu như việc xích lại gần nhau từng được tính đến năm 1972, thì miền Bắc bắt đầu nghiên cứu một phiên bản của tên lửa Scud-B của Liên Xô ngay cuối những năm 1970.

Vụ bắn thử đầu tiên diễn ra vào năm 1984. Năm 1985, Bắc Triều Tiên ký hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT), nhưng trong những năm sau đó, Bình Nhưỡng lại phát triển tên lửa đạn đạo với tầm bắn ngày càng xa : Scud-C (có tầm bắn 500 km), Rodong-1 (1.300 km), Taepodong-1 (2.500 km), Hwasong-10 (3.000 km), Taepodong-2 (6.700 km). Song song với chương trình tên lửa đạn đạo, hai lò phản ứng nghiên cứu nguyên tử cũng được lắp đặt tại Bắc Triều Tiên.

Bước ngoặt hạt nhân

Cho tới khi Kim Nhật Thành qua đời năm 1994, "các mối đe dọa chủ yếu nhắm vào Bắc Triều Tiên", theo phân tích của chuyên gia Jean-Vincent Brisset. Vào năm đó, tổng thống Mỹ Bill Clinton đe dọa tấn công khu tổ hợp hạt nhân Yongbyon, nơi chế độ Bình Nhưỡng tuyên bố đã làm giầu được uranium. Bắc Triều Tiên cam kết ngừng và từ bỏ chương trình hạt nhân quân sự, mà chỉ phục vụ mục đích dân sự.

Vào cuối thập kỷ 1990, Bắc Triều Tiên tuyên bố một lệnh cấm về các vụ thử tên lửa tầm xa. Nhưng cuối cùng, ngay năm 2003, Bình Nhưỡng rút khỏi hiệp ước cấm phổ biến vũ khí hạt nhân và tự nhận là một cường quốc nguyên tử. Hai năm sau, vào năm 2005, Bắc Triều Tiên khẳng định sở hữu vũ khí hạt nhân, đồng thời chấm dứt lệnh cấm thử tên lửa tầm xa.

Năm 2006, chế độ Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên dưới lòng đất. Theo nhận định của nhà nghiên cứu Pháp, "trừ kết quả nhỏ nhoi của Clinton, Hoa Kỳ can thiệp từ năm 1993 với kết quả gần như là con số không".

Ba năm sau, vào năm 2009, Bắc Triều Tiên phóng một tên lửa tầm xa, bay ngang lãnh thổ Nhật Bản và tiến hành vụ thử hạt nhân thứ hai dưới lòng đất. Năm 2010, căng thẳng tăng thêm một bậc khi 46 thủy thủ chết trong một vụ đắm tầu của Hàn Quốc, dù Bình Nhưỡng phủ nhận can thiệp. Ngày 23/11/2010, một trận mưa 170 quả đạn súng cối từ Bắc Triều Tiên rơi xuống đảo Yeonpyeong.

Năm 2012 : Kim Jong-un muốn thành "người cha giám hộ"

Năm 2012, Kim Jong-un kế nghiệp người cha là Kim Jong Il. Tháng 02/2012, lãnh đạo trẻ của Bắc Triều Tiên thông báo cấm các hoạt động làm giầu uranium, chấp nhận đội ngũ thanh tra của Cơ Quan Năng Lượng Nguyên Tử Quốc Tế (AIEA) quay lại đất nước, đổi lại là chương trình viện trợ lương thực của Mỹ. Chương trình này đã bị đình chỉ sau một vụ thử tên lửa.

Đầu năm 2013, Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ ba dưới lòng đất. Lần này, chính Liên Hiệp Châu Âu thông qua các biện pháp trừng phạt. Chuyên gia Jean-Vincent Brisset phân tích : "Để đảm bảo tính chính đáng, Kim Jong-un phải thể hiện được là người bảo vệ dân tộc. Ông tận dụng tình hình kinh tế tương đối được cải thiện và sử dụng mối đe dọa Mỹ vào chính sách nội địa để chứng tỏ mình có thể có sức răn đe. Điều này mang ý nghĩa nội bộ, ông cho truyền hình rộng rãi mọi vụ thử vũ khí và nguyên tử để áp đặt uy lực tinh thần và hiện lên như một người cha giám hộ".

Khẳng định không đoái hoài đến loạt trừng phạt mới, Bắc Triều Tiên đe dọa và tuyên bố "trong tình trạng chiến tranh" với miền Nam. Tháng 07/2014, trước chuyến thăm Seoul của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bình Nhưỡng cho thử hai pháo phản lực tầm ngắn mới.

Trump và hồi kết của ngoại giao cổ điển

Tháng 01/2016, Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ tư. Chính phủ thông báo lần đầu tiên thử thành công loại bom nhiệt hạch (bom H). Tuy nhiên, thông tin lúc đó còn bị nghi ngờ.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đồng loạt lên án vụ thử bom H của Bình Nhưỡng. Tháng 04/2016, chế độ Kim Jong-un cho thử thêm một tên lửa mới, lần này được bắn từ tầu ngầm. Washington và Seoul thông báo dự án triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Tháng 08/2017, Bình Nhưỡng bắn trực tiếp một tên lửa đạn đạo vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và đến tháng Chín, vụ thử hạt nhân lần thứ năm được tiến hành.

Hoa Kỳ bắt đầu triển khai hệ thống THAAD từ tháng 03/2017. Hai tháng sau, Bình Nhưỡng bắn một tên lửa với tầm bắn được cho là có thể tấn công được các căn cứ của Mỹ trên đảo Guam. Sau đó, vào tháng 07/2017, đến lượt hai quả tên lửa khác được thử với tầm bắn được cho là có thể tới Alaska và một phần trên lục địa Mỹ.

Ông Jean-Vincent Brisset phân tích : "Donald Trump lên nắm quyền (tháng 01/2017) với các biện pháp hùng hổ hơn. Tổng thống Mỹ phân vân giữa ngành công nghiệp quân sự Mỹ vẫn bán vũ khí cho Hàn Quốc và Nhật Bản, nhưng lại muốn làm điều gì đó", liên kết với Bắc Triều Tiên, dường như điều này làm thay đổi quan điểm của tổng thống Mỹ về Bình Nhưỡng.

Năm 2016, chế độ của Kim Jong-un đã tiến hành 24 vụ thử tên lửa và hai lần thử bom nguyên tử. Từ đầu năm 2017, nhà lãnh đạo trẻ Bắc Triều Tiên đã cho bắn 17 quả tên lửa. Trong khi đó, cha ông mới chỉ cho thử 16 lần trong suốt 17 năm đứng đầu nước Cộng Hòa Nhân Dân Triều Tiên.

Thu Hằng

Quay lại trang chủ
Read 665 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)