Trung Quốc sẽ sửa đổi hiến chương Đảng tại Đại hội 19 ? (VOA, 19/09/2017)
Đảng Cộng sản cầm quyền Trung Quốc dự kiến sẽ sửa đổi hiến chương tại kỳ đại hội Đảng 19 diễn ra vào tháng tới, Reuters dẫn nguồn truyền thông trong nước ngày 18/9 cho biết trong một chỉ dấu cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình muốn hệ tư tưởng chủ đạo của ông được vinh danh trong hiến chương.
Dự thảo sửa đổi hiến chương dự kiến sẽ được đệ trình tại phiên họp toàn thể của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 11/10/2017.
Kể từ khi đảm nhiệm chức vụ gần 5 năm trước, Tập Cận Bình đã nhanh chóng củng cố quyền lực, với những động thái như đứng đầu một nhóm lãnh đạo cải cách kinh tế và tự phong làm tổng tư lệnh quân đội. Mặc dù với tư cách là người đứng đầu Quân ủy Trung ương, Tập Cận Bình đã nắm trong tay quyền kiểm soát các lực lượng vũ trang.
Bộ Chính trị, một trong những cơ quan quyền lực nhất của đảng, đã đưa ra dự thảo sửa đổi hiến chương, trong đó có "các quan điểm lý luận chính và tư tưởng chiến lược quan trọng". Dự thảo này sẽ được đưa ra bàn thảo vào kỳ Đại hội Đảng sắp tới, theo Tân Hoa Xã.
Mặc dù Tân Hoa Xã không tường thuật chi tiết về việc này, nhưng một trong những mục tiêu sửa đổi chính có thể là liệu học thuyết mang tên ông Tập Cận Bình có được ghi vào hiến chương, ngang tầm với các lãnh đạo đảng đã lập ra nước Trung Quốc cộng sản, chẳng hạn như Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình hay không.
Những người tiền nhiệm gần đây của Tập Cận Bình như Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào, đã từng sửa đổi hiến chương đảng để đưa vào những tư tưởng chủ đạo của họ, nhưng không trực tiếp gắn tên mình vào.
Giang Trạch Dân có "Thuyết ba đại diện", còn Hồ Cẩm Đào có "Khoa học phát triển quan".
Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cố đẩy học thuyết "Tứ toàn" của Tập Cận Bình lên nhưng chưa rõ hiến chương sửa đổi sẽ đưa tư tưởng nào của ông Tập vào.
"Tứ toàn" nói về việc Trung Quốc phải nỗ lực "toàn diện" để xây dựng một xã hội thịnh vượng và tăng cường cải cách, pháp quyền và kỷ luật đảng.
"Việc sửa đổi hiến chương tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 19 dựa trên tình hình và nhiệm vụ mới, thúc đẩy sự phát triển của chủ nghĩa xã hội với đặc trưng Trung Quốc và xây dựng Đảng", Reuters trích nguồn từ Tân Hoa Xã.
"Sửa đổi cần bao gồm các lý luận quan trọng và các ý tưởng chiến lược được trình bày trong một báo cáo" ngay vào lúc bắt đầu Đại hội Đảng, khai mạc ngày 18/10.
Vẫn theo Tân Hoa Xã, hiến chương sửa đổi phải đại diện cho sự "Hán hóa" mới nhất của chủ nghĩa Marx, khái niệm quản trị mới và "những kinh nghiệm mới trong việc củng cố và tăng cường lãnh đạo Đảng, và trong sự quản lý chặt chẽ của Đảng".
Dự thảo sửa đổi sẽ được đệ trình vào ngày 11/10 tại phiên họp toàn thể của đảng. Đây là cuộc họp quy mô nhỏ với khoảng 200 lãnh đạo cấp cao nhất để thông qua lần cuối chương trình nghị sự của Đại hội.
*******************
Dảng cộng sản Trung Quốc sắp đưa tư tưởng Tập vào điều lệ đảng ? (VOA, 19/09/2017)
Khi Đảng Cộng sản Trung Quốc tổ chức đại hội 5 năm một lần vào tháng tới, các nhà phân tích chính trị sẽ đều theo dõi một điều quan trọng, đó là tên ông Tập Cận Bình.
Ảnh tư liệu - Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Đương kim lãnh đạo Trung Quốc là một trong những nhân vật quyền lực nhất mà quốc gia này đã có trong nhiều thập kỷ, nhưng các nhà phân tích cho rằng tầm vóc của ông có thể được nâng cao hơn nữa nếu tên của ông được ghi vào điều lệ đảng.
Nếu điều đó diễn ra, ông Tập có thể sánh ngang hàng các vị khai quốc công thần của đảng như các cựu lãnh tụ Đặng Tiểu Bình và Mao Trạch Đông.
Tối 18/9, truyền thông nhà nước Trung Quốc thông báo rằng trong đại hội vào tháng sau, đảng sẽ đưa lý luận quan trọng và tư tưởng chiến lược được vạch ra trong hội nghị vào điều lệ đảng. Đại hội khai mạc ngày 18/10.
Vẫn chưa rõ "Tư tưởng Tập" hay tên của ông sẽ có thể được đưa vào điều lệ ra sao, nhưng một số người đã hình dung được khái quát về những thay đổi.
Dương Giới Hoàng, giám đốc một trung tâm nghiên của trường Đại học Minh Truyền ở Đài Loan, nói sẽ quá ngạo mạn nếu dùng tên "Tư tưởng Tập" và điều đó thể hiện không tôn trọng ông Mao. Còn nếu gọi là lý luận (giống như Lý luận Đặng Tiểu Bình) lại quá bó hẹp, vì ông Tập xử lý nhiều lĩnh vực hơn như văn hoá, các chính sách phát triển quân sự và Đài Loan, so với ông Đặng Tiểu Bình.
Ông Dương nói : "Tư tưởng của ông Tập thực ra là kết hợp của cả tư tưởng ông Mao và ông Đặng. Sẽ không có tư tưởng Tập nếu không có việc ông Mao Hán hóa Chủ nghĩa Mác hay việc ông Đặng Tiểu Bình khởi động cải tổ, mở cửa thị trường".
David Kelly, giám đốc nghiên cứu thuộc China Policy, một công ty tư vấn ở Bắc Kinh, cho rằng vì ông Tập kiểm soát mọi cơ quan chính phủ, giới truyền thông và tuyên truyền, ông có thể sử dụng bất cứ nhan đề nào theo ý ông.
Ông Kelly nói : "Vì ông ấy có thể, nên ông ấy sẽ tự đưa mình trở thành chủ nhân của tư tưởng Tập, và sau đó ông sẽ pha trộn một số yếu tố trong nước, rất có thể dưới tiêu đề là tạo dựng một xã hội thịnh vượng hợp lý, thúc đẩy chính sách đối ngoại bao gồm Vành đai và Con đường, nhưng có lẽ sẽ sử dụng thuật ngữ là Giải pháp Trung Quốc".
Ông Kelly nói thêm rằng Trung Quốc đã không hành xử như một cường quốc dưới thời Hồ Cẩm Đào, nhưng đã làm như vậy khi dưới quyền lãnh đạo của ông Tập Cận Bình.
Một số người nói rằng công thức đó thật vô nghĩa và chủ yếu nhằm để tô vẽ quyền lực.
Nhà bình luận chính trị Paul Lin nói rằng việc đưa tư tưởng vào điều lệ của đảng không có gì khác ngoài những lời trống rỗng.