Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

20/01/2017

Thời sự Châu Á : Thái Lan hòa giải, Bắc Kinh kiểm duyệt

RFI tiếng Việt

Thái Lan : tập đoàn quân sự lập ủy ban hòa giải chính trị (RFI, 20/01/2017)

chaua1

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan Ocha tại Bangkok ngày 17/01/2017. Reuters

Ngày 20/01/2017, tập đoàn quân sự Thái Lan thông báo quyết định thành lập một nhóm làm việc, để tìm cách hòa giải các phe phái chính trị, trong bối cảnh kỳ hạn bầu cử Quốc Hội đang đến gần.

Theo Reutes, tướng Chaichan Changmongkol, vốn là thư ký thường trực của bộ Quốc Phòng, được chỉ định phụ trách nhóm. Theo viên tướng này, nhóm làm việc sẽ bao gồm tư lệnh các lực lượng vũ trang, các chuyên gia quân sự và chuyên gia dân sự. Nhóm sẽ có ba tháng làm việc để tiếp thu quan điểm của tất cả các bên và về từng chủ đề một, bao gồm các lĩnh vực như chính trị, giáo dục và các cải cách. Kết thúc thời gian làm việc nói trên, nhóm làm việc đặt kế hoạch các bên tham gia ký kết một thỏa thuận, để tạo điều kiện cho một cuộc chuyển tiếp chính trị hòa bình.

Các đảng phái chính trị lớn của Thái Lan tuyên bố sẵn sàng tham gia tiến trình hòa giải, miễn là tiến trình này diễn ra công bằng. Cựu thủ tướng Yingluck tuyên bố, "tiến trình hòa giải phải trung lập, công bằng và tuân thủ pháp luật".

Tập đoàn quân sự Thái Lan – lên nắm quyền từ năm 2014, sau cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng Yingluck - hứa hẹn sẽ tổ chức bầu cử Quốc Hội trong năm nay để khôi phục nền dân chủ. Nhiều người cho rằng trong tình hình hiện nay, bầu cử chỉ có thể diễn ra vào năm tới 2018.

Ông Kan Yuenyong, giám đốc điều hành của trung tâm tư vấn Siam Intelligence Unit, có trụ sở tại Bangkok dự đoán tiến trình hòa giải dưới sự điều hành của quân đội sẽ rất gian truân.

Nhiều chính trị gia Thái Lan lo ngại về tính trung lập của nhóm làm việc này và nghi ngờ thiện chí của quân đội. Một số người cho rằng quân đội đang tìm cách duy trì ảnh hưởng sau bầu cử.

Trọng Thành

************************

Bắc Kinh tăng cường kiểm duyệt trước ngày tổng thống Mỹ tuyên thệ (RFI, 20/01/2017)

chaua2

Tổng thống đắc cử Donald Trump 24 giờ trước lễ tuyên thệ. Ảnh ngày 19/01/2017.Reuters

Cơ quan kiểm duyệt thông tin của Trung Quốc ra lệnh cho báo chí tiết giảm các bài tường thuật về lễ tuyên thệ nhậm chức tổng thống Mỹ vì lo sợ phản ứng của cộng đồng xã hội phá vỡ quan hệ Mỹ-Trung.

Theo Finantial Times ngày 20/01/2017, cán bộ tuyên truyền của đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ thị cho báo chí Trung Quốc chỉ được sử dụng những thông tin, bình luận chỉ trích buổi lễ tuyên thệ của Donald Trump do Tân Hoa Xã hay báo đảng cung cấp.

Báo mạng được lệnh không mở phần "bình luận" cho độc giả để tránh những nhận định "bốc lửa".

Lệnh kiểm duyệt cũng có hiệu lực đối với truyền thông Nhà nước sử dụng tiếng nước ngoài. Elyse Ribbons, ký giả một chương trình phát thanh Anh ngữ cho biết phải tạm ngưng mục "tranh luận trực tiếp" vì có "can thiệp từ bên ngoài".

Theo giới phân tích, Bắc Kinh luôn e dè tác động của biến cố quốc tế nhưng thái độ cấm đoán triệt để nhân lễ nhậm chức của Donald Trump cho thấy ban lãnh đạo Trung Quốc hoang mang không biết ứng xử ra sao với một vị tổng thống tính khí bất lường.

Mối lo ngại này được giáo sư kinh tế Hồ Tinh Đẩu (Hu Xing Dou), đại học Bách Khoa Bắc Kinh phân tích như sau :

"Kể từ nay, kẻ thù số một của Mỹ không phải là Nga mà là Trung Quốc. Tôi lo ngại sẽ xảy ra một cuộc chiến tranh lạnh Mỹ-Trung mới. Nguyên nhân thứ nhất, các nước Tây phương không chấp nhận một chế độ cộng sản tại Trung Quốc. Tự thân điều này đã là một yếu tố rất quan trọng.

Thứ hai, Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế thứ hai trên thế giới. Hoa Kỳ lo ngại bị Trung Quốc cạnh tranh.
Chiến tranh lạnh sẽ lan sang các lãnh vực khác như chính trị, quân sự và kinh tế. 

Washington rất có thể sẽ đóng lại chính sách của tổng thống Obama đã phát triển thương mại Mỹ-Trung. Ông Donald Trump sẽ thọc gậy bánh xe để cản trở tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Không những ông Donald Trump sẽ ban hành biện pháp thuế quan 45% đánh lên hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, ông ấy còn tố cáo Bắc Kinh thao túng đồng nhân dân tệ và từ chối công nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường. 

Những tuyên bố trong cuộc vận động tranh cử tổng thống của ông Donald Trump cho phép dự báo quan hệ Mỹ-Trung rồi đây sẽ xấu hơn nhiều so với tình trạng hiện nay".

Tokyo kêu gọi tăng cường trục Mỹ- Nhật

Về phản ứng của Nhật, trong bài diễn văn đọc trước Quốc Hội ngày 20/01/2017, thủ tướng Shinzo Abe cam kết sẽ tăng cường quan hệ giữa Tokyo với Washington, mặc dù ứng cử viên Trump trước đây đã có những tuyên bố gây lo ngại cho các nước trong khu vực.

Trong thời gian tranh cử, ông Donald Trump đã dọa rút lực lượng Mỹ ra khỏi Nhật Bản và Hàn Quốc, nếu hai nước này không tăng đáng kể mức đóng góp tài chính cho việc bảo vệ an ninh. Tại Nhật Bản hiện có khoảng 47 000 lính Mỹ đang trú đóng.

Philippines biểu tình chống Trump

Trong khi đó hàng trăm người Philippines đã biểu tình trước sứ quán Mỹ ở Manila phản đối ông Donlad Trump vì thái độ bị xem là mang tính kỳ thị nam nữ, kỳ thị chủng tộc và bài ngoại. Một số biểu ngữ ghi chữ "Trump, rác rưởi". Những người biểu tình ném thùng rác vào các bức ảnh của nhà tỷ phú Mỹ. Trong thời gian tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ trục xuất hàng triệu người nhập cư, và nhiều người lo ngại trước việc người lao động Philippines ở Mỹ trở thành nạn nhân của kỳ thị chủng tộc.

Tú Anh

Quay lại trang chủ
Read 723 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)