Khủng hoảng Rohingya gây bất hòa trong ASEAN (RFI, 26/09/2017)
Cuộc khủng hoảng về người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện bắt đầu gây bất hòa giữa các thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á, ASEAN, một khối mà cho tới nay vẫn chủ trương không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Biểu tình trước sứ quán Miến Điện tại Kuala Lumpur, Malaysia, phản đối các hành động ngược đãi người Rohingya tại Miến Điện-Reuters
Sự rạn nứt này được thể hiện qua việc Malaysia hôm Chủ nhật, 24/09/2017, đã phản bác một bản tuyên bố của Philippines, chủ tịch luân phiên của ASEAN. Theo quan điểm của Kuala Lumpur, tuyên bố của chủ tịch ASEAN không trình bày đúng "thực tế của tình hình" và không xác định rõ ràng người Rohingya Hồi giáo là một trong những cộng đồng gánh chịu hậu quả của bạo lực tại Miến Điện, quốc gia có đa số dân là người Phật giáo.
Cho tới nay, chính quyền Miến Điện vẫn dứt khoát không sử dụng từ "Rohingya", cho rằng người Hồi giáo ở bang Rakhine, miền tây Miến Điện, không phải là một sắc tộc thiểu số của nước này, mà chỉ là những người nhập cư trái phép từ Bangladesh.
Kể từ khi một nhóm vũ trang Rohingya tấn công các đồn biên phòng của Miến Điện ngày 25/08, và quân đội Miến Điện mở chiến dịch trả đũa, hơn 400 người đã thiệt mạng và 430 000 người Rohingya đã vượt biên sang lánh nạn ở Bangladesh. Liên Hiệp Quốc đã lên án "một cuộc thanh lọc sắc tộc" ở Miến Điện.
Tình hình đã trở nên nghiêm trọng đến mức ASEAN buộc phải lên tiếng. Theo các nguồn tin từ bộ Ngoại Giao Philippines và chính phủ Malaysia, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ở New York, các nhà ngoại giao cao cấp và các ngoại trưởng ASEAN đã có thảo luận về nội dung bản tuyên bố của chủ tịch ASEAN trước khi bản tuyên bố này được công bố. Nhưng theo lời hai quan chức chính phủ Malaysia, các ngoại trưởng ASEAN đã không đạt được đồng thuận về hồ sơ này. Một trong hai quan chức nói trên cho biết tuyên bố của chủ tịch ASEAN "không phản ánh những quan ngại" của phía Malaysia về cuộc khủng hoảng Rohingya. Bản tuyên bố này lên án các vụ tấn công vào lực lượng an ninh Miến Điện và lên án "mọi hành động bạo lực gây thiệt hại tính mạng thường dân, phá hủy nhà cửa và khiến nhiều người dân phải tản cư".
Ngoại trưởng Anifah Aman của Malaysia, quốc gia có đa số dân là Hồi giáo, hôm Chủ nhật đã yêu cầu Miến Điện phải chấm dứt "những hành động tàn bạo" đã gây ra "thảm họa nhân đạo quy mô lớn". Tuyên bố của ngoại trưởng Malaysia cho rằng Miến Điện "phải tìm ra những giải pháp dài hạn và vững chắc cho gốc rễ của xung đột", ám chỉ là phải giải quyết vấn đề người Rohingya.
Khủng hoảng Rohingya trong thời gian qua đã khiến dư luận Malaysia, nơi có đa số dân là Hồi giáo, rất bất bình, nhiều người đã xuống đường để lên án Miến Điện và ủng hộ người Rohingya. Bộ Ngoại Giao Malaysia đã từng triệu đại sứ Miến Điện lên để bày tỏ bất bình về sự ngược đãi người Rohingya. Không chỉ có Malaysia, mà Indonesia, quốc gia khác có đa số dân là Hồi giáo, cũng đã có phản ứng mạnh về khủng hoảng Rohingya. Trong tháng này, tổng thống Jokowi Widodo đã mở họp báo đột xuất vào một ngày Chủ nhật để lên án những bạo lực nhắm vào người Rohingya, đồng thời thông báo đã cử ngoại trưởng đến gặp lãnh đạo Miến Điện Aung San Suu Kyi.
Khủng hoảng Rohingya có thể làm tiêu tan mọi nỗ lực của ASEAN trong nhiều năm qua để đưa Miến Điện hội nhập hoàn toàn vào khối này. Khủng hoảng ở Miến Điện cũng đang làm rạn nứt thêm nền tảng vốn không mấy vững chắc của ASEAN, trong khi khối này đã bất đồng sâu đậm về vấn đề Biển Đông và nói chung là về đối sách trước tham vọng bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Thanh Phương
*****************
Cập nhật tình hình liên quan người tỵ nạn Rohingya (RFA, 25/09/2017)
Quân đội Miến Điện tiếp tục thực hiện những cuộc hành quân tại bang Rakhine để truy lùng quân khủng bố Hồi Giáo Rohingya, đồng thời tìm kiếm xác của những người theo Ấn Giáo bị khủng bố sát hại.
Trại tỵ nạn của người Hồi Giáo Rohingya ở dọc theo biên giới giữa Bangladesh và Miến Điện hôm 25/09/2017. AFP
Các bản tin chúng tôi thu thập được cho hay binh sĩ Miến đã tìm thấy mồ chôn 28 người theo Ấn Giáo bị khủng bố Rohingya giết chết hồi tuần trước, trong khi cư dân địa phương cho hay số người bị giết có thể lên đến hơn 100 người.
Trong lời tuyên bố được ghi trên Facebook, Tư Lệnh Quân Đội Miến là Tướng Min Aung Hlaing viết rằng những người Ấn Giáo là nạn nhân của bọn khủng bố Hồi Giáo Rohingya, nhắc lại cam kết sẽ tiêu diệt bọn gian để ổn định tình hình.
Lực lượng khủng bố đang bị quân đội Miến Điện truy lùng có tên là Đạo Quân Cứu Chuộc Rohingya ARSA, là nhóm đã mở cuộc tấn công nhắm vào những đồn cảnh sát và một căn cứ quân sự Miến hôm 25 tháng Tám vừa rồi, khởi đầu cho những cuộc giao tranh với quân đội chính phủ, dẫn đến việc 435.000 ngàn người thiểu số Rohingya phải chạy lánh nạn, phần lớn sang Bangladesh xin tá túc.
Trong bản thông cáo phổ biến sáng ngày 25 tháng 9, Tổ Chức Y Tế Thế Giới cảnh báo dịch tiêu chảy có thể xày ra ở các trại tỵ nạn vì điều kiện an toàn vệ sinh quá tệ.
Cuối tuần trước, Tổ Chức Bác Sĩ Không Biên Giới cũng đưa ra cảnh báo tương tự, nói rắng các trại tỵ nạn của người Hồi Giáo Rohingya ở dọc theo biên giới giữa Bangladesh và Miến Điện đang ở trong tình trạng được gọi là thảm họa về sức khỏe cộng đồng.
Trả lời câu hỏi về vấn đề này, ông Misbah Uddin Ahmet, viên chức đặc trách y tế của Bangladesh cho biết quân đội nước này đang cố gắng tối đa để bảo đảm an toàn sức khỏe cho người tỵ nạn Rohingya.
Cũng vào sáng 25 tháng 9, Bộ Ngoại Giao Philippines cho biết tôn trọng quyết định của chính phủ Malaysia, liên quan đến bản tuyên bố mà Phi cho phổ biến hôm thứ Bảy tuần trước tại New York về tình trạng bất ổn đang xảy ra ở bang Rakhine, Miến Điện.
Bản tuyên bố được chính phủ Phi đưa ra tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc với tư cách chủ tịch luân phiên ASEAN viết rằng các nước thành viên của tổ chức lên án việc quân khủng bố mở các cuộc tấn công nhắm vào những đơn vị an ninh Miến, và tất cả những hành vi bạo động gây nguy hiểm đến tính mạng của con người, phá hủy nhà cửa của dân chúng và đẩy cư dân tới chỗ phải chạy lánh nạn.
Ngay sau đó, chính phủ Malaysia lên tiếng yêu cầu rút tên khỏi bản tuyên bố, nói rằng những lời lẽ được chính phủ Phi đưa ra không nêu đúng sự thật đang xảy ra ở Miến Điện.
Ngoại Trưởng Malaysia, ông Anifah Aman, nói rõ chính phủ nước ông lên án hành động khủng bố của Đạo Quân Cứu Chuộc Rohingya ARSA, nhưng đồng thời cáo buộc chính phủ Miến đã để yên cho quân đội mở chiến dịch thanh lọc sắc tộc nhắm vào tập thể Hồi Giáo Rohingya.
********************
ASEAN ‘rạn nứt’ vì Malaysia và Myanmar bất đồng (VOA, 26/09/2017)
ASEAN một lần nữa bất đồng ý kiến sau khi Malaysia nói tuyên bố của Philippines, nước đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN hiện nay, là sai lệch thực tế về làn sóng lánh nạn gồm 430 ngàn người sắc tộc Rohingya từ Myanmar.
Người tị nạn Rohingya chờ nhận vật phẩm cứu trợ tại Cox's Bazar, Bangladesh.
ASEAN, gồm 10 quốc gia Đông Nam Á, là một trong những vùng tăng trưởng nhanh nhất thế giới từ lâu đã phải đối phó với những quyền lợi mâu thuẫn trong việc giải quyết những vấn đề như việc Trung Quốc đòi chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông và cuộc khủng hoảng người Hồi Giáo Rohingya hiện nay.
"Philippines, với tư cách nước Chủ tịch, dung chấp việc phát biểu công khai những ý kiến khác biệt", Bộ Ngoại giao Philippines nói trong một tuyên bố ngày 25/9.
Động thái này cho thấy một "mức độ chín chắn mới" trong việc đẩy mạnh những nguyên tắc đồng thuận của ASEAN khi đối phó với những vấn đề ảnh hưởng đến các quyền lợi quốc gia, tuyên bố nói.
Malaysia đã có lập trường rõ ràng "trong vài cuộc họp của ASEAN" tại New York, Bộ ngoại giao Philippines nói, tuy nhiên cũng phải chú ý đến quan điểm của những quốc gia thành viên khác.
Ngày 24/9, Malaysia không đồng ý với tuyên bố của chủ tịch ASEAN vì tuyên bố này không biểu hiện đúng "thực tế của tình hình" và không công nhận người Rohingya là một trong những cộng đồng chịu ảnh hưởng.
Myanmar bác bỏ cụm từ Rohingya, cho rằng những người Hồi Giáo tại bang Rakhine phía tây Myanmar không phải là một sắc tộc mà là những di dân bất hợp pháp đến từ Bangladesh.
Các nhà ngoại giao cao cấp và Bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN đã thảo luận về nội dung của tuyên bố bên lề phiên họp Đại hội đồng Liên hiệp quốc ở New York trước khi công bố, các nguồn tin của Bộ ngoại giao Philippines và chính phủ Malaysia nói.
Tuy nhiên, các Ngoại trưởng ASEAN không đạt được đồng thuận, theo hai giới chức chính phủ Malaysia biết rõ về các cuộc thảo luận này.
Tuyên bố của Chủ tịch ASEAN do Philippines công bố không phản ánh những quan ngại của Malaysia, một trong những giới chức này nói và yêu cầu được dấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề.
Trước đây Malaysia đã có lần bác bỏ tuyên bố tương tự về cuộc khủng hoảng tại bang Rakhine phía tây Myanmar, nhưng phản ứng của Malaysia hôm 24/9 là điều bất ngờ vì ASEAN có chính sách không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các nước thành viên.
Myanmar phải ngưng "việc tàn sát đã trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo", Bộ trưởng Ngoại giao Malaysia Anifah Aman ngày 24/9 tuyên bố.
"Phải tìm ra những giải pháp lâu dài và có thể thực hiện được đối với nguồn gốc của xung đột", ông nói trong một tuyên bố.
Tuy nhiên, bất đồng ý kiến của Malaysia chỉ phản ánh sự căng thẳng trong khối ASEAN, theo nhận xét của ông Shahriman Lockman, một nhà phân tích kỳ cựu của Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế tại thủ đô Malaysia.
Trong tuyên bố, Ngoại trưởng các nước ASEAN lên án những cuộc tấn công vào lực lượng an ninh Myanmar và "tất cả các hành vi bạo động đưa đến kết quả là thường dân thiệt mạng, nhà cửa bị hủy hoại và nhiều người phải lìa bỏ nơi ăn chốn ở".
Có hơn 400 người thiệt mạng và 430.000 người Hồi Giáo Rohingya đã bỏ chạy khỏi bang Rakhine. Các cuộc tấn công của các phần tử chủ chiến Rohingya hôm 25/8 vào các vị trí quân đội và cảnh sát đã khiến cho quân đội Myanmar mở những cuộc tấn công mà Liên hiệp quốc gọi là "hủy diệt sắc tộc thiểu số".
****************
Miến Điện : Phát hiện hố chôn tập thể 28 tín đồ Ấn giáo (RFI, 25/09/2017)
Lãnh đạo quân đội Miến Điện, tướng Min Aung Hlaing, hôm qua 24/09, trên tài khoản Facebook của mình đã thông báo phát hiện một hố chôn tập thể của 28 tín đồ Ấn giáo và cáo buộc những "kẻ khủng bố" người Rohingya đã thực hiện cuộc thảm sát.
Tín đồ Ấn giáo tại một trại đón tiếp người tị nạn ở gần Maungdaw, Miến Điện. Ảnh chụp ngày 30/08/2017 - Reuters
Theo AFP, phát ngôn viên của chính quyền dân sự Miến Điện Zaw Htay cũng đã lên tiếng khẳng định cuộc thảm sát "dựa trên những nhân chứng sống sót tị nạn tại Bangladesh".
Hố chôn tập thể này được phát hiện gần làng Kha Maung Seik, tại vùng Maungdaw thuộc bang Rakhine, tây bắc Miến Điện, nơi bùng phát cuộc đàn áp của quân đội đối với sắc dân thiểu số theo Hồi giáo Rohingya cách đây vài tuần, khiến khoảng 430000 người phải tị nạn ở Bangladesh.
Lãnh đạo cộng đồng Ấn giáo tại địa phương Ni Maw cho biết, cuộc thảm sát đã xảy ra từ ngày 25/08 khi có khoảng vài trăm người nổi loạn Rohingya tấn công vào làng của tín đồ Ấn giáo.
Đây là lần đầu tiên một hố chôn tập thể được tìm thấy ở Miến Điện kể từ khi bạo lực diễn ra.
Duy Anh