Bắc Kinh tìm cách đối phó trước nguy cơ Bắc Triều Tiên rối loạn
Bầu cử Đức hôm 24/09/2017, tiếp tục là chủ đề chính. Trang nhất Le Monde : "Merkel thắng lợi, nhưng suy yếu. Đột phá lịch sử của cực hữu". Libération đặt câu hỏi : "Tại sao nước Đức lung lay ?", La Croix tìm hiểu "Những lý do làm Đức bất an". Le Figaro báo động : "Dự án Châu Âu của Pháp bị bầu cử Đức gây khó". Trước hết xin giới thiệu bài phân tích của Le Monde về "nguy cơ sụp đổ Bắc Triều Tiên nhìn từ Trung Quốc", trong bối cảnh khủng hoảng hạt nhân ngày một trầm trọng, bóng ma chiến tranh lơ lửng.
Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ tướng Joseph Dunford và tướng Trung Quốc Phòng Phong Huy (Fang Fenghui) nhân buổi ký thỏa thuận trao đổi thông tin, ngày 15/08/2017, tại Bắc Kinh. Ảnh : Reuters
Bài "Trung Quốc đặt câu hỏi về tương lai Bắc Triều Tiên", của nhà báo Brice Pedroletti - thông tín viên của Le Monde tại Trung Quốc - mở đầu với nhận xét : "Chính quyền của ông Tập Cận Bình rất thiếu sáng kiến trong hồ sơ Bắc Triều Tiên". Bắc Kinh chỉ quan sát thụ động, trong lúc oanh tạc cơ Hoa Kỳ bay sát biên giới Liên Triều, cùng lúc với việc tổng thống Mỹ đe dọa "sớm xóa số" chế độ Bình Nhưỡng, còn ngoại trưởng Bắc Triều Tiên thì gọi tổng thống Trump là "kẻ rối trí".
Trên thực tế, trong bối cảnh này, nhiều nhà quan sát đồng ý với nhau ở một điểm, đó là Bắc Kinh không thể không dự kiến "các kế hoạch khẩn cấp", trong trường hợp rối loạn xảy ra.
Điều này phần nào được thể hiện qua tiếng nói của một số học giả Trung Quốc. Trong một bài viết được công bố ngày 11/09/2017, trên trang mạng đại học Úc East Asia Forum, ông Giả Khánh Quốc (Jia Qingguo) – chủ nhiệm Khoa Quan hệ Quốc tế Đại Học Bắc Kinh – nhận định là "trong một thời gian dài Trung Quốc kháng cự lại kêu gọi của Mỹ và Hàn Quốc, chuẩn bị một số kịch bản khẩn cấp về Bắc Triều Tiên", nhưng Bắc Kinh chắc chắn sẽ phải sớm thay đổi lập trường.
Cụ thể là Trung Quốc sẽ phải thảo luận về việc kiểm soát hệ thống vũ khí hạt nhân Bắc Triều Tiên, để tránh mọi nguy cơ lọt ra ngoài. Tiếp đó, Bắc Kinh cũng phải dự kiến đưa quân sang bên kia biên giới, lập "các trại tiếp đón" tại chỗ, để ngăn chặn làn sóng người tị nạn từ Bắc Triều Tiên tràn sang.
Trong trường hợp "khủng hoảng", có nghĩa là "chế độ sụp đổ", học giả Trung Quốc nhấn mạnh là cần phải có sự chuẩn bị để "lập lại trật tự", với quân đội Hàn Quốc hoặc lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc. Tiếp theo đó, cần dự kiến "lập một chính phủ mới dưới sự bảo trợ của cộng đồng quốc tế", hoặc một "cuộc trưng cầu dân ý về tái thống nhất, được Liên Hiệp Quốc hậu thuẫn".
Chỉ huy quân đội Mỹ-Trung gặp gỡ tại biên giới
Theo chuyên gia Mathieu Duchatel (Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại Châu Âu), đối với Bắc Kinh, "công khai thừa nhận đang chuẩn bị kế hoạch đối phó khẩn cấp cùng với Mỹ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc khép cửa với đàm phán đa phương". Tuy nhiên, phóng viên Le Monde đặt câu hỏi : Phải chăng trên thực tế chính Trung Quốc và Mỹ đã bắt đầu rậm rạp chuẩn bị cho các thảo luận như vậy ?
Giữa tháng 8/2017 vừa qua, tư lệnh quân đội Mỹ, tướng Joseph Dunford, đã được chính quyền Trung Quốc mời đến căn cứ quân sự Hải Thành (Haicheng), thành phố Thẩm Dương (Shenyang), tỉnh Liêu Ninh (Liaoning), trụ sở của lực lượng kiểm soát vùng biên giới với Bắc Triều Tiên. Ít có thông tin nào lọt ra về nội dung thực sự của các thảo luận, tuy nhiên, tướng Dunford tuyên bố với báo giới Mỹ là đã nói chuyện về đồng nhiệm Trung Quốc "về các giải pháp quân sự trong trường hợp áp lực ngoại giao và kinh tế thất bại".
Một thỏa thuận đầu tiên đã được ký kết nhằm "tăng cường trao đổi thông tin về các hoạt động trên thực địa giữa hai quân đội Mỹ và Trung Quốc". Nhà nghiên cứu Michael Kovrig – phụ trách mảng Đông Bắc Á của viện tư vấn International Crisis Group, có trụ sở tại Bỉ - khẳng định chuyến công du nói trên "rất có ý nghĩa", bởi đây là "bước đi đầu tiên", cho phép tránh được các sai lầm trong tính toán trong trường hợp khủng hoảng bùng phát.
Bắc Kinh được cảnh báo không nên lầm bạn với thù
Đòi hỏi sẵn sàng đối phó với rối loạn Bắc Triều Tiên ở Trung Quốc không phải là mới. Ngay từ năm 2009, viện tư vấn ICG đã ghi nhận sự tồn tại của hai nhóm cố vấn, vào thời điểm Bình Nhưỡng rời đàm phán 6 bên và tiếp tục thử hạt nhân lần thứ hai. Nhóm theo quan điểm "truyền thống" chủ trương tình bạn bất di bất dịch với Bình Nhưỡng, trong khi đó nhóm được gọi là "chiến lược gia" cổ vũ cho hợp tác với Hoa Kỳ, vì lợi ích Trung Quốc.
Năm 2013, sau khi Bình Nhưỡng thử bom lần ba, một phó tổng biên tập tạp chí của Trường Đảng Bắc Kinh thậm chí còn kêu gọi "bỏ rơi Bắc Triều Tiên", và "chủ động tìm sáng kiến hậu thuẫn cho việc tái thống nhất Bắc Triều Tiên, dưới sự kiểm soát của Hàn Quốc".
Tuy tác giả bài viết bị kỷ luật, nhưng lời kêu gọi đã được Bắc Kinh tiếp thu một phần, điều này được thể hiện qua chính sách xích lại với Hàn Quốc, cũng từ năm này.
Le Monde nhắc lại ý kiến của sử gia về chiến tranh Triều Tiên, ông Thẩm Chí Hoa (Shen Zhihua) người Trung Quốc, chỉ trích Bắc Kinh trừng phạt các công ty Hàn Quốc, vì Seoul triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD. Theo ông, hiệp ước đồng minh Trung – Triều hiện chỉ còn là "một tờ giấy lộn", Bắc Kinh không nên lẫn bạn với thù : "Bắc Triều Tiên đã trở thành một kẻ thù tiềm tàng, Hàn Quốc là một quốc gia bạn hữu".
Vũ khí laser chống tên lửa Bắc Triều Tiên
Về "chiến lược của Hoa Kỳ" trong cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên, báo Le Figaro có bài nhận định của nhà báo Renaud Girard. Tác giả dự báo hai biện pháp mạnh mà Washington đang tìm cách triển khai. Song song với đe dọa cấm cửa về tài chính đối với các công ty Trung Quốc làm ăn với Bắc Triều Tiên, Hoa Kỳ sẽ tái khởi động "chương trình chiến tranh giữa các vì sao", của tổng thống Reagan trước đây. Theo đó, các vệ tinh địa tĩnh sử dụng tia laser có thể sẽ được phát triển để đánh lạc hướng các hỏa tiễn của Bình Nhưỡng, ngay trong giai đoạn phóng lên đầu tiên.
Tuy nhiên, một kế hoạch như vậy cũng có nguy cơ thúc đẩy "một cuộc chạy đua vũ trang vô ích giữa Mỹ, Trung Quốc và Nga…".
Đến nước Đức cũng bị "quá khứ hắc ám" chi phối
Trở lại với cuộc bầu cử Quốc hội Đức, Libération hết sức thất vọng. Bài xã luận "Những bóng ma" cảm thán : "Cả nước Đức nữa !... Cộng hòa liên bang Đức, một mô hình dân chủ ổn định, mà dân chúng, cũng như giới tinh hoa, đã rút ra được bài học lịch sử về thảm họa… một nước Đức, thành lũy bảo vệ Liên Hiệp, trụ cột của nền văn hóa hợp tác và thỏa hiệp, gắn bó hơn ai hơn với những mối quan hệ cộng đồng bảo đảm cho nền hòa bình tại Châu Âu, một nước Đức mạnh mẽ và ôn hòa, nay đến lượt mình cũng bị lây nhiễm".
Libération cảnh báo : "Làn sóng mị dân và dân tộc chủ nghĩa, mà người ta những tưởng đã bị ngăn lại sau chiến thắng của Emmanuel Macron tại Pháp, và những khó khăn của nước Anh với kế hoạch hậu Brexit, vẫn tiếp tục hoành hành. Nếu không có một dự án bảo vệ người dân, không một cương lĩnh chung, không một chính sách mạch lạc và một quyết tâm được thể hiện rõ ràng, thì Liên Hiệp Châu Âu dân chủ sẽ không ngừng lui bước trước những bóng ma sống, hiện thân của một quá khứ hắc ám".
Vẫn Libération nhận định : "Kế hoạch (cải cách) Châu Âu của tổng thống Pháp bị đình lại", trước hết là kế hoạch cải tổ khu vực đồng euro, với việc lập một ngân sách và một bộ trưởng tài chính riêng của khối các nước này.
Hậu bầu cử Đức : Cải cách Châu Âu bị đe dọa
Kết quả bầu cử Đức ảnh hưởng trực tiếp đến Liên Hiệp Châu Âu, hiện đang trong giai đoạn tìm đường cải cách. Xã luận Le Monde – với tựa đề "Merkel, nhiệm kỳ thứ tư đầy rủi ro", nhận xét : chắc chắn là bà Merkel sẽ lại đứng đầu chính phủ Đức trong nhiệm kỳ tới, nhưng hiện nay, không ai có thể đoán được trước là thủ tướng Đức sẽ điều hành đất nước cùng các đảng phái nào. Liên đảng CDU/CSU suy yếu, đảng Xã Hội Dân Chủ thì bị nốc ao.
Nước Đức chuẩn bị bước vào "giai đoạn thương lượng" lập chính phủ, giai đoạn chắn chắn sẽ kéo dài trong nhiều tháng. Tình hình tương tự như năm 2013, hoạt động của Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị giảm tốc. Do tỉ lệ ủng hộ cao dành cho đảng cực hữu AfD, và cả cánh tự do, chính phủ Đức dường như sẽ không thể "đoàn kết nhiều hơn" với các thành viên khác của Liên Hiệp Châu Âu, trong các vấn đề chung của khối như đón tiếp người tị nạn, chính sách tài chính hay năng lượng.
Báo Les Echos ghi nhận phản ứng từ phía thủ tướng Đức : "Trong bối cảnh chiến thắng mong manh, bà Merkel khẩn nài các đối tác Châu Âu kiên nhẫn". Thủ tướng Merkel hứa hẹn sẽ hành động có trách nhiệm trong "giai đoạn chuyển tiếp" hiện nay. Trong phát biểu hôm qua, Angela Merkel nhấn mạnh trước hết đến việc "bảo vệ biên giới Liên Âu" và "một đồng euro ổn định", hai chủ đề thu hút cử tri của đảng cực hữu AfD.
Về phía Pháp, Les Echos khẳng định thái độ không thụ động của chính phủ. Hôm nay, tổng thống Emmanuel Macron trình bày quan điểm về cuộc tái lập Liên Hiệp Châu Âu, mà ông chủ trương, tại Đại Học Sorbonne. Một dự án mà tổng thống Pháp muốn thúc đẩy cùng với một nhóm nước, đứng đầu là Đức.
Dự án của tổng thống Pháp mang tên "Châu Âu có chủ quyền, dân chủ và thống nhất". Theo tổng thống Pháp, chỉ thống nhất, Liên Âu 27 nước mới có thể kháng cự hiệu quả trước các thách thức toàn cầu, về tài chính, nhập cư hay khí hậu.
Kế hoạch đầu tư 57 tỉ của Pháp : ưu tiên môi trường
Về Pháp, theo Les Echos, hôm qua, chính phủ công bố kế hoạch đầu tư lớn 57 tỉ euro trong vòng 5 năm, trong đó chuyển sang kinh tế sinh thái và đào tạo nghề là hai lĩnh vực được ưu tiên. 20 tỉ cho chuyển đối sang kinh tế xanh và 15 tỉ cho đào tạo nghề.
Riêng về đầu tư cho sinh thái, phân nửa số tiền được dành cho việc cải tạo hệ thống cách nhiệt nhà ở (với 9 tỉ euro), một phần tư dành để phát triển các phương tiện giao thông không gây ô nhiễm, đặc biệt là để cải tổ hệ thống đường sắt.
Ngày càng ít phụ nữ dùng thuốc ngừa thai
Trong lĩnh vực xã hội, Libération chú ý đến việc ngày càng nhiều phụ nữ Pháp không dùng thuốc ngừa thai. Năm nay là đúng 50 năm kỷ niêm dịp thuốc ngừa thai được phổ biến. Với khả năng tránh thai hiệu quả, thuốc được coi là một biện pháp giải phóng phụ nữ quan trọng. Tuy nhiên, một kết quả điểu tra về vấn đề này công bố hôm qua – trước Ngày Thế Giới Phòng Tránh Thai - cho hay, tỉ lệ phụ nữ từ 20 đến 24 dùng thuốc tránh thai giảm từ 45% năm 2010 còn 36% trong năm ngoái.
Lý do là vì ngày càng nhiều phụ nữ nghi ngờ ngành công nghiệp dược phẩm, khi một số thực tế gần đây với cuộc khủng hoảng 2012 cho thấy thuốc tránh thai có thể để lại nhiều hậu quả phụ về tim mạch hay hô hấp. Để bảo đảm việc chủ động sinh nở, các biện pháp dùng bao su hay vòng tránh thai được dùng nhiều hơn. Tuy nhiên, theo Le Monde, thuốc tránh thai vẫn là biện pháp ưu tiên đối với các thiếu nữ (15 đến 19 tuối), với tỉ lệ 60%.
Trọng Thành